Hương Tràm và Đức Quang – hai thí sinh của “Giọng hát Việt”. ảnh: L.V.P.H
Trước hết là nhà tài trợ. Gọi là tài trợ, nhưng thực ra họ là nhà cung cấp quảng cáo. Không dại gì mà không đáp ứng nhu cầu tăng giá quảng cáo của chương trình “Giọng hát Việt” ngay sau khi scandal dàn xếp kết quả lên đến đỉnh điểm. Càng không dại mà rút lui. Vấn đề là scandal – clip của Phương Uyên – đã đẩy tỉ lệ người xem lên cao, dù nhiều khán giả cho rằng họ sẽ không xem chương trình trên truyền hình mà sẽ xem trên Youtube. Scandal đã đẩy sự tò mò hiếu kỳ của đám đông lên tột đỉnh, khiến dù không muốn xem, họ cũng phải để mắt đến việc kết quả vừa kết thúc vòng đối đầu ra sao – có giống như trong “dàn xếp” đêm chung kết hay không. Và vừa xem, vừa ráp nối thông tin, vừa tức – quả đúng thế thật.
Vậy không có nhà tài trợ nào bỏ cuộc chơi tiền nong vì chiều theo khán giả. Họ đánh hơi thấy từ trong những ồn ào dư luận chính là tiềm năng marketing rất lớn. Cho dù ai tức bực, ai tẩy chay, ai tò mò xem tiếp, họ ung dung với tỉ lệ các spot quảng cáo dày đặc trước, sau và giữa chương trình. Mà có khi xem quảng cáo mà người ta… vơi đi cơn bực, thay như trước đây chỉ chăm chăm chờ kết quả và ngán với các chương trình quảng cáo.
Còn nhớ, khi cuộc chơi truyền hình thực tế Vietnam Idol 2007 đang đứng trước ngã ba đường khi không biết chọn ai – Phương Vy hay Ngọc Ánh – làm thần tượng. Bởi khán giả thích những giấc mơ đẹp cho nhân vật của họ, còn nhà đài, nhà sản xuất thì thích một cái kết vừa lòng thị trường âm nhạc – có ngay một “sản phẩm” đạt cả về hình thức lẫn kỹ thuật, cho dù giọng hát chưa thực nổi bật.
Nhưng đại diện của nhà sản xuất lại cho rằng, quan trọng là làm vừa lòng nhà tài trợ – vốn là một nhãn hàng quảng cáo lớn. Nếu kết quả đáp ứng mong mỏi công chúng – tức Ngọc Ánh lên ngôi – thì chỉ người xem vui mừng. Còn nếu Phương Vy chiến thắng (và trong thực tế là vậy), thì nhà tài trợ còn hăm hở đi tiếp năm sau. Nghĩa là đứng đằng sau những show truyền hình thực tế phải là nhà tài trợ, họ có hài lòng với “sản phẩm” mới ra lò không. Mùa sau, quán quân Quốc Thiên cũng không thực nổi bật. Chính vì thế, mùa thứ ba, nhà sản xuất đổi chủ, từ Cty Promotion Đông Tây sang BHD và chương trình này dời từ sóng HTV sang VTV. Chỉ ở mùa thứ ba, Uyên Linh nổi như cồn.
Thứ nhì là nhà sản xuất. Sau khi “dẹp yên tâm bão” bằng màn kịch lộ liễu, phủ nhận scandal và không thay chức giám đốc âm nhạc, BTC “Giọng hát Việt” chỉ việc tăng giá quảng cáo ở mức cao nhất so với các chương trình khác đang phát sóng trên VTV. Mức giá thấp nhất là 75 triệu đồng cho 10 giây quảng cáo và cao nhất là 180 triệu đồng cho spot 30 giây. Lý do mà họ đưa ra việc tăng giá chính là có quá nhiều khách hàng mà lại không thể tăng thời lượng quảng cáo lên. Họ cũng ngửi thấy mùi tiền từ scandal và cho rằng, sự cao giá của mình là xứng đáng, khi phải hứng chịu “tâm bão” không mấy dễ chịu.
Trên thực tế, nhà sản xuất đã tính trước khả năng dàn xếp kết quả vốn là bản chất của truyền hình thực tế, quan trọng là biết “xử lý” trước scandal. Những chương trình như Tìm kiếm tài năng (Vietnam’s got talent), Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol), Tìm kiếm người mẫu Việt (Vietnam’s Next Top Model) cũng đều quá quen với chiêu này. Vừa khép lại “Bước nhảy hoàn vũ” đầy tai tiếng, lại đến Vietnams Next Top Model 2012 lộ top 6. Chuyện đương nhiên nên năm nay, BTC cuộc thi này không buồn lên tiếng, chỉ gói gọn “không bàn luận về vấn đề này”.
Cuối cùng, nhà đài cũng hưởng lợi nhiều đấy chứ. Quả bóng trách nhiệm đã chạy đến tay người khác, mình ngồi tung hứng cho cuộc chơi nhiều màu sắc, doanh thu truyền hình thực tế khá bộn. Mặc ai thương, ai cảm, ai hận, ai sầu, ai khóc cười, ai phẫn nộ. Có gì mới lạ đâu nào?
Theo Lao Động