Mắt nhắm hờ - Tạp chí Đẹp

Mắt nhắm hờ

Sống

Đó là tư thế… mắt khá phổ biến của những cặp tình nhân khi trao nhận những chiếc hôn đầu. Nhưng không ít người, cứ nhắm mắt hờ mãi cho đến ngày đăng ký kết hôn. Họ không dám, hoặc không muốn mở to mắt ra để “nghiên cứu” người bạn đời. Để khi mắt mở to thì đã muộn.

Cưới rồi tính

M. Nga, một cô gái hiền lành ở một thị xã nhỏ miền Trung, đến tuổi lấy chồng, cô cũng mong tìm thấy người bạn đời vừa ý.

Con trai cùng trang lứa với cô đã đi học, đi làm xa, số ở lại không ai học cao hơn bằng trung cấp y tế của cô. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Trung, một kiến trúc sư, đã làm cô như lạc vào giấc mơ.

Trước kia, gia đình Trung ở gần nhà Nga, đã chuyển vào thành phố từ lúc anh học cấp 2. Nay anh về thăm mộ ông bà, Nga là người quen duy nhất của anh, dù nhắc mãi anh mới nhớ ra.

Sau vài cuộc nói chuyện, Nga có cảm tình với Trung. Nhưng cô vẫn bị “choáng” khi chỉ vài tháng sau Trung khi trở về thành phố, bố mẹ Trung nhờ người mai mối đến hỏi Nga làm dâu.

“Vì sao một anh con trai thành phố lại cưới một cô gái tỉnh lẻ? Trung có yêu cô không? Cô có điểm gì để anh để ý?…”.

Những câu hỏi chạy ngang dọc trong tâm trí Nga, nhưng chỉ có bà mai chia sẻ với cô theo kiểu suy đoán: “Con gái thành phố xinh đẹp, nhưng làm biếng, ham chơi, Trung yêu Nga vì biết chắc cô còn trong trắng. Nga không đẹp, nhưng ít nói, có duyên, hiền lành, đảm đang…”.

Trong khi cô đang phân vân, thì ba má cô lại rất hoan hỉ, mừng cho con gái có một bến bờ trong lành, bởi họ biết cha mẹ của Trung là người lương thiện. Không nhận lời Trung thì… mất một cơ hội, còn nhận lời thì… niềm tin hạnh phúc thật mong manh.

Trung không vồ vập, cũng không lạnh lùng với Nga. Anh đưa ra lời cầu hôn, nhưng không kèm theo sự kiên nhẫn, chờ đợi.

Bà mai đang dò tìm mối khác cho anh. Sau một đêm suy tính, cái được rõ rồi: có chồng, ở thành phố, môi trường làm việc tốt hơn… còn mất cái gì, cô chưa hình dung ra, nhưng cô cũng chẳng còn thời gian để “điều tra” người yêu. Thôi cứ lên xe hoa, với đôi mắt nhắm hờ.

Về làm dâu, Nga thấy rõ ông xã hơn. Anh nhập hộ khẩu cho cô, tìm việc làm cho cô ở một bệnh viện lớn. Nhưng trong lúc cô mang thai, anh hay vắng nhà.

Nghe mẹ chồng góp ý cho con trai: “Quên chuyện cũ đi, mà lo cho vợ con”, Nga mới biết rằng, Trung cưới cô để vơi bớt nỗi đau, người yêu của anh đã kết hôn cùng với một Việt kiều để báo hiếu mẹ cha. Hai người vẫn hẹn hò gặp nhau.

Bà mẹ chồng an ủi Nga, cảm thông với Trung, cho rằng thời gian sẽ làm anh nguôi ngoai. Ngày cô gái kia theo chồng, ra nước ngoài, Trung như người mất hồn. Còn Nga hy vọng có con anh sẽ tập trung vào gia đình.

Không dè, cậu con trai lên ba, bụ bẫm dễ thương, vẫn không giữ được chân Trung ở nhà. Anh lao vào cuộc tình với một cô gái khác, hẹn hò, đi chơi, gọi điện, nhắn tin… như một chàng độc thân.

Với Nga, anh chỉ vắn tắt trả lời vài câu hỏi của cô. Đi làm về, Nga lại ôm con tủi thân, khóc lóc, chờ Trung về để tra hỏi, cằn nhằn. Cha mẹ chồng cũng không còn ủng hộ con dâu.

Ông bà, trách Nga không đủ sức hấp dẫn Trung, không biết giữ chồng và bắt đầu khó tính với cô con dâu lúc nào cũng ủ dột.

Nga hay nhìn sang nhà hàng xóm, nơi có cặp vợ chồng hay chở nhau đi chơi, ông chồng dắt xe cho vợ ra tận cổng mỗi sáng, đi làm thôi mà họ cũng bịn rịn chia tay… Nga lại thở dài. Cô cảm thấy lạc lõng, cô độc trong ngôi nhà lạnh lẽo.

Ly hôn thì hai mẹ con sẽ bơ vơ ở thành phố lớn, vì cô không dám về quê. Cô cũng không đủ kỹ năng để chiếm trái tim Trung. Cô nhớ lại tâm trạng băn khoăn trước ngày cưới, nhớ đến câu hỏi lớn nhất: “Trung có thật sự yêu cô không?”. Mọi sự xảy ra như câu trả lời: “Trung chẳng hề yêu cô!”

T. Giang, một cô giáo cấp 2, không chịu nổi ông chồng keo kiệt, ky bo. Nhưng cô trách mình nhiều hơn. Trong thời gian quen nhau, những lúc đi chơi, đi ăn, anh hay lầm bầm trước hóa đơn, sau khi căng mắt ra xem nhà hàng tính chính xác không.

Anh nhiệt tình lo tiệc cưới hôn lễ, nhưng cứ đổi thay mãi các món ăn, nhà hàng… vì giá cả không hợp lý. Nhiều chủ nhà hàng nóng nảy, không muốn nghe anh kỳ kèo, đòi giảm giá.

Nếu ngày đó Giang mở to mắt, cô đã thấy rõ chân dung của chồng, nhưng vì mắt nhắm hờ nên thấy keo kiệt thành tiết kiệm.

Bây giờ, con còn nhỏ quá, đâu thể lẹ làng ra tòa. Giang đành chịu trận ông chồng ngày nào cũng vặn vẹo hỏi tiền thừa, bị ông chồng nghi ngờ: “Giá gì mà lên nhanh vậy, cô liệu mà tiêu xài, tôi không kham nổi, sữa cho con cũng bớt bớt đi…”.

Không chỉ phụ nữ mà phái nam cũng dễ sa vào trạng thái lâng lâng “nhắm mắt hờ”. Anh Trần Hưng, một nhân viên ngành giao thông, đang điên đầu với cô vợ hay dọa tự tử mỗi khi anh đi sớm về trễ.

Trong thời gian 6 năm qua lại, tình cảm của anh cũng có lúc nhạt nhòa, nhưng anh lại áy náy khi nghĩ đến chuyện chia tay.

Cô đã 29 tuổi, đã trải hết tuổi xuân cho mối tình đầu. Nhưng anh lấy cô không vì lòng thương hại, mà vì yên tâm khi bố mẹ của cô đều là nhà giáo, anh nghĩ cô sẽ là người biết giáo dục con, chiều chồng…

Nhưng càng sống, anh càng hiểu ra bà xã không dịu dàng, đoan trang như bà mẹ vợ. Cô hay ghen bóng gió, nói dai, và còn nặng lời. Tình cảm của anh dành cho vợ sa sút rõ rệt.

Buồn vì chồng lơ là, cô giải sầu với đám bạn bài bạc. Anh nhớ lại, khi chưa cưới, có một lần vào dịp Tết, cô đã làm cho đám bạn anh phục lăn vì tài đánh bài, lúc đó anh rất vui.

Nhưng bây giờ, anh lại không chịu nổi tật xấu đó, nó càng khiến cô bỏ bê gia đình. Nghĩ đến đứa con gái mới hai tuổi, anh không nỡ chia tay. Cuộc sống gia đình khi mở to mắt thật là mệt mỏi.

Giá như…

Gửi tấm thiệp cưới báo tin là gửi vào đời một sự đổi thay lớn. Ngày lên xe hoa là bỏ lại, là từ giã một bến bờ xưa. Tấm thiệp nào, trong kiểu dáng nào, cũng đều giống nhau là báo tin vui. Nhưng tâm tình người gởi thiệp thì không hề giống nhau.

Có người lên xe hoa, tâm hồn vui như màu thiệp, hạnh phúc náo nức… Nhưng cũng có người lên thuyền sang sông, mà “có sóng ở trong lòng”, tâm hồn không thuận theo con nước trôi.

Điều đó tùy thuộc ít nhiều vào tình hình “tuyển nhân sự” tiền hôn nhân. Có người trước đám cưới đã mở to mắt để tìm hiểu người yêu. Vì biết không thể tìm được một người hoàn hảo, tròn trịa, nên họ cũng chẳng ngại, chẳng lạ nhìn vào khuyết điểm của người mình yêu.

Cái nhìn cũng có nhiều ý nghĩa, mục đích. Nhìn thấy để chấp nhận, cảm thông hay nhìn thấy để tìm cách cảm hóa người yêu là tùy vào trái tim và sự hiểu biết, năng lực của người nhìn. Cũng có cái nhìn, để rồi hy vọng, chờ đợi phép màu.

Tuy nhiên, mở to mắt trong khi yêu và trước khi cưới cũng là điều rất cần cho những bước chân đi đến hạnh phúc bớt phiêu lưu, mạo hiểm.

Có người trước khi cưới cũng mở to mắt mà chẳng thấy gì hơn người nhắm tịt mắt. Họ dễ bị rơi vào quan niệm mà người ta hay gọi là “yêu mù quáng”. Có thể, họ bị cuốn vào tiền bạc, địa vị, quốc tịch… hơn là nhân cách của người sẽ chung sống.

Song cũng có cô gái không thật sự nhận ra đâu là giá trị thật giả nơi người đàn ông mình yêu. Họ chỉ mù quáng ở tầm nhìn, nhưng trái tim thì thổn thức, nên thật tình gởi trao.

Còn những người trong bài viết thì lại mắt nhắm hờ. Họ lờ mờ nhận thấy dấu hiệu của sự đổ vỡ, bất ổn. Không có cơn giông bão nào của trời đất, của cuộc đời mà không được báo trước.

Nhưng họ vẫn nhắm mắt hờ, bởi mở to mắt, thấy rõ mọi nguy cơ, có khi họ phải hoãn lại ngày cưới, con thuyền hôn nhân phải tạm biệt một bến bờ, mà tay chèo thì đã mỏi mệt.

Họ nhắm mắt hờ tấp thuyền vào bến. Họ tự bằng lòng “chiến lược” cứ đám cưới, cứ tân hôn, rồi có chuyện gì, sau này sẽ tính.

Hôn nhân và cuộc sống chung, những va chạm thực tế, khiến họ không thể nhắm mắt hờ mãi. Nhưng họ không biết “tính” thế nào cho an toàn, cho không rơi vào bể khổ. Bị gai đâm mà họ không dám nhổ ra vì sợ đau đớn thêm.

Những hệ lụy con cái, tài sản, uy tín, danh dự… không thể nào làm cuộc chia tay nhẹ nhàng. Mở to mắt rồi, mà chỉ nhìn thấy nguyên nhân, hậu quả cứ tiếp theo nhau, chứ họ không thấy được giải pháp.

Tại các trung tâm tư vấn TY-HN-GĐ, các chuyên viên tư vấn hỗ trợ cho họ các “chương trình” nhằm điều chỉnh nhau thông qua việc thay đổi trong lối ứng xử, lời nói, quan tâm. Nhưng gian nan họ gặp vấp phải là tình yêu không còn đủ mạnh.

Bài ca hạnh phúc không thể bắt đầu bằng các ca từ: “Sao em ép anh yêu em…”. Họ cũng trách mình, tiếc nuối, thở dài: “Giá như…”. Không ít người phải chấp nhận giải pháp ly hôn, như một sự trả giá, sau những nỗ lực hàn gắn không hiệu quả.

 Phước Chung

 

 

Các tin liên quan

Tôi chọn…

Thực hiện: depweb

15/03/2008, 13:51