Mặt nạ ngủ ngày càng được nhiều tín đồ skincare ưa chuộng trong việc cải thiện các vấn đề trên da. Vậy sử dụng mặt nạ ngủ như thế nào là đúng và mang lại hiệu quả cao? Sản phẩm này nên nằm ở đâu trong quy trình chăm sóc da của bạn?
Mặt nạ ngủ (hay còn gọi là sleeping mask) xuất xứ từ Hàn Quốc và ngày càng được biết tới rộng rãi tại Việt Nam. Đây là sản phẩm được sử dụng vào ban đêm, giúp cung cấp độ ẩm cần thiết và dưỡng chất cho da trong suốt quá trình ngủ. Khác với mặt nạ giấy, mặt nạ ngủ thường có dạng gel hoặc kem, giúp các dưỡng chất dễ dàng thẩm thấu vào da, đồng thời tạo cảm giác mát lạnh, dễ chịu và không gây bí da.

Nhìn chung, mặt nạ ngủ có công dụng gần giống với mặt nạ giấy, tuy nhiên vì được sử dụng trong quá trình cơ thể đang ngủ sâu nên dưỡng chất có nhiều thời gian hơn để thẩm thấu vào da, từ đó mang lại hiệu quả mạnh mẽ. Một số công dụng chính của mặt nạ ngủ có thể kể đến:
Cung cấp độ ẩm cho làn da: Trong suốt quá trình ngủ, làn da dễ dàng bị mất nước, trở nên khô và thô ráp, đặc biệt là khi bạn ngủ dưới máy lạnh suốt thời gian dài. Lý do là bởi máy lạnh làm giảm độ ẩm trong không khí, khiến nước trên da bay hơi nhanh, từ đó mất đi độ ẩm tự nhiên cần thiết, ngoài ra, sự thay đổi đột ngột giữa nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có thể khiến da bị “sốc nhiệt”.
Mặt nạ ngủ chính là “cứu tinh” cho hiện tượng này khi có các hoạt chất “vàng” để giữ ẩm và khóa ẩm cho da như Hyaluronic Acid, Glycerin, Ceramide,… vì vậy có thể giúp cấp ẩm sâu, giúp da không bị mất nước trong suốt quá trình ngủ. Sau khi thức giấc, bạn sẽ thấy làn da của mình trở nên căng bóng, mọng nước và đàn hồi.

Cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho làn da: Bên cạnh khả năng cấp ẩm cho da, mặt nạ ngủ còn bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho da như vitamin, khoáng chất với nồng độ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Nếu mong muốn cải thiện các vấn đề về thâm mụn, nám, tàn nhang trên da, hãy ưu tiên sử dụng mặt nạ ngủ có các hoạt chất như Niacinamide và Vitamin C. Đối với những bạn có làn da dầu mụn, hãy lựa chọn mặt nạ ngủ có các thành phần từ thiên nhiên như tràm trà và hoa cúc bởi những hoạt chất này có tác dụng kháng viêm, trị mụn và giảm mẩn đỏ trên da.

Chống lão hóa và cải thiện cấu trúc da: Ban đêm là thời điểm “vàng” trong ngày để làn da được phục hồi, đào thải những tế bào chết và tái tạo tế bào mới. Mặt nạ ngủ giúp thúc đẩy quá trình này hoạt động nhanh hơn, giúp giảm viêm, làm lành các vết thương một cách hiệu quả. Đồng thời, loại mặt nạ này còn có khả năng kích thích sản sinh Collagen và Elastin – hai protein quan trọng giúp da săn chắc và đàn hồi, từ đó giúp cải thiện độ chảy xệ, nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa khác trên da.
Sắp xếp chu trình skincare một cách hợp lý và khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc “đảo lộn” các bước dưỡng da có thể gây phản tác dụng, từ đó xuất hiện nhiều vấn đề về da. Vì vậy việc tìm hiểu các bước sử dụng mặt nạ ngủ đúng cách là cần thiết để sản phẩm này hoạt động hiệu quả và an toàn.
Làm sạch bề mặt da: Làm sạch luôn là bước quan trọng nhất trong mọi chu trình chăm sóc da. Loại bỏ bụi bẩn và lớp makeup thật kỹ lưỡng trên da trước khi sử dụng mặt nạ ngủ giúp da thông thoáng và tăng hiệu quả thẩm thấu của sản phẩm. Các tín đồ skincare cần lưu ý lựa chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng da để không gây kích ứng và các vấn đề về da khác.
Cân bằng độ ẩm trên da: Sau khi rửa mặt xong, làn da sẽ mất độ cân bằng pH, đặc biệt là với những cô nàng có làn da khô. Vậy nên khi sử dụng toner, bạn lưu ý dùng đầu ngón tay vỗ nhẹ lên bề mặt da để dưỡng chất thấm đều, giúp giãn nở lỗ chân lông và khiến các sản phẩm ở những bước chăm sóc da tiếp theo thẩm thấu sâu hơn.

Thoa kem dưỡng da: Nhiều bạn nghĩ rằng khi dùng mặt nạ ngủ thì không cần sử dụng kem dưỡng ẩm, tuy nhiên điều đó là hoàn toàn sai lầm. So với mặt nạ ngủ, kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng nhẹ hơn, có tác dụng tạo nền tảng để các dưỡng chất trong mặt nạ ngủ dễ dàng đi sâu vào da hơn. Nhờ vậy, làn da được nuôi dưỡng tối ưu, thúc đẩy quá trình phục hồi và tái tạo trong khi ngủ.
Đắp mặt nạ ngủ và rửa mặt sau khi thức dậy: Trước tiên, bạn hãy sử dụng muỗng hoặc tay sạch để lấy một lượng mặt nạ ngủ vừa đủ rồi nhẹ nhàng thoa đều lên mặt. Bạn cần lưu ý thoa theo hướng từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài để tránh tình trạng da bị chảy xệ. Ngoài ra, bạn cần tránh đắp vào những vùng da nhạy cảm, mỏng manh như vùng mắt và môi. Sau đó, hãy massage nhẹ nhàng trong khoảng 1-2 phút để mặt nạ ngủ thẩm thấu vào da. Khác với mặt nạ giấy hay mặt nạ đất sét, bạn hãy để mặt nạ ngủ trên da qua đêm và rửa mặt thật sạch bằng nước ấm vào sáng hôm sau để tránh tình trạng bít tắc lỗ chân lông.

Mặt nạ ngủ là sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng bởi sự tiện lợi và có hiệu quả dưỡng ẩm qua đêm vượt trội. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau để sử dụng mặt nạ ngủ đúng cách và mang lại hiệu quả tốt nhất.
Không nên thoa mặt nạ ngủ quá dày: Dù mặt nạ ngủ có thời gian để hấp thụ vào da khá lâu nhưng bạn không nên thoa một lớp quá dày, vì điều này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa độ ẩm, da sẽ bị bí, khó hấp thu dưỡng chất và tích tụ dầu thừa, bã nhờn trong các lỗ chân lông. Đây chính là những “thủ phạm” tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và mụn “lũ lượt” kéo đến.
Tần suất sử dụng mặt nạ ngủ: Mặt nạ ngủ là sản phẩm có đặc tính cấp ẩm cao nên bạn không nên đắp với tần suất quá dày đặc. Những bạn có làn da khô hay da hỗn hợp có thể sử dụng mặt nạ ngủ khoảng 3-4 lần/tuần để có thể đảm bảo đủ độ ẩm trên da. Còn đối với những bạn có làn da dầu thì chỉ nên đắp 1-2 lần/tuần để tránh tình trạng thừa ẩm và “phản tác dụng”.