Những người mang mặt nạ, chắc hẳn có lý do. Họ không muốn người khác nhìn thấy khuôn mặt thật của mình. Cũng như, không muốn “Vạch áo cho người xem lưng” là tâm lý khá bình thường của người đang có một “cái lưng không đẹp lắm”. Dư luận hay buông ra những suy nghĩ “ lệch lạc” khiến họ ngán ngại. Đối với nhiều người, khi cuộc hôn nhân có vấn đề, lại càng là chuyện cần bưng bít, che đậy.
Lừa người – Lừa mình
1. Một nữ tiến sĩ khá nổi tiếng, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ở Tp.HCM, hay xuất hiện trên truyền hình, trông bà rất vui tươi, dí dỏm. Nhưng ít ai biết bà đang rất đau khổ vì đứa con trai duy nhất, rất căm hận mẹ, đang trong Trung tâm cai nghiện ma túy. Nhất là sau cái chết của bố, cậu con trai lại càng ương bướng, xa lánh mẹ.
Theo cậu, cuộc hôn nhân bế tắc, lạnh nhạt đã khiến ông bố không chống đỡ nổi những cơn đau tim, một hệ quả kéo theo của căn bệnh tiểu đường. Trong đó, bà mẹ đã phạm không ít lỗi lầm.
Công việc bận rộn khiến bà không còn thời gian chăm sóc gia đình. Dường như cái bếp chỉ còn là chỗ của ông chồng. Nhưng điều khiến ông phiền não là bà bắt đầu giao lưu nhiều hơn, vui hơn với một nam đồng nghiệp người nước ngoài. Tất nhiên là giữa hai người chỉ có công việc, nhưng các đề tài khoa học hấp dẫn khiến họ luôn muốn trò chuyện, gặp gỡ nhau.
Ông muốn có thêm một đứa con, bà không “duyệt” vì bận công tác. Bà cũng bắt đầu cảm thấy ông xã như một kẻ cản đường. Hai vợ chồng đã ăn riêng, ngủ riêng trong một căn nhà rất đẹp, nhưng với người ngoài, bà vợ vẫn tỏ ra là một người đàn bà thành đạt và hạnh phúc. Bởi dù sao ông xã bà cũng là một người đàng hoàng, có địa vị, học thức.
Sự có mặt của ông trong các câu chuyện bà kể cho bạn bè, vẫn là một ông chồng dễ thương, chiều chuộng vợ. Điều đó, dập tắt mọi nghi ngờ, đồn thổi về mối quan hệ nam nữ mới mẻ của bà. Với sự che đậy khéo léo của mình, bà trở thành thần tượng, thành nhà tư vấn cho các cô gái trẻ trong cơ quan về lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Ông xã bà qua đời, ai cũng biết vì bệnh hiểm nghèo. Nhưng bà lại đang đối đầu với một nỗi lo khác: sự sa ngã của cậu con trai. Đó là một thất bại to lớn của người mẹ, và liệu con trai có chịu giữ kín chuyện “lộn xộn” trong gia đình bà.
2. Cũng khá nổi tiếng vì tài năng, địa vị và hay tham gia hoạt động xã hội, nên ông H cũng cố che đậy “đống rác dưới thảm” ở nhà mình. Cho đến khi lo xong đám cưới cho cô con gái út, rồi chờ đến ngày về hưu, ông mới mua một căn nhà nhỏ ở Hóc Môn để được sống yên thân.
Trong thời gian còn tại chức, ông cố ra vẻ thanh thản, thoải mái với mọi người, dù trong lòng khốn khổ vì bà vợ hay tìm cớ lên Đà Lạt, để được gần người yêu cũ. Vợ ông cũng dịu dàng, ân cần với ông, dù trong lòng đã chán chường người đàn ông “có cũng như không”.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua, đồng nghiệp, bạn bè đều mơ được hạnh phúc như vợ chồng ông. Ông không còn ai để chia sẻ, cứ dồn sức vào công việc.
Vợ ông lấy cớ ăn kiêng để không cùng mâm với chồng. Sau cuộc ly hôn thầm lặng, ông nhận ra: “Tôi không đeo chiếc mặt nạ hạnh phúc trước mặt con cái, người quen… nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên. Tôi tự dằn vặt mình, vì sao không làm hết sức mình để bảo vệ hạnh phúc”.
3. Bị chồng đánh đến mức nằm viện, nhưng chị Q.T phải nói dối bác sĩ là té xe, bở
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên |
i chị là một giảng viên đại học, chồng cũng là một đồng nghiệp.
Thật khó sụt sùi với người ngoài về chuyện ông xã đã “chán cơm”. Chị cũng không dám tin vào sự thật, có một cô bé sinh viên, hình ảnh của chị mười năm về trước, đang làm chồng chị say đắm. Chị cứ phải “giấu được tới đâu hay tới đó”.
Vào những dịp lễ tình nhân, hay ngày 8 tháng 3, chị tự mua cho mình những món quà đắt tiền, rồi khoe với bạn bè là quà của chồng tặng. Được bà vợ che đậy quá kỹ, nên ông chồng cứ từng bước tiến lên. Cho đến lúc phải ra tòa vì anh ta “cạn tàu ráo máng”, chị mới biết mình đã vô tình “nối giáo cho giặc”.
Chiến lược tạm thời
Mang mặt nạ hay “giấu rác dưới thảm”, hoặc “không vạch áo cho người xem lưng”, là một sách lược tình thế, để đối phó với dư luận. Thoạt nhìn, kế sách này thật thuận lợi: hàng xóm không bị làm phiền, cơ quan đoàn thể không bị quấy rầy… Nhưng sự thật vẫn không thể đổi thay được.
Chiếc mặt nạ sẽ làm người mang nó cảm thấy vướng víu. Rác dưới thảm không tự tiêu hủy, và cái lưng bị che đậy của bạn không có cơ hội để tự lành lặn, tốt đẹp.
Đa số các cặp vợ chồng thực thi sách lược mặt nạ, đều đặt ra mốc thời gian, hoặc chờ thời cơ lật tẩy nhau. Thông thường, nhất là họ chờ đến lúc con cái khôn lớn, vào đại học, lập gia đình, sẽ “xử nhau” theo quy định của luật pháp. Và trong thời gian chờ ra tòa, họ muốn mọi người nghĩ rằng, họ vẫn là những người thành đạt và hạnh phúc.
Vì sao họ lại muốn người ngoài nhìn họ qua chiếc mặt nạ do họ tự trang trí? Đó phải là một chiếc mặt nạ xinh đẹp và vừa vặn với khuôn mặt của họ, để không dễ bị phát hiện. Bởi họ là những người yếu đuối và sợ hãi. Dư luận là bóng ma đối với họ.
Họ sợ bị lên án, chỉ trích chê bai. Nhưng càng che đậy, nỗi sợ hãi không mất đi, mà cứ tăng dần lên. Một ngày nào đó, một lúc nào đó, khi họ không còn diễn được tròn vai và ai đó khui ra được sự thật, dù vô tình hay cố ý đều trở thành người “khống chế” được người mang mặt nạ.
Tháo chiếc mặt nạ ra, hay tiếp tục mang nó là quyền của bạn. Nếu bạn cảm thấy chiếc mặt nạ khiến cho bạn an toàn, danh dự của mình được bảo vệ, thì bạn cứ tiếp tục giữ nó. Nhưng bạn đừng quên chăm sóc khuôn mặt thật của mình. Nhiều người hay đồng hóa mặt nạ và mặt thật của mình.
Một chiến lược khác để bạn tham khảo. Thay vì “giấu rác dưới thảm”, đeo mặt nạ, các nhà tâm lý có lời khuyên: vợ chồng nên cùng nhau, giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi nó đang là chuyện vặt.
Đối thoại giữa hai người rất cần thiết để giải tỏa ngay những bất hòa, để không phải lấn cấn “bằng mặt mà không bằng lòng”. Có thể đau đớn, khổ sở, và có khi chấp nhận sự đổ vỡ. Song đừng né tránh sự thật. Che đậy với người ngoài cũng là đang tự an ủi mình, nhưng rồi hàng ngày bạn cũng phải đối diện với khuôn mặt thật của mình.
Người ta có câu “Xấu che tốt khoe”, không ai dại gì biến chuyện nhà mình thành đề tài cho dư luận bàn tán. Điều quan trọng hơn, là vợ chồng hãy giúp nhau bớt xấu đi, để không còn phải tìm cách che nữa.