Nhưng nếu đọc “Mặt nạ – treo gương trong phòng ngủ” của Tinna Tình và xem show diễn “Thức tỉnh” giới thiệu cuốn sách này ( kết hợp trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật như nhiếp ảnh, điêu khắc, hội họa, múa đương đại), bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ.
Cảm nhận rõ nhất về cuốn sách này đó là sự chân thực. Chân thực trong lối viết cũng như trong cách miêu tả chi tiết từng câu chuyện về cuộc đời nhân vật Ginna Quỳnh bên cạnh các nhân vật mà người đọc có thể liên tưởng đó là cô A, anh B, chị C… Hầu như không có sự tô vẽ hoa mỹ như cách những người nổi tiếng vẫn hay làm để tạo dựng lên một hình ảnh không biết có được bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó.
Những lóng ngóng, thất bại, cám dỗ thuở ban đầu của một người giờ đã nổi tiếng được phơi bày, không ngượng ngùng, che giấu. Cả những chiếc mặt nạ đẹp đẽ của rất nhiều người khác nữa cũng dần được mở ra. Và chúng có thể sẽ khiến bạn đọc bất ngờ: đó là một ca sĩ – diễn viên hạng A chỉ vì một vai diễn mà dùng bùa ngải để “chơi” người khác; một ông bầu vung tiền và những lời hứa hẹn về danh vọng để mua người đẹp; một giám đốc công ty taxi nổi tiếng ngời ngời nhưng “không trả nổi” tiền tác quyền ca khúc đã đặt hàng người ta viết cho doanh nghiệp mình; một cô nhà báo bệnh hoạn, có vấn đề về tình dục; hay người đàn ông nổi tiếng mà Ginna Quỳnh âm thầm làm người tình trong im lặng suốt sáu năm…
Không đọc kiểu xét nét như đối với một nhà văn thực thụ, mà là đọc văn của một người trẻ lần đầu cầm bút, một cô gái lớn lên ở Đông Âu, độc giả sẽ cảm nhận được một Tinna Tình đa tính cách và có nhiều điều thú vị tích cực để khám phá.
Ca sĩ – diễn viên Tinna Tình: Vì sao cái xấu phải che đậy?
Nhiều người cho rằng câu chuyện trong “Mặt nạ – treo gương trong phòng ngủ” rất gần gũi với cuộc sống thật của Tinna và những người xung quanh.
Tuy nhiên, đây là tiểu thuyết, không phải tự truyện. Rõ ràng, trong showbiz không có ai tên Đạo, Đức hoặc anh Kèn, anh Tí… Tinna rất hiểu luật đời tư của mỗi người nên đã suy nghĩ rất kỹ và hết sức cẩn trọng khi viết cuốn sách này.
Tại sao cái xấu lại buộc phải che đậy? Tinna muốn chia sẻ với mọi người về giá trị của sự chân thật. Trước khi cuốn sách ra đời, Tinna đã hỏi ý kiến của rất nhiều người, ở nhiều lứa tuổi, trong đó có một số nhà văn, nhà báo để được nghe những lời góp ý thẳng thắn, chỉnh sửa cho phù hợp rồi mới quyết định phát hành.
Để làm được show nghệ thuật đích thực, cần phải có sáng tạo, tư duy và rất nhiều công sức của bạn bè yêu nghệ thuật. Còn chỉ đơn giản là có tiền, người ta chỉ có thể đi mua được ví, giày hay áo thôi. Tinna không thừa tiền để mua những món đồ bạc tỉ, nhưng nếu có tiền, Tinna không tiếc để làm những show có ý nghĩa. Sau show diễn, nhìn những nụ cười, ánh mắt xúc động với những cái bắt tay thật chặt từ khán giả và bè bạn cùng tham gia, bao nhiêu công sức, mệt mỏi, căng thẳng tan biến hết. Điều đó có tiền cũng không mua được. Giải quyết những vấn đề căng thẳng, thậm chí tồi tệ một cách nhẹ nhàng và có văn hóa là giải pháp Tinna lựa chọn. Đọc cuốn sách, có lẽ mọi người cũng không khó nhận ra điều đó.
Lê Thanh Hải, đạo diễn chương trình “Thức tỉnh”: Tinna có tâm và lửa để làm nghệ thuật
Theo thống kê của nhà văn Nguyễn Quang Lập thì 100% phụ nữ viết văn đều không đẹp. Tinna là một ngoại lệ. Cô ấy không chỉ đẹp mà còn đẹp một cách cá tính. Tôi đã có hai mươi mấy năm lăn lộn với nhiều ngành nghệ thuật, việc gây cảm hứng cho tôi xây dựng một chương trình quy mô không dễ chút nào. Nhất là trong hoàn cảnh kinh tế “trầm lắng đến mức thẫn thờ” ngay cả với giới thương gia chứ đừng nói là những người làm nghệ thuật.
Nhưng vấn đề quan trọng lúc này không phải có nhiều hay ít tiền. Có nhiều hay ít tâm mới quan trọng, mới giúp người ta vượt qua khó khăn để làm điều có ý nghĩa cho người khác, cho cộng đồng… Tinna thật sự có cái tâm đó, cộng thêm cái lửa để làm nghệ thuật.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Cô ấy biết quan sát và không làm dáng chữ nghĩa
Lần đầu đọc bản thảo, tôi không biết người viết là Tinna Tình, vì không có tên tác giả. Tôi đã nói thẳng với người đưa bản thảo rằng: “Nếu không thích, tôi sẽ nói không thích. Tôi không muốn bị áp lực vì bất cứ lý do gì”. Tôi vốn không muốn dính vô những chuyện này, đặc biệt là với giới showbiz.
Tôi đã không đọc bản thảo với tư cách đọc tác phẩm của nhà văn cùng thế hệ với mình mà đọc một người viết trẻ, để ý xem có gì khác mình, về cách nói, văn phong, câu chuyện… Tôi thấy bản thảo “sạch sẽ”, thú vị, dễ chịu vì người viết không làm dáng chữ nghĩa và rất biết quan sát. Cuốn sách không phải là xuất sắc nhưng có vấn đề để đọc, bằng văn phong của thế hệ mới.
Tôi không tìm cái để chê ở cuốn sách này. Chỉ có một điều là ban đầu, người viết đã không để ý đến thể loại tiểu thuyết hay tự truyện. Nếu để tự truyện, tác giả phải chịu trách nhiệm, chấp nhận những kiện thưa có thể đến vì liên quan đến nhiều người. Còn tiểu thuyết thì có thể hư cấu.
Viết tự truyện là thủ pháp nhiều người (đặc biệt trong giới showbiz) dùng để viết về đời tư. Họ dùng lối ẩn dụ, đổi tên nhân vật khi kể chuyện không hay về người khác… Điều này rất nguy hiểm với người không đủ kinh nghiệm, thường là người trẻ. Do đó, phải có thủ pháp văn học, điển hình hóa nhân vật. Những tính cách đó có thể gặp trong đời sống nhưng không thể nói cụ thể là ai…
Không phải ai viết tác phẩm đầu tay cũng đã thành công ngay. Thời gian sẽ giúp Tinna có thêm kinh nghiệm – kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết để có thể cho ra đời nhiều cuốn sách khác.
Bài: An Nhiên
Ảnh: Lê Thanh Hải