Mật mã tình yêu - Tạp chí Đẹp

Mật mã tình yêu

Sống

Hai vợ chồng chị lấy nhau đã được 20 năm và có 2 người con. Con trai lớn 8 tuổi đang học lớp 3, đứa em gái 6 tuổi học lớp 1. Anh bị câm điếc bẩm sinh, tính tình cũng không được bình thường, hay nóng nảy nhưng rất thương vợ và con.

 

Yêu nhau từ tấm lòng

Chị kể về mối tình của mình với giọng vừa hứng khởi vừa có chút e ngại: “Hồi tui lấy anh cả nhà phản đối, nhưng không hiểu sao hồi đó tui cứ nằng nặc đòi lấy bằng được. Bố mẹ không cho lấy nên tui giận, bỏ qua nhà anh ở, đến lúc ông bà đồng ý tui mới về”.

Hồi đó nhà chị ở Kon Tum rất nghèo, bố mẹ là dân định cư ở Nghệ An vào Tây Nguyên làm thuê, nhà lại đông anh em nên không ai được đi học. Chị từ nhỏ đã đi ở đợ làm thuê cho người ta. Nhà anh cũng nghèo, chỉ có hai mẹ con và một ít đất rẫy. Là hàng xóm, lúc đầu thấy anh bị câm điếc, chị không thèm để ý, nhưng sau đi làm thuê với nhau thấy anh chăm chỉ, cần cù nên thương. Mỗi lần đi làm có gì ăn như trái ổi, khúc mía… anh đều mang cho chị.

Rồi dần dần qua những dấu tay và cái gật đầu của anh chị đã hiểu những điều anh nói. Chị chia sẻ “Giờ chỉ cần anh nhìn tui rùi “a…a” đưa mắt đi đâu đó hoặc ra hiệu vài động tác là tui hiểu anh nói gì liền à, cả hai con cũng thế”. Vì nhà nghèo nên đám cưới của anh chị cũng rất đơn sơ, chỉ làm vài mâm đãi khách và bạn bè.

Ấm tình yêu thương

Anh chị lấy nhau được hai năm thì một người bà con thương vợ chồng nghèo lam lũ nên dẫn xuống Bình Phước chi một mảnh đất nhỏ để dựng nhà và đi làm thuê cho người ta. Từ đó, ai thuê gì làm nấy, dần dần  anh chị cũng xây được căn nhà cấp 4, chị cũng có vốn mở một sạp nhỏ bán rau ngoài chợ. Hai đứa con lần lượt ra đời, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng điều chị hạnh phúc nhất là hai con yêu quý cha hết mực, không tự ti vì cha tật nguyền. Bằng những mật mã tình yêu của người chồng, người cha anh dành cho vợ và hai đứa con mình tất cả tình cảm yêu thương.

Có đi mới biết lòng người

Một buổi sáng, chị đang đi bán rau như mọi ngày thì thấy bụng đau thắt, chóng mặt và ngất xỉu. Mấy chị bán hàng nhờ xe ôm chở chị xuống bệnh viện, chị được chẩn đoán bị viêm ruột thừa nên phải mổ. Khoảng nửa tiếng sau anh và hai con mới vào. Anh cứ chạy hết phòng này đến phòng khác ú ớ tìm vợ nhưng không ai biết anh hỏi gì. Mãi sau có cô y tá chặn lại hỏi đứa con trai mới biết cả nhà đang đi tìm mẹ nhưng không biết nằm ở phòng nào. Ba cha con lại chạy về nhà hỏi mấy người bán hàng nhờ họ dẫn vào tìm chị.

Khi hai đứa con gặp mẹ, chúng chạy vội lại ôm và thi nhau khóc. Anh cũng khóc, tay khua loạn xạ trong không trung như đang nói gì, chị cũng khua lại trả lời anh. Một lúc sau bác sỹ bảo đóng tiền thuốc anh cũng không hiểu gì, cứ túm gấu áo bác sỹ chỉ vào người vợ và nói ú ớ. Chị phải làm thông dịch viên mãi đôi bên mới hiểu được ý nhau.

Vợ nằm viện, ba bố con cứ ở bên cạnh chị suốt, trừ những lúc hai đứa nhỏ phải đi học. Tan học chúng lại chạy vào với mẹ. Còn anh, túc trực bên vợ gần 1 tuần, lúc nào cũng thấy anh giặt giũ, lau mặt, lau tay cho vợ, lấy nước, đút cháo cho vợ ăn rất chu đáo. Nhiều người bệnh trong phòng chọc “như vợ chồng son”. Chị e thẹn không nói gì, còn anh vì không nghe được nên cũng không hiểu, thấy vợ cười cũng cười theo.

Mỗi lần, lúc anh ra ngoài thì chị tranh thủ đi gặp bác sỹ làm thủ tục xuất viện. Anh trở vào không thấy vợ đâu thì chạy quanh hành lang tìm, hốt hoảng về phòng khua tay ú ớ hỏi mọi người nhưng không ai biết. Anh cứ bồn chồn đi đi lại lại quanh giường bệnh để chờ vợ, nhìn anh ai cũng thương.

Lát sau chị quay lại, anh chạy lại chỉ vào người chị và khua tay loạn xạ, ú ớ to tiếng và gương mặt ra chiều giận, trách chị sao đi đâu không bảo. Chị ngại mọi người nên ra dấu anh im lặng và bảo đi về giường, lúc này anh mới chịu yên lặng và cầm xấp giấy xuất viện của vợ đưa cho, chị ra hiệu là chuẩn bị về nhà. Mọi người trong phòng hỏi, chị mới nói: “Ổng tưởng em bỏ về hay bị bác sỹ bắt đi mổ gì rồi nên ổng sợ vậy đó”.

Nhìn anh vui vẻ, ân cần dìu chị ra khỏi phòng về với công việc buôn bán, ai trong phòng cũng tư lự “Mấy ai lành lặn mà thương vợ được như thế”. Chỉ mong cuộc sống phía trước của cả gia đình chị sẽ bớt khó khăn, không bệnh tật gì.

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

02/08/2012, 16:54