Nếu bạn đang trì hoãn những việc đã ấp ủ từ lâu như giảm cân, chăm sóc da hay bắt đầu chế độ dinh dưỡng mới, hãy tìm cách xốc lại tinh thần và thực hiện chúng ngay đi thôi. Đẹp tặng bạn 8 lời khuyên dễ thực hiện để tiếp thêm động lực hoàn thành “check list” còn đang dang dở.
Khi cảm thấy mất động lực, bạn có thể nghĩ ra hàng vạn lý do để trì hoãn việc cần làm. Ví dụ như khi đứng trước dự án nằm ngoài chuyên môn của mình, suy nghĩ đầu tiên của bạn sẽ là “Khó quá!” hoặc “Mình sẽ chẳng làm được đâu”. Nhưng chính điều này sẽ làm bạn cảm thấy bế tắc hơn. Thay vào đó, hãy thử thuyết phục bản thân bằng những thông điệp tích cực như “Tuy việc này khó thật, nhưng mình có khả năng thích ứng nhanh nên kết quả sẽ ổn thôi!” Kiểu lập luận này cho bạn thấy hai mặt của vấn đề, đồng thời khiến bạn cảm thấy lạc quan hơn khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn.
Bạn có thể nghĩ rằng nghiêm khắc với bản thân là cách tuyệt vời để lấy lại động lực. Nhưng một nghiên cứu tại Đại học California đã chỉ ra rằng lòng trắc ẩn giúp bạn vực dậy tinh thần tốt hơn. Thay vì cứ dằn vặt chính mình bởi những lỗi lầm trong quá khứ, hãy chấp nhận nó và bước tiếp. Bạn cũng có thể tự hỏi: “Mình sẽ nói gì nếu bạn thân gặp vấn đề này nhỉ?”, bởi phần lớn chúng ta có xu hướng tử tế với người khác hơn cả chính mình. Hãy cố gắng dành 5-10 mỗi ngày động viên bản thân bằng những thông điệp tích cực nhé.
Bạn thường cảm thấy ngán ngẩm khi phải trả lời email, tham gia cuộc họp đột xuất, hay bỗng dưng phải thuyết trình trước đám đông,… Những lúc thế này, quy luật 10 phút có thể giúp bạn “dễ thở” hơn – Hãy cho phép bản thân “đăng xuất” khỏi việc mình không thích sau 10 phút. Khi bạn đạt đến mốc thời gian này, hãy tự hỏi xem mình muốn tiếp tục hay bỏ cuộc. Nhiều khả năng bạn vẫn còn động lực để làm tiếp. vì chỉ cần vượt qua những phút đầu, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy nếu bạn thiếu động lực để bắt đầu làm một báo cáo nhàm chán hay lê bước đến phòng gym, hãy sử dụng quy tắc 10 phút để thúc đẩy bản thân hành động nhé!
Dành thời gian ngoài trời như đi dạo, trekking hoặc dã ngoại có thể tiếp thêm động lực cho bạn. Nghiên cứu từ British Journal chỉ ra rằng chỉ cần đi dạo hơn 1 km cũng giúp não bộ giảm căng thẳng, vì thiên nhiên có tác dụng chữa lành rất tốt. Vì vậy, thay vì đi bộ trên con phố đông đúc kẹt cứng người và xe, hãy đến công viên hoặc vườn bách thảo để hít thở không khí trong lành, lấy động lực “đối phó” với đống công việc còn sót lại.
Cảm xúc của bạn đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu muốn tìm lại động lực. Nếu bạn buồn, chán, cô đơn hoặc lo lắng, giải quyết một việc đơn giản cũng trở nên mệt mỏi. Hãy cải thiện tâm trạng bằng cách làm đan xen những việc bạn phải làm với thứ mình thích, chỉ cần đảm bảo rằng những niềm vui nho nhỏ đó không làm giảm hiệu suất của bạn. Có thể những phần thưởng này sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn, và thậm chí mong chờ làm những việc mình không thích thường xuyên hơn đấy! Dưới đây là một số gợi ý:
1. Nghe nhạc trong lúc chạy bộ.
2. Tán gẫu với bạn thân trong khi dọn dẹp nhà cửa.
3. Đốt nến thơm khi đang làm việc.
4. Bật series Netflix yêu thích trong khi gấp quần áo.
Tìm đâu ra động lực khi bị choáng ngợp với cả đống việc cần làm? Hãy nhớ rằng hầu hết chúng ta đều cho rằng mình có thể hoàn thành công việc nhanh hơn dự kiến. Bạn có thể nói với sếp: “10 phút nữa em sẽ gửi lại báo cáo!” nhưng đến cuối ngày bạn vẫn chưa xong là chuyện bình thường. Hãy kiểm tra xem danh sách việc cần làm của bạn có dài quá không. Nếu có thì hãy mạnh dạn loại bỏ những đầu việc không cần thiết ngay lập tức. Chỉ cần những thay đổi nhỏ cũng khiến danh sách này trở nên khả thi hơn, và vì thế bạn sẽ có thêm động lực để bắt tay thực hiện chúng.
Bạn sẽ còn mất động lực chừng nào bạn còn “bỏ bê” bản thân. Ngủ không đủ, ăn uống thiếu lành mạnh, làm việc quá sức chỉ là một số ví dụ khiến tinh thần xuống dốc và thường xuyên cảm thấy chán nản. Hãy lên kế hoạch “yêu bản thân” để chăm sóc kỹ càng tâm trí và cơ thể của mình với những gợi ý sau đây:
1. Tập thể dục đều đặn 20-30 phút mỗi sáng.
2. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
3. Dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để giải trí, đọc sách hoặc xem phim.
4. Tránh những thói quen xấu như ăn uống vô độ hay sử dụng quá nhiều rượu.
Hãy tạo động lực cho bản thân bằng cách tự thưởng những phần quà nho nhỏ mỗi khi hoàn thành mục tiêu đề ra. Ví dụ, nếu bạn cần xong gấp bản báo cáo, bạn có thể áp dụng những cách sau:
1. Viết 500 từ, sau đó nghỉ 10 phút.
2. Ăn một miếng bánh sau 30 phút làm việc.
3. Làm việc 20 phút, sau đó dành 5 phút để lướt mạng.
Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng phần thưởng không xung đột với nỗ lực của bạn. Nếu sau mỗi buổi tập gym, bạn lại thưởng cho mình thanh chocolate thì mọi thứ sẽ hoá “hư vô”. Thế nên, tìm ra phần thưởng phù hợp cũng là cả một nghệ thuật!