Mắt đẹp “vượt” tuổi tác

Đừng quên rằng thị lực luôn đi ngược chiều với tuổi tác. Với những thói quen tốt, bạn đang tạo cho mình một người vệ sĩ để bảo vệ đôi mắt dù cho tuổi tác tăng lên theo thời gian.


 

Độ tuổi 30

Tuổi này cũng là tuổi ngồi trước màn hình máy tính với cường độ nhiều nhất. Lúc này mắt vẫn còn sáng đẹp nhưng đừng chủ quan, đừng bao giờ đi ra ngoài trời mà quên kính bảo vệ mắt. Bạn cần bảo vệ mắt tránh khỏi tia cực tím từ ánh sáng mặt trời ở mọi độ tuổi.

“Tia UV có thể gây nên nhiều bệnh về mắt, làm tăng tỉ lệ cận thị và có thể gây ung thư vùng da quanh mắt” bác sĩ Alice Lyon, giám đốc Khoa võng mạc, trường Y, Feinberg, Đại học Northwestern, Mỹ, khuyên. Những biểu hiện như mỏi mắt, nhức mắt và có thể gây chứng mỏi mắt dẫn đến đau đầu là lời cảnh báo từ Hiệp hội nhãn khoa Mỹ về những người thường xuyên làm việc với máy vi tính mà không cho mắt được nghỉ ngơi.

Hãy giúp đỡ đôi mắt tránh được những “mối nguy” này bằng cách đặt màn hình máy tính cách xa mắt trên 50cm, nhưng không nên quá xa đến mức bạn khó nhìn thấy chữ, bởi nếu thế mắt bạn sẽ phải điều tiết nhiều hơn. Nên tập cho mình thói quen tạm thời rời mắt khỏi màn hình máy tính sau một thời gian nhất định, đây là thời gian cho mắt được thư giãn.

Hãy nhắm mắt trong một lúc hoặc thay đổi điểm nhìn, ngồi thư giãn và nhìn ra xa một điểm nào đó. Khi dùng máy tính, nên có thêm tấm kính chắn phản xạ để bảo vệ mắt khi phải nhìn vào màn hình quá lâu.

Độ tuổi 40

Ở độ tuổi này, cơ thể dễ tích tụ mỡ và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, một trong những bệnh được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù ở phụ nữ trung niên.

Để tránh xa căn bệnh này, duy trì chế độ luyện tập thể dục thường xuyên, ít nhất khoảng 20-30 phút một lần và 3 ngày trong tuần. Đương nhiên cũng không thể quên là bạn cần hạn chế lượng chất ngọt nạp vào cơ thể ở mức độ cho phép.

Thêm vào đó, lúc này bạn dễ bị tật viễn thị (nhìn xa mới thấy rõ); bệnh đục thủy tinh thể, căn bệnh mà ánh sáng bị hạn chế không đến được tới võng mạc; bệnh thoái hóa hoàng điểm – căn bệnh xuất hiện khi võng mạc bị thoái hóa; hoặc bệnh tăng nhãn áp, bị gây ra bởi thần kinh thị giác phải chịu những áp lực ngày một tăng…

Chính vì thế, cần kiểm tra mắt theo định kỳ, kiểm tra khả năng hoạt động của cơ mắt, cũng như soi võng mạc để kiểm tra các bệnh loạn thị, viễn hoặc cận thị. Nên duy trì việc đi khám và kiểm tra này định kỳ hàng năm.

Độ tuổi 50

Tuổi này cần chú ý đến chế độ ăn uống, cung cấp đủ vitamin và những chất cần thiết cho mắt. Những loại rau xanh như rau bina, rau cải hoặc cải xoăn là những loại rau chứa nhiều chất lutein và zeaxanthin, những chất được chứng minh là làm hạn chế bệnh thoái hóa hoàng điểm. Ngoài việc ăn nhiều những loại rau này, bạn cần ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin E và C, beta-caroten, kẽm, omega-3… đây cũng là những chất được coi là “người trợ giúp” cho việc giảm thị lực khi tuổi tác càng cao.

Độ tuổi này đang phải chịu đựng các triệu chứng mãn kinh, hóc-môn suy giảm và quá trình “sản xuất” nước mắt tự nhiên cũng bị giảm đi. Lượng hóc-môn giảm có thể khiến mắt bị khô và trở nên dễ bị kích thích trước sự tác động của các yếu tố môi trường như bụi bẩn, dược phẩm, kính sát tròng.

Hãy đến bác sĩ kiểm tra và loại trừ khả năng có thể gây nhiễm trùng cho mắt, hoặc phát hiện khả năng miễn dịch của mắt bị suy giảm. Khi mắt bị những tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn những loại thuốc nhỏ mắt, hoặc hướng dẫn cho bạn sử dụng loại nước mắt nhân tạo.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt thế nào cho đúng?

Một lọ thuốc nhỏ mắt sau khi đã mở nắp, không nên dùng quá 15 ngày. Vì thời gian này, các chất sát khuẩn không còn tác dụng với những vi khuẩn, vi nấm đã theo không khí vào thuốc. Bạn không nên thấy thuốc vẫn còn mà giữ lại để sử dụng tiếp. Khi nhỏ mắt bạn cũng nên tránh chạm vào đầu lọ thuốc, nằm ngửa, kéo nhẹ mi dưới và mỗi lần chỉ nhỏ từ 1-2 giọt. Ngoài ra, bạn cũng không nên nhỏ nhiều loại thuốc nhỏ mắt một lúc, 2 loại thuốc phải nhỏ cách nhau ít nhất 15 phút để tránh thuốc tương tác với nhau và tránh thuốc tràn ra ngoài. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau: thuốc vệ sinh mắt, thuốc điều trị tăng nhãn áp, chữa đục thủy tinh thể… Nhưng nhiều nhất vẫn là kháng sinh hay kháng sinh kết hợp với corticoid. Do vậy, để bảo đảm điều trị đúng bệnh, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mà nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn mua loại thuốc thích hợp.

Hoàng Anh
Theo Mốt & cuộc sống

From the same category