Để bù đắp cho những lời văn tự sự trong sách Nguyễn Nhật Ánh, ở “Mắt biếc”, Victor Vũ chiêu đãi khán giả bằng những khung hình tuyệt đẹp, cảm tưởng có thể cắt một cảnh bất kỳ để làm hình bưu thiếp.
Sau dịp cuối tuần đầu tiên ra rạp, “Mắt biếc” đã thu về tới hơn 50 tỷ đồng doanh thu. Một bộ phim tâm lý-tình cảm Việt thông thường với dàn diễn viên trẻ có phần ít tên tuổi sẽ khó lòng đạt được thành tích trên.
Tuy nhiên, “Mắt biếc” là ngoại lệ, với sự kết hợp của ba thương hiệu đình đám: câu chuyện gốc của nhà văn “best-seller” Nguyễn Nhật Ánh được kể lại bằng hình ảnh bởi đạo diễn Victor Vũ và cộng hưởng cảm xúc từ phần âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh.
Phiên bản chuyển thể tròn trịa
“Mắt biếc” là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Nguyễn Nhật Ánh và từng được giới thiệu tới độc giả Nhật Bản.
Lý do mà cuốn sách gốc, xuất bản lần đầu năm 1990, vẫn được nhớ tới cho đến ngày nay và khi chuyển thể thành phim vẫn ăn khách có lẽ nằm ở việc tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình yêu muôn thuở mà ai cũng có thể thấy ít nhiều hình bóng bản thân hay những người xung quanh ở trong đó. Hay đơn thuần là giữa thời đại của những mối tình ồn ã và chớp nhoáng chiếm lấy những mặt báo hay mạng xã hội, sự si tình của một “chàng trai viết lên cây” trở thành của hiếm?
Bộ phim được kể lại qua góc nhìn của Ngạn (Trần Nghĩa thủ vai). Từ thời còn cắp sách tới trường ở làng Đo Đo, cậu nhóc Ngạn đã quả quyết với bà: “Sau này con muốn lấy Hà Lan làm vợ.” Hà Lan (Trúc Anh) là cô bạn cùng quê chơi với Ngạn từ nhỏ, đã trải qua biết bao kỷ niệm trong làng hay đồi sim tím thơ mộng. Thế rồi một ngày, Hà Lan rời xa làng quê để lên thành phố học.
Trước ngày rời Đo Đo, Lan từng tâm sự với Ngạn về nỗi sợ không có bạn chơi cùng khi lên thành phố. Thế nhưng, chốn đô thị phồn hoa lại là nơi chia rẽ đôi bạn thanh mai trúc mã vốn khác biệt trong tư tưởng về tình yêu và lối sống…
Trong khuôn khổ một bộ phim chuyển thể, “Mắt biếc” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Phiên bản điện ảnh trung thành với cuốn tiểu thuyết gốc vốn chỉ dày hơn 200 trang khi giữ nguyên thứ tự tuyến tính cũng như hầu hết các tình tiết quan trọng. Sự khác biệt hiếm hoi của bản phim là nhân vật Hồng (Thảo Tâm) lại là một sự bổ sung sáng giá. Dù thời lượng xuất hiện trong phim không nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện của Hồng lại được khán giả nhớ tới và… bực thay cho cô trước sự dửng dưng của Ngạn.
Câu chuyện gốc của “Mắt biếc” vốn dĩ đơn giản và chứa đựng nhiều suy nghĩ tự sự của nhân vật chính. Do đó, việc phiên bản điện ảnh diễn ra êm đềm, chậm rãi và thiếu đi những cú twist hay cao trào, vốn là thương hiệu trong phim Victor Vũ, là điều hoàn toàn có thể dự đoán từ trước.
Với một bộ phận khán giả, sự dàn trải ít điểm nhấn về cảm xúc có thể là điểm yếu của phim. Ngoài ra, một số chi tiết còn chưa thuyết phục hoàn toàn như vẻ ngoài của Hà Lan sau vài thập niên chưa có nhiều sự khác biệt hay diễn xuất trong những trường đoạn đòi hỏi đấu tranh nội tâm của nhân vật “chưa tới.” Nhưng xét tổng thể, đạo diễn Victor Vũ và êkíp đã làm tốt công việc đưa một câu chuyện không dễ để chuyển thể và lôi cuốn khán giả lên màn ảnh rộng.
Câu chuyện tình day dứt
Để bù đắp cho những lời văn tự sự trong sách Nguyễn Nhật Ánh, Victor Vũ chiêu đãi khán giả bằng những khung hình tuyệt đẹp, tới mức cảm tưởng có thể cắt một cảnh bất kỳ để làm hình bưu thiếp.
Từ cảnh làng quê Đo Đo với khu chợ nhộn nhịp, cây cổ thụ hay đồi sim lãng mạn, cho tới thành phố Huế với những lăng tẩm, đường dài quanh sông hay những tấm biển hiệu vẽ tay… đều mang tới ấn tượng về mặt thị giác nhờ những góc quay hợp lý và tông màu ấm áp.
Yếu tố âm nhạc cũng là một điểm sáng của phim, với nhà soạn nhạc Christopher Wong quen thuộc trong các phim Victor Vũ, mang lại những sắc thác âm nhạc phù hợp với cảnh và cảm xúc trong phim.
Là một bộ phim đặt bối cảnh nửa sau thế kỷ 20, sự xuất hiện của nhiều nhạc phẩm thập niên 1970 phù hợp và gợi nhớ cảm giác hoài cổ. Tuy nhiên, đôi lúc có cảm giác êkíp sản xuất hơi lạm dụng việc sử dụng những ca khúc xưa với tần suất xuất hiện tương đối dày đặc.
Điểm nhấn phần ca nhạc là những ca khúc của nhạc sỹ Phan Mạnh Quỳnh – người từng đặc biệt thành công với phần nhạc phim “Người bất tử” cách đây một năm.
Bên cạnh một “Có chàng trai viết lên cây” vốn đã quá quen thuộc với khán giả và được sử dụng từ trailer là điểm nhấn, Phan Mạnh Quỳnh còn mang tới một số ca khúc lãng mạn, được thể hiện qua giọng ca của nhân vật Ngạn. Cách lồng nhạc Phan Mạnh Quỳnh vào phim hợp lý, từ giai điệu nhạc nền được chơi bởi dàn nhạc trong những cảnh vào rừng sim cho tới khi tiếng hát được cất lên ở cuối phim lay động cảm xúc người xem.
Qua những ca khúc được chép lại vào những trang sách, thứ tình cảm trong sáng của Ngạn được bộc lộ. Ngạn yêu Hà Lan, luôn muốn ở bên và bảo vệ cô, kể cả khi cô làm trái tim anh tan nát. Nhưng sự si tình đến ngờ nghệch của Ngạn lại chưa bao giờ là thứ Hà Lan tìm kiếm ở một người đàn ông. Ngay cả tâm trí của hai người cũng khác nhau: kẻ luôn bám giữ khư khư lấy làng Đo Đo, người lại chỉ mơ bám trụ lại thành phố dù thân gái dặm trường. Chính sự khác biệt trong tư tưởng này đã tạo nên một câu chuyện tình nhiều day dứt, tạo nên nhiều thứ để khán giả suy ngẫm và tranh cãi.
Người sẽ bênh vực Ngạn và trách Hà Lan vì đã xiêu lòng trước “trai hư” Dũng (Trần Phong), người sẽ thông cảm cho cô gái vì biết chính xác mẫu người của mình và phát bực vì sự ngần ngừ, thiếu quyết đoán của Ngạn trong tình yêu… Sự xuất hiện của nhân vật Hồng giống như một phiên bản nữ của Ngạn, nơi đạo diễn cũng để cô yêu si mê một người như Ngạn và Hà Lan, nhưng biết cách đứng lên để tự giải thoát cho bản thân mình thay vì mãi đắm chìm trong hoài niệm và hình bóng quá khứ. Đây là sự bổ sung quý giá của phim so với nguyên tác, bên cạnh một cú twist nhẹ của Victor Vũ phần nào đó mang tới cho bộ phim những tia sáng hy vọng cho ngày mai hơn là sự dang dở, buồn đến nao lòng của tựa sách gốc.
Ở nửa sau phim, sự xuất hiện của nhân vật Trà Long (Khánh Vân) mang tới nhiều sắc thái tươi vui, sinh động hơn cho bộ phim nhờ nguồn năng lượng trẻ trung, tích cực.
Khánh Vân, cũng như những Trần Nghĩa, Trúc Anh hay Thảo Tâm… đều là những gương mặt mới mẻ của điện ảnh Việt, nhưng được đặt vào đúng vai trong “Mắt biếc” để ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Sự chỉn chu trong khâu sản xuất, âm nhạc giàu cảm xúc và đặc biệt là câu chuyện tình có nhiều điều để bàn luận… là những yếu tố giúp “Mắt biếc” trở thành hiện tượng phòng vé và mạng xã hội dịp cuối năm.
Sau hai cú ngã về mặt doanh thu “Lôi Báo” và “Người bất tử,” “Mắt biếc” là sự trở lại an toàn của Victor Vũ, khi dựa trên một nguyên tác vốn dĩ rất ăn khách với hơn nửa triệu bản in qua nhiều năm. Nhưng anh biết cách dẫn dắt và thổi hồn vào câu chuyện, để “Mắt biếc” ít nhiều khơi dậy được cảm xúc từ khán giả chứ không chỉ là một MV ca nhạc kéo dài với những cảnh quay đẹp được lồng ghép.
“Mắt Biếc”
Đạo diễn: Victor Vũ
Diễn viên: Trần Nghĩa, Trúc Anh, Khánh Vân, Thảo Tâm
Thể loại: Tình cảm, Tâm lý
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 20/12
Đánh giá: 3,5/5 sao.