Ngô Thanh Hòa và chuyện bếp:
Giũ những hạt nước bám trên áo sau cơn mưa nặng hạt trưa tháng tám, Thanh Hòa ngồi xuống chiếc bàn ấm cúng trong góc nhà hàng – nơi anh đang làm việc với vai trò vừa là người quản lý, vừa là đầu bếp. Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu với đủ mọi sắc màu, hương vị, như chính những món ăn của vị bếp trưởng này vậy.
Nếu có dịp nào đó, dư dả thời gian để trò chuyện với Thanh Hòa, bạn sẽ dần khám phá thế giới của người đàn ông này không chỉ có nấu ăn. Anh từng học thanh nhạc cách đây nhiều năm, từng có một thời gian dài du học ở Australia ngành marketing, xưa xa hơn đã từng mày mò tìm hiểu về thiết kế thời trang. Thế nhưng, nếu hỏi anh còn niềm đam mê nào khác ngoài nấu ăn hay không, dù anh gật đầu chắc nịch “Có chứ!”, thì rồi tất cả đam mê mà anh kể cũng giống như những dòng sông chảy về một biển lớn: Ẩm thực.
Mỗi món ăn là một niềm cảm hứng
Vùng quê Phan Thiết nơi anh chào đời, những nẻo đường anh đi trong từng ấy năm tuổi trẻ, công việc làm thêm tại các nhà hàng ở Australia, kể cả cuộc thi MasterChef Việt Nam mùa đầu tiên mà anh đã chiến thắng ngoạn mục và thuyết phục… tất cả đều là cái duyên để có một Chef Ngô Thanh Hòa ngày hôm nay (chứ không phải một vị giám đốc marketing nào đó). Ngoài đời, Thanh Hòa trông giản dị, nhưng không xuề xòa, và luôn giữ sự điềm tĩnh. Phong cách nấu ăn của anh cũng vậy.
Có một thời gian, do bận rộn công việc, Thanh Hòa ít xuất hiện trên Facebook. Nhưng khi rảnh rỗi, anh thường đăng ảnh một món vừa nấu xong. Ảnh giản dị thôi, chụp chủ yếu bằng điện thoại, không bài trí cầu kỳ nhưng vẫn đầy ắp cảm xúc.
Anh chia sẻ: “Món ăn dù nấu tại nhà hàng hay tại nhà đều phải tươm tất, nhìn ra chất một chút xíu. Khi nấu ở nhà, tôi không trình bày quá cầu kỳ. Dĩ nhiên dù nấu ở đâu, mình cũng cần đặt hết niềm yêu thích vào món ăn đó. Đấy là điều quan trọng đầu tiên. Dọn ra đĩa là bước thứ hai để làm cho món ăn tinh tế và đẹp hơn, nhưng nên làm sao để đơn giản mà vẫn có thể đẹp. Nấu cho mình, tôi cũng không cần quá chỉn chu như trong nhà hàng hay như khi làm sách, nhưng món ăn vẫn cần có hồn. Cá chiên dọn ra đĩa thế nào, cá kho dọn trong tô ra sao, không thể qua loa. Đó đã thành thói quen rồi, muốn xuề xòa cũng không được”.
Cũng gần đây thôi, Thanh Hòa đăng ảnh bụi rau dền với dòng chú thích: “Rau dền Thailand. Một loại rau dễ trồng, bạn không cần mất nhiều thời gian để chăm sóc. Chỉ cần khoảng trống nhỏ ở sân thì bạn có thể có món canh rau sạch. Đây cũng là nguyên liệu chính cho món canh rau vào mỗi buổi sáng của Thanh Hòa trước khi bắt đầu ngày mới”. Tôi mang bụi rau dền ấy làm “miếng trầu” têm vào câu chuyện với anh. Thanh Hòa vui vẻ giải thích bụi rau do mẹ anh trồng trên sân thượng. Cây lớn rồi thì không cần chăm sóc nhiều, cứ thế mọc xanh um. Người Việt Nam thường có thói quen ăn sáng với phở, hủ tiếu… vốn là những món có chút nước, chút rau, chút thịt, chút tôm, tùy món mà thêm chút bún, hủ tiếu hay bánh phở. Món canh rau cũng đầy đủ thành phần như thế, chỉ bớt đi tinh bột thôi.
Có lẽ Thanh Hòa đã chia sẻ… một ngàn lần rồi, rằng mẹ chính là người truyền cho anh niềm đam mê nấu ăn. Thật ra, hầu như người mẹ nào cũng là nguồn cảm hứng lớn lao về bếp núc, bởi phần lớn những món đầu tiên chúng ta ăn trong đời là do bàn tay mẹ nấu. Thanh Hòa không chỉ may mắn có một người mẹ nấu ăn ngon, mà bà còn luôn ủng hộ anh theo đuổi niềm đam mê. Mẹ cũng là người đầu tiên khen tài nấu ăn của Thanh Hòa, để anh biết mình “có triển vọng” khi trổ tài đãi mẹ món súp thịt gà. Thật ra, học lớp bốn, anh đã biết đóng cốm và làm bánh thuẫn mỗi dịp Tết. Lớn thêm chút xíu, anh còn biết làm cả mứt me, toàn những món truyền thống, dân dã và không hề dễ làm tí nào.
Chiếc tạp dề không của riêng ai
Người viết có một thắc mắc: “Các đầu bếp khi trở về nhà liệu có còn muốn nấu ăn nữa không, sau một ngày dài quay cuồng với bếp lửa?”. Thanh Hòa gật gù đồng tình về áp lực của một ngày đứng bếp: “Những lúc làm việc, tôi sẽ dành hết thời gian và tâm trí vào đấy. Ngoài nấu ăn, tôi còn phải suy nghĩ về các thực đơn đặc biệt, tìm hướng đi mới cho nhà hàng. Bù lại, vào ngày nghỉ, tôi sẽ xuống bếp làm vài món cho mình, tìm hiểu món mới, thử kết hợp vị mới hoặc làm lại các món đã thử mà chưa hài lòng. Tôi cũng hay nấu cho mẹ ăn, tranh thủ dịp cuối tuần hoặc các ngày nghỉ. Tôi thích trổ tài với mẹ lắm”, Thanh Hòa cười đáp.
Đối với Thanh Hòa, gian bếp không của riêng ai. Đã qua lâu rồi cái thời chỉ có phụ nữ mới phải chăm lo chuyện bếp núc còn đàn ông ra ngoài làm việc lớn. Bây giờ đã là thời bình đẳng, phụ nữ vui vẻ đi làm và đàn ông vui vẻ vào bếp.
Không có người đàn ông không biết nấu ăn, chỉ có người đàn ông không chịu vào bếp mà thôi. Có những món ăn đòi hỏi kỹ thuật, nhưng có vô số món đơn giản như trứng chiên, trứng luộc dầm nước mắm, rau luộc… tất cả đều trong tầm tay cả. “Tôi nghĩ người đàn ông cũng nên làm việc gì đó để góp phần cho bữa ăn hàng ngày. Mình không nấu ăn thì rửa chén. Mà đàn ông cũng cần trổ tài chứ, không làm những món cầu kỳ phức tạp thì làm món đơn giản. Nấu ăn cũng là một cách thể hiện cái tâm của người đàn ông đối với những người thân yêu của mình. Có người từng nói, khi vào bếp, tôi nấu rất nhanh, rất tập trung đến mức toát cả mồ hôi, dành hết tình yêu và đam mê vào món ăn. Có thể món đó chưa hoàn hảo vào thời điểm ấy, nhưng đầy ắp cảm xúc. Và dĩ nhiên, nhìn hình ảnh người đàn ông loay hoay trong bếp cũng… dễ thương nữa” (cười).
Thanh Hòa cho rằng, thực ra công việc nấu ăn cần nhiều sức khỏe, lại phải chịu áp lực không ít, đàn ông đảm nhận có thể phù hợp hơn. Đó là lý do đa số đầu bếp là phái mạnh. Hình ảnh người đàn ông đeo tạp dề giờ đây trở nên quen thuộc và phổ biến rồi. Tuy nhiên, không phải khi đàn ông nấu ăn ngon thì sẽ được nhường luôn cho căn bếp. Thanh Hòa chia sẻ: “Tôi cũng muốn được cưng chiều, muốn được thưởng thức món người khác nấu cho mình chứ. Có lúc tôi chăm lo bữa ăn cho người khác, nhưng cũng có lúc muốn được người mình thương yêu nấu cho. Nếu người ấy nấu không như mong đợi, tôi vẫn trân trọng và thưởng thức, nhưng sau đấy có thể góp ý. Tuy nhiên, mỗi người có kỹ thuật và phong cách nấu riêng mà không ai can thiệp được. Người đàn ông nấu ăn giỏi sẽ là một áp lực cho phụ nữ, vì gian bếp vốn vẫn được xem là dành cho quý cô. Tôi cũng từng gặp tình huống đó rồi” (cười).
Những ước mơ và con đường dài phía trước
Thanh Hòa từng chia sẻ ước mơ mở một nhà hàng không có thực đơn, và anh sẽ tự tay pha cà phê cho khách. Hỏi bây giờ đã biến điều đó thành hiện thực chưa, anh kể: “Trước khi đến với nhà hàng hiện tại, tôi đã từng làm việc ở một nơi và cũng có dịp thử qua cách thức phục vụ này. Thay vì có menu cụ thể, tôi sẽ hỏi: “Anh/chị thích ăn món gì tối nay?”, ví dụ đồ biển, thịt… Rồi tôi sẽ gợi ý cho họ vài món, những món mà tôi tự nghĩ ra ngay lúc ấy. Có thể vẫn là những món quen thuộc thôi, nhưng vị sẽ khác đi một chút, hơi Âu chút xíu, hơi Việt chút xíu… Đó là một cách làm “nhà hàng không có menu” mà tôi từng thử. Bây giờ, cũng có lúc tôi hỏi thực khách xem hôm nay họ muốn ăn món gì, muốn trải nghiệm hương vị gì, sau đó gợi ý món ăn phù hợp. Có thể đó chưa hoàn toàn là concept mà tôi mong muốn, nhưng đã là một phần mà tôi thực hiện được. Tôi rất vui vì điều đó. Dù ít dù nhiều, tôi cũng đã có nơi có chỗ để trải nghiệm và mang ước mơ của mình đến gần với thực khách”.
Anh cười nói thêm: “Cà phê thì vẫn chưa thể pha cho khách được. Nhưng tôi đã có hơn 10 năm làm việc liên quan đến pha chế cà phê. Niềm yêu thích ấy vẫn ở đó. Nhiều khi đi uống cà phê, tôi cũng hay chỉ cho các bạn pha chế làm sao pha đúng kiểu. Có những chỗ cho mình cơ hội vào trong tự pha cà phê luôn. Rất đặc biệt! Tôi sẽ không quên cái ước muốn pha những ly cà phê thơm lựng cho khách, chỉ là giữ lại đó và nó sẽ được dùng đúng thời điểm, đúng chỗ. Còn ước mơ về nhà hàng, tôi vẫn nuôi dưỡng. Đấy là mục tiêu để mình phấn đấu vươn lên. Có thể thời gian chưa đến, chưa đúng thời điểm thôi. Tôi phải đợi thôi!”.
Hỏi ngắn đáp nhanh với Ngô Thanh Hòa:
– Q: Ngoài nấu ăn, anh còn thích…
– Q: Làm sao để giữ tinh thần luôn phấn chấn?
– Q: Điều gì làm cho khách trở lại nhà hàng: tên tuổi bếp trưởng hay chất lượng món ăn?
– A: Khách sẽ cho nhà hàng cơ hội lần đầu, hoặc lần hai nếu nơi đó có người bếp trưởng họ yêu mến, nhưng chất lượng món ăn mới chính là điều để họ còn quay trở lại.
– Q: Anh có thể chia sẻ một bí quyết nấu ăn dành cho… những người đàn ông sợ vào bếp?
– A: Hãy nấu món ăn dễ nhất mà bạn thích và thường ăn nhất. Vì như vậy bạn sẽ nấu đúng vị mình mong muốn và không cảm thấy bỡ ngỡ với nguyên liệu hoặc gia vị.
– Q: Sau quyển “Từ niềm đam mê nấu ăn” sẽ là…
– A: Sẽ có quyển cookbook tiếp theo, nhưng không ra mắt sớm đâu. Tôi muốn khi mọi người đọc quyển thứ hai sẽ thấy một sự khác biệt lớn, chín chắn hơn, sâu hơn, mới lạ hơn.
Bài: Phùng Khôi
Ảnh: nhân vật cung cấp