“Mask Girl”: 5 điểm trừ đáng tiếc khiến nhiều khán giả “quay xe”

Chưa đầy hai tuần kể từ ngày công chiếu, “Mask Girl” (Tựa việt: “Cô Gái Mang Mặt Nạ”) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng nhờ cốt truyện độc đáo, diễn xuất bùng nổ của dàn sao thực lực, màn lột trần không khoan nhượng trước các vấn đề nhức nhối trong xã hội,… Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phim vẫn mắc phải một số điểm trừ đáng tiếc, khiến nhiều khán giả ngán ngẩm bỏ cuộc giữa chừng.

*Lưu ý: bài viết tiết lộ một phần diễn biến của bộ phim, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và mang tính chất tham khảo. Độc giả cân nhắc trước khi tiếp tục theo dõi bài viết.  

Phản ánh mặt tối của xã hội thông qua vấn nạn miệt thị ngoại hình, sự suy đồi đạo đức của con người khi bị dồn vào ngõ cụt, hay lối quan tâm con cái không đúng mực của các bậc phụ huynh truyền thống,… bộ phim truyền hình Hàn Quốc được ra mắt trong tháng 08/2023 – “Mask Girl” sở hữu quá nhiều tiềm năng để trở thành siêu phẩm ăn khách, cũng như tâm điểm bàn luận trên nhiều diễn đàn lớn về phim ảnh. Song, có vẻ nhà làm phim đã quá tập trung tô vẽ bi kịch mà bỏ quên các hạn chế đáng kể về tiết tấu, nội dung phim, khiến nhiều người cảm thấy thất vọng và không thể theo dõi đến cùng.

Sau đây là 5 điểm trừ đáng tiếc của “Mask Girl” theo nhận xét từ đại đa số khán giả:

1/ Tính cách nhân vật trước sau bất nhất

Nhân vật chính của “Mask Girl” là Kim Mo Mi, được thủ vai lần lượt bởi ba nữ diễn viên Lee Han Byeol, Nana và Go Hyun Jung ở ba giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Ban đầu, Mo Mi được phác họa như một nữ nhân viên văn phòng với ước mơ thầm kín là trở thành ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, với gương mặt không mấy ưa nhìn, Mo Mi chỉ có thể đeo mặt nạ và biểu diễn trên một nền tảng phát trực tuyến khi màn đêm buông xuống. Nhờ hình thể lý tưởng và kỹ năng trình diễn tuyệt vời, cô mau chóng thu được lượng lớn người hâm mộ.

Kim Mo Mi là một nhân vật đáng thương, song không kém phần đáng trách: Cô ganh ghét người có diện mạo xinh xắn hơn mình; Cô hả hê khi thấy một nữ đồng nghiệp khả ái bị cấp trên la mắng; Cô chủ động ngoại tình với đàn ông đã lập gia đình,…

Tạo hình u ám, kém sắc của nhân vật Kim Mo Mi và sự hy sinh của nữ diễn viên Lee Han Byeol tạo nên thành công cho vai diễn. 

Chân dung gần gũi, thực tế và trần trụi của Kim Mo Mi ở đầu phim chính là yếu tố khiến nhiều khán giả thích thú, tò mò và mong chờ các diễn biến về sau. Tuy nhiên, một biến cố lớn ập đến khiến Mo Mi vướng vào tội sát nhân và buộc phải phẫu thuật thẩm mỹ để làm lại cuộc đời. Cũng từ lúc này, thiết lập của cô nàng quay ngoắt 180°. Từ một nhân viên văn phòng tự luyến với nhiều tư tưởng tiêu cực, Mo Mi phút chốc biến thành mỹ nhân điềm đạm, nghiêm túc, với khí chất đoan chính khác hẳn khi xưa.

Phong thái điềm đạm của Kim Mo Mi sau khi gặp biến cố và phẫu thuật thẩm mỹ. 

Với diện mạo mới, Mo Mi hoàn toàn đánh mất tính cách đặc trưng của mình. Qua đây, đa số khán giả cảm thấy bối rối và đồng ý rằng Mo Mi ở trước và sau biến cố là hai nhân vật hoàn toàn riêng biệt.

2/ Vấn nạn miệt thị ngoại hình chưa được khai thác triệt để

Những tưởng “Mask Girl” sẽ xoáy sâu vào vấn nạn miệt thị ngoại hình, nhưng câu chuyện ở phần sau của phim đích thực là một vòng hận thù luẩn quẩn. Motif báo thù quen thuộc trong phim ảnh Hàn Quốc một lần nữa được áp dụng triệt để. Nhân vật người mẹ Kim Kyung Ja (Yeom Hye Ran thủ vai) quyết tâm báo thù cho con trai bằng cách truy tìm Kim Mo Mi và huỷ hoại cuộc đời cô bằng mọi giá. Điểm thú vị ở đây là Kyung Ja không hề hay biết rằng con trai Joo Oh Nam của bà cũng từng bị bạn học bắt nạt, miệt thị hình thể và đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi tình dục lệch lạc của gã sau này.

Khả năng nhập vai “thần sầu” của nam diễn viên Ahn Jae Hong được khẳng định thông qua nhân vật Joo Oh Nam.

Việc người mẹ căm phẫn vì mất con là điều dễ hiểu. Song, thay vì để Kim Kyung Ja từng bước mở ra quá khứ nghiệt ngã của con trai mình hay để nỗi đau của bà trở thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc quan tâm và giáo dục con cái đúng cách, biên kịch “Mask Girl” lại biến Kyung Ja thành bà mẹ mù quáng trả thù không hơn không kém. Sau tất cả, chân lý “gieo nhân nào gặt quả nấy” được đẩy lên cao, thế chỗ cho những thông điệp ý nghĩa về vấn nạn miệt thị ngoại hình mà khán giả trông đợi.

Chân dung bà mẹ đơn thân Kim Kyung Ja khắc khổ.
3/ Kịch bản rườm rà, lê thê

Tiết tấu và độ lôi cuốn của “Mask Girl” tương đối ổn định trong ba tập đầu, khi các nhân vật trung tâm là Kim Mo Mi, Joo Oh Nam và bà Kim Kyung Ja lần lượt được khắc hoạ rõ nét, tương ứng với ba góc nhìn khác nhau, mang đến cho khán giả nhiều liên tưởng thú vị. Nhưng ở các tập còn lại, tiết tấu phim ngày càng lê thê với màn hồi tưởng quá khứ của cô nàng Kim Chun Ae (diễn viên Han Jae Yi) – bạn tâm giao của Kim Mo Mi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ; những năm tháng học đường của cô bé Kim Mi Mo (Shin Ye Seo) – con gái của Kim Mo Mi và Joo Oh Nam; và những xung đột vô nghĩa giữa Kim Mo Mi với các nữ tù nhân cùng trại giam.

Cô bé Kim Mi Mo và bạn học.

Biên kịch “Mask Girl” không ngại đầu tư một tập phim dài cho Kim Chun Ae, tiện thể phơi bày một góc khuất của thế giới thần tượng. Kế đó, cô bé Kim Mi Mo cũng được “tận dụng” suốt một tập phim để phản ánh nạn bắt nạt, bạo lực học đường và sự bốc đồng của trẻ nhỏ khi thiếu sự quan tâm từ gia đình. Chưa dừng ở đây, nhà làm phim quyết “tranh thủ” thêm một tập về đời sống trong tù của Kim Mo Mi (bị kết án vì tội sát nhân) để phác hoạ sự lộng quyền của giới tài phiệt Hàn Quốc ngay cả trong chốn lao tù.

Choi Bu Young sau khi đánh mất sự nghiệp idol vì bê bối “đào mỏ” phụ nữ.

Việc nhồi nhét yếu tố thời sự quá lố khiến nội dung phim dần bị mất trọng tâm. Theo đó, nhiều khán giả đồng tình rằng phim gọn gàng ở nửa đầu, nhưng ngày càng lan man, rườm rà ở nửa sau. Khi những câu chuyện bên lề bị kéo dài một cách không cần thiết, hứng thú của người xem chắc chắn sẽ phai nhạt dần. Đây được xem là nguyên nhân chủ chốt khiến khán giả bỏ phim giữa chừng, hoặc chỉ xem ngắt quãng ở những cảnh xung đột cao trào.

Kim Mo Mi bị cuốn vào xung đột trong trại giam vì làm trái ý một nữ từ nhân có xuất thân từ giới tài phiệt.
4/ Lạm dụng yếu tố chết chóc

Gắn nhãn 18+ với đầy rẫy tình tiết bạo lực giật gân, yếu tố chết chóc hiển nhiên là gia vị không thể thiếu giúp “Mask Girl” thêm phần ám ảnh với khán giả. Tuy nhiên, khác với những series kinh dị thông thường, “Mask Girl” đang khai thác một đề tài đặc biệt nhức nhối trong xã hội – đó là miệt thị ngoại hình. Vì vậy, việc dàn nhân vật liên tục ra đi cũng phần nào cho thấy cái nhìn bất lực, bi quan của nhà làm phim đối với hiện trạng xã hội. Màn khai tử trong phim được bắt đầu từ gã “Sư đẹp trai” (diễn viên Park Geun Rok), tiếp đó là Joo Oh Nam, Choi Bu Young, Kim Chun Ae, Sim Young Hee, theo sau là Kim Kyung Ja và cuối cùng là nhân vật chính Kim Mo Mi.

Án tử ập đến hàng loạt, ngay cả với các nhân vật không nhất thiết phải ra đi như Choi Bu Young và bà Sim Young Hee (diễn viên Moon Sook) – mẹ của Kim Mo Mi. Điều này vô hình trung tạo cho khán giả một kết luận tiêu cực rằng: Chỉ có cái chết mới mang lại bình yên cho tất cả. Phải chăng nỗi đau của những nạn nhân bị miệt thị ngoại hình sẽ không bao giờ kết thúc cho tới ngày họ chết? Rõ ràng, hướng giải quyết mà biên kịch “Mask Girl” đề ra cho tấn bi kịch trong phim đã bị cường điệu hoá đến mức đi ngược với giá trị nhân văn cần có ở một bộ phim chính kịch.

5/ Hài hước hay phản cảm?

Vốn thuộc thể loại hài đen, “Mask Girl” có thể khiến một bộ phận khán giả cảm thấy khó chịu khi liên tục lấy yếu tố tôn giáo làm động lực cho hành trình báo thù của Kim Kyung Ja. Sự châm biếm được đẩy lên đỉnh điểm khi Kyung Ja hát vang một bản thánh ca trên hành trình truy sát nhân vật Kim Mo Mi giữa đêm tối. Chi tiết này vừa có thể khiến khán giả bật cười  trước sự căm phẫn mù quáng của bà mẹ mất con; nhưng mặt khác cũng khiến người ta phải cau mày trước sự đùa cợt với một đề tài nhạy cảm như tôn giáo.

Màn phục thù trong đêm của Kim Kyung Ja.

Tính hài đen – “dark comedy” là con dao hai lưỡi, vừa có thể đưa một tác phẩm bình thường trở thành siêu phẩm, song cũng có thể “hô biến” một siêu phẩm thành thảm hoạ. Tương lai của tác phẩm thường phụ thuộc vào cách khán giả tiếp nhận những tình tiết hài hước trong phim như thế nào. Đối với “Mask Girl”, tính hài đen được cài cắm một cách chừng mực nhưng vẫn gây được ấn tượng mạnh cho khán giả. Theo đó, việc một số cá nhân cảm thấy không hài lòng, hay thậm chí là phản cảm với lối châm biếm trong phim là không thể tránh khỏi.

Trên thực tế, không gì có thể phủ nhận sự thành công của “Mask Girl” cũng như đội ngũ làm phim. Dù gắn mác 18+ với nhiều tình tiết nhạy cảm, kén người xem, nhưng phim vẫn ngang nhiên vượt qua hàng loạt “đối thủ” để trở thành cái tên hàng đầu trong danh mục các phim được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Cốt truyện độc đáo, diễn xuất bùng nổ, lối kể chuyện đa chiều và bao quát nhiều lớp lang tình tiết,… đó là những điểm sáng nổi trội giúp mang lại cho “Mask Girl” cơn mưa lời khen không ngớt. Dù vậy, có lẽ phim sẽ thành công hơn nếu hạn chế được những trừ đáng tiếc, từ đó giữ chân khán giả đến những giây cuối cùng.


From the same category