Dẫu kinh qua bao thăng trầm – lúc được tôn vinh, lúc bị hắt hủi – cái tên “mascara” vẫn không thể bị xóa khỏi từ điển mỹ phẩm, bởi đơn giản: nhu cầu làm đẹp mãnh liệt của phụ nữ không cho phép điều đó.
Mascara bao nhiêu tuổi?
Mascara đã có từ 4000 năm trước Công nguyên. Khi đó, mascara được làm từ hạnh nhân cháy, mật ong và… phân cá sấu để làm cho đôi mắt của phụ nữ Ai Cập cổ đại quyến rũ hơn. Cũng như chị em hiện đại, phụ nữ Ai Cập xưa đánh mascara lên lông mi để định hình đường viền mắt. Bạn có thể thấy rõ điều này qua những bức bích họa và các pho tượng cổ của Ai Cập.
Đối với người La Mã cổ đại sống vào khoảng 100 năm trước Công nguyên, hàng mi đen và dài cũng rất có ý nghĩa. Họ tin rằng sex quá nhiều sẽ dẫn đến rụng lông mi. Vì thế, sở hữu hàng mi dài và đen chính là cách chứng minh trinh tiết của một phụ nữ. Và họ đã sử dụng một hỗn hợp gồm tro cánh hoa hồng, hạt chà là, bồ hóng để đánh lên hàng mi.
Đến năm 900 sau Công nguyên, mascara càng trở nên quan trọng hơn và một nhà văn Ba Tư tên là Ziryab đã thành lập một trường đào tạo nhan sắc chuyên về sử dụng mascara. Ở đây, người ta sẽ được học các kiến thức về mascara, như cách đánh mascara như thế nào cho đúng, hay cách tạo ra mascara ra làm sao.
Cho tới tận thế kỷ 16, độ “hot” của mascara cũng không hề giảm. Nhiều giáo hội khi đó có cái nhìn khá hà khắc đối với những phụ nữ dùng mascara, nhưng phớt lờ sự kỳ thị đó, mascara vẫn nóng dần lên cùng với việc phụ nữ thích thú chạy theo vẻ đẹp Simonetta Vespucci (người phụ nữ được coi là giai nhân số một của thời kỳ Phục hưng). Tuy vậy, thời kỳ này kỹ thuật làm ra mascara vẫn chưa có bước tiến nào – nó vẫn chỉ được tạo ra bằng cách nghiền nát quả óc chó.
Thời đại Victoria được đánh dấu trong lịch sử là thời kỳ hưng thịnh của mỹ phẩm và trang điểm. Bất kỳ phụ nữ nào lúc ấy cũng khao khát có được làn mi dài, dày và đen để có cơ hội trở thành người mẫu trong những bức tranh của nhóm Tiền Raphael (một trào lưu nghệ thuật thiên về chủ nghĩa hiện thực, chống lại chủ nghĩa kinh viện Victoria thời bấy giờ). Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều cải tiến trong công nghệ sản xuất mascara. Nó vẫn được tạo nên từ các thành phần tự nhiên như tàn tro và trái berry.
Khoảng 60 năm sau đó, cây mascara hoàn chỉnh được ra đời. Eugene Rimmel, con trai nhà Rimmel vốn nổi tiếng với nghề sản xuất mỹ phẩm, người được mệnh danh là “Hoàng tử nước hoa” đã sáng chế ra chiếc mascara không độc hại đầu tiên. Rimmel sau đó đã được biết đến với thương hiệu Rimmel London mà Kate Moss chính là gương mặt đại diện.
Phát minh lớn từ cơn ghen tình
Mặc dù Rimmel được biết đến như nhà phát minh ra sản phẩm “mascara tử tế” đầu tiên, nhưng cây mascara quen thuộc với phụ nữ ngày nay lại là sản phẩm của nhà hóa học T.L. Williams vào năm 1913. Nhân loại sau này vẫn còn nhắc đến một câu chuyện có thực nhưng đầy chất tiểu thuyết về sự ra đời của cây mascara này.
T.L Williams có một người em gái tên là Mabel. Một ngày, Mabel phát hiện ra người yêu của mình đang có quan hệ lằng nhằng với một người phụ nữ khác, cô ấy vô cùng đau khổ vì ghen tuông. Mabel khóc rất nhiều, nước mắt làm hai hàng mi ướt đẫm. Nhìn cảnh tượng đó, T.L Williams nảy ra ý tưởng trộn tro than vào vaseline để Mabel bôi lên lông mi. Mabel, sau đó, với đôi mắt long lanh bởi hai hàng mi dày, đen bóng quyến rũ đã giành lại được anh người yêu và đám cưới của họ được tổ chức sau đó không lâu.
Cái “happy ending” như mơ nói trên như một minh chứng hùng hồn, gieo sâu hơn vào tâm niệm của mọi phụ nữ, rằng người có làn mi đẹp sẽ luôn luôn được hạnh phúc. Và câu chuyện đậm chất diễm tình ấy cũng chính là khởi đầu cho sự ra đời của một thương hiệu sản xuất mascara nổi tiếng sau này. Bằng cách kết hợp hai từ Mabel và Vaseline, T.L Williams đã xây dựng nên thương hiệu Maybelline – một ông lớn trong ngành công nghiệp mỹ phẩm từ năm 1913.
Một cú ngã nhớ đời
Lịch sử của mascara không phải lúc nào cũng tràn đầy những từ ngữ lấp lánh. Có những bi kịch lớn đã từng xảy ra.
Năm 1933, nhiều phụ nữ bị hư giác mạc vì sử dụng mascara Lash Lure của Công ty sản xuất mỹ phẩm Los Angeles, Mỹ. Thậm chí, một phụ nữ đã bị mù hoàn toàn và tử vong vì loại mascara này. Nguyên nhân là do mascara Lash Lure đã hàm chứa thành phần paraphenylenediamine (PPD) và coal tar (chất than dùng làm thuốc nhuộm) có khả năng gây dị ứng mạnh và nguy cơ ung thư. Người phụ nữ xấu số đó đã bị viêm tụ cầu khuẩn dẫn đến hỏng mắt. Cơn chấn động này dù được gây ra bởi Lash Lure nhưng cũng khiến thương hiệu hết sức trong sạch khác là Maybelline bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng mascara bán ra bị sụt giảm nghiêm trọng do tất cả phụ nữ khi đó đều e ngại “rồi sẽ đến lượt mình”.
Sau thảm kịch làm đẹp đó, FDA (cơ quan kiểm định dược mỹ phẩm Hoa Kỳ) đã cải tiến nhiều hạng mục quy định về thành phần được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Những cây mascara dạng lỏng, nhẹ, êm dịu, an toàn và không thấm nước của Maybelline từ đó đến nay vẫn luôn luôn là sản phẩm được phụ nữ khắp thế giới ưa chuộng hơn cả.
Mascara dạng bột
Những loại mascara đầu tiên có dạng bột được ép thành bánh, giống như phấn hồng và phấn nền ngày nay. Chúng được làm bằng cách sàng sắc tố bột thành một hỗn hợp gồm các miếng nhỏ và đưa vào máy xay thành bột. Bột này được ép thành các bánh nén. Người xưa đánh mascara bằng một chiếc chổi lông ẩm để làm tan bột và giúp bột dính tốt hơn vào mi mắt.
Mascara dạng kem
Mascara dạng kem là một dung dịch cô đặc được đựng trong tuýp nhỏ. Nguyên liệu làm mascara vẫn được giữ nguyên, chỉ cho thêm sáp để có độ kết dính cần thiết. Người dùng sẽ bóp kem ra một chiếc cọ nhỏ. Việc sử dụng cọ để đánh mascara khi đó phiền hà đến mức nó thôi thúc người ta phải phát minh ra cọ mascara dạng gậy như ngày nay vào thập niên 60. Thiết kế với một thanh có rãnh hiện nay để dễ bề luồn giữa hai hàng mi được coi là một cột mốc trong lịch sử mascara.
Mascara dạng lỏng
Mascara lỏng là thiết kế mới nhất và cũng là dạng phổ dụng nhất hiện nay. Dung dịch mascara ngày nay loãng hơn nên dễ đánh hơn, sạch sẽ hơn, cũng như dễ bổ sung các chất khác vào đó hơn. Ngày nay bạn có thể thêm vào mascara dạng lỏng các chất tạo màu, nhũ hay chất làm dài mi.
|
Chuyên đề Mascara
Mascara tồn tại trong trái tim phụ nữ như một thứ tín ngưỡng (mà không ai dám cả gan xác định lại xem nó có mù quáng hay không): người có làn mi đẹp thì ắt sẽ được yêu thương.
Bài viết đã đăng:
>> Mascara: lịch sử thăng trầm
>> Giã từ mi giả
Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề:
>> Q&A về mascara
>> Shopping: All about eyes
Tổ chức chuyên đề: Phạm Hương Thủy
|