Mark Ronson – “Kẻ xông đất mát vía”

Ca khúc mới nhất “Uptown funk!” của anh chiếm giữ vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard trong tháng qua. Và gã người Anh này từng nghĩ sẽ không thể tiếp tục làm việc với âm nhạc sau khi Amy Winehouse qua đời. Thế nhưng, nghệ sĩ tài năng Bruno Mars đã làm sống lại tinh thần sáng tạo trong anh, Mark Ronson chia sẻ trên tờ The Guardian.

Nhà sản xuất kiêm nghệ sĩ sáng tác Mark Ronson (Nguồn: pressnow)

Nhà sản xuất mát tay

Mark Ronson không phải một cái tên quá xa lạ của làng nhạc đại chúng. Với tư cách nhà sản xuất âm nhạc, danh sách nghệ sĩ từng cộng tác với anh khá dài và toàn những tên tuổi lớn từ Paul McCartney, Robbie Williams tới Kaiser Chiefs, Lana Del Rey. Nhưng dấu ấn đặc biệt của Mark là những sản phẩm âm nhạc anh thực hiện cho Amy Winehouse và Adele. Những đĩa nhạc không chỉ đạt con số tiêu thụ hàng chục triệu bản mà còn đem lại cho các nghệ sĩ rất nhiều giải thưởng.

Không chỉ là nhà sản xuất mát tay, Mark cũng từng tung ra 3 album riêng trước “Uptown special” hồi đầu năm nay. Và bằng uy tín của mình, anh đã mời được những nghệ sĩ nổi tiếng cùng cộng tác trong các đĩa nhạc này. Tuy nhiên, dấu ấn của Mark với tư cách một nghệ sĩ sáng tác chưa bao giờ thành công như với ca khúc “Uptown funk!”. “Dù bạn có tin tưởng ở khả năng của chính mình đến đâu thì phản ứng trước thành công vẫn là: bất ngờ!”, Mark chia sẻ.

Tinh thần âm nhạc của album “Uptown special” khá sống động và không gợn chút tiêu cực, nhưng thực tế để thai nghén đĩa nhạc này, Mark Ronson đã trải qua một cuộc đấu tranh thực sự với chính bản thân mình.

“Tôi biết chắc chắn rằng hãng Sony không đặt kỳ vọng về thương mại với đĩa nhạc của mình. Những nghệ sĩ cộng tác với tôi cũng làm việc với một tinh thần rất thoải mái. Nhưng chính tôi lại tạo sức ép cho mình”, Mark chia sẻ trên Billboard. Để có một câu ghi ta khá đơn giản trong “Uptown funk!”, Mark đã thu đi thu lại hàng chục lần. Việc ghi âm 11 ca khúc của album được thực hiện ở hơn 10 studio khác nhau trên khắp thế giới “để có được phần âm thanh đẹp nhất cho từng track trước công đoạn mix nhạc”.

Nghệ sĩ keyboard Jeff Bhasker, người đồng sự của Mark trong album này, kể rằng anh luôn phải trấn an đồng nghiệp. “Sáu tuần trước khi album hoàn thành ghi âm, Mark bắt đầu rụng tóc và tỏ rõ sự mệt mỏi. Đỉnh điểm là 2 tuần sau đó, anh ấy nôn thốc nôn tháo trong nhà vệ sinh và chúng tôi đã phải đưa Mark tới bệnh viện”. Tất cả hoàn toàn không phải hậu quả của chất kích thích hay đồ uống có cồn. Đó là vì sức ép công việc.

Mark Ronson – gã người Anh làm nhạc Mỹ (Nguồn: Limgur)

Và những bản nhạc không biên giới

Cần phải nói rằng Mark Ronson bước ra từ một gia đình “có máu mặt” trong giới sản xuất âm nhạc ở Anh. Cùng với tài năng của mình, Mark có những điều kiện tốt nhất để thành công trong lĩnh vực “truyền thống” của gia đình. Nhưng chính điều đó ngược lại cũng là sức ép với anh. Song sức ép lớn hơn cả chính là những xu hướng của thị trường. “Tôi nhìn thấy một lớp ca sĩ mới bước ra từ các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình. Họ hát để nổi tiếng, để có nhiều tiền hay vì điều gì đó nhưng tôi không cảm thấy ở họ mục đích nghệ thuật. Những nghệ sĩ đích thực đâu hết rồi? Tôi mất niềm tin…”

“Mark ở trong tinh thần của cả đĩa nhạc, trong phong cách từng ca khúc, trong thông điệp mà album truyền tải tới người nghe và sau tất cả, đó chính là vị trí của một nhà sản xuất tài năng.”
Nhưng niềm tin đã quay trở lại khi người nghệ sĩ (lại) sáng tạo. Album “Uptown special” mang đậm phong cách retro có phần hoài cổ điển hình trong những sản phẩm âm nhạc gắn mác Mark Ronson. Nhiều nhà phê bình từng nhận định, điểm khá đặc biệt ở Mark Ronson là không thể phân biệt được rõ ràng nhạc của anh là “nhạc Anh” hay “nhạc Mỹ”. Lý do trực tiếp bởi Mark sống và làm việc ở cả New York và London. Nhưng anh cũng thừa nhận mình luôn thích tạo ra những ca khúc Funky, Soul hay R’N’B “không biên giới”. Khá cầu kỳ, Mark Ronson mời nhà văn Michael Chabon đảm nhiệm phần ca từ của album.

Mark Ronson không hát, không viết lời trong đĩa nhạc. Vậy anh ấy ở đâu trong album mang tên mình? “Mark ở trong tinh thần của cả đĩa nhạc, trong phong cách từng ca khúc, trong thông điệp mà album truyền tải tới người nghe, và sau tất cả, đó chính là vị trí của một nhà sản xuất tài năng!”, Stevie Wonder nói về người đồng nghiệp ông rất yêu quý.

Giới phê bình cho rằng mặc dù không kịp góp tên trong mùa Grammy 2014 nhưng “Uptown special” là sản phẩm “xông đất” khá may mắn và nhiều cảm hứng của làng nhạc năm nay.

Bài: Độc Cầm

logo


From the same category