Khi lệnh giãn cách vẫn đang kéo dài, những nhu cầu xã hội phần lớn đổ vào không gian số. Ở một chừng mực nào đó, các ứng dụng xã hội như Facebook và Instagram đã giúp người dùng theo dõi thông tin và giữ kết nối với bạn bè. Thế nhưng các thế giới “ảo” này được chứng minh là có tính gây nghiện và đi kèm với hàng loạt rủi ro tâm lý như lo âu, tự ti, tự chỉ trích và thậm chí trầm cảm. Với tất cả những ích lợi và bất lợi trên, mạng xã hội quả thật là “con dao hai lưỡi”, vậy làm thế nào để bạn “nắm đằng chuôi” khi không muốn ngưng sử dụng nó hoàn toàn?
Mạng xã hội có cách thức tương tác riêng của nó, mà ở đây là những nút like, bộ icon buồn vui giận dữ. Nhưng có một luật chơi ai cũng biết nhưng không ai nói, rằng bộ icon kia cũng là một thước đo giá trị. Nút like càng nhiều, bạn càng nổi tiếng và có giá trị cao. Ngược lại, nút like thấp đồng nghĩa bạn ít nổi tiếng và không nhiều giá trị. Sẽ rất khó để thay đổi luật chơi chung, nhưng bạn có thể thay đổi cách chơi riêng của mình. Giá trị của một người có thể đến từ nhiều thứ, chẳng hạn như sự hiểu biết, nghề nghiệp, gia đình và sở thích riêng. Nút like chỉ là một phương tiện giãi bày cảm xúc, và sự đánh giá chủ quan của người khác không quyết định giá trị của chính bạn.
Bạn đăng một bài viết và tự hỏi sao chưa ai like cả. Bạn nghĩ bài đăng nhàm chán, bản thân nhàm chán và mọi người đang đánh giá không hay về bạn. Trước khi nghĩ thế, hãy nhớ rằng bài đăng của bạn là một trong một ngàn. Thông tin trên facebook bỗng “nhảy vọt” vào mùa dịch, mà mỗi người vẫn chỉ có ngần ấy thời gian. Họ có thể đã bị bỏ lỡ bài đăng của bạn hoặc sao nhãng vì chuyện gì đó khác. Những đánh giá tiêu cực về bản thân chỉ là suy nghĩ của bạn, không phải những gì người khác nghĩ.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta mắc chứng sợ xã hội là bởi đã quá chú ý đến bản thân. Thay vì hòa nhập với xã hội, nhiều người lo lắng mình trông thế nào và những điều mình nói ra có ngu ngốc không. Họ cũng có xu hướng hiểu các bình luận trên mạng xã hội một cách tiêu cực.
Để bớt lo lắng khi sử dụng mạng xã hội, bạn nên tập hướng sự chú ý sang người khác. Khi nhắn tin với ai đó, hãy lắng nghe người kia nhiều hơn; khi thực hiện một cuộc gọi online, thu nhỏ hoặc che đi hình ảnh của bạn sẽ giúp tập trung hơn vào cuộc hội thoại. Tương tự, khi sử dụng mạng xã hội, hãy cho phép mình tìm đến những thông tin bổ ích, bài đăng tích cực và những người làm bạn vui vẻ thay vì dồn hết sự chú ý vào bài viết của chính bạn.
Mạng xã hội là nơi chia sẻ khoảnh khắc, và nhiều người có thói quen so sánh khi thấy cuộc đời người khác vui vẻ hơn cuộc đời mình. Nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng đó là một phép so sánh không công bằng. Vì mạng xã hội chỉ cho phép bạn nhìn thấy cuộc đời ai đó qua một khe hẹp. Ai đó đăng tấm hình vui vẻ trên mạng xã hội, nhưng không có nghĩa họ chưa từng buồn. Vì vậy, khi bạn bắt đầu so sánh chính mình với người khác, hãy tự hỏi 3 câu sau: “Điều này có giúp ích gì cho mình không?”, “Phép so sánh này có công bằng không?”, “Mình đang nhìn toàn cảnh hay chỉ là một phần nhỏ trong một bức tranh?”. Sau khi trả lời 3 câu hỏi này, bạn sẽ tìm được lý do để ngừng so sánh.