Trong khi công nghệ là nguyên nhân hàng đầu trói buộc bạn với chiếc bàn giấy (dù bạn có cố gắng không kiểm tra email ngoài giờ làm việc), thì những mối lo ngại về năng suất kém, hay tệ hơn, nguy cơ mất việc cũng góp phần tạo ra những thói quen không lành mạnh, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Dĩ nhiên, bạn không thể giảm giờ làm việc theo quy định, nhưng vài gợi ý sau có thể giúp bạn tăng năng suất công việc và có một cuộc sống cân bằng hơn.
Ưu tiên và quản lý thời gian
Một bảng danh sách các việc phải làm, mới nhìn qua đã thấy thật đáng sợ. Nhưng hãy bình tĩnh, bởi không phải đầu việc nào cũng cần bạn phải hoàn thành tắp lự. Hãy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, những việc cần làm ngay, việc có thể giải quyết vào cuối ngày. Hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để xử lý công việc phát sinh, hoặc thư giãn.
Một ý tưởng khác nhé, bấm giờ nhiệm vụ. Theo cách quản lý thời gian này, bạn hãy phân bổ khoảng thời gian cụ thể cho từng công việc phải hoàn thành trong ngày (gửi thư điện tử, tổ chức nhiệm vụ, tra cứu thông tin…). Áp lực thời gian đòi hỏi sự tập trung cao, và bạn sẽ thấy bản danh sách kia hoàn toàn có thể được xử lý.
Hạn chế việc lãng phí thời gian
Việc gì không quan trọng, hãy bỏ qua. Xác định thứ tự ưu tiên, dành toàn bộ thời gian để hoàn tất phần việc phải làm. Hãy nhớ những việc không cần thiết, hoặc việc bạn muốn làm có thể đang “đánh cắp” của bạn những giờ làm việc vàng ngọc. Thay vì tập trung vào bản kế hoạch, bạn lại thấy mình đang lướt Facebook hay chat với cô bạn thân, điều này sẽ khiến cán cân công việc – cuộc sống của bạn luôn trong tình trạng mất cân bằng, bởi không điều gì bạn làm cho thấu đáo.
Hãy để công việc ở lại công sở
Công nghệ cho phép bạn kết nối dễ dàng 24/7, nhưng thật ra, bạn không nên như vậy. Mang việc về nhà sẽ phá vỡ ranh giới của hai không gian: công sở và nhà. Đây là một thói quen xấu, nhất là khi, đã quen rồi thì khó mà thay đổi. Quản lý công việc và thời gian hiệu quả tại công sở sẽ giúp bạn hạn chế “rước” việc về nhà.
Dừng kết nối
Chiếc điện thoại thông minh đôi lúc có thể biến người sử dụng trở thành kẻ nô lệ “ngu ngốc”. Thói quen kiểm tra điện thoại liên tục, ngay cả khi không có cuộc gọi đến hay báo tin nhắn, tạo ra nhu cầu phải-kết-nối. Phải thừa nhận rằng, khi bạn tắt chức năng báo thư tới hay đàm thoại, thì cảm giác lo lắng sẽ tăng lên. Dù bạn không thể hoàn toàn ngắt kết nối, thì ít nhất hãy cho phép chiếc điện thoại được “tạm nghỉ” để bạn có thể sống thực từng khoảnh khắc của chính mình.
Học cách từ chối
Dù bạn có cố gắng đến cỡ nào thì dường như 24 giờ một ngày, đôi khi, vẫn là quá ít ỏi. Hãy nói “Không” với những điều bạn không quan tâm, hay không có thời gian cho nó. Việc này không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt hơn quỹ thời gian của mình, mà còn cho bạn khoảng thời gian tự do để làm những việc mình thích.
Tìm sự trợ giúp
Tìm kiếm sự giúp đỡ đôi khi cũng khó khăn chẳng kém việc từ chối, nhưng điều này vô cùng hữu ích. Hãy nhờ người thân, bạn bè chia sẻ việc nhà khi bạn phải làm thêm giờ hay đi công tác, kết nối với các đồng nghiệp trong trường hợp bạn cần hỗ trợ.
Lên lịch xả stress trong tuần
Tại sao phải đợi đến tận cuối tuần để được thư giãn? Dành chút thời gian gặp gỡ đồng nghiệp hoặc đối tác ngoài giờ làm, vừa giảm stress, vừa thắt chặt thêm mối quan hệ. Đừng quên, để công việc ở lại trên bàn giấy nhé.
10 phút cho bản thân
Khi công việc bận rộn, thời gian dành cho bản thân luôn nằm cuối cùng trong thứ tự ưu tiên. Hãy tự đặt mình lên vị trí số một, và sắp xếp để trong ngày có được một khoảng thời gian cho riêng mình. Làm bất kể việc gì bạn thích, có thể là 10 phút đọc sách, tham gia một lớp yoga hay đi bộ vận động. 10 phút quý giá này sẽ tái tạo đủ năng lượng để bạn đương đầu với ngày mới bận rộn. Hãy tận hưởng và đừng suy nghĩ!
Tuân thủ nguyên tắc của mình
Nguyên tắc là không nhượng bộ, và bạn phải là người đầu tiên tuân thủ nguyên tắc của mình. Bất kể thay đổi nào trong cuộc sống cũng cần thời gian thích nghi, nhưng hãy có kỉ luật. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi khi chính bạn thay đổi.