Trào lưu làm lại các phim cổ tích tiếp tục được khơi dậy với “Maleficent” và trở thành đề tài bàn tán của khán giả. Bộ phim đưa tới người xem một câu chuyện khác hẳn so với những gì mọi người từng biết về “Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ trong rừng) quen thuộc: u ám hơn, nhiều cảnh hành động hơn, mãn nhãn hơn và tiên hắc ám Maleficent là nhân vật chính. Dĩ nhiên là khi Angelina Jolie bỏ tiền ra sản xuất kiêm diễn xuất, thì cô không thể làm nhân vật phụ được, nhất là khi đây là vai diễn đánh dấu sự trở lại của cô sau 4 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng.
Và khi để một kẻ phản diện làm nhân vật chính, các nhà làm phim phải làm khán giả cảm thông cho cô bằng cách tạo ra một câu chuyện đảo lộn hoàn toàn so với nguyên tác cổ tích. Để trả thù kẻ phản bội tình yêu và mong muốn mãnh liệt bảo vệ khu rừng phép thuật của mình, Maleficent (Angelina Jolie) tàn nhẫn đặt một lời nguyền hắc ám lên cô công chúa mới lọt lòng Aurora, và chỉ có nụ hôn của tình yêu đích thực mới đủ sức mạnh để phá vỡ được lời nguyền này. Khi Aurora (Elle Fanning) lớn lên, cô lại yêu mến vương quốc trong rừng sâu của Maleficent hơn là nơi cô đã được sinh ra và sắp sửa ngủ một giấc vĩnh hằng.
Bộ phim hoàn toàn đứng về phe Maleficent, nên việc xây dựng hình ảnh nhà vua độc đoán và bị căm ghét hơn, ba bà tiên thì khù khờ và kém cỏi hơn, trong khi Maleficent thì mạnh mẽ và động cơ của bà trong việc trù ếm công chúa Aurora cũng dễ làm khán giả chấp nhận hơn. Nhiều tình tiết do đó cũng bị thay đổi để phù hợp, như việc Maleficent có cánh, cảnh các bà tiên bị Maleficent quậy tưng, bé Aurora được chính tiên hắc ám nuôi dưỡng, hay cảnh bà cố gắng giải trừ bùa phép cho cô nàng mà không thành công… tất cả tạo ra một bộ phim phản cổ tích, chỉ riêng công chúa Aurora là vẫn đúng mô típ “công chúa ngơ ngác” bước ra từ truyện đọc.
Năm ngoái, “Frozen” từng khiến khán giả bất ngờ vì không theo cách kể thông thường, cả với phim hoạt hình Disney, cả ở khâu xây dựng tình tiết hay giải quyết vấn đề. Nếu như “Frozen” nói về tình chị em trong gia đình thì “Maleficent” có thể coi là một phiên bản mẹ con của “Nữ hoàng băng giá”. Kể cũng hợp lý khi trái tim của Maleficent bị hóa đá do tình yêu, và cũng vì tình yêu mà trở lại thành người nhân hậu. Tuy nhiên, nếu “Frozen”là phim nhạc kịch dễ đánh vào tâm lý hơn, thì “Maleficent” là phim hành động. Hơn nữa, do làm cho đối tượng trẻ nhỏ nên phim không gây ép phê cho lắm, nhiều cảnh dù rất hoành tráng nhưng còn chưa thực sự tới tầm. Thành ra, hành động chưa phê, tâm lý cũng chưa đã.
Bộ phim khởi đầu khá bất ngờ khi tạo ra một thế giới cổ tích khác hẳn những gì ta từng biết. Ngoài bối cảnh thần tiên, những quái vật dễ mến, những cảnh bay lượn mãn nhãn, chúng ta còn thấy một bà tiên hắc ám đã bị tổn thương thế nào – bản phim 2014 quá đề cao tâm hồn mong manh dễ vỡ của Maleficent, khiến bộ phim trở nên một chiều và dần trở nên nhàm chán ở phía sau – khi Maleficent nảy sinh nhiều hành động khó hiểu, như không hiểu vì sao Maleficent dẫn Aurora vào rừng Moors, rồi không rõ bà đánh đám lính trong rừng làm gì…
Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu xa và “nguy hiểm” hơn, ta sẽ thấy đây giống như một phim về chính cuộc đời của Angelina Jolie! Cũng là về một cô nàng từng bị coi là bad girl, từng phải cắt hai bầu ngực để điều trị ung thư vú (trong phim cô bị cắt cánh), cũng yêu thương con nuôi như con đẻ, thậm chí còn rủ rê các con nuôi của mình đóng các vai phụ trong phim. Bộ phim như muốn nói rằng tình mẫu tử, dù là ruột thịt hay đỡ đầu, cũng thiêng liêng như nhau và người mẹ cần phải chăm nom hết lòng cho con bằng tình yêu của mình. Từ ý đó, dễ hiểu vì sao Angie lại tốn nhiều công tới vậy để hoàn thành bộ phim này.
Ba lý do phải xem “Maleficent”:
1. Chính là Angelina Jolie. Nếu như bạn hâm mộ Angie thì đây là phim mà cô sẽ hớp hồn bạn bởi khả năng diễn xuất cùng vẻ đẹp tuyệt đỉnh của mình. Dễ thương trong các cảnh hài hước, mạnh mẽ trong các pha hành động, ghê gớm trong các cảnh phù phép, chân thành trong các pha tâm lý, đây xứng đáng là một bộ phim trở lại với diễn xuất xứng đáng của Angie.
2. “Maleficent” đưa tới những khung hình sặc sỡ tương tự như các bộ phim hoạt họa thông thường của Disney. Nếu bạn thích bay bổng trong thế giới tưởng tượng thì phim có khá nhiều cảnh đẹp vô cùng ảo diệu và khiến bạn thích thú.
3. Câu chuyện trong phim lạ hơn rất nhiều so với cổ tích. Nếu bạn ghét phiên bản hoàng tử – công chúa quá trẻ con mà bạn hay nghe, thì bạn nên xem phim này, nhưng hãy ghi nhớ rằng đây là bộ phim có phần hơi thiên vị phe hắc ám đấy.
Và hai lý do để bỏ qua phim này:
Đầu tiên, yếu tố hành động không nhiều và mãn nhãn như trong trailer bạn thấy đâu. Nhiều cảnh máu me, ghê rợn, ép phê, cận cảnh để tạo “chất” đã bị cắt đi để phù hợp cho hợp với phân loại độ tuổi PG (trẻ em có thể xem thoải mái). Vẫn sẽ có những cảnh khá ấn tượng cho bạn xem, nhưng chủ yếu là ở việc Maleficent dùng đôi cánh để “xua người” thế nào thôi.
Và cuối cùng, đó chính là nhịp phim hơi dài dòng và có tính làm chệch suy nghĩ khán giả. Khi mở đầu, ai cũng nghĩ sẽ xem được một chuyện tình nam nữ, tới giữa phim thì là chuyện tranh đấu trả thù, rồi dần chuyển sang tình mẫu tử khá khiên cưỡng. Câu chuyện hơi loạn đã khiến bộ phim trở nên khó xem và khó chấp nhận hơn các phim Disney gia đình khác.
Đẹp Online đánh giá: 6/10 điểm.
Bài: Minh An
Ảnh: Disney
>>> Có thể bạn quan tâm: Khi người dùng trên trang IMDB đồng loạt chấm “He Who Dares” thang điểm 1/10 (hiếm hoi có điểm 2 và 3, kéo tổng điểm của phim về mức 2,6) thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng là “khán giả thật sự” của phim vẫn chưa xuất hiện. Hy vọng như thế để chúng ta đi xem, và biết đâu mình chính là khán giả mà Paul Tanter muốn tìm kiếm.