Số liệu của cảnh sát Malaysia cho thấy, trung bình mỗi ngày tại đây có 7 người trở thành “con mồi” của trò lừa đảo này.
Số vụ “lừa tình” tăng lên nhanh chóng, từ 1.026 vụ trong năm 2014 lên 1.841 vụ trong năm 2015. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 1.054 vụ được ghi nhận.
Theo phó Giám đốc Cục điều tra tội phạm thương mại thuộc Cảnh sát liên bang Malaysia Mohd Kama-rudin Md Din, số vụ lừa đảo tống tiền qua mạng tăng mạnh là do các đối tượng lợi dụng sự tiến bộ của công nghệ tin học. Facebook là mạng xã hội được các đối tượng sử dụng nhiều nhất, đến 85%, để dụ dỗ nạn nhân.
Thủ đoạn mà các kẻ lừa đảo thường sử dụng là dành thời gian tìm hiểu về hồ sơ cá nhân của nạn nhân cũng như bạn bè của họ. Sau đó, chúng kiên trì dẫn dắt “con mồi” khiến con mồi tin tưởng chúng là những người độc thân, đã ly dị hoặc ở góa, ít có điều kiện ra bên ngoài xã hội.
Đối tượng mà các kẻ lừa đảo nhắm đến là những người muốn tìm kiếm cuộc sống lãng mạn.
Thường thì các kẻ lừa đảo dành khoảng 1 tháng để “chăm sóc” con mồi. Qua mạng xã hội, nếu biết con mồi là người ham thích các chuyến dã ngoại với sở thích là bơi lội, chúng sẽ thể hiện mình là các chuyên gia về bơi lội.
Nếu con mồi là tín đồ nhiệt thành của một tôn giáo nào đó, chúng sẽ gửi đến những tin nhắn bày tỏ đức tin, sự trân trọng và tôn sùng tôn giáo đó…
Không ít trường hợp, kẻ lừa đảo sử dụng các tấm hình khỏa thân mời gọi. Sau khi thiết lập mối quan hệ vững chắc với nạn nhân, chúng đột ngột chấm dứt liên lạc, khiến con mồi cảm thấy lo lắng.
Tiếp đó là màn dựng lên những câu chuyện mùi mẫn, bi thương, như bị ốm nặng, gặp rắc rối với các vấn đề trong gia đình….
Theo ông Mohd Kama-rudin, đây là lúc các nạn nhân dễ dàng sập bẫy. Các đối tượng lừa đảo có thừa kiên nhẫn và “chiêu bài” để “moi” tiền các nạn nhân.
Ông nhấn mạnh, những kẻ lừa đảo thông minh, sành sỏi, tạo vỏ bọc tốt hơn rất nhiều so với những gì các nạn nhân đánh giá. Vì thế, các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ, thường bị “xỏ mũi” mà không hay biết.
Các hình thức moi tiền nạn nhân thường được các kẻ lừa đảo sử dụng gồm chuyển hàng qua bưu điện, góp tiền để dành thừa kế, góp tiền để đầu tư, gửi tiền giúp chữa bệnh, lo việc gia đình…
Có không ít nạn nhân đã cung cấp cho kẻ lừa đảo số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, khiến cho việc xác minh, kết tội trở nên phức tạp, bởi khi đó, hành động của nạn nhân là do họ tự nguyện.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi các nạn nhân thường không thông báo sớm cho nhà chức trách, thường là từ một tháng hoặc lâu hơn sau khi đã đưa tiền. Họ vẫn hy vọng tình yêu lãng mạn sẽ đến.
Cũng theo ông Mohd Kama-rudin, trước đây, các nạn nhân của trò lừa đảo này tại Malaysia thường có độ tuổi từ 40 trở lên, song gần đây, có không ít các nạn nhân là những người trẻ tuổi trên dưới 20.
Trong năm 216, có đến 535 nạn nhân của trò lừa tình qua mạng là các thanh niên tuổi từ 21-30.