Tiếng tăm lừng lẫy của Maison Margiela từ năm 1988 đến nay được ghi dấu bởi lối thiết kế avant-garde táo bạo. Đây là dấu ấn nổi bật của người sáng lập Martin Margiela, nhà thiết kế kín tiếng được biết đến với danh xưng “cha đẻ của thời trang giải cấu trúc”. Thế nhưng, giải cấu trúc chỉ mới là kỹ thuật tạo nên ngoại hình của bộ trang phục, còn linh hồn của các thiết kế Maison Margiela nằm ở thủ pháp trompe l’oeil vừa tinh nghịch vừa kịch tính.
Thời trang vừa có khả năng thể hiện cá tính của mỗi người, vừa phản chiếu dòng chảy thời đại. Điều đó đồng điệu với dụng ý mà giám đốc sáng tạo của Maison Margiela – NTK John Galliano muốn gửi gắm vào các bộ sưu tập của mình. Năm 2017, John Galliano đã khiến cả làng thời trang phải ngả mũ thán phục trước tư duy nhạy bén khi hợp nhất kỹ thuật trompe l’oeil và giải cấu trúc trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2017.
Bộ sưu tập cho thấy cách John Galliano tiếp cận phong cách tối giản khác hoàn toàn với các nhà mốt chuyên về lối thiết kế này. Chỉ với hai công cụ gồm trompe l’oeil và kỹ thuật giải cấu trúc, ông đã xô đổ khái niệm “less is more” khi nhắc về thời trang tối giản. Một trong những thiết kế tạo tiếng vang lớn nhất sau khi bộ sưu tập được trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris 2017 là mẫu áo khoác dáng dài màu trắng thêu mô-típ gương mặt ở phía trước. Mô-típ này được nghệ sĩ Benjamin Shine tạo hình thủ công bằng lụa tulle, tạo hiệu ứng thị giác sống động như một bức tranh 3D đầy mê hoặc.
Trên chặng đường 10 năm gắn bó với Maison Margiela, John luôn khiến giới mộ điệu trên toàn thế giới phải dõi mắt về Paris để chiêm ngưỡng các thiết kế tối giản cách điệu lấy cảm hứng từ thời kỳ Victorian (giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20). Bộ sưu tập Maison Margiela Haute Couture Xuân Hè 2024 tạo cơn địa chấn lớn trong lĩnh vực thời trang vào đầu năm nay là một ví dụ điển hình. John Galliano đã triệu hồi sức quyến rũ của corset và đai nịt bụng – những món đồ được xem là nghi thức ăn mặc thể hiện vẻ đẹp quyền quý của giới vương công quý tộc châu Âu – vào các thiết kế Haute Couture mùa này. Dù tư duy thẩm mỹ của ông thiên về tinh thần lãng mạn, bay bổng, trong khi Maison Margiela là nhà mốt đào sâu vào cấu trúc trang phục, nhưng sự yêu mến mà giới mộ điệu dành cho bộ sưu tập này cho thấy không ai phù hợp kế vị chiếc ghế giám đốc sáng tạo của thương hiệu hơn John Galliano.
Vẫn là những đường cắt may tuyệt hảo cùng kỹ thuật xếp lớp bậc thầy, John đã tạo nên những kiệt tác điêu khắc vải vóc ấn tượng bằng cách ứng dụng kỹ thuật trompe l’oeil một cách tinh tế. Những bức ảnh tĩnh trắng đen do nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Hungary Brassaï chụp đã truyền cảm hứng cho ông tạo ra bảng màu thiên tối trong bộ sưu tập. Sắc xanh thẫm, đen và xám quyện vào nhau tạo thành hiệu ứng chuyển màu mô phỏng bóng trăng soi mặt hồ tĩnh mịch trên mẫu chân váy dệt chỉ kim tuyến lấp lánh.
Bên cạnh kỹ thuật tạo hình bằng những chất liệu cứng cáp như nhựa resin hay kim loại, các nhà thiết kế thường tận dụng trompe l’oeil để tạo ra những mô-típ siêu thực mãn nhãn.
Cảm hứng siêu thực trong thế giới của John Galliano thường bắt nguồn từ những nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật vang danh suốt nhiều thập kỷ. Bắt tay cùng đoàn kịch Imitating the Dog có trụ sở tại thành phố Leeds (Anh), ông đã dàn dựng vở “Cinema inferno” ngay trên sàn diễn Haute Couture Thu Đông 2023, do diễn viên Leon Dame và Lulu Tenney thủ vai chính. Câu chuyện về cặp tình nhân chạy trốn khỏi sự truy bắt của cảnh sát giữa cơn bão cát khắc nghiệt được John Galliano thể hiện một cách tinh tế trên những thiết kế thủ công. Các mẫu áo khoác dáng dài, giày da, quần da… mang đậm dấu ấn phong cách cao bồi được phủ một lớp cát dày đặc bên trên. Và dĩ nhiên, lớp cát này không phải thật. Nó là kết quả của một kỹ thuật thủ công mới mà Maison Margiela gọi là “tạo bão cát”. Để làm được như vậy, John Galliano đã rải những hạt cườm nhỏ li ti trên bề mặt chất liệu, sau đó đục lỗ và kết chúng một cách tỉ mỉ để tạo thành ảo ảnh cát bám một cách chân thật.
Trong bộ sưu tập Maison Margiela Haute Couture Xuân Hè 2024, ông hồi sinh những nét cọ táo bạo của danh họa Kees van Dongen. Người phụ nữ trong tranh của họa sĩ người Pháp gốc Hà Lan luôn toát lên vẻ đẹp quyền quý với gương mặt trắng trẻo, hàng lông mày thanh mảnh cùng đôi má hồng hây hây. Hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm trí của John và được ông thể hiện một cách tài tình qua kiểu trang điểm làn da trắng sứ cho các người mẫu trình diễn. Gu thẩm mỹ đậm tính nghệ thuật của John Galliano còn được khẳng định qua cách xử lý chất liệu tài tình, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Những mảng màu nước trong suốt tô điểm cho trang phục rất mực gợi cảm và táo bạo của các quý cô trong tranh Kees van Dongen được vị giám đốc sáng tạo diễn giải tài tình trên các mẫu đầm lụa duyên dáng. Là lời ca tụng dành cho những người phụ nữ ở bất kỳ phom dáng nào, những chiếc đầm này được tạo thành từ hai lớp. Lớp thứ nhất là bộ jumpsuit in trompe l’oeil hoa văn cơ thể người, kết hợp đồng điệu với đai thắt lưng nhằm tạo hiệu ứng đồng hồ cát. Lớp phía ngoài là chiếc đầm lụa màu nude trong suốt tuyệt đẹp.
Thời trang là nơi thể hiện sức sáng tạo vô hạn và kỹ thuật thủ công phi thường của nhà mốt. John Galliano đã chứng minh điều đó bằng cách đan xen không dưới 15 kỹ thuật may Haute Couture để tạo ra những kiệt tác thủ công tinh xảo từ những ý tưởng bất tận của mình.
OPTICAL ILLUSIONS
Trong tiếng Pháp, “trompe l’oeil” có nghĩa là “đánh lừa thị giác”. Còn ở ngành thời trang, đây là thủ pháp tạo ảo ảnh quang học trên trang phục bằng hình vẽ hoặc in 3D trên bề mặt vải. Kỹ thuật này bắt nguồn từ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, tiêu biểu có thể kể đến bức tranh vẽ những quả nho của danh họa Zeuxis (trông thật đến nỗi nhiều chú chim còn cố gắng mổ vào chúng). Trong bối cảnh thời trang hiện đại, LOEWE, Maison Margiela và Diesel là những tên tuổi đi đầu về việc ứng dụng kỹ thuật trompe l’oeil vào thiết kế.
Đọc thêm
LOEWE: Bản sắc truyền thống dưới nhãn quan tinh nghịch
Maison Margiela: Sự kịch tính trong thế giới Haute Couture
Diesel: “Nhà điêu khắc” denim tài hoa