Mải mê đi tìm cái đẹp ở khắp mọi miền thế giới

                                                            ĐẸP’S 20TH ANNIVERSARY

Hành trình 20 năm của Đẹp không thể là một hành trình đơn độc. Thật may mắn khi ngay từ những bước đi đầu tiên của chặng đường này, Đẹp đã luôn có sự đồng hành của các tên tuổi lớn – những thương hiệu mà tinh thần của họ không nằm ngoài cái đẹp, dù là cái đẹp hình thức, cái đẹp nhân văn hay cái đẹp mang sắc màu văn hóa.

Những chuyến đi tới mọi miền thế giới đã giúp Đẹp có được trải nghiệm sâu sắc, mở mang tầm nhìn và thêm tin tưởng vào hành trình đồng hành cùng vẻ đẹp mà chúng tôi luôn theo đuổi.

Chanel

Đó là show diễn BST Thu Đông 2017 của Chanel tại Paris, show thời trang đắt giá nhất trong lịch sử của Chanel. Người ta tấm tắc về bộ sưu tập được sáng tạo bởi NTK Karl Lagerfeld và không giấu được niềm phấn khởi khi thấy ông đi một vòng quanh mô hình tên lửa lúc cuối show để chào khán giả cùng cậu nhóc Hudson Kroenig.

Mô hình tên lửa khổng lồ trong show diễn Thu Đông 2017 của Chanel.

Dưới mái vòm kính của tòa nhà Grand Palais trứ danh ở Paris, một mô hình tên lửa khổng lồ được dựng lên. Không ai có thể đưa ra con số cụ thể về chi phí tổ chức show diễn này. Nhà mốt Chanel vẫn luôn là như vậy, khó có thể tưởng tượng được họ sẽ làm gì và làm như thế nào, chỉ biết rằng tất cả khách mời khi ra về sẽ không bao giờ quên được những gì mình vừa chứng kiến.

Chuyến đi Paris năm 2017 của Đẹp còn thêm phần ý nghĩa khi được đến thăm căn hộ số 31 đường Cambon, nơi ở và làm việc của NTK Gabrielle “Coco” Chanel một thời. Mọi thứ bên trong căn hộ vẫn được bảo quản và giữ gìn tuyệt đối, bởi có thể nói, chúng là những “nhân chứng lịch sử”, là cội nguồn của những sáng tạo mà Coco Chanel mang đến cho thế giới thời trang hiện đại. Tại đây, chúng tôi cũng đã được tận mắt nhìn thấy chiếc cầu thang xoắn ốc nơi Coco Chanel vẫn thường ngồi theo dõi show diễn của mình qua sự phản chiếu của những tấm gương.

Louis Vuitton

Nhà xưởng của Louis Vuitton tại Asnieres.

Chuyến đi đến Paris đầu tiên của Đẹp là vào năm 2012, trong vai trò khách mời duy nhất của Louis Vuitton từ Việt Nam đến vùng Asnières, nơi có xưởng thủ công được coi là trái tim của thương hiệu. Tại đây, chúng tôi có dịp được tham quan những căn phòng chức năng, tận mắt chứng kiến quá trình làm việc của những người thợ. Sự chuẩn xác, tỉ mỉ trong từng công đoạn đã làm nên danh tiếng của thương hiệu hơn 160 năm tuổi này. Bất ngờ hơn cả, trái với suy nghĩ của đa số rằng đây là công việc dành cho những người trung niên với tay nghề lão luyện, ở đây có rất nhiều người trẻ. Họ dành một niềm đam mê và nhiệt huyết lớn lao cho việc tạo nên những thiết kế túi xách, phụ kiện trên chất liệu canvas in họa tiết monogram trứ danh của Louis Vuitton.

Amore Pacific

Trụ sở chính của tập đoàn lớn nhất nhì Hàn Quốc này là một trong những công trình kiến trúc nổi bật tại thủ đô Seoul. Nó được đặt tại Yongsan, thiết kế bởi 30 kiến trúc sư trong và ngoài nước, có khả năng thu nạp tới 75% ánh sáng tự nhiên cho toàn bộ các tầng. Tầng hầm của tòa nhà là bảo tàng nghệ thuật, nơi trưng bày những tác phẩm quý giá theo các chủ đề liên tục được đổi mới. Tầng trệt là địa điểm diễn ra các triển lãm nghệ thuật thường niên, tiêu biểu là chuỗi triển lãm Sulwha bắt tay cùng các nghệ sĩ bản địa đa lĩnh vực.

Khuôn viên thư giãn với hồ nước và cây xanh.

Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả, là trụ sở này bao gồm cả các quán ăn, café, cửa hàng kính mắt, tiệm hoa, cửa hàng sách… để nhân viên thư giãn, khu trông trẻ hỗ trợ các ông bố bà mẹ phải làm việc ngoài giờ và một khu shopping quy tụ toàn bộ các mặt hàng mỹ phẩm của 21 thương hiệu thuộc tập đoàn với giá bán ưu đãi đặc biệt cho nhân viên. Tầng 5 của tòa nhà là một không gian thoáng đãng với hồ nước có đáy kính trong suốt thu hút ánh sáng, nơi mọi người có thể thả hồn thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Không khó hiểu khi Amore Pacific được giới trẻ Hàn Quốc coi là một trong những môi trường làm việc lý tưởng nhất sau khi tốt nghiệp đại học.

Và nếu bạn chưa biết, thì Amore Pacific chính là tập đoàn sở hữu các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Sulwhasoo, Laneige, Innisfree, Etude, Mamonde…

Triển lãm nghệ thuật và show thời trang được tổ chức tại sảnh lớn của tòa nhà.

H&M

Một trong những chuyến đi đến châu Âu để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho chúng tôi là hành trình đến “thủ phủ” của thương hiệu H&M tại thành phố Stockholm, Thụy Điển. Đó là nơi ra đời những mẫu thiết kế cho tất cả các cửa hàng H&M ở khắp nơi trên thế giới. Tại đây, Đẹp đã có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện cùng chủ tịch của H&M, ngài Karl-Johan Persson – cháu nội của người sáng lập thương hiệu H&M Erling Persson, cùng cố vấn sáng tạo Ann-Sofie Johansson, và đặc biệt hơn nữa là một đại diện từ bộ phận nhân sự của tập đoàn, để từ đó chúng tôi hiểu rằng H&M không chỉ là một đế chế thời trang có sức ảnh hưởng rộng khắp mà còn là một gia đình nơi những giá trị nhân văn được đặt lên hàng đầu. H&M cũng có thể được coi là thương hiệu đi đầu trong hướng phát triển thời trang bền vững. Giữa bối cảnh các vấn đề về hệ sinh thái đang vô cùng nhức nhối, nhiều thương hiệu khác còn loay hoay tìm cách giảm thiểu tác động đến môi trường, thì thương hiệu này đã có những sản phẩm sử dụng chất liệu cotton hữu cơ từ năm 2007, hướng đến sử dụng toàn bộ chất liệu tái chế trong các thiết kế của mình từ năm 2030 trở đi.

Một tác phẩm sắp đặt với chủ đề thời trang bền vững trong buổi ra mắt BST “Conscious Exclusive” của H&M năm 2016.

From the same category