Những người tình là nguồn cảm hứng bất tận cho người sáng tạo, công chúng có thể biết hoặc không biết đến họ, nhưng không thể không công nhận sự đóng góp của những người tình để người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.
Người tình của Tagore, Victoria Ocampo, nhà hoạt động văn hóa người Argentina, đã tạo cảm hứng cho ông cầm cọ vẽ 2.200 bức tranh và cho ra đời tập thơ “Purabi”. Người tình bí mật của Picasso, Marie-Thérèse Walter, đã làm người mẫu cho ông trong suốt tám năm trời và khiến danh họa sáng tạo nên hàng loạt bức tranh theo trường phái nhục cảm. Trong đó có bức họa Walter khỏa thân mang tên “Người đàn bà khỏa thân, những chiếc lá xanh và bức tượng bán thân” mới đây được bán với giá kỷ lục: 106,5 triệu USD.
Một người tình rất nổi tiếng của Victor Hugo là Juliette Drouet. Nàng đã đi theo đại văn hào 50 năm trong cả những quãng thời gian lưu vong của ông. Mặc dù sinh thời chỉ là một nữ diễn viên không tên tuổi nhưng giờ đây, ngôi nhà mà nàng đã từng sinh sống (cách không xa tư gia của Victor Hugo) đã được bảo tồn và dựng lên một tấm biển: Juliette Drouet (1806 -1883) đã từng sống ở đây. Chẳng khác nào Lev Tolstoi đã từng sống ở đây. Lão Xá đã từng sống ở đây.
Ấy là những người tình được người đương thời biết đến, còn có những người tình bí ẩn khác của những nghệ sĩ vĩ đại cũng đã làm hậu thế tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phỏng đoán, đặt giả thiết, dò hỏi tung tích và dựng lên những thiên tình sử ly kỳ chẳng biết có thật hay không. Tỷ dụ như đến bây giờ, các nhà viết sử cũng chưa thống nhất được nhân vật thực sự trong bản tình ca bất hủ của Beethoven “Fur Elise” là ai. Họ vận dụng cả nghệ thuật phân tích nét chữ trên bản thảo của nhà soạn nhạc để cố gắng đưa ra kết luận mà vẫn vô vọng. Rồi thực ra người đàn bà bí ẩn mà trong những bức thư tình, Beethoven chỉ gọi đơn giản là “người tình bất tử” là ai? Là ai thì chúng ta chẳng biết, nhưng rõ ràng người đàn bà bí ẩn ấy đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để một nghệ sĩ thiên tài yêu mãnh liệt như Beethoven sáng tác nên “Sonata ánh trăng” và nhiều nhạc phẩm bất hủ khác.
Tôi còn nhớ một câu chuyện rất ám ảnh. Ấy là hồi tôi mới làm báo, cô bạn thân mới bảo “Cậu có muốn viết bài về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì tớ dẫn đến. Là ông trẻ tớ đấy”. Tôi vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Kinh ngạc vì cô bạn tôi có hẳn một ông trẻ là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mừng rỡ vì tôi có cơ hội được gặp một thần tượng với những “Tà áo xanh”, “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay” mà tôi đã thuộc lòng từ nhỏ, một người được mệnh danh là “ông hoàng nhạc tình”. Phần nữa, tôi còn mang khá nhiều tò mò về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, công tử Bạc Liêu xứ Bắc, người kế nghiệp của hãng nước mắm Vạn Vân, cũng là người đào hoa bậc nhất Hà thành.
Thời ấy, cả nước có hai chiếc Cadillac thì Đoàn Chuẩn đi một chiếc. Người ta còn đồn rằng, chiếc xe của ông phụt khói có mùi hoa bưởi, xe khuất bóng mà khói xe còn thơm từ đầu phố đến cuối phố. Ông đưa người đẹp đi tắm biển Đồ Sơn, người bình thường để xe tít trên bờ, còn ông phi thẳng xe xuống sát mép nước cho người đẹp đỡ bẩn chân vì cát và tuyên bố xe chạy đến đâu, bóng xe chiếu đến đâu sẽ trả tiền thuê dù đến đó. Ông cho người mang đến tặng người đẹp mỗi ngày một bông hồng trong suốt 1.000 ngày, và đến ngày thứ 1000 thì chủ nhân của những bông hồng mới xuất hiện. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam chơi đàn guitar Hawaii. Chẳng cần phải sống vào thời đất rộng người thưa ở đầu thế kỷ trước, mà ngay cả sang đến thiên niên kỷ 88 triệu dân này, một nhạc sĩ đẹp trai như Đoàn Chuẩn, chủ nhân của những giai điệu tình say đắm lòng người, chơi guitar Hawaii, con nhà quý tộc (cần phải nói rằng không phải người giàu có nào cũng có gốc gác quý tộc), một thiếu gia sở hữu 6 chiếc xe hơi, lãng mạn và chơi đẹp, xống áo, giày dép lúc nào cũng sành điệu thì phụ nữ có lẽ cũng đủ xếp hàng một.
Được đến thăm và phỏng vấn con người huyền thoại mà mình vẫn hâm mộ thì còn gì bằng. Cô bạn dẫn tôi đi qua con ngõ nhỏ tối tăm và chật chội, vào một ngôi nhà cũng tối tăm và chật chội. Bàn nước đơn sơ, tường nhà bạc màu treo vài tấm ảnh nhạc sĩ lúc tuổi trung niên. Sau khi chào hỏi bà Xuyên, người đàn bà cao tuổi có vóc dáng nền nã mà tôi áng chừng là phu nhân nhạc sĩ và giới thiệu mục đích của tôi, cô bạn tôi khoát tay: “Ông trẻ tớ đây”. Tôi sững sờ nhìn thân hình nhỏ bé bất động trên chiếc giường gỗ u ám treo tấm ri đô cũ kỹ. Ông bất động như thế đã lâu và thỉnh thoảng mới nhận ra người thân.
Lúc ấy, giai điệu “Tà áo xanh” lại thánh thót trong tâm trí tôi. Nhạc Đoàn Chuẩn luôn có chất sang trọng, và 6 bài trong số 20 nhạc phẩm để lại là dành tặng cho người tình ca sĩ xinh đẹp của ông, mối tình dang dở đầy đau đớn và bất hạnh, cũng là mối tình cuối cùng để từ đó người nghệ sĩ đa tình không còn yêu thêm được ai nữa. Trong số những bài hát ông tặng cho người tình bị xé nát có “Tà áo xanh”, “Vàng phai mấy lá” hay còn gọi là “Bài ca bị xé” với tiếng khóc đã bật thành tiếng nhạc: “Ai xui ta gặp nhau, để tình gây oan trái. Để tình anh bẽ bàng, để tình em lỡ làng”. Ca sĩ Thanh Hằng sau cuộc chạm trán với vợ Đoàn Chuẩn đã kiên quyết chia tay đi lấy chồng và cũng từ bỏ luôn nghề ca hát, vĩnh viễn im tiếng và giấu mặt cho đến tận bây giờ. Sau này, người ta phát hiện ra trong di cảo của nhạc sĩ một ca khúc rất độc đáo cũng dành tặng cho người ca sĩ “Một gói nho khô, một cánh pensée” vừa đây mới được thu âm.
Người nhạc sĩ của mùa thu trút hơi thở vào một ngày cuối thu năm 2001, sau khi tôi đến thăm ngôi nhà của ông ít lâu. Câu nói cuối cùng của người nghệ sĩ, không phải dặn dò về thừa kế và tài sản, mà chỉ đau đáu một nỗi đau: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”.
Những lúc nghe nhạc phẩm “Tà áo xanh”, tôi lại cố gắng hình dung ra khuôn mặt kỳ ảo vang bóng một thời của người tình bí mật của nhạc sĩ, mừng lòng vì trên mạng không có bất kỳ tấm ảnh nào dù là thời trẻ của bà. Đúng vậy, hãy để những tác phẩm còn ở lại. Và những người tình, xin hãy mãi mãi là nhân vật bí ẩn, để tấm chân dung của họ được bất tử trong trí tưởng tượng của những người mộ điệu.
Bài: Di Li