Trước ý định lựa chọn Mai Khôi cho chuyên đề "nhẫn", khá nhiều người ngăn cản tôi với lý do rất "ngọt": cái con bé sống "bão táp" và bản năng như vậy thì làm gì có "nhẫn". Nhưng tôi nghĩ, đời một người, không ai không có chữ nhẫn – hoặc thiếu nhẫn, hoặc thừa nhẫn, hoặc vừa đủ nhẫn – nên không lý do gì để không gõ cửa Mai Khôi.
24 tuổi, nhìn những gì đã qua, chị thấy mình đã tuân thủ được chữ nhẫn chưa?
Từ trước đến nay, tôi làm việc theo suy nghĩ và làm cái gì cũng từ từ, đúng khả năng mình có, dù thời gian hơi lâu. Bằng chứng là tôi vẫn hát nhạc tử tế, dù xung quanh có nhiều ca sĩ có tư chất, lúc đầu hát nhạc không dễ dãi, nhưng khi nhạc thị trường áp đảo, họ cũng xoay qua hát nhạc thị trường. Vậy là ngoài sự dễ dãi, họ đã thiếu một chút nhẫn nại.
Tôi thì không nghĩ nhiều về chữ nhẫn, nhưng tôi giữ được lòng tin về dòng nhạc của mình. Chắc đó cũng là một phần chữ nhẫn nằm trong tính cách của tôi.
Nhưng nhẫn quá sẽ dẫn đến chậm, mà cơ hội như dòng sông, đã đi sẽ không trở lại, trong khi thời gian đối với ca sĩ lại quá quan trọng?
Nhiều ca sĩ vội vã cũng đâu có sự bền bỉ. Mọi việc xảy ra trên cuộc đời đều có duyên số và thời điểm đúng mức. Tôi thấy mình được chứ không mất gì, dù tôi được ít chứ không nhiều như những người khác.
Cụ thể là số lượng khán giả của tôi không nhiều, nhưng những ai từng “bất chợt” nghe nhạc của tôi đều cảm nhận được. Tôi có hai CD và một DVD khá tử tế trên kệ đĩa.
Tôi không chạy sô nhiều, không kiếm tiền nhiều, nhưng những chương trình tôi xuất hiện đều có ý nghĩa và có tầm vóc nhất định.
Còn trong cuộc sống, chị có biết nhẫn không?
Tôi nhẫn nhịn nhiều, và nhẫn nại nữa. Khi hẹn một người, dù người yêu hay công việc, tôi ngồi chờ đến cùng, cho dù người đó không tới và không nhắn cho tôi một tin nhắn nào.
Nhưng tình yêu mà nhẫn nhịn quá sẽ thành người nhu nhược, yếu đuối?
Cái gì cũng đúng mực của nó. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn, rất hiền lành, đoan chính, không có "tì vết" gì. Bố rất quý trọng mẹ, nhưng mỗi khi tức giận, bố không tránh khỏi những lời xúc phạm.
Từ khi chứng kiến những điều đó, tôi không cho phép người đàn ông yêu mình xúc phạm mình. Người nào có những lời xúc phạm, dù trong cơn tức giận, tôi cũng không bỏ qua.
Còn về sai lầm, tôi cho phép người yêu có quyền phạm sai lầm 3 lần. Đó cũng là một chút nhẫn nại của tôi trong tình yêu. Nhưng tôi sẽ không nhẫn nại đến mức người khác có thể xem thường mình hoặc cảm thấy mình luôn ở đó để họ làm gì thì làm.
Tôi được biết, chị còn rất trẻ, nhưng đã đón nhận và tiễn đưa rất nhiều cuộc tình. Vậy trong những lần "tiễn đưa" đó có tồn tại chữ nhẫn không?
Khi 18 – 19 tuổi, tôi dễ yêu, yêu vội vã và có nhiều cảm xúc mãnh liệt, nhưng cũng mau chóng mất đi.
Tới bây giờ, tình cảm của tôi chín chắn hơn. Vẫn giữ được sự cháy bỏng ban đầu, nhưng kéo dài hơn, vì mình càng yêu nhiều càng cảm thấy đối tượng nào thích hợp với mình.
Nhưng, mọi cuộc chia tay đều đã đến lúc phải chia tay, chứ không liên quan đến chữ nhẫn.
Hỏi thật chị nhé, trước người đàn ông đẹp, chị có phải dùng… chữ nhẫn không?
(Cười rất to) Dùng chữ nhẫn để làm gì vậy chị?
Để kìm hãm bản năng của một phụ nữ thích đàn ông đẹp!
Có thể lòng mình cũng muốn! Vì dù đàn ông hay đàn bà, thì nhìn một hình ảnh đẹp, quyến rũ, cũng có một chút dậy sóng ở trong lòng. Nếu phần “con” cao hơn, tôi sẽ nhào vô anh ta. Nhưng tôi là người mà!
Tôi cũng chẳng phủ nhận, cách đây 3 – 4 năm, tôi không có nhẫn nại, mà sẵn sàng… lao tới. Đương nhiên tôi không chủ động, mà phải biết chắc chắn người đó cũng thích tôi, nhưng bây giờ tôi không có những cảm xúc đó đối với đàn ông đẹp nữa. Tôi cảm giác mình không hợp với đàn ông đẹp và trẻ.
Điều gì khiến một người có "chuỗi" người yêu trẻ đẹp như chị lại nói không hợp với đàn ông trẻ đẹp? Phải chăng cũng vì chữ nhẫn?
Không biết đàn ông trẻ đẹp khác thế nào, còn tôi đã yêu vài người. Tôi thấy họ nông nổi, tình cảm hời hợt. Họ không cho mình sự che chở nào, mà mình toàn phải che chở cho họ.
Không những thế, với một số người, tôi phải vừa yêu vừa dạy! Mệt lắm! Như một sự ám ảnh, tôi không còn cảm thấy đàn ông trẻ, đẹp hấp dẫn nữa. Sau những điều trải qua, tôi thấy cái đẹp chỉ có ở những người từng trải, đứng tuổi.
Đẹp phải có thần. Đặc biệt, tôi thấy những người hơn 50 tuổi có nụ cười trong sáng hơn những người trẻ! Chu Bar là nơi tôi hay tụ tập. Ở đó toàn những người già dễ thương của tôi.
Tôi hay nhìn vẻ mặt của từng người, lắng nghe những câu chuyện họ kể, quan sát cách họ đối xử với nhau. Bạn trai của tôi cũng trong nhóm… hơn 50 tuổi đó. Là người nóng tính, vậy mà từ khi quen tôi, anh ấy đã săm chữ nhẫn trên vai.
Anh ấy giải thích muốn được nhẫn nhịn, nhẫn nại hơn khi yêu tôi. Vì thấy tôi là người gây ra nhiều sóng gió nhất, có nhiều vấn đề nhất trong chuyện tình cảm. Bởi tôi không bao giờ yêu một người, mà yêu… hai, ba người cùng một lúc.
Tự nhiên như vậy, chứ tôi không có cố tình. Vậy nên anh ấy muốn có chữ nhẫn trên vai để nhắc nhở mình mỗi khi nóng tính.
Yêu một phụ nữ như vậy có phải là cách yêu mù quáng? Và chữ nhẫn ở đây không phải nhẫn nại nữa mà là… nhẫn nhục?
Đó là cách anh ấy muốn kìm hãm, muốn chinh phục tôi, chứ anh ấy không hề là người chịu đựng, nhẫn nhục. Anh ấy cũng rất hay.
Từ trước đến nay, chưa có ai khiến tôi yêu một người, vậy mà anh ấy đã làm được. Cho tới bây giờ, tôi bỏ hết những mối tình đang có để tập trung yêu một người. Đây là một sự thay đổi lớn đối với tôi. Nghĩa là, trong hoàn cảnh này, chữ nhẫn đã có tác dụng!
Dương Thúy |