Zanskar: Xứ sở tàn bạo diệu kỳ - Tạp chí Đẹp c

Tôi từng đọc được ở đâu đó câu nói của người dân Zanskar về vùng đất của mình: “Nơi này cằn cỗi và quá cao, tới nỗi chỉ có những kẻ thù hung dữ nhất hoặc những người bạn tốt nhất mới muốn đến thăm chúng tôi”. Nó ám chỉ sự khắc nghiệt và hoang vu của vùng đất nằm ẩn mình giữa dãy núi Himalaya này. Chúng tôi chỉ đơn thuần là những kẻ lang bạt, mang trong mình sự hiếu kỳ và chút điên rồ của tuổi trẻ, liệu vùng đất này có mở ra cho chúng tôi con đường nào?

Chúng tôi đặt chân đến Leh, thủ phủ của vùng Ladakh vào một buổi sáng mùa thu se lạnh tuyệt đẹp. May mắn vì không bị ảnh hưởng quá nhiều từ chứng sốc độ cao, cả đoàn vẫn vui vẻ trò chuyện, tận hưởng bầu không khí trong lành và những cơn gió mát lạnh thốc vào người trên vùng đất cao đến 3.000m so với mực nước biển.

Mục đích chính của hành trình này là chinh phục cung đường off-road mà khi tôi nhắc đến, ai cũng lắc đầu: từ Leh đến Zanskar, đã thế, lại còn đi bằng xe mô tô. Một cặp vợ chồng trẻ người Việt vừa quay về từ cung đường này hết lời can ngăn chúng tôi, họ nói cung đường đó nổi tiếng với địa hình lởm chởm đá, đèo dốc cheo leo, nhiều khúc thậm chí không có đường đi. Sau khi tổ chức nhanh một cuộc họp, bọn tôi thống nhất: cứ đi, cho đến khi không thể đi tiếp được nữa mới quay về. 3 ngày sau đó được dùng để làm quen với độ cao và những con xe tay côn Royal Enfield, loại xe chuyên trị địa hình khó nhằn.

8 giờ sáng, ngày đầu tiên của cung đường Leh – Zanskar, đi cùng chúng tôi là xe ô tô hỗ trợ và 2 người bản địa có nhiệm vụ dẫn đường, sửa xe cho đoàn. Dẫu đã tìm hiểu về vùng đất này, đoạn đường 200km đầu tiên vẫn làm chúng tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp ngoài sức tưởng tượng. Cảm tưởng như nếu giơ máy lên bấm bất kỳ khung hình nào cũng có được một tấm ảnh đặt làm hình nền cho máy tính. Những ngọn núi đá hùng vĩ đủ sắc màu, bên dưới là dòng sông trắng xóa chảy uốn lượn, hai bên bờ là những hàng cây đã dần chuyển sang sắc vàng. Tối hôm đó nghỉ chân tại thành phố Kargil, cả bọn sướng rơn vì có nước ấm để tắm sau mấy ngày phải tắm bằng nước lạnh. Ký ức đẹp đẽ về ngày đầu tiên giống như sự bình yên trước “cơn bão” mà chúng tôi phải chịu đựng vào những ngày sau đó.

Tôi đã phải dùng câu trích dẫn kinh điển này của nhà văn Lỗ Tấn để an ủi bản thân khi bắt đầu con đường off-road đầy chông gai đến thị trấn Padum – trung tâm của Zanskar. Vừa lái xe, tôi vừa nghĩ nên có một định nghĩa khác cho khái niệm đường xá ở đây. Đường mòn ngoằn ngoèo đi qua các đỉnh núi toàn đá, có đoạn phải lội qua suối, có đoạn dốc đứng chỉ toàn những tảng đá lớn. Bù lại, cảnh vật hai bên khiến chúng tôi cảm thấy cơn đau vùng cổ, vai, gáy, hay lúc lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo sau những cú xóc thật xứng đáng. Núi tuyết phủ trắng giữa nền trời xanh trong vắt, thảm cỏ vàng đượm chạy dọc triền núi, thi thoảng lại có đàn cừu, đàn bò lững thững nhởn nhơ. Cứ khi nào nhìn thấy nhiều cờ Lungta là chúng tôi biết mình lại đang đứng trên một đỉnh núi. Từ đó nhìn xuống thung lũng bên dưới, cả khung cảnh hùng vĩ thu gọn vào tầm mắt của kẻ lữ khách tò mò.

Buổi trưa, không tìm được quán ăn dọc đường, chúng tôi dừng chân dưới một tán cây, lôi đống đồ ăn mang theo từ Việt Nam ra đánh chén. Nghe những người đi trước dọa đồ Ấn khó ăn nên chúng tôi đã chuẩn bị 2 vali lương thực to đùng, vậy mà từ khi đến Leh, tối nào cả bọn cũng được ăn ngon lành thịnh soạn, đám đồ ăn ấy hầu như chẳng được đụng đến.

Ở những nơi có địa hình khó thế này, việc duy trì vận tốc chạy xe ở mức “rùa bò” 20-25km/giờ đã là việc quá sức phi thường. Khoảnh khắc êm ả nhất của tôi trong suốt hành trình là lúc tôi lạc tay lái lao thẳng xuống một con suối, sau đó được đặc cách ngồi trên xe ô tô với người hướng dẫn một đoạn, thích thú ngắm đồng đội đang đánh vật với đoạn đường đất đá.

Trưa ngày thứ 3, chúng tôi đặt chân đến sông băng Drang Drung. Nhìn từ xa, trông nó giống như một con rắn trắng khổng lồ đang trườn từ đỉnh núi xuống thung lũng, chiếm giữ một mình một lãnh thổ. Người hướng dẫn của chúng tôi nói chỉ khoảng một tháng nữa thôi, tuyết sẽ phủ trắng xóa nơi này, để rồi vào mùa xuân, khi tuyết tan, dòng sông băng tan chảy sẽ cung cấp nước cho cả vùng đất rộng lớn.

Cuối cùng cũng đặt chân đến Padum, trung tâm của Zanskar, cả bọn hú hét khi nhìn thấy con đường trải nhựa trước mặt. 13km đường nhựa về trung tâm Padum mà chúng tôi tưởng như lối dẫn về thiên đường.

♦ Thời điểm đẹp nhất là tháng 5 đến đầu tháng 10. Khoảng thời gian còn lại thời tiết xấu, tuyết đóng dày, nhiệt độ xuống tới -30 độ C, nhiều đoạn đường sẽ bị cấm, các khu du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng đóng cửa.
♦ Những người mắc hội chứng sốc độ cao, sức khỏe yếu không nên đến đây.
♦ Bạn phải xin giấy phép để đến Zanskar vì nơi này thuộc khu tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trên đường đi, bạn sẽ phải dừng chân ở rất nhiều trạm kiểm soát, khu quân đội.
♦ Ở Leh có mơ, táo ngon và ngọt. Mơ khô một nắng đáng để mua về làm quà, giá khoảng 30.000VND/gói.
♦ Ra khỏi Leh, bạn sẽ không thể kiếm được thịt vì người dân ở đây đều ăn chay.
♦ Nên uống hoạt huyết dưỡng não ở nhà trước 15 ngày.
♦ Những thứ nên mang theo: viên tảo bổ sung vitamin cho những bữa ăn thiếu rau, thuốc chống sốc độ cao, thuốc xịt chống chảy máu mũi, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, miếng dán giữ nhiệt, găng tay, mũ len, quần áo giữ nhiệt, bánh kẹo ngọt để giữ sức, mì gói, đồ hộp..

Thú thật, nghĩ đến quãng đường quay lại điểm xuất phát, tôi đã muốn… thả mình theo dòng sông Zanskar để trôi về Leh cho nhanh. Nhưng giả sử điều đó xảy ra thì tôi đã không có được những trải nghiệm ấm áp nhất chuyến đi này.

Chuyện là trên đường về, chúng tôi quyết định không đi theo lộ trình ban đầu mà chọn nghỉ chân tại ngôi làng Abran cách Padum 45km. Làng nhỏ nhắn chỉ có vài chục mái nhà. Những ngôi nhà ở đây chủ yếu được đắp bằng bùn đất, mái phủ cỏ, củi khô và phân bò được tích trữ để sưởi đốt cho mùa đông sắp tới. Tối đó, chúng tôi được chủ nhà chiêu đãi món dimsum chay và bia tự nấu. Ăn uống no nê, tôi bước ra trước cửa nhà, ngay lập tức đắm chìm vào cảnh tượng mê hoặc của dải ngân hà rực sáng trên bầu trời. Tôi còn biết làm gì khác bây giờ ngoài việc mỉm cười và ngồi lặng yên ngắm nhìn cho thỏa những dải tinh tú ấy.

Bò và cừu là những gia súc chủ yếu ở Zanskar.
Nếu không phải chính tay tôi chụp, tôi cũng nghĩ đây là một bức tranh sơn dầu.
Tu viện Karsha của tông phái Mũ vàng được quản lý bởi em trai của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Panikhar, ngôi làng của người Hồi giáo mà chúng tôi dừng chân trong đêm hôm sau cũng là minh chứng cho việc người Zanskar thực sự rất hiếu khách. Chủ nhà nói rằng chúng tôi là những vị khách cuối cùng của mùa du lịch trước khi họ đóng cửa. Lúc này trời sắp trở lạnh, họ dự đoán tuyết sẽ rơi dày từ 1 mét rưỡi đến 2 mét. Hai cha con chủ nhà mời chúng tôi bữa trà chiều, chuẩn bị sẵn một căn phòng ấm cúng, trong phòng bày biện những bộ tách đẹp đẽ, cạnh đó là đĩa bánh ngọt mà họ tự làm. Lần đầu tiên trong chuyến đi chúng tôi được ở một căn phòng đẹp đến thế, giường êm đến thế, nhiều nước nóng đến thế, tiện nghi đến nỗi chúng tôi cảm thấy mình quá lôi thôi so với căn phòng. Bao nhiêu sương gió, bụi đường suốt cả hành trình đã phủ lên người bọn tôi một màu xám xịt.

Chuyến off-road kết thúc vào 4 giờ chiều của ngày thứ bảy trong hành trình. Chúng tôi lôi nhau đi ăn hàng, bù cho những ngày ít thịt vừa qua. Biết bao cung bậc cảm xúc, mệt mỏi, lạnh lẽo, đói khát đã đi qua, giờ chỉ còn lại sự lưu luyến dành cho vùng đất đầy hoang sơ và hùng vĩ. Tôi sẽ nhớ mãi khi bánh xe mình lăn trên một rẻo đường mòn nhỏ, hai bên là dốc đứng loang lổ màu tuyết trắng, màu đất nâu cùng những tảng đá đủ hình thù. Cảm giác lúc ấy giống như thể tôi đang ở trên lưng một con bướm khổng lồ, chu du qua xứ sở diệu kỳ mà tàn bạo.

7 giờ sáng mỗi ngày, dân làng Abran dẫn bò ra đồng cỏ.
Một ngôi nhà dân tại làng Abran.
Những đàn gia súc đang thong dong ăn cỏ, hình ảnh đặc trưng của cuộc sống du mục.

Bài và ảnh Tuấn Đào  | Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP