Lạnh và nóng

Hạo Phong (Lưu Hạo Nhiên) là một thanh niên trầm cảm từ Thượng Hải lặn lội tới Diên Cát để ăn cưới bạn cùng lớp, nhân tiện du lịch một thể. Hướng dẫn viên của anh là Nana (Châu Đông Vũ). Thấy anh cô lẻ, Nana mời anh đi uống rượu cùng cô và một cậu bạn thân là Hàn Tiêu (Khuất Sở Nhiên) – người làm công trong quán ăn gia đình. Hạo Phong để lỡ chuyến bay về nhà. Nana và Hàn Tiêu rủ anh ở lại chơi. Họ trở thành một tam giác kỳ lạ. 

Có hai thế giới ở Diên Cát: một là thế giới mở của mưa tuyết trắng trời giá lạnh, thế giới của những người cắt băng để bán, thế giới của những sân băng mênh mông; thế giới còn lại là thế giới đóng kín của con người: những căn gác xập xệ, những quán ăn chật chội, một chiếc ô tô nhỏ, chiếc xe gắn máy ba người trưởng thành cùng nhồi nhét nhau. Cái lạnh và cái nóng trong phim giằng co mà tương hỗ. Sự lạnh giá khiến cho ngay cả những cảnh nóng bỏng nhất cũng thấm vẻ âu sầu, nhưng cũng chính cái rét buốt lại khiến những giây phút hạnh phúc tưởng bất khả trở nên kỳ diệu.

Lạc lối ở Diên Cát

Hạo Phong, Nana và Hàn Tiêu rất khác nhau: khác từ xuất thân đến điều kiện tài chính. Nhưng khi cả ba ngồi sì sụp ăn mấy hộp mì tôm sau một đêm ở vũ trường, ta biết họ có chung một thứ: tuổi trẻ. Vì trẻ, họ buồn rầu, họ lạc lõng, họ say xỉn, họ liều lĩnh, họ mộng mơ, họ vỡ mộng, và nói chung, họ chẳng biết làm gì với đời mình cả. “Nhiên đông” là một bộ phim dành cho Tuổi Trẻ viết hoa. 

Có một cảnh phim khi ba con người chạy như bay trong một nhà sách để cùng tham gia một trò chơi tiêu sầu vớ vẩn: xem ai tìm được cuốn sách dày nhất trước. Cảnh ấy nhắc ta nhớ đến một cảnh kinh điển trong phim “Band à part” của Jean-Luc Godard, cũng có hai chàng trai và một cô gái chạy đua qua bảo tàng Louvre xem liệu có thể lập kỷ lục người chạy qua Louvre nhanh nhất hay không. Nhà sách hay bảo tàng đều là chỗ con người ta phải tỏ ra đứng đắn nghiêm chỉnh, phải trang trọng trước một bức tranh hay phải nghiền ngẫm một cuốn sách. Nhưng những người thanh niên này thì không, họ chạy, chạy như kiểu sợ ai đó bắt kịp họ. Ai đó nhỉ? Tuổi già? Thời gian? Cuộc đời? Ta không biết. Nhưng họ vẫn cứ phải chạy để ngay cả cái bóng của mình cũng không đuổi kịp.

Từ trái sang phải: Lưu Hạo Nhiên - Châu Đông Vũ - Khuất Sở Tiêu

Mê cung băng

Băng là ẩn dụ xuyên suốt của “Nhiên đông”. Ba nhân vật chính ăn những viên đá để làm vui, như thể Diên Cát chưa đủ lạnh và họ vẫn cần phải nạp thêm băng giá vào cơ thể, như thể nếu họ có thể khiến mình còn lạnh hơn băng thì họ sẽ đủ khả năng chống lại được sự lạnh lẽo của cuộc đời.

Băng là nơi để mơ – Nana từng là một vận động viên trượt băng nghệ thuật tài hoa. Nàng tự rạch chân để bỏ nghề, nhưng rồi lại đến mưu sinh ở một nơi bốn bề đều là băng tuyết. Như thế, băng cũng là quá khứ. Băng đưa con người đến gần nhau và cũng là băng chia cách con người. Trong một phân cảnh đẹp tuyệt của bộ phim, Nana, Hạo Phong và Hàn Tiêu lạc nhau giữa một mê cung băng – những bức tường băng cao dựng đứng che khuất tầm nhìn của họ. Băng – mong manh và cũng vững chắc, họ có thể đạp vỡ những mặt băng, mà đồng thời cũng không thể phá vỡ những núi băng. Tuổi trẻ có thể làm rất nhiều điều, và tuổi trẻ cũng chẳng thể làm gì cả.

Châu Đông Vũ 

Với gương mặt trong vắt và trắng như một lớp băng, Châu Đông Vũ là linh hồn của “Nhiên đông”. Có thể tưởng tượng vai diễn của Khuất Sở Tiêu và Lưu Hạo Nhiên được thay thế bằng các diễn viên khác, nhưng Nana phải là của Châu Đông Vũ.

Vẫn là nét đẹp “em của thời niên thiếu” đã gắn liền với hình tượng từ buổi đầu làm nghề, nhưng trong “Nhiên đông”, chỉ Châu Đông Vũ mới có thể đóng một cảnh khêu gợi tình nhân mà không tạo nên cho ta bất cứ tạp niệm nào, chỉ cô mới có thể khiến ta tin rằng, nhân vật này vừa đủ sự ương ngạnh khi tự hoại đôi chân mình, nhưng cũng lại đủ mong manh để là hiện thân của một tuổi trẻ rồi sẽ tan vỡ, như băng tuyết tưởng cứng chắc thế, nhưng đến mùa cũng tan chảy. 

Núi Trường Bạch nghiêng nghiêng tóc bạc

Chuyến hành hương cuối cùng của những nhân vật trong phim là lên núi Trường Bạch ngắm hồ Thiên Trì xanh biếc giữa hõm chảo núi lửa kỳ vĩ. Trường Bạch nghĩa là trắng mãi. Trong tiếng Triều Tiên, ngọn núi này mang tên “bạc đầu”. Những con người trẻ tuổi lại đi viếng một ngọn núi bạc đầu, bất chấp cơn bão tuyết đang cận kề. Họ đi mãi, đi mãi, rồi thình lình gặp một con gấu đen như trong truyện cổ. Con gấu tha cho họ, nhưng rồi họ cũng không lên được tới đỉnh núi. Trường đoạn ấy có nghĩa gì? 

Sự lửng lơ này là một nguyên nhân khiến “Nhiên đông” dù được giới phê bình ca ngợi, lại bị khán giả ở Trung Quốc chê không tiếc lời. “Kịch bản gì lắt léo thế?”, “Chẳng hiểu phim định nói cái gì!”, họ bảo. Nhưng có cần thiết phải hiểu không? Đó có thể là sự công cốc của tuổi trẻ – dù cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thể thấy phong cảnh tráng lệ từ trên cao. Đó có thể là sự liều lĩnh của tuổi trẻ khi muốn đi thẳng vào tâm bão với niềm tin rằng mình sẽ sống sót để trở ra. Đó có thể là khao khát của tuổi trẻ được trở về với trạng thái không tạp nhiễm, nhưng bất thành. Là gì cũng được, ta đâu cần phải hiểu tuổi trẻ thì mới thấy yêu tuổi trẻ. 

Bài Hiền Trang Thiết kế Minh Thông

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP