Women In Sports - Những "cô gái thép" trong làng thể thao Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Vốn luôn cần rất nhiều sức mạnh để một vận động viên có thể kiên trì theo đuổi con đường thể thao gian khổ, đó là sức mạnh thể lực, sức mạnh ý chí, sức mạnh tinh thần… Riêng với các nữ vận động viên, tính nữ tưởng chừng là một điểm yếu, thực chất lại là sức mạnh giúp họ có được sự kiên nhẫn và mềm dẻo, “trong cương có nhu” mà nam giới khó lòng có được.

Đồng hành cùng chuỗi sự kiện “women empower women” với chủ đề “empower true beauty” năm 2020, Trong số báo kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ này, Đẹp muốn dành một chuyên đề để tôn vinh những “cô gái thép” của làng thể thao Việt Nam, những cô gái luôn chỉ biết cười khi nghe ai đó hỏi: “Sao không chọn việc nhẹ nhàng?”.

19 tuổi, Đỗ Thị Ánh Nguyệt giành huy chương vàng ngay lần đầu tham gia Sea Games. Bắn cung không phải là lựa chọn đầu tiên của Nguyệt, nhưng nhờ bắn cung, Nguyệt thấy mình thay đổi, “ngầu” hơn, bình tĩnh hơn và kiên trì hơn.

Sự nghiệp thể thao của Nguyệt thực ra lại bắt đầu với việc chơi bóng rổ cho đội tuyển Hưng Yên. Được một thời gian, các huấn luyện viên nhìn thấy cô có tính kiên trì, thích tự tập một mình, có lẽ sẽ thích hợp với một môn thể thao độc lập. “Các thầy cô khuyến khích tôi thử sức với bắn cung. Lần đầu tiên nhìn thấy các anh chị khác tập với cây cung, tôi lập tức bị cuốn hút, trông họ ngầu như trong phim kiếm hiệp”.

Giữa năm 2018 là lúc Nguyệt muốn bỏ cuộc nhất vì bị mất cảm giác, cô không thể điều chỉnh lực và hướng bay của mũi tên. Suốt 3 tháng liền, Nguyệt dậm chân tại chỗ mà không tìm được lý do. Cô cố giữ bình tĩnh, tập thêm nhiều giờ, nhưng mũi tên, các tư thế vẫn luôn đi lạc hướng. Có ngày, vì tập quá nhiều mà ngón tay co rút, vai và bắp tay cô tê cứng. “Tôi đã nghĩ, hết rồi, mình bỏ hẳn mất thôi”.

Nhưng rồi một sáng thức dậy, Nguyệt tìm lại được cảm giác trên đôi tay. Khoảnh khắc dây cung bật ra, mũi tên bay đi đúng hướng, cô cảm thấy mình “đặc biệt thần thái”. Trời đất như sống lại sau một cơn bão.

So với các môn thể thao khác, bắn cung tĩnh và có phần nhàm chán nhưng với Nguyệt, cô vẫn thấy mỗi ngày đến phòng tập là một niềm vui mới. Những thành tích đạt được giúp Nguyệt tự tin vào bản thân và cũng khiến cô gái mới chỉ bước sang tuổi đôi mươi giúp gia đình thoát khỏi cảnh hộ nghèo. Mức lương vận động viên của cô hiện tại là 270.000 đồng/ngày.

Người ta hay hỏi, con gái sao không tập mấy môn nhẹ nhàng. Thanh chỉ cười, không biết phải trả lời ra sao.

Năm 16 tuổi, Thanh bắt đầu tập cử tạ, dù trước đó không tập luyện thể dục gì, người cô vẫn có cơ bắp. Những ngày đầu đi tập về, cả người bải hoải, nhiều đêm Thanh đã khóc và bảo bà: “Chắc cháu không theo được”. Hồi đó, bà Thanh chỉ nói: “Cháu cứ nhìn các anh chị tập, họ kiên trì được thì mình cũng làm được”. Nghe lời bà, Thanh gắn bó với cử tạ đến giờ, đã 7 năm. Cô thích việc sử dụng sức mạnh, thích cảm giác nâng được từng mức cân, thích việc thử thách chính mình mỗi ngày.

Cũng giống những cô gái khác, Thanh cũng thích mua quần áo, thích được trang điểm. “Ngày thường đến phòng tập, tôi cũng phải tô son dù chỉ tập một chút là mồ hôi cuốn son đi đâu hết. Khi ra ngoài chơi, tôi nhất định phải họa mặt kỹ càng. Đôi lúc tôi cũng hơi tự ti với thân hình cơ bắp cuồn cuộn của mình”.

Huấn luyện viên của Thanh giám sát việc ăn uống của cô rất chặt chẽ, mỗi bữa cô phải nạp đủ 3 bát cơm để giữ cân. Thi thoảng xem TV, thấy những cô người mẫu mảnh mai, Thanh ước cũng có thể gầy như họ.

Tròn 20 tuổi, Hồng Thanh vô địch SEA Games 30 trong một chiến thắng suýt soát vào phút cuối cùng. Khi vận động viên Philippines đã định ăn mừng, bằng một nỗ lực thép, Thanh vươn lên bứt phá khiến đối thủ bật khóc vì thua cuộc.

“Cuộc sống 365 ngày chỉ xoay quanh việc tập luyện, khi nghỉ ngơi tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện cải thiện kỹ thuật để đạt tối đa thành tích. Trong suốt những năm đi tập xa nhà, nỗi nhớ lớn nhất trong tôi là em gái”.

Lúc 5 tuổi, em gái Thanh bị sốt và không được chữa kịp thời nên nhiều năm sau, cô bé vẫn chưa nói được. Thanh ước một ngày em gái cô có thể nhỏ to tâm sự cùng mình. Thanh sẽ nói với em: “Dù cử tạ mệt mỏi, nhưng ngay cả khi dính chấn thương, chị cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ. Chị muốn chiến thắng, muốn mạnh mẽ vững vàng hơn để có thể làm chỗ dựa cho em”.

“Tôi thích cách vận dụng đầu óc lúc ra đòn, sử dụng sức mạnh, chiến thuật để đánh thắng đối phương”.

 

Đã bao giờ bạn muốn từ bỏ kiếm chém?
Hai chữ “từ bỏ” xuất hiện ngay từ năm đầu tiên tôi theo nghề. Với môn kiếm chém, hai năm đầu các vận động viên chỉ được học về đấu pháp. Suốt hơn 700 ngày ròng rã, tôi thấy nản khi ngày nối ngày lặp đi lặp lại một số động tác quen thuộc, tập thế đứng, tập cách di chuyển với chân, tập tay không. Nếu hồi đó các thầy cô không động viên phải kiên trì, tôi đã không thể theo tiếp được. Năm thứ 3, khi chính thức được tập nhiều động tác thi đấu, lúc đó tôi mới tìm được cảm hứng. Tôi thích cách vận dụng đầu óc lúc ra đòn, sử dụng sức mạnh, chiến thuật để đánh thắng đối phương.

Khó khăn lớn nhất mà bạn từng vượt qua là gì?
Trong một lần thi đấu, tôi bị ngã, đầu gối gập xuống, đứt dây chằng, phải nghỉ một năm để phục hồi. Lúc đó, tôi nghĩ đời thể thao của mình chắc xong rồi. Bố mẹ cũng bảo thôi về nhà tìm việc khác để làm. Nhưng tôi quyết định cho mình thêm một cơ hội nữa. Sau một năm quay lại phòng tập, tôi tập hồi phục, thử di chuyển bộ pháp nhẹ xem chân có ổn định không, rồi dần dần thi đấu trở lại.

Cảm xúc của bạn khi nhận tấm huy chương bạc tại Sea Games 2019 vừa qua?
Ngay lúc thua đối thủ ở trận cuối, tôi biết mình đã chưa cố gắng hết sức. Tôi dằn vặt nhiều lắm vì nghĩ tại sao mình lại không làm tốt được. Nhưng chẳng lỗi sai nào có thể sửa chữa bằng lời nói hay sự dằn vặt. Tôi đặt thất bại sang một bên và chuẩn bị kỹ hơn cho những giải đấu tới. Đây là cách duy nhất tôi nghĩ có thể giúp mình vượt qua thất bại.

8 lần vô địch taekwondo thế giới, Châu Tuyết Vân vẫn là một cô gái mau nước mắt mỗi khi gặp tai nạn luyện tập, vẫn luôn cần học cách vượt qua tâm lý sợ hãi hậu chấn thương, và yêu quý bộ võ phục đến mức “ki bo” không bao giờ cho ai mượn.

Ngày thường, Vân học 4 tiếng buổi sáng ở trường, 6 tiếng tập võ cùng các đồng đội trong Đội tuyển Taekwondo Quốc gia. Những ngày cận kề giải đấu, cô dành hầu như cả ngày cho tập luyện. Vân luôn duy trì cân nặng của mình ở mức 43-45kg. Cuộc sống 10 năm nay của cô là như vậy. Kể từ năm học lớp 12, Vân đã không thể trả lời được câu hỏi: mình sẽ là ai nếu không theo đuổi con đường võ thuật chuyên nghiệp?

Dẫu đã quen với chấn thương, giai đoạn phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý luôn làm Vân sợ hãi. “Đó là khoảng thời gian cay đắng, khó chịu, hồi hộp nhất mà mỗi vận động viên phải trải qua”, cô chia sẻ. Những cơn đau dai dẳng từng khiến Vân không dám tập lại động tác khiến cô gặp tai nạn. “Nhưng nếu không tập ngay thì suốt đời tôi sẽ không tập được nữa. Cứ thử liều một phen xem sao, không được thì làm lại!”.

Liều lĩnh cộng với chăm chỉ là chìa khóa giúp Châu Tuyết Vân trở thành một đối thủ đáng gờm với các vận động viên khác. Cô hiểu chiến thắng không đến từ may mắn hay việc sở hữu lợi thế hơn người. “Không có chiến thắng nào là dễ dàng. Không tập luyện đồng nghĩa với việc không bao giờ có được thành tích cao. Kể cả có chiến thắng một lần, việc giữ được chức vô địch cũng khó khăn vô cùng”.

“Cha tôi từng là một cầu thủ. Sau khi giải nghệ, ông phải ngược xuôi, làm đủ nghề từ cộng tác viên ngân hàng đến phụ người ta nuôi cá để nuôi lấy gia đình. Nhìn cha, tôi nghĩ, dù có đam mê thể thao đến đâu, mình cũng phải có kiến thức, sự hiểu biết và bằng cấp để ổn định cuộc sống sau này. Để trở thành huấn luyện viên, tôi phải lấy bằng được tấm bằng Đại học”.

Năm 2014, tốt nghiệp trung học phổ thông, Trang Cẩm Lành nộp hồ sơ thi tuyển vào Đại học Thể dục Thể thao Tp. HCM. Với vận động viên theo nghiệp karate từ năm 16 tuổi như cô, đây là cách tốt nhất để sau khi giải nghệ vẫn có một công việc ổn định. Cô hy vọng có thể vừa luyện tập, thi đấu, vừa có thể hoàn thành việc học đại học trong 4 năm.

Nhưng con đường lấy tấm bằng đại học khó khăn không kém gì việc giành huy chương. Học được một kỳ, cô phải bảo lưu để tập trung cho đội tuyển Quốc gia tại Hà Nội. Nửa năm, một năm rồi hai năm, việc học cứ chững lại ở đó, số môn học phải trả nợ ngày càng nhiều. Suốt một năm trời, cô phân vân giữa chuyện tiếp tục hay tạm gác lại sự nghiệp học hành để theo đuổi đam mê thi đấu.

Năm 2017, nữ vận động viên quyết định nộp hồ sơ cho Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội, học lại từ đầu. Lần này, cô chọn học chương trình tích lũy để có thể vừa học vừa tham gia các giải đấu. Từ tháng 9 đến cuối năm, khi lịch thi đấu không quá căng thẳng, cô dồn sức cho việc học.

Ngày ngày, cô gái mảnh mai chạy xe máy từ Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Quốc gia đến trường học. Quãng đường 80km cả đi cả về một mình đôi lúc khiến cô tủi thân, nhớ quê, nhớ nhà. Nhưng để có được một tương lai chắc chắn, cô biết ngoài những tấm huy chương, mình cần cả kiến thức và một tấm bằng.

Tổ chức chuyên đề HƯƠNG THỦY Sản xuất hình ảnh HELLOS. 
Thực hiện ĐINH NHA TRANG, HỒNG VÂN Thiết kế UYỂN QUÂN  Nhiếp ảnh KHÁNH NGUYỄN – BINCIO Trang điểm và làm tóc PSI PSI – THẮNG TRẦN Stylist MEGABLONDE