Là anh em sinh đôi, hai người thuộc kiểu “cặp bài trùng” hay bù khuyết cho nhau về tính cách?
Việt Anh: Chúng tôi khá giống nhau, điểm khác biệt giữa hai đứa không nhiều. Tôi già dặn hơn Trung (ý chỉ Trung Anh – PV) một chút, ngày bé có hơi “ông cụ non” hơn Trung. Nhưng giờ Trung lấy vợ trước rồi, nên có khi lại già hơn tôi.
Từ khi Trung Anh cưới, cuộc sống của hai bạn thế nào?
Việt Anh: Hai chúng tôi đã có đến 30 năm gắn bó, cùng lớn lên, học chung lớp chung trường, ở chung phòng, ngủ chung giường, lúc rảnh cùng nhau chơi điện tử, nghe nhạc… Bây giờ cuộc sống thay đổi, có lúc thấy chưa quen. Khi Trung cưới, tôi có hụt hẫng nhưng không đến mức buồn. Nếu phân định chi tiết thì cảm giác mất mát ấy chỉ chiếm… 30% cảm xúc thôi (cười).
Trung Anh: Cưới vợ thì đương nhiên là vui rồi. Nhưng sau khi cưới, đúng là tôi bận hơn vì phải chăm lo cho vợ con, nhiều việc phải suy nghĩ nên ít có thời gian cho Việt (tên gọi ở nhà của Việt Anh – PV). Chỉ lúc nào vợ sang ngoại, tôi mới chạy qua phòng Việt ngủ chung, xem đá bóng cùng. Thực ra là vẫn thích ở cùng nhau. Vợ tôi còn ghen với cả Việt mà, cô ấy bảo: “Em về ngoại, anh được ngủ với Việt là anh sướng rồi chứ gì”. 30 năm cạnh nhau như một cặp bài trùng nên bây giờ bảo tách rời thì có hơi lạ lẫm, khó chịu. Đó là vẫn còn sống chung dưới một mái nhà đấy, chỉ là tôi lấy vợ thì Việt sang phòng khác ở.
Dù giống nhau, hai người vẫn là những cá thể riêng biệt. Vậy, mỗi người có thể nói ba chữ để miêu tả hình ảnh người kia trong mắt mình không?
Trung Anh: Việt á, gần-giống-tôi.
Việt Anh: Phải gọi tên tính cách Trung bằng ba chữ à? Đây: hóm, hiền, hâm.
Trung Anh: Gần-giống-tôi không được à? Vậy đây: non, xanh, yếu. Nghĩa là trên phương diện một người anh, mình luôn muốn chỉ ra các điểm yếu của em vì muốn nó hoàn thiện dần, dù là điểm mạnh của nó cũng rất nhiều.
Chốt lại thì… ai giỏi hơn?
Cả hai: Có vợ, chịu đựng được vợ chắc chắn là giỏi hơn rồi.
Trung Anh (nói thêm): Tôi khẳng định mình giỏi hơn ở rất nhiều khía cạnh. Vì rõ ràng là người cưới được vợ trước phải tán được nhiều cô hơn, biết chịu đựng sớm hơn, biết duy trì hạnh phúc, rồi sinh con đẻ cái, làm giàu cho xã hội, tăng dân số trái đất. Thế là tôi đóng góp cho xã hội hơn Việt rất nhiều. Riêng cái đám cưới của tôi đã làm tăng GDP của nguyên một vùng phải đến… không-phẩy-không-không-không-không-mấy phần trăm.
Nhưng chắc chắn người độc thân sở hữu niềm vui mà kẻ mang “gông đeo cổ” khó lòng có lại. Việt Anh, bạn phản pháo đi chứ!
Việt Anh: Thì đúng là đặc quyền của người độc thân nhiều lắm: tự do, được đi chơi về muộn, không phải thức khuya dậy sớm chăm con, cuối tuần được ngủ nướng, ở trong phòng chơi game thỏa thích mà chẳng sợ bị càm ràm. Nên ai giỏi cứ để cho người ta giỏi.
Vẫn còn thiếu điều quan trọng: đàn ông độc thân có cơ hội… “thả thính” nhiều cô gái hơn!
Việt Anh: Thực ra thì tôi có người yêu rồi, có từ trước khi nổi tiếng cơ, giống Trung ấy. Tôi luôn nhắc bản thân nên coi đó là may mắn khi tìm được người yêu mình một cách thuần khiết, chân thành.
Vậy cả hai đều thuộc týp đàn ông chung thủy?
Cả hai: Nói cho đúng thì chúng tôi là những người ngại thay đổi. Thôi đã yêu thì yêu cho tử tế, đàng hoàng. Yêu người ta rồi thì phải có trách nhiệm.
Trách nhiệm sao chưa cưới, hả Việt Anh?
Tôi có kế hoạch rồi, tại người yêu chưa được tuổi thôi.
Các cô gái của Việt Anh và Trung Anh có lo lắng về sự “bỗng dưng nổi tiếng” của hai bạn không?
Việt Anh: Giá trị cốt lõi của tình yêu là sự tin tưởng. Cả bốn chúng tôi – tôi và bạn gái, Trung với vợ Trung – đều có điều này ở nhau. Tuy vậy, đôi lúc bạn gái tôi cũng có màn kiểm tra xem tôi có đang “đong đưa” ai đấy hay không, nhưng việc này chỉ hãn hữu.
Thế bốn lần chứng minh “sự khó ở của hội chị em” trong hình tượng người vợ nhặt hóa ra không phải trải nghiệm thực mà là kết quả của sự quan sát?
Trung Anh: Câu chuyện của “Vợ nhặt” trong Vlog 1977 là chuyện chung phổ biến toàn xã hội mà.
Có thật là dù yêu đến 3-4 năm nhưng chưa lúc nào hai bạn muốn vào trại tâm thần như Tràng (nhân vật trong “Vợ nhặt” của Vlog 1977)?
Trung Anh: Không, vẫn thi thoảng có đấy. Mấy lần cãi nhau, nói chung cũng… điên. Nên nếu không có thần kinh thép, bọn tôi có khi cũng… hâm hết rồi.
Việt Anh: Nói chung, mỗi lần cãi nhau với người yêu, tôi cứ chuẩn bị sẵn mấy viên panadol.
Còn bố mẹ hai bạn, trước và sau khi hai con nổi tiếng, thái độ của họ thay đổi thế nào?
Trung Anh: Ngày trước bố mẹ tôi ngại gặp người lạ, mỗi lần có ai sắp đi qua nhà, họ sẽ đóng cửa lại, chạy lên tầng. Khi bọn tôi nổi tiếng, bố mẹ khác trước, hay lấy ghế ra ngồi trước cửa, chờ mọi người đi qua.
Việt Anh: Trung đùa đấy! Nói thật thì bố mẹ tôi vui và tự hào, nhưng cái tự hào nhất không phải chúng tôi nổi tiếng mà là con cái đã tìm ra niềm đam mê thực sự và có thể sống bằng điều đó.
Là… trai-gần-phố, vì sao khi làm vlog, hai anh em lại quyết định xây dựng hình ảnh quê mùa đặc sệt?
Cả hai: Đam mê điện ảnh nhưng lại không được đào tạo chính quy nên khi muốn làm việc ở lĩnh vực này, chúng tôi phải tính toán sao cho tạo ra được cái mọi người chưa làm bao giờ. Trong lúc tìm tòi, hai đứa mới nảy ra suy nghĩ làm phim đen trắng. Mà một trong những nét khác của phim đen trắng Việt Nam thời trước là giọng nói khá quê. Chúng tôi tái hiện lại điều này.
Lúc làm kịch bản, chúng tôi hướng theo những câu chuyện đang là xu hướng. Thời điểm mọi người bàn tán về chuyện chú chó trong phim “Cậu Vàng” giống chó shiba của Nhật, chúng tôi bắt tay thực hiện vlog đầu tiên, và được người xem đón nhận. Sau đó, xét thấy phong cách này phù hợp với người có khuôn mặt kiểu cũ, giọng nói cũng cũ, cộng với dáng vẻ gầy gầy lên phim trông giống các cụ ngày xưa, chúng tôi biết mình đã đi đúng hướng.
Việt Anh chuyên trị vai trí thức hoặc giả trí thức như: giáo Thứ, doctor Xuân,… còn Trung Anh đảm nhận những vai còn lại. Bên ngoài, để tự gọi tên tính cách riêng của mình, thì hai bạn thấy mình thuộc týp nào?
Việt Anh: Tôi dịu dàng, tình cảm lắm.
Trung Anh: Tôi cũng hiền hậu, dịu dàng.
Nhìn vào cách tư duy tạo ra sản phẩm, dễ thấy hai bạn thuộc kiểu người hướng nội, có đúng vậy không?
Cả hai: Bọn tôi hướng… thiện.
Chúng tôi luôn muốn mang đến niềm vui khi ở giữa đám đông, thích chọc ghẹo để mọi người thấy vui vẻ, nhưng trong đầu lại luôn có những suy nghĩ, cảm xúc muốn dành để gặm nhấm một mình. Lúc hướng ngoại, lúc lại hướng nội nên thôi thì… chốt lại là hướng thiện.
Hai thằng vừa là anh em, vừa là bạn thân nhất của nhau. Chúng tôi chả bao giờ đi chơi riêng với nhau, mỗi đứa tự đi với bạn bè mình, nhưng cuối cùng vẫn thân nhau nhất.
Dịch chuyển đang là xu hướng sống của giới trẻ, nhưng Việt Anh và Trung Anh hình như lại khác?
Trung Anh: Để so sánh với các bạn đồng trang lứa, đúng là chúng tôi ít năng động, ít xê dịch hơn. Vào những ngày nghỉ, chúng tôi thích ngồi quây quần bên gia đình hay gặp bạn bè trò chuyện hơn là đi du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ghét dịch chuyển, chúng tôi chỉ không ưu tiên việc đó lên hàng đầu.
Ngoài tuần trăng mật của Trung Anh, thì có chuyến đi nào Việt Anh vắng mặt nữa không?
Việt Anh: Có rồi chứ, hồi đi làm, hai chúng tôi mỗi người một công ty nên khi đi du lịch với đồng nghiệp thì mỗi đứa sẽ đi riêng.
Khoảng thời gian hai người tách nhau ra như vậy có nhiều không?
Trung Anh: Hình như tầm 3 năm. Lúc đấy tôi đã định nộp hồ sơ cùng công ty với Việt nhưng không kịp, Việt xong trước, gửi email trước nên được nhận, tôi phải sang nơi khác làm.
Tất nhiên chúng tôi còn tách nhau lúc đi… tán gái và đi chơi với bạn nữa. Có người đồng hành thì tốt, nhưng đồng thời cũng bị kiểm soát mà. Nên có lúc chúng tôi không dại gì mà đồng hành. Ví dụ, hai thằng cứ đi cùng nhau mãi thì tỉ lệ tán gái phải chia đôi. Chưa kể, cái tôi trong tình yêu của chúng tôi to lắm. Yêu thế nào cũng được, miễn không trùng người yêu. Nên học xong đại học, chúng tôi bắt đầu có xu hướng tách nhau ra để cuộc sống của mỗi đứa giàu trải nghiệm hơn.
Giờ thì lại làm cùng nhau. Đúng là tìm được người chung chí hướng lại hiểu mình không dễ chút nào. Đây mình có sẵn cả hai, sao lại không dùng chứ!
Những chuyện riêng tư nhất của người này, người kia sẽ biết đầu tiên chứ?
Cả hai: Vẫn biết đầu tiên đấy! Hai thằng vừa là anh em, vừa là bạn thân nhất của nhau. Chúng tôi chả bao giờ đi chơi riêng với nhau, mỗi đứa tự đi với bạn bè mình, nhưng cuối cùng vẫn thân nhau nhất, chả hiểu (cười).
Hai bạn thích chất hài của nghệ sĩ nào nhất?
Việt Anh: Chúng tôi ảnh hưởng nhiều nhất chất hài của hai anh Xuân Bắc, Tự Long. Tôi thích cái duyên sân khấu, cảm xúc họ tạo ra, năng lượng vui tươi họ truyền tới khán giả mỗi khi xuất hiện. Bên cạnh đó, việc làm nghệ thuật có mục đích, có thông điệp để người xem luôn phải tự tủm tỉm cười và ngẫm nghĩ là điều tôi đặc biệt thích khi xem các tiểu phẩm của hai anh. Ở Xuân Hinh, tôi cũng rất thích cách chú ấy có thể hát lên một câu chèo ở bất cứ hoàn cảnh nào, chất dân tộc của Xuân Hinh rất đậm đặc.
Đúng là Xuân Hinh có thể hát chèo bất cứ lúc nào bởi anh ấy rất yêu nghệ thuật chèo. Cũng như thế, xem Vlog 1977, khán giả luôn cảm thấy chất văn học hiện thực phê phán. Hai bạn đã yêu, nghiên cứu và nghiền ngẫm văn học như thế nào?
Việt Anh: Chúng tôi là kiểu người yêu nhưng không tìm hiểu quá sâu. Xu hướng của cả hai đều là muốn biết nhiều hơn muốn hiểu. Chúng tôi thích văn học, đó là môn học chúng tôi hứng thú và cảm thấy dễ dàng nhất khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng ngày đó chúng tôi cũng chỉ đọc rồi để đấy.
Sau này khi quay lại làm việc dựa trên các tác phẩm đó, chúng tôi mới tiếp tục đào sâu những thông điệp ẩn tàng phía sau chúng. Cả hai cố gắng hiểu để bảo vệ đúng thông điệp gốc của tác phẩm, rồi từ đó lồng vào những câu chuyện mới, tạo ra thông điệp mới, lôi kéo khán giả. Đây cũng là thời điểm chúng tôi bắt đầu đào sâu để hiểu chứ không chỉ để biết nữa.
Thay đổi thái độ từ “muốn biết, không muốn hiểu” thành “phải hiểu, không chỉ biết” đã giúp Vlog 1977 tạo ra những câu chuyện tưởng như không có hồi kết về Tràng, Xuân Tóc Đỏ, thầy giáo Thứ, lão Hạc… Thực ra các bạn đã có ý định kết thúc series này chưa?
Trung Anh: Chúng tôi dự định làm thêm khoảng 3 đến 5 video nữa rồi đóng series này lại, chuyển sang đào sâu một số tác phẩm khác. Nhưng chỉ là đóng tạm thời, chúng tôi vẫn sẽ quay trở lại với những câu chuyện phù hợp.
Chúng tôi đều có bạn gái từ thời chưa có gì trong tay, nên “bánh đúc” và “giò” là những bát ốc, bó hoa hay đôi găng tay khi mùa đông gió rét. Chiếc “bánh đúc với giò” to nhất chúng tôi có là sự chân thành, hài hước dành cho người bạn đời của mình.
Vlog 1977 tạo ra những phiên bản mới cho các nhân vật cũ. Đúc kết lại thì Tràng, Chí Phèo, Vợ Nhặt, lão Hạc của thế kỷ 21 có gương mặt thế nào trong mắt hai bạn?
Cả hai: Chí Phèo thời hiện đại chính là các anh giang hồ mạng, thích sa đà vào các cuộc ăn chơi, các tệ nạn xã hội, thích lên mạng livestream chửi bới.
Vợ Nhặt ở thế kỷ 21 có vẻ dịu dàng hơn. Cô ấy không đến mức phải mang hạnh phúc của bản thân để đổi lấy miếng ăn nhưng lại loay hoay vì vấn nạn thực phẩm bẩn. Con người ở trong câu chuyện mới vẫn đau đáu, khốn khổ vì không có cái ăn, cái tưởng như không thiếu nhưng hóa ra lại rất thiếu. Vợ Nhặt thế kỷ này có khi vẫn gật đầu vì anh Tràng có bát đồ ăn sạch.
Thầy giáo Thứ thời đại mới phải đối diện với bạo lực học đường, các mối quan hệ không chính đáng. Thậm chí thời nay còn áp lực hơn, nên không khéo còn khổ và dằn vặt hơn giáo Thứ ngày xưa.
Lão Hạc vẫn luôn là người biết đấu tranh, không chấp nhận những thứ bất tuân luân thường đạo lý. “Cậu Vàng” của Lão Hạc thời nay là những đứa trẻ ăn chơi, lười biếng, hậu quả của sự chiều chuộng vô lối trong các gia đình.
Nghiền ngẫm tác phẩm cũ và hiện thực xã hội mới chúng tôi mới thấy, mỗi thời mỗi khác nhưng nỗi đau thực ra lại rất giống nhau.
Để có được vợ, Tràng trước kia phải mất bánh đúc với giò. Thế “bánh đúc” và “giò” của Việt Anh, Trung Anh bây giờ là gì?
Trung Anh: Chúng tôi đều có bạn gái từ thời chưa có gì trong tay, nên “bánh đúc” và “giò” là những bát ốc, bó hoa hay đôi găng tay khi mùa đông gió rét. Chiếc “bánh đúc với giò” to nhất chúng tôi có là sự chân thành, hài hước dành cho người bạn đời của mình.
Thế giờ ai nấu bánh đúc, ai đẩy xe bò?
Trung Anh: Tất nhiên tôi vẫn đẩy xe bò, còn nấu bánh đúc là vợ chứ!
Bài Thục Khôi Nhiếp ảnh Khánh Nguyễn
Trang điểm & làm tóc Psi Psi Trợ lý Sam Sam Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP