Trực giác chữa lành - Tạp chí Đẹp

Tôi thích chữ nhưng không chọn viết như một sự nghiệp để theo đuổi. Chính xác thì, tôi không theo đuổi đam mê của mình mà cái sở thích ấy đã dai dẳng “đuổi theo” tôi suốt từ ngày nhỏ đến tận hôm nay.

Viết lách giúp tôi đối thoại với những rắc rối bên trong, khiến mọi câu hỏi của tôi trở nên sáng tỏ. Khi viết, tôi không chú trọng đến kỹ thuật mà thả lỏng cho cảm xúc chảy tràn, cho chữ tuôn ra một cách thoải mái, diễn đạt được từng tầng sâu thẳm bên trong, gọi được tên của từng cảm xúc trong lòng. Tôi viết bằng nguồn cảm hứng đến từ bất cứ đâu, viết mà không cần lên dàn ý hay sắp đặt trước sẽ viết gì. Tôi chỉ có một niềm tin vào chính mình, vào những điều mình viết ra; tôi đơn giản là cho phép mình bắt đầu đặt bút. Bằng viết lách, tôi bắt đầu hành trình thấu hiểu bản thân và thế giới, thậm chí là vũ trụ bao la. Làm bạn với chữ, tôi trưởng thành hơn. Viết, đối với tôi, là một cách lặng thầm đấu tranh cho những điều mình khao khát.

Ngày tôi học lớp một, đứng trước bức vẽ của tôi, cô giáo bảo: “Con vẽ như vậy là sai, phải vẽ giống bạn A, bạn B mới đúng”. Kể từ đó, mỗi bài tập tôi nộp lên trường đều do mẹ vẽ giúp, còn tôi, con bé 6 tuổi, tiếp tục lớn lên như một động từ bất nguyên tắc, thay vì tin rằng “mình sẽ làm được” lại luôn nghĩ về những điều bất khả.

Tôi bắt đầu hành trình tìm lại mình từ năm 2018, khi tham gia một khóa học vẽ màu nước. Nhờ viên gạch đầu tiên là lời động viên của cô giáo: “Em vẽ được mà!”, bức tường niềm tin của tôi có cơ sở để được xây đắp dần dần. Tôi mặc kệ cho bàn tay và những nét cọ di chuyển mà không cần gắng sức. Điều duy nhất cần làm trong quá trình vẽ là thả lỏng. Nhìn cách những vệt màu lan trên mặt giấy và tự do tạo ra những khoảng đậm – nhạt, chính tôi cũng bất ngờ với kết quả của dòng chảy. Vẽ được tranh đối với tôi là một kỳ tích sau hơn 20 năm không dám, không đủ tự tin, không biết cách, không thể nào vẽ nổi… một con mèo. Cũng khó nói là tôi vẽ đẹp, nhưng tôi cảm thấy hài lòng với sự cố gắng của bản thân.

Ngày xưa tôi từng có một quán cà phê nhạc sống. Mỗi tối khi ban nhạc lên biểu diễn, tôi quan sát thấy khán giả ngồi nghe hầu hết đều có một tư thế chung là… đơ như khúc gỗ. Tôi biết nhiều người trong số họ muốn thả lỏng nhưng còn ngại ngần, số khác thì đến lắc lư cũng không biết phải làm sao. Có bao nhiêu cảm xúc bị tắc nghẽn bên trong những “khúc gỗ” ấy? Tôi không dám chắc mình đếm được.

Cuối năm ngoái, tôi có duyên tham dự lớp “Chạm & thấy” do Cái Tổ Nhỏ tổ chức. Ở đó, tôi thực hành chuyển động tự do, cho phép cơ thể lắc lư theo cách nó muốn. Trực giác mách bảo tôi nhón chân lên, vươn dài hai cánh tay, tung mình lên cao, thu người bé lại… Thật kỳ diệu, cơ thể tôi trở nên uyển chuyển, từng động tác được phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Bây giờ, tôi vẫn thường nhắm mắt lại và chuyển động theo bất kỳ âm thanh nào mình nghe thấy – có thể là tiếng nhạc, cũng có thể là tiếng nước chảy. Cùng với từng chuyển động của cơ thể, trái tim tôi cũng nhảy múa, lúc thổn thức, lúc lại hân hoan.

Là người yêu thích nấu ăn, tôi cho rằng mọi công thức đều chỉ mang tính tham khảo. Dù cho bạn có cố gắng làm đúng theo chỉ dẫn, món ăn sau khi hoàn thiện vẫn không thể mang hương vị giống phiên bản gốc 100%. Bởi làm gì có cọng rau nào giống cọng rau nào, đến các gia vị như muối, tiêu, dầu ăn, giấm,… cũng có đến hàng trăm nghìn loại, tùy vào thổ nhưỡng mà chúng mang trong mình những “cá tính” khác biệt.

Mỗi lần nấu ăn, tôi đều cảm thấy như được kết nối không chỉ với từng nguyên liệu đang bày ra trước mắt, mà còn với cả đất, nước, khí trời, không gian mà chúng từng sinh trưởng trước khi hiện diện trong căn bếp của mình. Tôi tập nấu ăn không nhằm mục đích phục vụ cho ai. Đơn giản, chỉ để lắng nghe những câu chuyện xung quanh món ăn ấy, hiểu cách những mùi hương hấp dẫn ra đời, thấu đáo hơn về sự sống. Tôi cảm thấy biết ơn vì mình còn sống vui, sống khỏe và ăn ngon miệng.

Trực giác mách bảo tôi rằng đây là người phù hợp với mình. Thật khó để tìm ra một lý do cụ thể. Nhịp đập thổn thức của trái tim, suy cho cùng, có lẽ chính là kết quả làm việc chăm chỉ của bộ não. Niềm tin vào trực giác đã mang đến cho tôi những trải nghiệm thật tuyệt vời trong tình yêu.

Chiều chiều, khi những giọt nắng cuối cùng buông lên mái nhà, anh gọi tôi trèo lên tầng thượng ngắm hoàng hôn vương trên đám rau xanh mướt do chính tay anh chăm bẵm. Ngoài mảnh sân thượng bé xinh quen thuộc, anh đã nới rộng khu vườn của tụi tôi lên tận… mái nhà. Cả hai chúng tôi đều thích làm những trò tinh nghịch như thế. Một không gian mênh mông dành để ngắm nhìn thành phố, đợi ngày dần tan vào đêm. Không có bất kỳ ai hay điều gì cản trở khúc nhạc tình yêu trong tôi đang ngân lên rộn ràng.

“Cuộc sống ngắn ngủi, hãy cứ yêu đi, thiếu nữ. Trong lúc bờ môi cô còn đỏ. Trong lúc dòng máu nóng chưa hóa lạnh. Hãy yêu như không còn ngày mai” (ca khúc “The Gondola Song”, Isamu Yoshii).

Bài Lê Ngọc Ảnh NVCC
Thiết kế Redmaz

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP