Chắc hẳn không chỉ tôi mà rất nhiều người đang sống tại Sài Gòn đều từng ít nhiều tò mò về không gian bí ẩn nằm sau năm ô cửa lớn của tòa nhà trụ sở Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (HĐND và UBND TP.HCM). Mỗi lần chạy ngang giao lộ Lê Thánh Tôn và Nguyễn Huệ, dưới ánh đèn rực rỡ, tôi luôn mong một ngày nào đó sẽ có cơ hội được khám phá khối kiến trúc đồ sộ này.
Công trình kiến trúc đa văn hóa
Tòa nhà trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được xây dựng năm 1889 và hoàn thành năm 1909, do kiến trúc sư tài ba Femand Gardès thiết kế. Ban đầu, tòa nhà mang tên Hôtel de ville (người Sài Gòn thường gọi là Dinh xã Tây), đến năm 1954 thì đổi thành Tòa đô chánh Sài Gòn. Kể từ năm 1975, nơi đây chính thức trở thành trụ sở HĐND và UBND TP.HCM.
Tôi ghé thăm tòa nhà vào một buổi chiều Sài Gòn ảm đạm. Trái ngược với bầu không khí bên ngoài, không gian bên trong vô cùng ấm cúng.
Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều phong cách kiến trúc như bố cục mặt bằng kiểu Phục hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, cửa sắt kiểu Art Nouveau. Du khách tham quan sẽ dễ dàng nhận ra lối kiến trúc châu Âu đặc trưng thông qua những bức phù điêu cổ điển chạy dọc trên tường của mặt chính tòa nhà, tháp chuông nằm ngay chính giữa hay họa tiết vòng hoa, lá cọ, ruy băng, nguyệt quế… được chạm khắc khắp mọi ngóc ngách, đặc biệt là trên những mái vòm tráng lệ.
Nét tinh xảo tồn tại hơn một thế kỷ
Từng chi tiết thuộc khối kiến trúc đồ sộ này đều toát lên nét cuốn hút kỳ lạ, như bức phù điêu hai cậu bé thiên thần cầm tấm huy hiệu với ba ký tự S-V-H (Saigon-Hôtel de ville) hay bản đồ quy hoạch Sài Gòn năm 1900 – “báu vật lịch sử” được trưng bày tại phòng tiếp khách quốc tế.
Trên các bức tường và vòm trần nhà là những bức họa với chủ đề thiên thần nhiều màu sắc cùng các chi tiết cầu kỳ, đa dạng. Viền trần nhà cũng được trang trí hoa văn kỷ hà, phù điêu hoa lá, hồi văn dây lá theo phong cách thời Louis XV. Qua hơn 110 năm tồn tại, tòa nhà vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Chuyến tham quan sẽ bao gồm các khu vực như sảnh chính tầng trệt, sảnh phía trên tầng một, lối lên cầu thang chính, các phòng họp, phòng tiếp khách, lối đi dọc ban công hướng ra phố đi bộ và cuối cùng là gian phòng nhỏ nơi trưng bày các sản phẩm mỹ thuật và quà lưu niệm. Dạo bước dọc ban công nhìn thẳng ra trục đường Nguyễn Huệ, lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn bao quát cung đường quen thuộc, trong lòng thầm nể phục thế hệ trước – những người đã tạo ra những công trình trọng điểm tráng lệ, góp phần làm nên diện mạo phồn hoa của Sài Gòn hiện tại.