Trịnh Công Sơn và những nàng thơ ngang đời - Tạp chí Đẹp

Trong cuộc đời âm nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc của Trịnh Công Sơn, âm nhạc chính là nét đời, là không gian chất chứa tình yêu, niềm hạnh phúc. Nhắc đến vị cố nhân, người đời vẫn thường nhớ về những các nàng thơ khơi nguồn cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là những người phụ nữ đặc biệt, đem lại thứ tình cảm thanh khôi, tinh khiết; nhưng cũng mang đi không ít nhung nhớ của vị thiên tài âm nhạc, xa theo vạn dặm trùng dương…

Bích Diễm (tên đầy đủ là Ngô Vũ Bích Diễm) là “bóng hồng” đầu đời của chàng trai trẻ họ Trịnh. Với khuôn mặt thanh tú, yêu kiều cùng dáng vẻ nhẹ nhàng trong tà áo dài trắng, Bích Diễm đã để lại niềm nhớ thương khắc khoải trong lòng vị nhạc sỹ trẻ.

Ấy nhưng, mối tình của cả hai quá đỗi chóng vánh do sự phản đối của thầy Ngô Đốc Khánh (cha của bà Bích Diễm). Hình ảnh của bà và câu chuyện tình dang dở đã trở thành nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn chắp bút nên những ca khúc bất hủ, trong đó có “Diễm xưa,” được viết vào năm 1960.

Chỉ bằng vài nét đặc tả, Trịnh Công Sơn đã khắc hoạ ra bầu không gian tĩnh mịch, liêu trai đến sầu thương; với chiều dài của thời gian và chiều sâu của nỗi nhớ người trong mộng, không bóng hình, không màu sắc, chỉ còn tiếng mưa vọng lại.

Ca từ của bài hát là nỗi ám ảnh khôn nguôi của chàng trai ngóng trông hình bóng Diễm, đã thay lời bộc bạch nỗi niềm của biết bao chàng trai qua các thế hệ.

Đó là lý do vì sao mà “Diễm xưa” vẫn sống mãi với thời gian.

Dao Ánh (tên đầy đủ là Nguyễn Vũ Dao Ánh) là một người có vẻ đẹp đằm thắm và dịu dàng cùng đôi mắt “lung linh nắng thủy tinh vàng.” Tuy là người đến sau nhưng tình cảm của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn mới thực sự là nỗi niềm tiếc nuối, không chỉ với người trong cuộc mà cả những kẻ đứng ngoài.

Lúc biết chị gái mình phải chia tay với cố nhạc sỹ, Dao Ánh đã viết thư động viên, an ủi ông. Sau một quãng thời gian dài với nhiều bức thư lắng đọng cảm xúc, hai người đã tìm đến nhau như một chốn đồng điệu… rồi dần dần nảy sinh tình cảm. Người đời vẫn có thể nghe được những thanh âm của cảm xúc, của tuổi trẻ, của trái tim khát yêu thông qua dư vị từ những bản thư tình của vị kỳ tài âm nhạc.

Ngày 25/3/1967, Trịnh Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh. Ông viết trong thư: “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.”

Kể cả trong khoảnh khắc cuối cùng, khi nỗi buồn đọng lại cùng dấu chấm hết, vị nhạc sỹ si tình vẫn thổ lộ tình cảm vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Suốt cả cuộc đời, Dao Ánh vẫn luôn là một nỗi ám ảnh, là sự trầm ngâm nơi đáy mắt, là cảm hứng của biết bao bản tình ca mà thầy Trịnh để lại cho đời. “Còn tuổi nào cho em,” “Lặng lẽ nơi này,” “Mưa hồng”… đều là những sáng tác mà ông viết tặng riêng cho nàng thơ của mình.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là hai cái tên không thể tách rời của nền âm nhạc Việt Nam. Định mệnh đã mang hai tâm hồn tràn đầy tình yêu và tài năng đến với nhau, từ đó tạo nên cặp tri kỷ của lịch sử, của âm nhạc, vĩnh viễn thuộc về nhau.

Khánh Ly lần đầu gặp Trịnh Công Sơn tại hộp đêm Tulipe Rouge ở Đà Lạt vào năm 1965. Giọng hát của bà ngay lập tức thu hút nhạc sỹ, nhưng phải hai năm sau, Khánh Ly mới chính thức trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh. Hai người có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa trước hàng ngàn sinh viên và trí thức. Tiếng đàn ghita bay bổng của Trịnh Công Sơn hòa cùng giọng hát trầm độc đáo của Khánh Ly đã khiến cho khán giả hoàn toàn đắm mình, say sưa với những ca khúc tự tình bất hủ.

Mặc dù nổi tiếng ngay từ đó, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn vẫn đi biểu diễn không công tại các trường đại học trong suốt 10 năm. “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn,” Khánh Ly chia sẻ.

Giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại mối quan hệ ca sỹ-nhạc sỹ, mà theo Trịnh Công Sơn, cuộc gặp gỡ giữa hai người là “cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau.” Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu mà còn là nơi nương tựa tâm hồn, nghệ thuật, là người đi cùng ông trong suốt những năm tháng thanh xuân. Về phần mình, Khánh Ly cũng luôn khẳng định rằng mối liên hệ giữa họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường.”

Khác với Khánh Ly, Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn khi cô đã có tên tuổi trong làng nhạc Việt, và Trịnh Công Sơn khi ấy đã là một nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc. Cô Bống Hồng Nhung gặp vị nhạc sỹ vào mùa Thu năm 1991, gắn bó và mang đến cuộc đời ông những cảm xúc lãng mạn mới mẻ trong suốt 10 năm cuối đời.

Hồng Nhung hát nhạc Trịnh với một phong cách mới mẻ, hiện đại, nhiều dương tính chứ không trầm buồn như Khánh Ly. Vì vậy mà cô cũng từng đón nhận chỉ trích từ những người yêu nhạc Trịnh là phá hỏng nhạc Trịnh, nhạc Trịnh phải hát theo lối chậm rãi như Khánh Ly, để thấy được thân phận, tình đời. Khi ấy nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lên tiếng bảo vệ: “Hồng Nhung làm mới lại các ca khúc của tôi. Có người thích, có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới, phù hợp với cái tiết tấu của thời đại – một sự lãng mạn mới.”

Sự trong trẻo, tinh khôi từ Hồng Nhung khiến nhạc sỹ xứ Huế như trẻ lại, khiến ông chìm đắm trong những bản nhạc tình. Tình cảm đặc biệt ấy được Trịnh Công Sơn ngầm khẳng định qua ba bài hát ông viết tặng cô: Bống Bồng ơi, Bống không là Bống và Thuở Bống là người. Đây là câu chuyện cổ tích về Bống, đồng thời là những cảm xúc trong sáng với tình yêu được trao gửi một cách thầm kín cho người con gái đáng yêu.

Mối lương duyên đặc biệt này đã từng khiến nhiều người thắc mắc. Nhắc đến chuyện này, Trịnh Công Sơn chỉ cười: “Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai,” bởi là bạn thì thân hơn là bạn, thầy, trò thì thân hơn thầy trò.

Mỗi một người phụ nữ đi qua đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều để lại dấu ấn đặc biệt, dù là hạnh phúc hay đau buồn thì luôn có những hoài niệm. Và hơn cả thế, những cuộc gặp gỡ ấy đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những tác phẩm sống mãi với thời gian./.

Thực hiện
Thanh Huyền – Nguyễn Trang – Thùy Linh – Trung Hiếu – Minh Ngọc
Hải Đăng – Thùy Dung – Nhật Linh – Ngân Tuệ

BẢN QUYỀN NỘI DUNG
THUỘC BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM &
TẠP CHÍ ĐẸP