Trần Nữ Yên Khê: là một nàng thơ không phải dấu chấm hết - Tạp chí Đẹp

Những độc giả của Đẹp hẳn còn nhớ bộ ảnh “Modern Romanticism”, bản ballad của vùng Địa Trung Hải trong số tạp chí trước, trong đó có hình ảnh người mẫu tạo dáng ở hành lang cầu thang, phía sau là một công trình hình xoáy nước màu xanh khổng lồ, cao 17m, làm từ hàng ngàn chai nhựa. Tác phẩm gợi cảm hứng từ tháp Hồ Con Rùa và những nghiên cứu về dòng chảy và xoáy nước của triết gia Viktor Schauberger do Trần Nữ YênKhê cùng những đồng sự từ YKonic Creation thực hiện.

Cái tên này bạn đều đã biết. Và đúng, đây là Trần Nữ YênKhê, nàng thơ với vẻ đẹp như bước ra từ một bức tranh tố nữ, với thứ tiếng Việt lơ lớ đầy quyến rũ trong “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, những thước phim đẹp nhất của đạo diễn Trần Anh Hùng. Nhưng đồng thời đây cũng là một Trần Nữ YênKhê khác, với con đường nghệ thuật hoàn toàn mới là thực hành nghệ thuật đương đại, một con đường nơi YênKhê khởi bước một mình, chứ không phải cùng đồng hành với “anh Hùng” như mọi khi.

HỒI TRẺ TÔI THIẾU CAN ĐẢM VÀ SỰ KIÊN TÂM

Danh xưng “nàng thơ của Trần Anh Hùng” là danh xưng biết bao người mơ còn không được. Nhưng với YênKhê, thế có vẻ là không đủ?
YênKhê luôn hạnh phúc và hãnh diện khi đã đóng góp bằng nhiều cách vào các thước phim của anh Hùng. YênKhê mong những thước phim ấy sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng tới những thế hệ sau. Nhưng mà, là một nàng thơ của một nhà sáng tạo, tự bản thân nó không phải là dấu chấm hết.

Khao khát sáng tạo là thứ không thể bị kìm nén. Thời gian gần đây tôi luôn thắc mắc điều gì mang đến cho tôi niềm vui hàng ngày. Và câu trả lời duy nhất là việc được sáng tạo. Mà nữa, tôi cũng không làm được điều gì khác ngoài nó.

Chúng tôi đâu có tự dựng mình lên thành nghệ sĩ. Làm nghệ sĩ, nó là một điều cắm rễ rất sâu trong mình. Để biểu lộ được nó ra thì bạn phải hiểu chính bản thân bạn, tất nhiên cũng phải có một chút năng khiếu, nhưng YênKhê nghĩ trên tất cả mình phải có rất rất nhiều can đảm, rất rất nhiều kiên tâm. Có lẽ đó là điều mà hồi trẻ YênKhê còn thiếu.

Thật ư? Làm sao một người phụ nữ như YênKhê lại nghĩ mình không đủ can đảm hay kiên nhẫn?
Vâng, vì hồi xưa tôi rụt rè.

Và đó cũng là một phần lý do YênKhê chọn thời điểm này để bắt đầu những dự án riêng của mình, chứ không phải mười năm trước hay hai mươi năm trước, khi chị trẻ hơn, nhiều năng lượng hơn?
Tôi cũng tự hỏi mình rằng tại sao lại là lúc này, khi con cái đã khôn lớn, mà không phải một thời điểm khác.

YênKhê đã lựa chọn dành sự ưu tiên cho gia đình. YênKhê nghĩ ở thời điểm đó, lựa chọn này là thiết yếu. Nay thì bọn trẻ đã trưởng thành rồi, mọi thứ cũng thay đổi, và nó cho phép YênKhê cũng thay đổi chính mình. Tôi nghĩ mọi chuyện trên đời đều có nhịp độ và thời điểm của nó. Cuối cùng thì tôi cảm nhận được mình đã liên tục thay đổi. Và tôi thích cái ý nghĩ mình có thể sống nhiều cuộc đời một lúc.

Nhưng YênKhê không nghĩ mình đã phải hy sinh đâu. Nói như Oscar Wilde vậy: “Sự hy sinh là thứ nên bị luật pháp truy tố. Nó làm nhụt chí những người mà bạn hy sinh cho”. Nên kể cả có sự hy sinh nào ở đây thì YênKhê mong người nhận được cũng đừng cảm thấy như vậy!

Tất nhiên nếu khởi đầu sớm hơn, YênKhê chắc sẽ làm được nhiều điều hơn. Nhưng cuộc sống là thế đấy. Chẳng thể giả định điều gì.

Thật ra tôi cảm thấy mình lúc này nhiều năng lượng hơn so với lúc mình 20 tuổi. Tài sản của tuổi trẻ là tất cả mọi thứ, trừ kinh nghiệm và sự hiểu biết về chính bản thân. Nhưng sự táo bạo chẳng can hệ gì tới việc bạn bao nhiêu tuổi. Tôi nghĩ tuổi trẻ không được độc quyền có mọi thứ.

Nói một chút về sự thay đổi của chị đi, từ hình ảnh cô gái Mùi mặc chiếc áo yếm trắng rửa mặt bằng nước trong thau, hình ảnh những giọt nước trên làn da của Mùi vô cùng quyến rũ, đến hình ảnh một xoáy nước bất tận cao 17m, đã là gần 30 năm trôi qua. Trong quãng thời gian già nửa đời người ấy, những điều gì ở YênKhê đã thay đổi? Những điều gì ở YênKhê vẫn như xưa?
So như vậy thì chóng mặt lắm! Giữa Mùi và tác phẩm Vortex cũng chẳng có yếu tố nào chung, trừ… nước. Nhiều năm đã trôi qua rồi, YênKhê luôn tránh tự nhận xét về mình, để khỏi đóng khung mọi thứ. Tôi chỉ cảm thấy mình ngày càng hiểu về bản thân hơn, vốn là nhiệm vụ của từng người và nhiệm vụ của cả một cuộc đời. Ai hiểu điều này sớm thì tốt cho người đó. Sự quan sát ấy cũng thú vị vì có thể nó hàm ý rằng mình phải tách ra khỏi bản thân và đứng nhìn bản thân từ xa.

Về Mùi, giờ đây YênKhê nghĩ về Mùi với niềm hạnh phúc và lòng trắc ẩn, như một cô em gái mà YênKhê có thể cùng chia sẻ những bí mật chỉ hai người chúng tôi biết với nhau. Nhưng có một điều chắc chắn, YênKhê đã nói tiếng Việt tốt hơn Mùi rồi nhé!

Việc khởi sự một sự nghiệp riêng đem lại cho YênKhê những gì mà khi cộng tác cùng Trần Anh Hùng chị không có được?
Công việc của tôi có thể chia thành hai giai đoạn: đưa ra lựa chọn ban đầu về dự án rồi thực hiện dự án dựa trên sự sáng tạo và những lựa chọn nghệ thuật của tôi. Khi làm với anh Hùng thì tôi không đưa ra những lựa chọn ban đầu. Tôi đóng góp sáng tạo của mình, và phải nhất quán với dự án và tầm nhìn của anh Hùng cho dự án.

Nhưng không có nghĩa khi làm với Trần Anh Hùng thì tôi là người hiện thực hóa tư tưởng nghệ thuật của Trần Anh Hùng. Khi trao đổi với tôi về một bộ phim sắp thực hiện, anh không thể nói hết điều anh muốn vì anh cũng cần khám phá những điều mà anh chưa biết trong quá trình làm phim. Một cuốn phim không phải là một cái máy massage lưng để chúng ta có thể nói ra hết là phải làm thế nào để cái máy có chức năng đó.

Tuy nhiên khi tôi có dự án riêng thì tôi không cần phải cân nhắc ý tưởng của người khác mà tập trung vào ý tưởng riêng của mình. Dù sao giai đoạn 2 vẫn luôn là giai đoạn thú vị nhất, thử thách nhất.

TRONG QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO THÌ NGƯỜI TA NÊN TÌM THẤY NIỀM VUI Ở MỌI CÔNG ĐOẠN. VỚI TÔI, GIAI ĐOẠN NẢY SINH Ý TƯỞNG LÀ GIAI ĐOẠN RẤT MỰC RIÊNG TƯ VÀ CÔ ĐỘC.

Vậy trong giai đoạn thực hiện dự án, chị thích lúc nào hơn: khi một ý tưởng mới bắt đầu nhú lên, hay khi mọi thứ đã dần thành hình và hoàn thiện?
Trong quá trình sáng tạo thì người ta nên tìm thấy niềm vui ở mọi công đoạn. Với tôi, giai đoạn nảy sinh ý tưởng là giai đoạn rất mực riêng tư và cô độc. Đó là một giai đoạn mong manh, khi rất nhiều những rung động nhỏ và thoáng chốc vụt qua tôi. Tôi phải cẩn trọng bắt lấy những rung động mang tính trực cảm này, vì chúng sẽ đưa tôi đi đúng hướng. Công việc ấy diễn ra cả ngày lẫn đêm, tôi không kìm giữ và không kiểm soát được.

Đây là thời khắc quan trọng của sự mơ mộng, và chắc chắn là lúc mà tôi thích nhất vì lúc này mọi thứ đều khả thể. Sau đó, cần phải cho giấc mơ ấy hình dạng và áp lên nó những giới hạn kỹ thuật, giới hạn ngân sách. Giai đoạn này cũng hay vì chúng tôi sẽ chứng kiến sự ra đời của tác phẩm và phải chiến đấu để xử lí các vấn đề kỹ thuật, để tác phẩm cuối cùng không phải chịu quá nhiều thỏa hiệp.

Nói chung, một ý tưởng không đột nhiên sinh ra trong đầu tôi. Nó thực tế đã có trong tôi từ lâu và được nuôi dưỡng bởi rất nhiều năm tháng học hỏi, làm việc, sống. Picasso bảo: “Nghệ sĩ là một kho chứa cảm xúc đến từ mọi nơi”.

THÀNH TỰU LỚN NHẤT CÒN PHẢI CHỜ ĐỂ BIẾT

Chị nghĩ mình tham vọng hay là người phụ nữ của gia đình?
Tôi là cả hai. Tùy từng lúc thì cái này lấn át cái kia. Khi ở nhà, tôi sẵn sàng làm những việc mà tôi nghĩ là tốt và công bằng cho gia đình và môi trường. Công việc ấy thực sự đòi hỏi sự sáng suốt và ngẫm nghĩ. Khi tôi làm việc, tôi có tham vọng thực hiện được những tác phẩm sẽ sống dài lâu.

Nhưng nhà văn Philip K.Dick từng viết rằng: “Cuối cùng cái tên Mozart sẽ biến mất, cát bụi sẽ chiến thắng. Không phải trên hành tinh này thì hành tinh khác”, ý rằng một ngày nào đó mọi thứ đều sẽ bị lãng quên, kể cả những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất. Chị nghĩ sao về điều đó?
Thế giới mà Philip K. Dick nghĩ đến trong “Người máy có mơ về cừu điện?” là một thế giới không còn con người nữa, chỉ còn máy móc. Lúc đó thì không cần thiết phải có Mozart nữa! Và có khả năng thế giới sẽ là như thế. Nhưng với YênKhê, một tác phẩm có thể tồn tại được với thời gian là nhờ tình yêu của vài người muốn bảo tồn nó.

Chuyển qua lĩnh vực mới, chị có sợ người ta tìm đến mình vì danh tiếng từ trước không?
Không, YênKhê nghĩ mọi người đủ thông minh để phân biệt điều này khi họ tìm đến mình.

Nếu sự nghiệp mới sẽ không được nhiều người biết đến, không thành công như sự nghiệp diễn xuất thì chị nghĩ sao?
Tôi nghĩ quan trọng là mình phải làm vì trong người có một sự thúc đẩy buộc mình làm. Thành công hay không, không quan trọng. Người ta thường nói chặng đường đi quan trọng hơn nơi đến.

Vậy là không có áp lực chứng minh gì hết?
Sáng tạo lúc nào cũng cần áp lực. Nhưng áp lực này đến từ chính tôi, không đến từ người khác. Đi con đường mình chưa bao giờ đi luôn là nguồn cơn hưng phấn nhưng cũng đầy nguy hiểm.

ĐI CON ĐƯỜNG MÌNH CHƯA BAO GIỜ ĐI LUÔN LÀ NGUỒN CƠN HƯNG PHẤN NHƯNG CŨNG ĐẦY NGUY HIỂM.

YênKhê đã luôn hỗ trợ và góp ý cho anh Hùng rất nhiều trong suốt những năm qua. Còn anh Hùng thì sao, hiện anh đang hỗ trợ hay góp ý cho YênKhê chứ?
Có. Và chúng tôi cùng cảm nhận rằng việc anh Hùng hỗ trợ YênKhê đã đưa đến cho anh Hùng một dưỡng khí mới khi được tham gia vào những ngành nghệ thuật khác mà anh rất yêu thích.

Có bao giờ hai người có xung đột không?
Chác chắn là có. Trong công việc và trong đời sống. Nếu không thì quá nguy! Ha ha! Và cũng như tất cả những xung đột, cuối cùng sẽ làm lành hay sẽ tan vỡ.

Ai là người chị tìm khi cần một lời khuyên?
Khi mình cần lời khuyên thì trong sách vở có nhiều người lắm.

Chị còn thích diễn xuất không?
Vẫn còn chứ.

Còn khả năng làm đạo diễn trong tương lai?
Ai có thể đoán được tương lai? Chưa có gì xác định hết. Nhưng bây giờ thì tôi có những dự án khác.

Nghe nói YênKhê đang làm việc chung với rất nhiều cộng sự trẻ, làm việc với họ có vui hơn với anh Hùng?
Chắc chắn rồi. Vui hơn ở chỗ những người không quen nhau đang tìm hiểu nhau để đi đến một hiệu quả tốt trong sáng tạo. Tôi nghĩ mọi hành trình về con người luôn luôn thú vị.

Nếu được thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống thì chị sẽ thay đổi điều gì?
Với tôi, đó là câu hỏi vui, nhưng vô nghĩa.

Chị là người hoài cổ hay thích gạt qua quá khứ để tiến về phía trước?
Cũng là tự nhiên khi con người ta định nghĩa mình qua quá khứ, nhưng cá nhân YênKhê nghĩ hiện tại là đáng kể. Làm sao để tôi trở nên tốt hơn và làm mới mình mỗi ngày? Làm sao để tôi tái định hình bản thân và không dựa dẫm vào những gì tôi đã làm và đã biết về bản thân? Cuối cùng, nó luôn đi đến nhu cầu tự cật vấn mình, tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm.

Vậy hiện tại chị thích gì ở mình nhất?
Nguồn năng lượng và khả năng tự tái tạo của tôi.

Thành tựu lớn nhất trong đời chị?
Hãy còn phải chờ để biết.

Bài Hiền Trang Nhiếp ảnh Phan Võ, Nhân Phan (tác phẩm Vortex)
Làm tóc Tuyên Phạm
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP