Ở một góc nhỏ của khu rừng nhiệt đới còn sót lại ngoài khơi Philippines, con đại bàng non một ngày nọ không thấy cha mẹ mình quay về nữa. Đã đến lúc nó phải tự học cách bay. Với đôi chân run rẩy, nó chập chững đứng lên, ngả nghiêng bám trụ bộ móng vuốt trên cành cây rung rinh, rồi khi nó định vỗ cánh bay lần đầu tiên thì một cơn mưa rào đổ xuống ướt nhoẹt. Con đại bàng ngây thơ buồn bã ngước nhìn màn mưa trắng xóa, đến khi mưa tạnh, nắng lên, nó chính thức sải đôi cánh băng qua những vòm cây cổ thụ. Ta bất giác muốn khóc vì vẻ đẹp phóng khoáng, lớn lao ấy.
Đó là một trong vài trăm cá thể đại bàng Philippines còn đang vỗ cánh trên bầu trời. Thước phim về nó là một trong những thước phim thuộc series phim tài liệu “Our planet” do Silverback Films, Netflix cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF thực hiện, qua giọng kể nhà tự nhiên học David Attenborough.
Nếu muốn trải nghiệm những cung bậc cảm xúc sống động, bạn chỉ cần dành một giờ đồng hồ xem một tập bất kỳ của “Our planet”. Làm sao có thể không thổn thức trước cảnh con chim thiên đường lông đen tuyền với cặp mắt màu xanh vàng thu dọn từng chiếc lá trên mặt đất, chuẩn bị khoảng không gọn gàng làm sân khấu trước khi xòa cánh tròn như quạt, múa một điệu lấy lòng bạn tình – điệu múa không thua kém bất cứ vũ công salsa hay tango nào trên thế giới? Làm sao có thể không choáng ngợp trước cảnh đại dương sâu tối tăm, những con phù du trong suốt phát sáng như một tiểu thiên hà lấp lánh? Hay làm sao không chùng lòng cho được khi thấy giữa biển tuyết mênh mông, con gấu trắng lãng du đi săn hải cẩu, nó đi mãi mà không thấy con mồi, chỉ có mình nó và mặt trời trên cao tròn lẳn?
Xa khỏi những đô thị công nghiệp mà cư dân mỗi sáng đều mừng vui nếu chỉ số chất lượng không khí chỉ ở mức xấu chứ không phải cực xấu, ở đâu đó vẫn có những đàn hồng hạc đang bay rợp một góc sa mạc, nơi vừa đón nhận một trận mưa sau mấy chục năm khô hạn; có bầy kiến đang nuôi một kén bướm mà chúng nhầm tưởng là kiến chúa, rồi một ngày kén vỡ và con bướm xinh đẹp bay đi; có lũ rái cá đang tắm táp trong rừng tảo bẹ dưới những vùng biển lạnh.
Không mua nước mắt, không bi kịch, không lên án, không nổi cơn thịnh nộ, những thước phim của “Our planet” chỉ đơn giản là sự tiếp nối của những cảnh quan đẹp khôn cùng. Và bởi vì trái đất đẹp nhường ấy, ta ngỡ như chẳng kẻ nào nỡ làm tổn hại tới nó. Thế nhưng, vì sao đại dương ngày càng trống rỗng, vì sao những đàn chim rợp trời xưa kia dần biến mất, và vì sao những con voi đi bộ hàng dặm dài mà không tìm được giọt nước nào?
THIÊN ĐƯỜNG ĐÃ MẤT
Trong bộ phim “Before the flood”, Leonardo Dicaprio kể rằng thuở anh còn nằm nôi, cha anh đã treo trên tường một bản chép bức “Khu vườn lạc thú trần tục” của Hieronymus Bosch. Bức tranh có ba phần: phần thứ nhất là Adam và Eva giữa vườn địa đàng; phần thứ hai là sau khi tổ tiên ăn trái cấm, con người tận hưởng cái thế gian họ nghĩ mình đã luôn làm chủ; cuối cùng là khung cảnh địa ngục khét lẹt, khi con người thấy mình bị gãy gập, đâm xuyên, bị quỷ dữ giải tới nơi tăm tối. Bức tranh ấy ở mãi trong tâm trí anh kể cả khi anh đã trở thành một minh tinh màn bạc.
Là nhà hoạt động vì môi trường, vậy nhưng Leonardo luôn băn khoăn một điều: chính anh, chứ không ai khác, nằm trong nhóm những người để lại dấu chân carbon nhiều nhất trên thế giới. Anh di chuyển bằng trực thăng, anh làm việc trong những đoàn làm phim lớn nhất và tốn kém nhất, anh được biệt đãi với cuộc sống tiện nghi và hiện đại nhất. Thay vì đóng vai một đấng cứu thế da trắng tỏ ra mình đạo đức, Leo chọn cách đi tới những vùng nông thôn nghèo ở Ấn Độ, những khu rừng lạnh giá phía Bắc Canada, tới vành đai Bắc Cực, tới những nhà máy ở Trung Hoa, tới tòa thánh Vatican, để gặp những nhà khoa học, những chính trị gia, giáo hoàng, những nông dân, để hiểu được thực ra điều gì ngăn chúng ta không thể sống xanh hơn.
“Before the flood” là một nhập đề tốt cho những ai lần đầu tìm hiểu về biến đổi khí hậu. Nó giúp ta hiểu được tại sao vấn đề ấy nan giải tới thế, khi mà sự phá hủy môi trường được tài trợ bởi chủ nghĩa tư bản, đại diện bởi những tập đoàn lớn nhất thế giới, những người càng khoái trá hơn nếu băng tan và rừng bị đốn hạ, khi mà những cường quốc thế giới mỗi năm vẫn khai thác và giao thương hàng tỉ tấn nhiên liệu than đá nhưng lại đòi hỏi những quốc gia không đủ ăn phải chuyển sang năng lượng mặt trời, bất chấp việc một người Mỹ tiêu thụ lượng điện hơn 30 lần so với người Ấn Độ trong khi một người ở vùng hạ Sahara có khi không tiêu tốn điện bằng một chiếc tủ lạnh ở châu Âu, hay khi mà cư dân những thành phố lớn mỗi tuần vẫn rủ nhau đi ăn bít tết, trong khi nuôi bò là một trong những ngành nông nghiệp tác động tồi tệ nhất tới thiên nhiên.
Chúng ta nhất định không muốn một ngày nào đó phải sống trong một phi thuyền trôi lơ lửng ngoài vũ trụ sau khi hành tinh đã ngập đầy rác như trong “Wall-E”, nhất định không muốn ai nấy đều trở nên béo phì, cả ngày chỉ nằm dài, không thể bước đi bằng đôi chân của chính mình, không biết biển là gì, cây là gì, bầu trời là gì, thậm chí, không biết yêu, không biết sống là gì. Chúng ta không muốn thế nhưng một cách vô thức, ta vẫn cứ tiến về phía đó.
“Koyaanisqatsi”, trong tiếng Hopi, một cổ ngữ của những bộ lạc sống gần khu vực Amazon, nghĩa là “cuộc sống mất cân bằng”. Năm 1982, nhà làm phim Godfrey Reggio cùng nhà quay phim Roy Ficke đã đi khắp nước Mỹ, quay lại những thước phim time-lapse về cuộc sống con người hiện đại, rồi về sắp xếp thành một tác phẩm không thoại, không giọng kể chuyện, chỉ có tiếng nhạc của Philip Glass. Tác phẩm kỳ lạ ấy trở thành một sự kiện điện ảnh chưa từng có, thuật lại thế giới của chúng ta theo cách chưa ai từng kể. Bằng cách không nói gì cả, nó lại nói thật nhiều.
Điều gì ngăn chúng ta không thể sống xanh hơn?
Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh tên lửa Saturn V được phóng lên không trung, rồi sau đó là một sa mạc hoang vu, rồi bắt đầu có con người: con người trên những chiếc xe tải phụt ra từng mảng bụi đen ngòm trong những khu vực khai khoáng, con người vào giờ tan tầm, ở sân bay, trong nhà ga trung tâm, trên phố, con người soạn bưu thư, con người làm việc trong nhà máy, may quần jeans, con người đi siêu thị, di chuyển bằng thang máy,…
Từng con người đơn lẻ ấy chỉ đang sống cuộc đời bé nhỏ của họ, phần lớn họ có lẽ chẳng làm hại ai, họ chỉ đang đi làm, đi học, đi dạy, đi mua thức ăn, mua quần áo,… những điều tưởng như chẳng can hệ tới người khác. Ta cố gắng sống như thể chỉ cần sống thật tốt trong phạm vi đời mình là đã đủ có ích cho thế giới.
Nhưng liệu có thể đủ không, khi mà cộng gộp tất cả những điều tốt vô tri cũng không thể làm nên một thế giới tốt đẹp bao trùm? Và việc chọn mua một chai nước ngọt hay một chiếc bánh burger thôi, như trong “Before the flood” đã cho thấy, cứ ngỡ chỉ là một niềm vui sống nho nhỏ của một cá nhân nho nhỏ, vậy mà lại góp phần tạo nên một quá trình hủy hoại to lớn hơn nhiều. Và rất nhiều khi, chỉ là mưu sinh thôi, chỉ là tận hưởng chút ít thôi, nhưng khi nhìn từ một khoảng cách đủ xa, đó cũng có thể là một kiểu tội lỗi.
HỒI SINH
Ashitaka, hoàng tử tộc người Emishi nói với San, công chúa con nuôi thần Sói Moro trong những phân cảnh cuối của “Princess Mononoke”, bộ phim hoạt hình giả tưởng của nhà làm phim vĩ đại Hayao Miyazaki. Trước đó, những con người trong một xưởng sắt nơi Tây vực do phu nhân Eboshi lãnh đạo đã dùng súng bắn rơi đầu của thần Rừng. Linh hồn Ngài hóa thành một dòng vật chất đen nổi giận đi tìm lại cái đầu trước khi bình minh lên cuốn đi tất cả, song cuối cùng không kịp nữa, linh hồn thần Rừng gục xuống. Ngỡ ngàng thay, nơi đâu linh hồn thần thấm vào, nơi ấy cỏ hoa mọc lên rực rỡ. Ngay cả những kẻ từng đối đầu với thần Rừng cũng choáng váng trước hóa thân của Ngài và nhận ra sự nhỏ bé cô thế của việc làm người.
“Princess Mononoke” là một dụ ngôn tráng lệ về tự nhiên và sự vĩnh cửu của tạo hóa không bao giờ thực sự chết. Cái mà con người cần cứu lấy thật ra không phải rừng, bởi như Ashitaka đã nói: “Ngài không chết vì tự thân Ngài là cuộc sống”; cái mà con người cần cứu lấy thật ra chỉ là chính họ. Tự nhiên không chết, chỉ con người là chết thôi.
Trong bộ phim của Miyazaki, con người đầu tiên tưởng rằng mình ly cách với rừng và phải đối đầu với nó. Trong thế giới thực, chúng ta dùng những cụm từ “phá rừng”, “bảo vệ rừng”, dù cụm từ nào thì cũng là ở thế tương tác với một thực thể bên ngoài. Song, rừng có ở bên ngoài ta đâu? Rừng ở bên trong ta.
Thiên nhiên không chỉ là mái nhà trú ẩn cuối cùng của báo đốm hay cá voi, đó là nơi trú ẩn cuối cùng của chính linh hồn một con người.
Khi tôi nhìn chân con kỳ đà, nó làm tôi nhớ về tay của một hiệp sĩ thời Trung cổ với những vảy sắt. Tôi nghĩ con kỳ đà là họ hàng của tôi. Nó và tôi được tạo nên từ những thứ giống nhau”, nhiếp ảnh gia huyền thoại Sebastião Salgado nói trong “Salt of the Earth”, bộ phim tài liệu tuyệt vời của Wim Wenders theo chân ông những tháng năm cuối đời.
Suốt bốn chục năm rong ruổi với nghệ thuật của ánh sáng, Salgado đã trở thành chứng nhân lịch sử của những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất nửa sau thế kỷ 20: nạn đói ở Ethiopia, chiến tranh Nam Tư, vụ diệt chủng người Tutsi ở Rwanda. Hình ảnh những chiếc đầu lâu học trò bên trong một lớp học ở Rwanda và phấn trên bảng vẫn còn ghi rõ bài học ngày hôm ấy khiến ông không còn tin vào sự cứu rỗi, không còn tin vào con người, cũng không còn muốn chụp ảnh nữa, cho đến khi vợ ông gợi ý hay là mình hãy trồng lại khoảng rừng đã bị đốn trụi trên ngọn đồi ở thị trấn Minas Gerais quê hương.
Sự kết nối lại với rừng và thiên nhiên mở ra cho ông một thế giới hoàn toàn khác, cổ xưa, hồn nhiên, chứa chan hy vọng, chưa bị làm hỏng – như một trái táo còn sót lại trên cây Trí Tuệ chưa bị bàn tay con người chạm đến. Salgado lại lên đường, lần này, ông ra khơi trên chiếc thuyền 7 mét, đụng độ một con cá voi dài 35 mét, nhưng con cá voi không tấn công ông dù bơi rất gần mạn thuyền, ông chạm vào nó, cái đuôi khổng lồ của nó vẫy lên; rồi ông vào những khu rừng sâu thẳm, chụp chân dung con tinh tinh đầu đàn cao lớn; hay ông đến Galapagos gặp một con rùa già mà ông thầm nghĩ, có lẽ mấy trăm năm trước, Darwin trên hành trình tìm ra thuyết tiến hóa cũng đã từng gặp chính nó đây. Những thế hệ nối tiếp nhau, con rùa vẫn ở đó, những cái cây vẫn ở đó, 40 năm, 400 năm: “Sự vĩnh cửu cũng có thể đo lường được”.
Một người đàn ông đã đi khắp mọi nẻo đường, đã chứng kiến đủ cuộc binh đao, đủ mọi tội ác và lòng nhân, cuối cùng cũng hiểu ra thiên nhiên không chỉ là mái nhà trú ẩn cuối cùng của báo đốm hay cá voi, đó là nơi trú ẩn cuối cùng của chính hồn ông – một con người. Cũng như một phụ nữ già nua gần đất xa trời trong “Nomadland” đã nói rằng cuộc đời bà trọn vẹn vào giây phút bà được đi ca-nô xuống Alaska và nhìn thấy những đàn nhạn đang đẻ trứng, và bà không mong cầu gì thêm nữa.
Và đến cả một thiên tài như nhà làm phim Andrei Tarkovsky, trong kiệt tác cuối đời mình về một triết gia mặc cả với Chúa để cứu lấy thế giới khỏi ngày tận thế vì vũ khí hạt nhân, ông cuối cùng cũng khép lại cả bộ phim đen tối, giằng xé và hoài nghi ấy bằng một hình ảnh không thể yên bình hơn, không thể trong sáng hơn: đứa trẻ nằm dưới tán cây bên bờ nước lấp lánh, như không ai, không gì, kể cả tận thế hay cơn xả giận của Chúa có thể chạm vào nó, và dù cho trời có sập xuống lúc này thì nó sẽ vẫn an toàn chừng nào tán cây vẫn chở che cho nó.
Chợt nhớ đến câu nói của Salgado, câu nói ông đã thốt lên khi ở sườn dốc bên kia cuộc đời, cái chân lý mà con người thường nhận ra khi quá muộn: “Tôi là một phần của tự nhiên, như con rùa, cái cây, viên sỏi…”
Bài Hiền Trang
Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP