Tính nhân văn trong dòng chảy âm nhạc Trịnh - Tạp chí Đẹp

Nổi bật nhất trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn là dòng nhạc về thân phận con người đượm triết lý Phật giáo và dòng nhạc phản chiến với những sắc thái đặc biệt. Phật tính và tư tưởng phản đối chiến tranh trong các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn tuy khác biệt luôn hướng đến những giá trị nhân văn, về những điều tốt đẹp, kêu gọi sự yêu thương giữa người với người. Dù là những triết lý Phật pháp hay dòng nhạc phản chiến, tất cả đều hòa quyện trong chất nhạc trữ tình lãng mạn, man mác, u hoài tạo nên một phong cách độc đáo, chỉ có ở Trịnh Công Sơn.

Với một tâm hồn thấm nhuần triết lý Phật giáo, Trịnh Công Sơn đã mê hoặc hàng triệu con tim bằng những ưu tư Phật tính trong các ca khúc của mình.

Trong một lần phỏng vấn với tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh Công Sơn đã nói về những ảnh hưởng của Phật giáo đến các sáng tác của ông như sau: “Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.”

Tuổi thơ Trịnh Công Sơn trôi qua trong không khí yên bình tĩnh lặng với mùi trầm hương và tiếng gõ mõ ở chùa Hiếu Quang tại Huế. Đối với ông, Phật giáo hiện sinh trong mọi giây phút, khoảnh khắc cuộc đời, cả cuộc sống thường nhật lẫn đời nghệ thuật.

Từng lời ca Trịnh Công Sơn thầm nhuần triết lý Khổ đế trong Tứ Diệu đế và Chủ nghĩa Hư vô của Phật pháp.

Đời người là bể khổ, từ khi sinh ra chúng ta đã bắt đầu một kiếp người khó khăn. Trong bài “Gọi tên bốn mùa,” Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho/Mang nặng kiếp người.” Kiếp người sao mà đau khổ? Phải chăng đau khổ từ những mối tình dang dở? Tình dù hư vô nhưng nỗi đau thì rất thật, có khi dằng dặc cố hữu cả đời người, phải tự mình hóa giải, tự mình tha thứ.

Với Trịnh Công Sơn, con người, suy cho cùng cũng chỉ là hạt bụi mà đến, đi rồi thì quay về hạt bụi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?” (Cát bụi).

Nếu đã thế thì người so với sỏi đá có gì khác biệt? Con người có xúc cảm, có tình yêu thì sỏi đá cũng thế, vậy nên: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa). Vạn vật đều có linh hồn và có thể giác ngộ, đây là triết lý tiêu biểu ở Đạo Phật, chúng sinh bình đẳng.

Sự nhạy cảm với những hữu hạn, vô thường, với những khổ đau trong kiếp người đã tạo nên một phong cách chỉ riêng Trịnh Công Sơn, chỉ có ở nhạc Trịnh. Tuy luôn khẳng định kiếp người nhiều khổ đau, ly biệt nhưng còn giây phút nào còn sống, còn tồn tại thì Trịnh Công Sơn vẫn nặng tình, vẫn thủy chung và luyến tiếc với đời để viết những lời ca tràn ngập tình yêu.

Cảm hứng sáng tác nhạc phản chiến của nhạc sỹ đến từ giai đoạn chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất: thập niên 60-70 của thế kỷ trước khi hàng nghìn chiến sỹ lên đường hành quân khiến gia đình chia ly, mất mát… Trong giai đoạn này, ông đã sáng tác ra tập “Ca khúc da vàng” – tập nhạc nổi tiếng của cố nhạc sỹ được phát hành vào cuối thập niên 1960.

Những tác phẩm trong thời gian này được ông viết lại dưới nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh đẫm máu, luôn tràn đầy sự yêu thương, thấm đẫm lòng tự tình dân tộc cũng như nỗi khổ ải của con người trong chiến tranh Việt Nam, thể hiện tinh thần phản đối bạo lực, chiến tranh, kêu gọi sự đoàn kết và xóa bỏ lòng hận thù.

Nếu mỗi bản tình ca của Trịnh Công Sơn luôn có những câu hát đầy hoài niệm và dư vị tình yêu thì ngược lại, các sáng tác phản chiến của cố nhạc sỹ gốc Huế đã gắn kết mọi người với tư tưởng chống lại chiến tranh, kêu gọi hòa bình và yêu thương giữa người với người. Ngay khi những tác phẩm phản đối bạo lực chiến tranh đầu tiên được ra đời, Trịnh Công Sơn đã phải chịu những ý kiến chỉ trích xoay quanh ca từ và nội dung.

Trong thời điểm mà Việt Nam đang trải qua những ngày tháng gian khổ trên con đường thống nhất hai miền đất nước, những “Ca khúc da vàng” của ông bị ví như “cây liễu,” “ngọn gió tiêu cực” làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của người lính và ngọn lửa thống nhất rực cháy của nhân dân. Các ca khúc của ông phần lớn lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam, cùng với đó quan điểm chính trị không thực sự rõ ràng đã đã gây ra sự nghi ngờ từ hai  phía.

Hiện tại vẫn còn hai thái cực trái ngược khi nói đến nhạc Trịnh nói chung và dòng nhạc phản chiến của ông nói riêng. Một số cho rằng nhạc của ông đầy xúc cảm, chất chứa những cung bậc tâm sự khác nhau. Ngược lại, số khác lại cho rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn quá buồn tẻ, u sầu và ủy mị.

Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh đã từng có phát biểu gây sốc khi nói về âm nhạc của cố nhạc sỹ: “Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả!.” Dù đúng hay sai, vẫn thấy dòng nhạc phản chiến đã ghi dấu ấn đặc biệt trong trong cuộc đời sáng tác của người nghệ sỹ.

Cho đến nay, Trịnh Công Sơn đã mãi ra đi, nhưng những gì ông để lại là một kho báu thiêng liêng vô giá. Dù là những bản tình ca đầy lãng mạn hay những khúc nhạc phản đối chiến tranh với lời ca đậm chất hiện thực trần trụi, thế nhưng điểm chung trong tất cả sáng tác của Trịnh Công Sơn là âm hưởng Phật tính len lỏi trong từng câu nhạc của ông. Những khúc nhạc ấy tràn đầy sự yêu thương, kêu gọi tình đoàn kết giữa người với người, phản đối những mâu thuẫn, bạo lực và khát vọng sống trong một thế giới hòa bình.

Có lẽ chính vì thế mà nhạc Trịnh đã đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất và sống mãi với thời gian, nối tiếp bao thế hệ con người./.

Thực hiện
Thanh Huyền – Nguyễn Trang – Thùy Linh – Trung Hiếu – Minh Ngọc
Hải Đăng – Thùy Dung – Nhật Linh – Ngân Tuệ

BẢN QUYỀN NỘI DUNG
THUỘC BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM &
TẠP CHÍ ĐẸP