Thực hành nghệ thuật của Chiharu Shiota

Chiharu Shiota là một nghệ sĩ đương đại người Nhật Bản hiện đang sống và làm việc tại Berlin, Đức. Được đánh giá là một trong những nữ nghệ sĩ châu Á có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong nền nghệ thuật đương đại, năm 2015, cô từng được chọn là nghệ sĩ đại diện cho Nhật Bản tham dự Venice Biennale – triển lãm quốc tế uy tín và lâu đời được tổ chức hai năm một lần tại Venice, Ý.

Chiharu Shiota nổi tiếng với những triển lãm nghệ thuật sắp đặt quy mô lớn, những tác phẩm được đan kết bằng hàng trăm ngàn sợi chỉ thành một mạng lưới khổng lồ, kết nối với những đồ vật trong cuộc sống hàng ngày như chìa khóa, khung cửa sổ, váy, giày, thuyền, vali… Những tác phẩm của cô thể hiện nỗi trăn trở về cuộc sống, cái chết và các mối quan hệ.

Quá trình thực hiện

Dự án “Thủy triều cảm xúc” được thai nghén từ năm 2019 nhưng bị hoãn lại vì dịch Covid. Dù quá trình chuẩn bị dài hơi nhưng thời gian thực hiện lại chỉ có hơn một tháng với nhiều công đoạn. Len đỏ và len trắng lấy từ các làng nghề truyền thống, những con thuyền cũ được thu thập từ các làng chài ven biển Việt Nam như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng… Trong không gian triển lãm, phần tường và trần được ốp lại toàn bộ để có thể ghim các sợi len. Lên ý tưởng và chỉ đạo từ xa, Chiharu Shiota hoàn thiện tác phẩm với sự hỗ trợ của ê-kíp hùng hậu gồm các chuyên gia từ Đức, Nhật Bản và khoảng 10 tình nguyện viên Việt Nam.

 

Hai tác phẩm, hai tầng ý nghĩa

Triển lãm bao gồm hai tác phẩm: “Một ngày dài” và “Thủy triều cảm xúc”. Tác phẩm đầu tiên được trưng bày ngay cửa ra vào, gồm chiếc ghế trống được bao bọc bởi mạng lưới chỉ trắng và những tờ giấy lơ lửng trên không, mắc vào những sợi len – thể hiện những suy tưởng về ký ức, sự hiện diện của vạn vật và loài người. 

Bước vào bên trong, người xem sẽ được chứng kiến tác phẩm chính “Thủy triều cảm xúc”, gồm mạng lưới chỉ đỏ dày đặc được đan kết với những con thuyền cổ, tạo thành hình vòng cung giống như hang động. Lý giải về việc lựa chọn chất liệu, Chiharu Shiota chia sẻ rằng những sợi chỉ đỏ giống như mạch máu, tượng trưng cho sự sống; còn những con thuyền cũ mang linh hồn, quá khứ, câu chuyện của dân tộc Việt Nam – không chỉ chuyên chở hàng hóa mà còn chứng kiến bao cột mốc lịch sử. “Thủy triều cảm xúc” tượng trưng cho sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại. Quá khứ sẽ không mất đi chừng nào nó còn tồn tại trong ký ức của mỗi người.

Bài Nhi Nguyễn Thiết kế Minh Thông

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP