Thủy Đào "Her 86m2": "Tôi có thể sống 'nhàm chán' như thế này mãi mãi" - Tạp chí Đẹp

Cuộc sống hàng ngày của Thủy và gia đình diễn ra như thế nào?
Nó cũng bình thường thôi, mỗi sáng tôi thức dậy, chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà, đưa con đi học rồi về làm vườn, làm việc, nấu ăn, dọn dẹp, chơi với lũ mèo… Ngày nào cũng thế, gần như tôi không cần lập kế hoạch, cũng hiếm khi có sự kiện bất ngờ nào xảy ra. Đó là một sự lặp lại bình ổn đến mức người ngoài nhìn vào có thể nhận xét là nhàm chán. Nhưng mà, nếu sự nhàm chán khiến người ta hạnh phúc như vậy, tôi có thể sống nhàm chán thế này mãi mãi.

Cuộc sống hiện tại có phần bình ổn, nhưng trước đó cũng đã có nhiều ngã rẽ. Thủy có thể chia sẻ thêm về hai quyết định lớn của mình là theo đuổi nhiếp ảnh và chuyển về nông thôn sống được không?
Có thể mọi người đang đón chờ một câu chuyện chuyển mình đầy cảm hứng, nhưng sự thật lại rất đơn giản. Công việc của chồng tôi phải di chuyển rất nhiều để quay phim, chụp ảnh, vậy nên anh muốn tôi cùng làm để hai đứa đi đâu cũng có nhau. Và rồi tôi cũng tìm được niềm vui trong công việc ấy. Đến thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ mình có thể thích một công việc nào khác ngoài chụp ảnh, dù lúc bắt đầu thì đó không hẳn là việc tôi muốn làm nhất.

Quyết định chuyển nhà về nông thôn của vợ chồng tôi thì có phần chóng vánh. Vô tình tìm thấy một căn nhà khá đúng ý, khi tôi còn khá chần chừ thì chồng lại cứ động viên “chuyển thôi em”. Vậy là từ lúc quyết định cho tới ngày xách vali lên và đi, chúng tôi chỉ có vỏn vẹn hơn một tháng.

Đi du học, lấy chồng và quyết định ở lại Đức, Thủy của bây giờ và của 11 năm trước khi còn ở Việt Nam khác nhau như thế nào?
Tôi đã trở thành một con người khác mà bố mẹ, bạn bè ở Việt Nam khó có thể nhận ra. Không phải tốt hơn, cũng không phải xấu đi, chỉ đơn giản là khác. Đổi khác nhiều nhất có lẽ ở sức khỏe tinh thần. Nếu như ngày xưa tôi luôn tự dằn vặt về những cảm xúc bất an cứ lặp đi lặp lại trong mình, thì bây giờ tôi chấp nhận chúng như một phần của bản thân. Tôi đã dám đối diện với những khoảng tối bên trong. Lớn lên, trải qua nhiều sự thay đổi, cộng với cuộc sống tự lập ở nước ngoài khiến tôi học cách chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực nhưng không biến thành hiện thân của sự tiêu cực.

Thủy hình dung cuộc sống tương lai của mình sẽ như thế nào?
Tôi đã mường tượng đến một nông trại nhỏ xinh nằm ngay bìa rừng, tự trồng rau, nuôi gà, nuôi dê, đủ ăn không phải đi chợ, trồng bạt ngàn hoa bên hiên nhà, tự chủ được năng lượng, có thêm thời gian đọc sách, làm đồ thủ công. Có thể gia đình tôi sẽ chuyển xuống phía Nam nước Đức cho ấm áp hơn một chút. Về cơ bản thì vẫn là lối sống hiện tại của tôi. Tôi cứ tưởng tượng thế thôi, còn có được hay không, bao giờ thực hiện được thì tôi sẽ để dòng đời xô đẩy.

Mọi video của Thủy đều ngập tràn tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ. Với bạn, lối sống xanh được hiểu như thế nào?
Tôi cho rằng sống xanh không phải một điều gì quá cao siêu, cũng không yêu cầu sự hoàn hảo. Tôi chỉ đơn giản là cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, từng chút một. Nhìn lại các video YouTube từ trước đến giờ, tôi có thể tự hào nói rằng lối sống của mình đã trở nên tốt hơn: bằng việc tự làm các vật dụng trong nhà – nếu có thể, mua đồ cũ thay vì đồ mới – nếu có thể, cắt giảm dần việc ăn thịt… Tất nhiên vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện nữa, nhưng này, đôi khi đừng quá khắt khe với bản thân.

Làm thế nào để loại bỏ áp lực rằng mình phải sống xanh? Vì nhiều khi, cảm giác bị ép buộc khiến chúng ta khó có thể đi xa được.
Không nên ôm đồm và cũng đừng tạo quá nhiều áp lực lên bản thân. Theo kinh nghiệm của mình, tôi thấy không cần phải đặt ra một đích đến thật oách khi bắt đầu sống xanh, cứ đề ra từng mục tiêu nhỏ và hoàn thành chúng. Cái gì dễ, nhanh, làm trước. Những việc khó để sau. Chậm mà chắc, dài hơi mà ổn định còn hơn sôi sục quyết tâm rồi bỏ cuộc sau vài ngày.

Với bạn, sống xanh có gì thú vị?
Việc thú vị nhất với tôi là cảm giác sau mỗi ngày, mỗi tuần, kiến thức về trồng rau, làm vườn hay về các loài sinh vật lại tăng thêm chút ít, lại có những khoảnh khắc “à, ồ, hóa ra là như thế” khi khám phá được điều gì mà mình chưa biết. Cảm giác đó quan trọng hơn sự khám phá. Bạn có biết rằng loài ong không thể bay trong bóng tối, 91% bắp cải là nước, toàn bộ cây bồ công anh từ rễ đến hoa đều ăn được…? Tất cả những tri thức thú vị này tôi đều phát hiện ra trong quá trình học cách sống xanh.

Bạn dạy con như thế nào để cô bé hiểu và cũng thuận theo lối sống này?
Cái hay của việc làm bố làm mẹ là mình không cần phải ép buộc gì hết, bọn trẻ rất thích nhìn người lớn để làm theo. Việc thực hành lối sống xanh cũng vậy. Đến bây giờ, An con gái tôi đã biết cất tất cả các tờ giấy vẽ vào một cái hộp. Sau này con dùng chính những tờ giấy đó để gấp thú, máy bay… Cô bé học được điều đó khi quan sát ba mẹ luôn tái chế giấy, tái chế đồ đạc nếu có thể.

Người ta nói rằng chỉ số IQ của trẻ con tỉ lệ thuận với mức độ chúng tiếp xúc với thiên nhiên, bạn có nhận thấy điều này?
Chưa vội bàn đến IQ, nhưng quan sát hành trình An làm bạn với thiên nhiên, tôi nhận ra rằng bọn nhóc luôn đón nhận tất cả các hình ảnh, âm thanh, mùi vị, kết cấu và cảm xúc xung quanh chúng một cách mãnh liệt và hồn nhiên. Ở gần thiên nhiên, con trẻ phát triển các giác quan và khả năng nhận thức theo một cách rất cân bằng.

Triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói: “Mặt trời chỉ làm ánh lên đôi mắt người lớn, nhưng nó chiếu thẳng vào trái tim và con mắt của đứa trẻ”. Thế giới của chúng ta đang biến đổi quá nhanh, và không phải theo chiều hướng tốt. Nếu một đứa trẻ lớn lên không bao giờ đi bộ trong rừng, đào đất, tự trồng rau trong nhà, nhìn thấy động vật trong môi trường tự nhiên, leo núi, chơi suối…, nó sẽ không bao giờ thực sự hiểu được những gì lớn lao sắp mất.

Và đó là lý do bạn dạy An làm vườn từ khi cô bé mới 2 tuổi?
Làm vườn là cách để tôi giúp An học trân trọng mọi thứ xung quanh mình: từ mùi gỗ mộc, mùi lá, mùi hương của hoa, cái mịn tơi của đất vỡ ra trên tay, tiếng nước chảy róc rách, một cái cây lớn nhanh như thổi, một cái chồi nở thành hoa…

Khi An làm vườn cùng mẹ, cô bé được kết nối với trái đất, thiên nhiên và sự sống. Kích thước khu vườn hay ngôi nhà không quan trọng. Thành thật mà nói bọn trẻ không quan tâm đến những thứ hời hợt như vậy đâu. Quan trọng là những trải nghiệm thật và khoảng thời gian chất lượng mà cả gia đình dành cho nhau.

Cùng An trải nghiệm mỗi ngày, tôi cũng phát hiện ra nhiều điều vui vui về con. Lúc 2 tuổi, An thích tưới cây đơn giản vì thích bắt chước lại hành động của mẹ. Tới 3 tuổi, con bắt đầu nghĩ rằng chăm tưới cây thì sẽ nhanh được hái quả. Lúc nào An cũng giục tôi đưa đi hái nấm dù rằng mỗi năm chỉ có một mùa nấm kéo dài 3-4 tuần. An vốn rất sợ những thứ màu đen nhưng con lại rất vui khi nghịch đất và luôn thích có một cái cây của riêng mình.

∙ Khi có thể, mua đồ cũ thay vì đồ mới.
∙ Đi chợ bằng túi vải.
∙ Cố gắng DIY càng nhiều càng tốt.
∙ Nếu đã mua mới, hãy cố mua đồ tốt. Không phải lúc nào cũng vậy nhưng đa phần của rẻ là của ôi.
∙ Ủ phân bón hữu cơ theo phương pháp Bokashi. Nhờ vậy, bếp không còn rác hữu cơ (ngoại trừ xương) và cũng không cần mua phân bón mới.
∙ Vì không còn rác hữu cơ nên cũng không cần thêm túi rác mà có thể đổ thẳng rác vào thùng.
∙ Lên thực đơn cho cả tuần và chỉ mua những thứ cần để tránh ăn không hết.
Kiểm kê tủ lạnh, bảo quản đúng cách để thực phẩm lâu hỏng hơn.
∙ Mua đồ ở chợ thay vì siêu thị.
∙ Tự trồng rau.
∙ Mua quần áo đa năng phù hợp với phong cách cá nhân và dùng lâu dài. Vì không theo xu hướng nên bạn cũng ít phải mua đồ mới.
∙ Sử dụng xà bông thay vì nước rửa tay đựng trong chai nhựa. Học tự làm xà phòng tại nhà, tự làm mặt nạ, tẩy tế bào chết và các sản phẩm chăm sóc da khác.
∙ Nói không với ống hút, dao, kéo, cốc… dùng một lần.
∙ Cất thức ăn thừa trong hộp thủy tinh.
∙ Giảm thiểu – tái sử dụng – sửa chữa – tái chế. Theo đúng thứ tự đó.
∙ Mang nước từ nhà thay vì mua nước đóng chai.
∙ Ngừng sử dụng cà phê viên nén. Việt Nam mình có cà phê phin mà!
∙ Chuyển dần sang sách điện tử thay vì mua sách giấy.
∙ Từ bỏ, hoặc ít nhất là giảm thực phẩm đông lạnh. Vừa bảo vệ môi trường, vừa tốt cho sức khỏe.
∙ Tái sử dụng mọi thứ có thể, như vỉ đựng trứng để trồng rau mầm, hộp sữa để gieo hạt, lọ thủy tinh để đựng đồ khô…
∙ Uống trà lá thay vì trà túi lọc.
∙ Khi thừa thực phẩm, nghĩ cách để bảo quản chúng lâu hơn: muối chua, đông lạnh, làm mứt…
∙ Mua đồ số lượng lớn để giảm bớt bao bì.
∙ Nếu có thể, tự làm những thứ như nước xốt, gia vị.
∙ Tự làm sản phẩm tẩy rửa hữu cơ.
∙ Tận dụng vải cũ làm khăn lau.
∙ Chọn các sản phẩm như cốc nguyệt san thay vì tampon và băng vệ sinh, dao cạo hai lưỡi cán kim loại thay vì cán nhựa.
∙ Dùng xỉ vệ sinh cho mèo làm từ sợi thực vật.
∙ Bán, cho hoặc tặng lại đồ cũ.
∙ Mua thuốc đủ liều, đủ dùng để tránh thừa mứa.
∙ Tìm hiểu việc tự làm thuốc tại nhà.
∙ Số hóa mọi giấy tờ sổ sách để tiết kiệm giấy.
∙ Giảm bớt việc ăn thịt.
∙ Hủy theo dõi các trang mua sắm để tránh bị cám dỗ khi mùa sale đến.
∙ Nếu mua sắm online, chọn các công ty đóng gói bao bì thân thiện với môi trường.
∙ Vứt miếng bọt biển và sử dụng bàn chải để rửa bát.

 

Thực hiện Trang Đinh Ảnh Her 86m2
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP