Các thương hiệu theo đuổi lối thiết kế này có thể tự do sáng tạo phom dáng mới lạ cho trang phục bằng cách xô đổ những khuôn mẫu cũ kỹ của thời trang. Hãy tạm quên đi những gì chúng ta từng biết về tỉ lệ và kết cấu trang phục. Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo và Martin Margiela là ba nhà thiết kế tiên phong đưa giải cấu trúc bước lên sàn diễn thời trang cao cấp. Trong suốt thập niên 80, giai đoạn mà nền thời trang ghi nhận sự thống trị của âu phục vừa vặn hay đầm dạ hội quyến rũ, Yamamoto và Kawakubo là hai nhà mốt đã tạo nên cơn địa chấn trong nền thời trang với loạt thiết kế avant-garde lạ mắt. Những mối may chưa hoàn chỉnh, đường viền thô, vải lồng nhiều lớp hay vết sờn rách trở thành những điểm nhấn đặc sắc trên trang phục, thách thức quan niệm về trang phục tiêu chuẩn của phương Tây lúc bấy giờ. Họ là những tên tuổi tiên phong làm nên cuộc cách mạng thời trang giải cấu trúc, mở đường cho các nhà thiết kế lừng lẫy sau này tìm kiếm nguồn cảm hứng. Trong đó, nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela đã góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng này diễn ra sôi nổi hơn.
Martin Margiela tạo dựng tên tuổi của mình trên bản đồ thời trang thế giới bằng cách chơi đùa với tỉ lệ, đường may, đường viền và đường khâu. Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của Margiela là giày bốt Tabi. Sau khi được giới thiệu tại show diễn năm 1988, bốt Tabi không được giới mộ điệu đánh giá cao bởi phần mũi chia ngón thô kệch, khiến người mang mất đi sự nữ tính. Tuy nhiên, trải qua 35 năm, Tabi đã trở thành biểu tượng của nhà mốt Maison Margiela. Giờ đây, phom dáng giải cấu trúc lạ mắt của Tabi tiếp tục được biến tấu mới mẻ trên nhiều chất liệu và kiểu giày đa dạng như sneakers, giày tây, giày cao gót… của Maison Margiela.