Thời trang dưới góc nhìn của giới chính khách quyền lực - Tạp chí Đẹp

Trong nhiều thế kỷ qua, ngành thời trang đã lan tỏa sức hút mạnh mẽ đến không chỉ riêng giới mộ điệu mà còn được giới chính khách quyền lực thế giới quan tâm.

Nhắc đến thời trang, hàng loạt hình ảnh hào nhoáng từ sàn runway rực rỡ ánh đèn, người mẫu nổi tiếng hay các nhà thiết kế tài ba hiện hữu trước mắt. Đặc biệt, trong nhiều thế kỷ qua, thời trang đã lan tỏa sức hút mạnh mẽ đến mọi ngõ ngách của đời sống, trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đã có ai từng nghĩ đến mối quan hệ giữa thời trang và chính trị dù chỉ một lần? Hai lĩnh vực tưởng chừng như chẳng tìm thấy điểm chung ấy lại là khởi đầu cho một nền thời trang đẳng cấp của ngày nay.

Mấy ai biết được rằng nhiều loại vải, họa tiết và dòng trang phục bắt nguồn từ giới quý tộc cũng như vua chúa ngày trước. Chẳng hạn như họa tiết Prince of Wales (trên trang phục may đo), suit, mũ hoàng gia,… được giới chính trị sử dụng và ưa chuộng rộng rãi trong nhiều bản phối trang phục đến tận ngày nay.

Nhiều họa tiết, chất liệu vải và thiết kế được kế thừa từ trang phục của giới quý tộc, chính trị gia ngày trước.

Đối với giới chính trị quyền lực, việc lựa chọn trang phục phù hợp cũng phải theo một quy trình nghiêm ngặt và cẩn thận. Trang phục đó không chỉ có vẻ ngoài trang trọng, lịch sự mà còn nói lên nhiều điều xoay quanh sự kiện hoặc hoàn cảnh nào đó. Từ màu sắc cho đến nhà thiết kế, giới chính khách đầu tư hẳn một đội ngũ tư vấn thời trang giúp họ định hình phong cách cho mỗi lần xuất hiện trước ống kính báo giới và công chúng.

Điều thú vị trong mối quan hệ giữa thời trang và giới chính trị là những món đồ đặc trưng luôn được “giới mộ điệu quyền lực” lựa chọn và yêu thích. Chẳng hạn như biểu tượng thời trang Hoàng gia Anh – Nữ hoàng Elizabeth nổi tiếng với gu ăn mặc màu pastel hoặc gam màu nóng nổi bật cùng chiếc mũ hoàng gia cầu kỳ ton-sur-ton cùng trang phục. Đó chỉ là một ví dụ điển hình nhất, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều biểu tượng thời trang ấn tượng trong giới chính khách cũng như ý nghĩa đằng sau những bộ trang phục đó cũng là điều khiến ai cũng quan tâm.

Gu thời trang rực rỡ sắc màu của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Biểu tượng thời trang Nhà Trắng vượt thời gian

Quả thật thiếu sót nếu nhắc đến mối quan hệ giữa thời trang và chính trị mà không nhắc đến Jackie Kennedy. Khi chỉ mới 31 tuổi, người phụ nữ Hoa Kỳ bản địa trở thành Đệ nhất Phu nhân khi chồng là John F. Kennedy được bầu làm Tổng thống năm 1961. Mặc dù chỉ ở Nhà Trắng vỏn vẹn 2 năm nhưng bà đã để lại ảnh hưởng mạnh mẽ với phong cách thời trang của mình. Trong đó phải kể đến mũ hình hộp (mũ pillbox), chuỗi ngọc trai và găng tay trắng. Người tạo nên phong cách sang trọng, quyền quý của Kennedy lúc bấy giờ là NTK Oleg Cassini. Theo một bài phỏng vấn với tờ The Telegraph, các bộ trang phục được NTK Oleg chọn luôn hướng đến sự nhã nhặn, cao quý xứng với vị thế của một “nữ hoàng nước Mỹ”.

ngành thời trag và chính trị - 3

Cựu Đệ nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy viết nên cột mốc son chói lọi trong nền công nghiệp thời trang và là biểu tượng vượt thời gian.

Định hướng phong cách của Oleg Cassini không chỉ giúp Jackie Kennedy nổi bật tại các cuộc họp cấp cao, mà còn là thước đo chuẩn mực trong chuyển đổi phong cách phái đẹp lúc bấy giờ. Cụ thể, Kennedy giúp phụ nữ thay đổi cách nhìn cũng như gu thẩm mỹ thời trang sang hướng hiện đại hơn, không còn bị gò bó trong những chiếc đầm trịnh trọng hay kiểu tóc được tạo kiểu quá điệu đà. Như lời sử gia về thời trang Valerie Steele từng nói: “Bà ấy dùng tính hiện đại của thời trang ngụ ý rằng chính phủ của chồng bà thật trẻ, thật hiện đại và dẫn đầu tư tưởng

Người phụ nữ của sự tinh tế và thanh lịch

Là một trong những nhân vật quyền lực trong giới chính trị, Michelle Obama đã mang làn sóng thời trang đến Nhà Trắng theo một cách thức hoàn toàn khác biệt. Bà lăng xê các xu hướng thời trang mới mà tất cả mọi người ở mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận được. Một đầu báo uy tín của Hoa Kỳ đã mô tả: “Điều giúp bà Michelle Obama trở thành biểu tượng thời trang quyền lực trong suốt nhiệm kỳ ở Nhà Trắng là trang phục bà mặc luôn dành cho phụ nữ ở bất cứ đâu: Bạn cũng có thể đẹp giống như tôi vậy“.

Michelle Obama là nguồn cảm hứng thời trang dành cho tất cả phái đẹp hiện đại.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ luôn tạo được dấu ấn hiện đại, thanh lịch và sang trọng trong các bộ trang phục đẹp mắt trong quá trình thực hiện nhiệm kỳ, nhưng đáng chú ý nhất là các mẫu đầm không tay thời thượng mà trước đó không được xem là chuẩn mực cho trang phục dành cho Đệ nhất Phu nhân. “Phong cách và sự lựa chọn trang phục của phu nhân Tổng thống Obama khẳng định rằng thời trang phản ánh cái tôi cá nhân và bất kỳ ai cũng có thể chơi đùa cùng gu thời trang của mình“, NTK Rachel Roy chia sẻ về sự lựa chọn đồ cho Đệ nhất Phu nhân. Bà không bao giờ ngần ngại chọn đồ màu sáng và trang sức nổi bật. Đồng thời, bà cũng cho phái đẹp thấy họ không nhất thiết phải mang giày cao gót để trông thật thu hút.

Trang phục đẹp nhưng liệu chúng có hoàn thiện diện mạo của Michelle Obama trong mắt công chúng? Đương nhiên là có. Chính những món đồ đó giúp Michelle luôn cảm thấy thoải mái, tự tin và tỏa sáng. “Bà ấy không cảm thấy hối tiếc khi mình là một người phụ nữ, bà yêu thời trang nhưng không để nó chi phối mình“. Thời trang chẳng thể nào chi phối Đệ nhất Phu nhân, nhưng bà chắc chắc có được chỗ đứng vững chắc trong nền công nghiệp thời trang. Một giáo sư tại trường Đại học New York đã theo sát 189 bộ trang phục của Michelle Obama được bà mặc từ năm 2008 đến 2009. Ông nhận thấy một công ty đầu tư gần $38 triệu để Michelle Obama mặc đồ của họ. Cách Michelle Obama thể hiện cái tôi cá nhân, sự tự tin và sự thông minh qua các món đồ thời trang của mình sẽ được ghi nhớ mãi theo dòng lịch sử thời trang.

Biểu tượng thời trang hoàng gia

Góp mặt trong số chính trị gia quyền lực có phong cách thời trang dẫn đầu xu hướng không thể nào bỏ qua Nữ Công tước xứ Cambridge Kate Middleton. Vượt mặt Nữ hoàng Elizabeth II và Meghan Markle, Kate trở thành tân biểu tượng thời trang hoàng gia hồi đầu năm 2020. Trong nhiều năm qua, đã không ít lần công chúng phải trầm trồ trước những bộ cánh “tuy quen mà lạ” vô cùng đẹp mắt của Kate trong những lần tham gia sự kiện. Có thể thấy, dù là mặc lại trang phục, nhưng cô nàng rất biết cách biến tấu chúng sao cho mới lạ bằng việc kết hợp với các món đồ thời trang khác nhau hoặc nữ trang sành điệu.

Nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton trở thành biểu tượng thời trang hoàng gia mới.

Nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton trở thành biểu tượng thời trang hoàng gia mới.

Ẩn đằng sau màu sắc trang phục

Không chỉ riêng thiết kế của các trang phục thể hiện ý nghĩa nào đó, mà màu sắc của chúng cũng vậy. Giới chính khách thường sử dụng màu sắc hàm chứa ý nghĩa ngầm cho hoàn cảnh hoặc sự kiện. Khi Michelle Obama bắt đầu công việc sau khi trở thành Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà đã mặc chiếc đầm và áo khoác màu vàng chanh mang ý nghĩa tán thành quyền bầu cử của phụ nữ ở thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, nếu các chính trị gia mặc trang phục có hoa hồng vàng đồng nghĩa với việc họ ủng hộ Tu chính án thứ mười chín của Hoa Kỳ – thừa nhận phụ nữ có quyền bầu cử.

Một chính trị gia khác nổi tiếng với sự lựa chọn màu sắc trang phục phản ánh thời cuộc là Hillary Clinton. Sau khi thua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bà Clinton đã mặc bộ pantsuit màu đen và tím khi đọc phát biểu trước công chúng. Theo tư vấn chính trị viên Laura Schwartz, Clinton chọn hai màu này biểu trưng cho sự hợp tác hữu nghị giữa hai đảng phái chính trị. Trong khi đó, màu đỏ và xanh chỉ đơn thuần hàm chỉ Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa, màu tím là màu của sự hòa hợp và đoàn kết.

Giới chính trị cũng sở hữu đội ngũ

Nhiều người thắc mắc rằng các nhà chính trị thời trước và nay đã chọn và mặc trang phục đến các sự kiện quan trọng như thế nào? Đa số chính trị gia đều sở hữu đội ngũ stylist tài giỏi nhằm định hướng phong cách, chọn lựa trang phục và biến tấu chúng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và sự kiện. Corey Roche – stylist cá nhân của nhiều nhà chính trị cho biết: “Trump, Sanders, Hillary… đều có ngân sách đầu tư vào thời trang và trang phục, vì đây là một phần chiến dịch marketing và xây dựng thương hiệu “.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo sẽ là các stylist chọn đồ cho giới chính khách như thế nào? Câu trả lời tùy thuộc vào sở thích cũng như gu thẩm mỹ của mỗi người. “Bạn không thể dành quá nhiều tiền. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một nam chính trị gia nào mặc suit từ Hugo Boss hay Armani, ngoại trừ Donald Trump. Nếu họ bị bắt gặp mặc trang phục từ thương hiệu xa xỉ, công chúng chắc chắn sẽ “ăn sống” họ“, ông chia sẻ thêm. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng chịu sự chỉ trích sau khi mặc áo khoác trị giá hơn 12.000 đôla (tương đương gần 280 triệu đồng) từ thương hiệu Armani khi phát biểu về vấn đề bất cân bằng thu nhập.

ngành thời trang và chính trị - 10

Các nhà chính trị cũng có thể hỗ trợ chương trình nghị sự của họ bằng việc tự chọn trang phục cho mình. Chẳng hạn, theo chuyên trang Business of Fashion, Obama đã mặc nhiều bộ suit được đặt may của thợ may Martin Greenfield trong tầm giá từ 2.000 đôla (tương đương 46 triệu đồng) trở xuống. Đây là mức giá thỏa đáng cho các bộ trang phục dành cho giới chính khách. Đương nhiên, thỉnh thoảng họ vẫn cần đến những lời tư vấn của người có chuyên môn trong lĩnh vực thời trang. Bà Clinton đã được Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí Vogue, tư vấn về lựa chọn trang phục. Tầm quan trọng của các tư vấn viên thời trang cũng được stylist Corey Roche khẳng định: “Đã có stylist chúng tôi, họ sẽ không lo về khoản trang phục nữa“.

Thực hiện TÔ HOÀNG BẢO 
Thiết kế ANH HOA 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP