The Beatles: Một tình yêu điên cuồng cháy mãi - Tạp chí Đẹp

Trong cuốn sách “The Beatles đã thay đổi thế giới như thế nào”, chàng trai thế hệ Z Lê Minh Tú viết: “The Beatles là âm nhạc, chính xác, nhưng cũng là đại diện cho tất cả mọi thứ khác: là văn hóa, thời trang, lịch sử, chính trị, sự thay đổi, tiến hóa, thoát ly, phá cách, tình yêu, hòa bình và hơn thế nữa”.

Họ đi qua thế gian như một cơn bão tố, cơn bão ấy đã để lại dư vị ngọt ngào của tình yêu thương. Sau 60 năm, âm nhạc The Beatles vẫn là một dòng chảy âm thầm nhưng mãnh liệt trong trái tim của những người trót yêu những giai âm do 4 người đàn ông tạo nên. Tình yêu ấy dẫn lối, giúp họ có một cuộc đời nhiều ý nghĩa, trước hết bởi vì: mỗi người đều học sống, đối diện với tận sâu cảm xúc bên trong mình.

The Beatles chỉ hoạt động cùng nhau chính thức 6 năm nhưng đã tạo ra những điều chưa ai làm được: có 20 đĩa đơn và 19 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, 15 bản thu được lưu danh trong Grammy Hall of Fame. The Beatles trở thành nhóm nhạc thành công nhất mọi thời. Vào ngày 4/4/1964, họ lập nên cột mốc vô tiền khoáng hậu: chiếm lĩnh cả 5 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Hot 100 Billboard. Cho đến ngày nay, The Beatles vẫn độc tôn ở vị trí cao nhất cho lượng đĩa bán ra với hơn 600 triệu bản trên toàn cầu, dù ban nhạc đã tan rã từ năm 1970.

Cùng nghe những trái tim chưa bao giờ ngừng yêu The Beatles lên tiếng, trong một cụm bài đặc biệt chúng tôi dành để tưởng nhớ 40 năm ngày mất của John Lennon và 60 năm ra đời ban nhạc.

Trong cuốn sách “The Beatles đã thay đổi thế giới như thế nào”, chàng trai thế hệ Z Lê Minh Tú viết: “The Beatles là âm nhạc, chính xác, nhưng cũng là đại diện cho tất cả mọi thứ khác: là văn hóa, thời trang, lịch sử, chính trị, sự thay đổi, tiến hóa, thoát ly, phá cách, tình yêu, hòa bình và hơn thế nữa”.

Họ đi qua thế gian như một cơn bão tố, cơn bão ấy đã để lại dư vị ngọt ngào của tình yêu thương. Sau 60 năm, âm nhạc The Beatles vẫn là một dòng chảy âm thầm nhưng mãnh liệt trong trái tim của những người trót yêu những giai âm do 4 người đàn ông tạo nên. Tình yêu ấy dẫn lối, giúp họ có một cuộc đời nhiều ý nghĩa, trước hết bởi vì: mỗi người đều học sống, đối diện với tận sâu cảm xúc bên trong mình.

The Beatles chỉ hoạt động cùng nhau chính thức 6 năm nhưng đã tạo ra những điều chưa ai làm được: có 20 đĩa đơn và 19 album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, 15 bản thu được lưu danh trong Grammy Hall of Fame. The Beatles trở thành nhóm nhạc thành công nhất mọi thời. Vào ngày 4/4/1964, họ lập nên cột mốc vô tiền khoáng hậu: chiếm lĩnh cả 5 vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Hot 100 Billboard. Cho đến ngày nay, The Beatles vẫn độc tôn ở vị trí cao nhất cho lượng đĩa bán ra với hơn 600 triệu bản trên toàn cầu, dù ban nhạc đã tan rã từ năm 1970.

Cùng nghe những trái tim chưa bao giờ ngừng yêu The Beatles lên tiếng, trong một cụm bài đặc biệt chúng tôi dành để tưởng nhớ 40 năm ngày mất của John Lennon và 60 năm ra đời ban nhạc.

phút tráng lệ của tuổi trẻ

Cũng như Paul đôi khi vẫn dùng thì hiện tại khi nói về John, chúng ta đôi khi vẫn nghĩ về The Beatles như một điều chưa từng kết thúc.

“Ngày xửa ngày xưa có ba cậu bé tên là John, George và Paul, theo tên thánh. Chúng quyết định ở bên nhau vì chúng là loại thích tụ tập. Khi chúng ở bên nhau, chúng tự hỏi để làm gì nhỉ, tất cả những chuyện này để làm gì nhỉ? Thế là đùng một cái, chúng học guitar và gây ồn ĩ”, John Lennon đã viết những dòng này vào ngày 6/7/1961, đăng trên một tờ báo âm nhạc địa phương vùng Mersey.

Khi ấy, The Beatles kiếm được đâu đó 10 bảng một tuần, vừa trở về từ những tháng điên cuồng ở Hamburg, và Ringo Starr vẫn còn đang chơi cho ban nhạc địa phương nổi nhất Liverpool thời đó là Rory Storm and The Hurricanes. Phải hơn 1 năm sau, Ringo mới gia nhập nhóm, sau một lời mời của John, với điều kiện Ringo phải chải tóc ngược ra sau, đổi lại, anh vẫn có thể để phần tóc mai dài của mình. Ringo đồng ý. Thế là đã hoàn chỉnh The Beatles.

Điều kinh ngạc nhất (cũng là điều khó hiểu nhất) về The Beatles đó là: họ dường như là một ký ức vĩnh cửu, với tất-cả-mọi-người. Danh ca của thập niên 40-50 là Frank Sinatra, vào khoảng 40 năm trước, nói rằng “Something” của The Beatles là ca khúc về tình yêu hay nhất từng được viết ra mà lời ca chẳng cần nói một câu “anh yêu em”. 40 năm sau, hiện tượng Billie Eilish 18 tuổi lại bảo “Something” là một trong những bản nhạc quan trọng nhất trong tuổi thơ cô, cô đã nghe nó khi yêu, và nó đã nói chính xác được điều mà những người khác nói bao nhiêu cũng chỉ gần chạm đến. Barack Obama nghĩ The Beatles đã đánh đổ mọi bức tường ngăn cách. Còn Vladimir Putin mô tả thời thơ ấu của mình, nghe The Beatles giống như là được “uống một ngụm tự do”. Những con người thuộc những thời đại cách xa cả thế kỷ, những con người đến từ những đất nước khác nhau, với những hệ tư tưởng khác nhau, với lý tưởng khác nhau, thậm chí đối địch nhau, nhưng The Beatles trong họ, vẫn chỉ là một The Beatles duy nhất.

The Beatles làm người ta mất đi ý thức về thời gian, họ đã tan rã được đúng nửa thế kỷ, John và George đã không còn nữa, thế giới đã thay đổi biết bao nhiêu, nhưng cũng như Paul đôi khi vẫn dùng thì hiện tại khi nói về John, chúng ta đôi khi vẫn nghĩ về The Beatles như một điều chưa từng kết thúc.

Minh họa NHA ĐAM
Minh họa NHA ĐAM

Có một tấm ảnh mà chỉ 52 năm sau khi nó được chụp, khán giả mới có cơ hội trông thấy. Ảnh chụp phía sau một chiếc xe tải, với 6 cậu bé cùng chiếc đàn bass làm từ thùng trà, một bộ trống trắng có vẻ khá xịn, một cậu thiếu niên 16 tuổi mặc áo kẻ sọc caro lấp ló ở chính giữa. Tấm ảnh đen trắng chụp ngày 6/7/1957, bốn năm trước khi John viết bài báo trên Mersey Beat, cuộn phim âm bản được cha của một trong những cậu bé ngồi đó bỏ quên trong ngăn kéo tủ và mãi tới năm 2009 ông mới tình cờ tìm ra, rửa lại, gửi tới công chúng. Đó là tấm ảnh ban nhạc The Quarrymen mà John Lennon đã thành lập cùng tụi bạn nối khố nghịch “rách giời” thời trung học. John chính là người mặc chiếc áo kẻ sọc. Cậu đâu có biết rằng chỉ vài tiếng nữa, cậu sẽ gặp Paul McCartney, 14 tuổi, lần đầu tiên tại nhà thờ thánh Peter.

Chúng ta không còn gặp những câu chuyện như thế nữa, những nhóm nhạc ngày nay gặp nhau lần đầu trong những buổi audition, trong một cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình, hoặc do các ông bầu và công ty quản lý ghép họ lại với nhau vì mục đích thương mại nào đó. Họ không gặp nhau trong một nhà thờ như John và Paul, rồi Paul chơi bản “Twenty flight rock” của Eddie Cochran và “Be-bop-a-lula” của Gene Vincent trên guitar một cách hoàn hảo, tiếp đó ngồi vào piano biểu diễn điêu luyện như một nghệ sĩ thực thụ; John – lúc đó còn chưa biết chỉnh dây guitar – ghé sát vào Paul để nhìn ngón đàn cho rõ; Paul nói ông vẫn còn nhớ hơi thở nồng nặc bia của John khi ấy. Họ cũng không gặp nhau trên một chuyến xe buýt như Paul và George, George đã bắt gặp Paul lúc nào cũng ngồi cười một mình có vẻ… ngẫn ngẫn, mãi sau mới phát hiện ra cậu bé đó đang tự nhìn vào ảnh phản chiếu xinh đẹp của mình trên cửa kính và cười. The Beatles, họ không chỉ là tuổi trẻ của chúng ta, họ còn là tuổi trẻ của âm nhạc, họ là một thuở âm nhạc còn ngây thơ, với những con tim hoàn toàn trong sáng, sẵn sàng điên cuồng không biết đến ngày mai, thế giới âm nhạc thời họ là một thiên đường đã mất.

Không ai có thể khẳng định âm nhạc The Beatles là hay nhất, có rất nhiều những ban nhạc và nghệ sĩ hay. Nhưng chắc chắn, không có câu chuyện nào có thể đẹp như của The Beatles. Có người bảo câu chuyện của The Beatles giống như một cuốn trường thiên tiểu thuyết (tiểu sử gia Philip Norman thậm chí còn so cuốn “tiểu thuyết” này phải tầm cỡ của Dickens hay Lev Tolstoy). Trên bối cảnh chiến tranh, bốn nhân vật chính mỗi người một tính cách: John châm biếm, cá tính nổi trội và trái tim mơ mộng; Paul ngọt ngào, dễ thương, tài năng thiên phú; George tưởng trầm lắng nhưng hay hờn dỗi và luôn nung nấu vượt lên; Ringo vui vẻ, giản đơn và hạnh phúc.

Họ gặp nhau khi chỉ mười mấy đôi mươi, tan rã vì những bất đồng ồn ào khi bước vào tầm 30 tuổi, đến lúc hiểu được nhau thì đã quá muộn để quay lại. Câu chuyện của họ có tất cả những chủ đề về giai đoạn trưởng thành: tình bạn, tình thân, tình yêu, sự ghen tuông, cái chết, sự vỡ mộng, sự tan vỡ, sự hiểu lầm, sự hàn gắn, niềm vui và bi kịch.

Vài ngày sau khi John bị ám sát, Paul khi ấy đang làm nhạc cùng Carl Perkins, cũng là một huyền thoại âm nhạc, người từng là thần tượng của cả nhóm. Carl Perkins sáng hôm ấy đột nhiên sáng tác ra một ca khúc mang tên “My old friend” và muốn chơi cho Paul nghe. Chơi xong thì thấy Paul bật khóc. Carl đâu biết rằng, câu hát mà ông viết “Bạn cũ của tôi, liệu thi thoảng cậu có nghĩ về tôi?” tình cờ giống với lời cuối mà John nói với Paul vào lần cuối hai người gặp nhau: “Này cậu, thi thoảng hãy nghĩ về tôi nhé!”. Rất nhiều những sự trùng hợp ngẫu nhiên đó làm câu chuyện của The Beatles vô cùng đẹp, như đã được sắp đặt từ trước, nhưng vì không có ai sắp đặt cả, nên nó càng đẹp hơn.

Đầu năm 1967, Mỹ tăng lính đồn trú ở miền Nam Việt Nam lên đến 490.000 người. Cuối năm 66, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch cho một “kỷ nguyên của những trận đánh lớn”. Hình ảnh lính Mỹ nhảy dù được ghi lại hoành tráng, tổng thống Lyndon B. Johnson hy vọng những hình ảnh ấy sẽ tiếp sức cho một chiến thắng mà theo ông ta là “đang ở rất gần”.

Giữa thế giới trên đà mục ruỗng ấy, The Beatles xuất hiện trong chương trình Our World, chương trình truyền hình vệ tinh đầu tiên phát sóng trực tiếp tại nhiều thành phố, từ Canberra đến Cape Kennedy, từ Moskva đến Takamatsu, từ Montreal đến Samarkand. Có vô số nghệ sĩ lớn xuất hiện ở Our World, trong đó có cả danh họa Pablo Picasso và danh ca opera Maria Callas, nhưng ngày nay, người ta nhớ đến nó chỉ vì The Beatles.

Bốn thành viên Tứ Quái mặc những bộ đồ sặc sỡ như của cộng đồng hippie, hát một ca khúc họ mới sáng tác mang tên “All you need is love”, xung quanh họ là hoa, bóng bay và những người bạn nổi tiếng: Mick Jagger, Keith Richard, Eric Clapton, Keith Moon, Marianne Faithfull – tất cả cũng đều mặc đồ sặc sỡ. Hình ảnh ấy đơn giản là trái ngược với những máu lửa tàn sát man rợ của lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Trước The Beatles, Bob Dylan đã sáng tác rất nhiều bài ca phản chiến đỉnh cao, nhưng với The Beatles, họ có thể viết về tình yêu mà chẳng cần một câu “anh yêu em”, thì họ cũng có thể chống chiến tranh bằng cách không nói gì về chiến tranh cả, họ chỉ nói về tình yêu.

“Tình yêu” là từ hiện diện nhiều nhất trong những sáng tác của The Beatles. Những bài hát hay nhất của họ đều là về tình yêu: yêu người và yêu đời. Từ thuở ban đầu gào lên “She loves you, yeah yeah yeah”, vừa hát vừa lắc lắc mái tóc chổi xể lòa xòa xuống mắt, đến những câu hát cuối cùng trong album sau chót: “And in the end, the love you take is equal to the love you make”. Đến cuối cùng, tình yêu mà bạn nhận về cũng bằng với tình yêu bạn đã cho đi.

The Beatles đại diện cho tuổi trẻ bởi chỉ tuổi trẻ mới tin rằng, họ có thể chống lại mọi hằn thù, đổ nát, suy đồi, bom đạn chỉ bằng một thứ như tình yêu. Chỉ tuổi trẻ mới có niềm tin xác tín như vậy, vững chắc như vậy, ngang bướng như vậy, chân thành như vậy. John Lennon đã chết trong bạo lực ư? Đúng thế, mà cũng không hẳn là thế. John đã bị bắn, 5 phát đạn, nhưng khi anh trút hơi thở cuối cùng, bản nhạc “All my loving” của The Beatles vang lên từ hệ thống loa của bệnh viện, một bản tình ca do Paul McCartney sáng tác, khi họ còn rất trẻ. Nếu thích, bạn có thể nghĩ John đã ra đi trong sự bao bọc của tình yêu, thứ tình yêu mà chính anh cùng những người bạn đã luôn cho đi, rất nhiều, trong suốt đời mình, và nó đã trở lại với anh, vào giây phút lìa xa thế giới.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, không phải bom nguyên tử hay tên lửa đạn đạo, chính The Beatles là lý do chiến tranh lạnh kết thúc. Cựu Tổng bí thư của Liên bang Xô Viết, Mikhail Gorbachev, tiết lộ riêng với Paul McCartney là nhạc The Beatles đã khiến cho những thiếu niên biết rằng, có một cuộc sống khác.

The Beatles còn lâu mới thánh thiện, tuổi trẻ cũng không bao giờ thánh thiện, nhưng khi đặt nó giữa một thế giới hắc ám và đen tối, ngay cả những bốc đồng và thiếu sót của tuổi trẻ vẫn hiên ngang. Sự ngông nghênh hỗn xược của John khi tuyên bố “The Beatles đã lớn hơn cả Chúa Jesus”; sự bất kính châm chọc của George khi phóng viên thắc mắc họ sẽ mời ai vào vai nữ chính trong bộ phim sắp tới, và anh đáp: “Chúng tôi đang cố mời Nữ hoàng, bà ấy ăn khách đấy” – sự khác biệt của tuổi trẻ là nó còn đủ can đảm để không bao giờ quy phục, không bao giờ cúi đầu, không bao giờ sợ hãi.

Gương mặt của John, Paul, George và Ringo nửa sáng nửa tối, vẫn in sâu trong tâm trí Haruki Murakami như một thời thanh xuân đầy bí ẩn...

Có hàng trăm cuốn sách, bộ phim nói về The Beatles. Nhưng trong số đó, cá nhân tôi cảm thấy không ai có thể nắm bắt được họ như Haruki Murakami đã làm, dù, họ chỉ xuất hiện gián tiếp qua câu chuyện của ông. Đầu năm nay, ông cho đăng một truyện ngắn mới mang tên “With The Beatles”, tựa đề phỏng theo album thứ hai của ban nhạc, hẳn cũng là album bình thường nhất trong số ca-ta-lốc âm nhạc kinh điển mà họ để lại cho hậu thế. Ban nhạc chỉ xuất hiện trên chiếc bìa đĩa mà một cô nữ sinh không tên đã ôm rất chặt vào ngực, khi cô bước dọc hành lang trường trung học một ngày. Nhân vật chính không biết cô là ai, nhưng hình ảnh cô gái với tà váy rung rinh, tay “ôm thật chặt chiếc đĩa như thể cuộc đời cô trông mong vào nó”, và phần bìa của chiếc đĩa, gương mặt của John, Paul, George và Ringo nửa sáng nửa tối, vẫn in sâu trong tâm trí anh như một thời thanh xuân đầy bí ẩn, không biết đã trôi qua tự bao giờ, nhưng vẫn ánh lên rực rỡ.

Tất nhiên là cả tiểu thuyết “Rừng Nauy” nữa, dù The Beatles sau rốt cũng chỉ là một bản nhạc Toru Watanabe nghe thấy trên chuyến bay đi Hamburg (địa điểm này cũng là một sự gợi nhắc cố tình tới The Beatles – Hamburg, nơi họ đã hát ngày đêm một cách hoang dại trong những hộp đêm và đã làm quen Astrid Kirchherr, người sáng tạo ra kiểu đầu gắn liền với tên tuổi họ sau này). Bản nhạc “Rừng Nauy”, “giai điệu ấy bao giờ cũng khiến tôi run rẩy, nhưng lần này nó làm tôi choáng váng hơn bao giờ hết. […] Tôi ngồi thẳng lên và nhìn qua những ô cửa sổ về phía những đám mây đen đang lơ lửng trên biển Bắc, nghĩ đến những mất mát trong cuộc đời mình: những thời đã qua không bao giờ trở lại, những bạn bè đã chết hoặc bặt vô âm tín, những cảm xúc mãi mãi không còn nữa”.

Còn gì có thể The Beatles hơn?

Tạm bỏ qua thời kỳ trước khi nổi tiếng, thì từ đĩa đơn đầu tiên “Love me do” năm 1962, đến khi album “Let it be” phát hành năm 1970, The Beatles đã ở đó với chúng ta chỉ 8 năm. 8 năm ngắn ngủi thăng hoa. Ngắn ngủi như tuổi trẻ và cũng thăng hoa như tuổi trẻ. Tuổi thanh xuân và ký ức trong “Rừng Nauy” hay “With The Beatles” cũng vậy, quá đẹp nhưng cũng quá mong manh, luôn ở trạng thái chực chờ tan vỡ, đôi khi đẹp đến choáng váng, lướt qua ta như sương mờ. Năm 1980, có nhiều tin đồn rằng The Beatles sẽ tái hợp, nhưng cái chết đột ngột của John khiến tất cả chỉ còn là giấc mơ không thành hiện thực. Cũng lại như tuổi trẻ, một khi đã đi, không sao hồi vãn.

Paul McCartney đã viết trong bản “Two of us”: “Hai chúng ta có những ký ức dài hơn cả đoạn đường trước mặt”. The Beatles đó. Một ký ức quá dài, quá sâu, đi mãi không hết. Năm 10 tuổi, khi chưa biết gì về cuộc đời, mỗi khi nghe “Let it be” là sẽ nghêu ngao hát theo giai điệu du dương; năm 25 tuổi, lúc này đã chớm biết về cuộc đời, nghe “Let it be” có thể ứa nước mắt, lặng lẽ để mọi thứ như nó vốn là; đến 40 tuổi, giờ thì đã nhận chân về cuộc đời, nghe “Let it be”, bồi hồi nhớ lại một thời ta đã từng sống như thế, bao nỗi đau đến và đi còn ta vẫn ở đây. Chẳng phải rất giống với tâm trạng của Toru Watanabe, theo thời gian, nhìn về cuộc tình với Naoko, mỗi lần lại mang những tâm tư khác hay sao?

Nếu phải lựa chọn một hình ảnh tiêu biểu của The Beatles, tôi – ngay khi viết những dòng này – sẽ lựa chọn một hình ảnh trong bộ phim “A hard day’s night” – bộ phim đầu tay của ban nhạc phát hành năm 1964, một bộ phim mà dù bạn có xem đến 50 lần, sự tươi mới, hài hước và niềm vui sống vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên. Và hình ảnh mà tôi muốn lựa chọn là hình ảnh khi bốn thành viên Tứ Quái ngồi trong khoang tàu hỏa, chơi bài, những cô gái đứng bên ngoài nhìn ngắm họ chết mê chết mệt, John chơi ăn gian, rồi bỗng cả bốn bắt đầu đàn hát đầy sôi nổi. Tên ca khúc họ hát: “I should have known better” – Anh đáng lẽ nên biết rõ hơn. Họ đáng lẽ nên biết rõ hơn, rằng niềm vui ngắn chẳng tày gang, rằng mọi thứ sẽ kết thúc, rằng rất nhiều bi kịch đang đón đợi họ trong đời. Nhưng họ không biết gì cả. Khoảnh khắc ấy, John và Paul và George và Ringo đã thực sự hạnh phúc, hạnh phúc một cách vô tư như thể họ nghĩ hạnh phúc hôm nay sẽ còn mãi đến mai sau.

Thực hiện Hiền Trang Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP