Thạc sĩ Mạc Văn Trọng: Công việc là vaccine giúp tôi chống lại virus nhàm chán - Tạp chí Đẹp

Vaccine phòng Covid-19 do Vabiotech nghiên cứu và phát triển – vaccine thứ 3 và là niềm hy vọng của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid bằng nỗ lực tự thân – dự kiến sẽ được đệ trình hồ sơ xin thử nghiệm trong tháng 3 và triển khai trong tháng 4 hoặc tháng 5 này, sau quyết tâm rút ngắn thời gian ở mức kỷ lục. Điều đó đồng nghĩa với việc Trọng và các cộng sự của anh sẽ được… về nhà, sau nhiều tháng trời sống cảnh “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” tại phòng thí nghiệm.

Trọng sinh năm 1987, cầm tinh con mèo, nhưng lại làm cái nghề… thân con chuột (dĩ nhiên là chuột bạch). Hay nói như Trọng là “mèo nhưng không rình bắt chuột mà là rình bắt… virus”. Duyên cái là dự án đầu tiên anh được giao làm lúc vừa chân ướt chân ráo đầu quân cho Vabiotech – Công ty TNHH Vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế – là nghiên cứu virus phòng dại, lại cũng liên quan đến… chó mèo. “Mèo, nhưng không hiền đâu, may ra ở ngoài đời, còn trong công việc thì toàn bị cộng sự kêu là khó tính, cầu toàn phát khiếp” – người đàn ông có vẻ ngoài hiền khô cười bảo.

Trong câu chuyện nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 mà Trọng và nhóm nghiên cứu của anh hồi giờ theo đuổi, cũng có khá nhiều sự ngẫu nhiên. Trọng sinh ra ở Hải Dương – ổ dịch Covid lớn nhất nước tính đến nay và là nơi đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận virus nCoV biến chủng Anh – cũng chính là nơi Trọng được cử đi nghiên cứu và học tập công nghệ sản xuất vaccine cúm, dại trên giá thể baculovirus, 1 năm trước khi đại dịch Covid bùng phát. Trở lại Anh lần 2 trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Vabiotech và Đại học Bristol vào tháng 2/2020, kế hoạch ban đầu của Trọng và cộng sự là tiếp tục dự án nghiên cứu nói trên. Nhưng trước diễn biến dịch Covid bắt đầu lan rộng tại các nước châu Á và Việt Nam cũng đã bắt đầu ghi nhận những ca Covid đầu tiên, các nhà khoa học của Vabiotech đã ngay lập tức chuyển hướng sang hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol để nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 dựa trên công nghệ vector virus. Một quyết định phải nói là nhanh nhạy và sớm sủa, vì tại thời điểm đó, thế giới mới bắt đầu nghĩ đến nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 và cũng chưa ai dự đoán được nó sẽ trở thành đại dịch.

“Lúc tôi đặt chân đến sân bay nước bạn trong bộ đồ bảo hộ và khẩu trang kín mít, trong bối cảnh an ninh sân bay chưa có một dấu hiệu nào cho thấy thái độ cảnh giác trước dịch bệnh, mọi người nhìn chúng tôi cứ như người ngoài hành tinh. Nhưng không lâu sau đó, châu Âu đã đứng trước nguy cơ bị phong tỏa, có nghĩa là các nghiên cứu buộc phải tạm dừng và các chuyên gia nước ngoài được khuyên nên về nước sớm trước khi đường hàng không bị đóng cửa. Để chạy đua với lệnh phong tỏa sắp được áp đặt, nếu như không muốn toàn bộ công sức nghiên cứu trước đó của mình trôi sông trôi biển, trong 3 tuần liền, chúng tôi cắm mặt làm ngày làm đêm, nhiều hôm chỉ dám ngủ có 2 tiếng. Và sau đó là mất 2 ngày vạ vật tại sân bay mới lên được máy bay về nước vì chuyến bay thương mại cuối cùng đã kịp đóng cửa từ 2 ngày trước đó; hy vọng bay nối chuyến, quá cảnh tại Thái Lan cũng bị dập tắt vì chính phủ Thái Lan ra thông báo cấm cả nhập cảnh lẫn quá cảnh để phòng dịch. May sao, cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được một chuyến bay quá cảnh tại Hong Kong. Về tới Việt Nam, sau khi ở trại cách ly 14 ngày, nhóm lại được đưa thẳng về công ty và tiếp tục cách ly 14 ngày nữa ngay tại phòng thí nghiệm để kịp theo đuổi tiến độ. Đó là lần xa nhà lâu nhất của tôi, hơn ba tháng trời không được gặp vợ con, bố mẹ…”, Trọng nói.

Và lần xa nhà lâu tương tự là lúc quê nhà Hải Dương của anh trở thành ổ dịch lớn nhất nước với tốc độ lây lan nhanh kinh khủng của biến chủng Anh, lúc tiến độ nghiên cứu của nhóm đang đến hồi nước rút. “Không thể bị cách ly lúc đó”, Trọng vì thế lại thêm lần nữa phải chấp nhận sống xa vợ con suốt hai tháng, với hai chữ ám ảnh trong đầu là “tiến độ, tiến độ và tiến độ”. “Trung bình, một vaccine bình thường phải mất 5-10 năm để nghiên cứu và phát triển, nhưng với một sản phẩm ngừa đại dịch, chúng tôi chỉ có từ 18-24 tháng, trong khi lại không thể rút ngắn quy trình và bỏ qua bất kỳ công đoạn nào để đảm bảo tính an toàn của sản phẩm. Do đó mà đòi hỏi phải cố gắng tới 200%”.

Nỗ lực chạy đua tiến độ ở đây không nhằm mục đích cạnh tranh với nguồn vaccine ngoại nhập hay các đơn vị trong nước, cũng chẳng phải để chứng tỏ năng lực tự thân của mình, mà mục tiêu sâu xa của Vabiotech theo Trọng là chuẩn bị nền tảng để đối phó với các đại dịch khác về sau, không riêng gì đại dịch Covid.

Q&A

Vaccine nào là bảo bối giúp anh chống lại virus nhàm chán?
Công việc, cũng chính là mũi tiêm thứ nhất.

Vậy còn mũi tiêm nhắc lại?
Là gia đình tôi.

Mũi tiêm nào quan trọng hơn?
Chúng quan trọng ngang nhau, không có mũi tiêm này thì mũi tiêm kia cũng bị vô hiệu hóa hoặc giảm tác dụng.

Q&A

Vaccine nào là bảo bối giúp anh chống lại virus nhàm chán?
Công việc, cũng chính là mũi tiêm thứ nhất.

Vậy còn mũi tiêm nhắc lại?
Là gia đình tôi.

Mũi tiêm nào quan trọng hơn?
Chúng quan trọng ngang nhau, không có mũi tiêm này thì mũi tiêm kia cũng bị vô hiệu hóa hoặc giảm tác dụng.

“Lẽ thường, khi đại dịch nổ ra, các nước sẽ phải ưu tiên cho thị trường của họ, người dân của họ. Nếu như mình không chủ động được công nghệ và không có quy trình sản xuất thì sẽ rất bị động, lệ thuộc và chậm chân trong phòng chống các đại dịch về sau. Trên nền tảng công nghệ mới vừa được cập nhật lần này, với một quy trình sản xuất đã được hoàn thiện, có thể tự tin nói rằng, tới đây, chúng ta sẽ có năng lực đối phó cao hơn và kịp thời hơn trước các đại dịch khác nhờ đã có sẵn tiền đề giúp cho việc thâm nhập gene, tạo chủng giống… thuận tiện và dễ dàng hơn.

Và công nghệ vector virus này phải nói là một công nghệ có rất nhiều điểm ưu việt so với các công nghệ cũ. Ở Việt Nam thì mới, nhưng thế giới đã có hơn 20 năm nghiên cứu công nghệ vector virus và hiện đã có khá nhiều nhà sản xuất sử dụng công nghệ này trong sản xuất vaccine bởi nó cho hiệu suất cao hơn, khả năng linh động hơn trong việc đối phó với các chủng virus đại dịch. Riêng với công nghệ vector virus của Vabiotech sử dụng giá thể baculovirus thì trên thế giới hiện nay có 2 nhà sản xuất vaccine lớn đã thương mại hóa sản phẩm, đó là Sanofi (vaccine cúm Flublok) và GSK (vaccine ngừa ung thư cổ tử cung Cervarix). Đây là minh chứng cụ thể nhất về tính an toàn và hiệu quả của công nghệ baculovirus”.

Trọng nói, anh vốn là tay ghiền công nghệ sinh học, ngay từ thời đi học. “Ngày đó đọc báo, xem TV mà nghe nói đến những thuật ngữ chuyên môn như giải mã trình tự gene, tôi tò mò lắm. Cái năm tôi chọn trường đại học để thi, cũng là năm tôi chứng kiến sự ra đi nghiệt ngã của những người bạn học đã không may để mình bị trượt dài trong tệ nạn ma túy và căn bệnh thế kỷ AIDS. Điều đó lại càng thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi ngành học về công nghệ sinh học để đi theo con đường nghiên cứu vaccine phòng ngừa dịch bệnh”.

Đó cũng là lý do khiến đường đến trường đại học của Trọng có phần kịch tính và éo le hơn người khác. Khi anh quyết định khăn gói quả mướp vào Huế để theo học ngành Công nghệ Sinh học tại trường Đại học Khoa học Huế, thay vì Đại học Y như mong muốn của bố mẹ, anh đã gần như chấp nhận… bị từ mặt. Vaccine giúp anh chống lại sự thỏa hiệp lúc ấy không gì khác là quyết tâm theo đuổi bằng được ước mơ hướng nghiệp của mình. Để rồi tận 6 tháng sau, khi “đánh liều” về thăm nhà, cậu con trai bướng bỉnh có vẻ ngoài hiền khô ấy mới được bố mẹ “xóa bỏ lệnh cấm vận”.

Và tới đây, Trọng lại được về nhà, sau cái “lệnh cấm vận” mà anh và cộng sự tự đặt ra cho mình, trong cuộc đua tăng tốc nghiên cứu vaccine đẩy lùi đại dịch.

Bài Nguyên Hà Nhiếp ảnh Lê Lai
Thiết kế Nguyên Khôi

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP