Còn vỏn vẹn gần 1 tháng nữa là Tết đến. Chúng tôi đùa nhau chưa từng có một cái Tết nào kéo dài cả năm, thế mà nhoắng cái lại lục tục chuẩn bị đón thêm cái Tết nữa. Đứa em tôi lo lắng làm sao để đủ tiền về quê, sắm sửa cho gia đình, lì xì cho mẹ và mấy đứa cháu nhỏ. Chúng tôi đồng cảm ít nhiều.
Gia đình không phải là các tuyển thủ cùng tham gia một cuộc thi marathon. Vậy mà tôi đã nhìn thấy những cuộc chạy đua giữa bố mẹ và con cái để đáp ứng mong mỏi của nhau. Mỗi lần Tết đến, những đứa con luôn cố gắng tỏ ra mình ổn – sự ổn thỏa được che đậy bằng giá trị vật chất hơn là giá trị cốt lõi của niềm hân hoan lấp lánh từ bên trong – hòng thỏa mãn cái tôi của chính họ, niềm tin từ gia đình và cả sự hiếu kỳ từ họ hàng, láng giềng. Các bậc cha mẹ cũng tất bật hơn mọi ngày, nhà cửa phải tươm tất, gian bếp phải đủ đầy, quà cáp biếu xén phải chỉn chu, vừa như một lời tổng kết gửi đến người thân tín vừa như một lời chúc cho gia đình luôn sung túc, ấm no. Trong khi đó, nếu được trả lời một cách thành thật nhất, chẳng phải điều mà cả bố mẹ lẫn con cái đều hy vọng là nhìn thấy người mình yêu thương được khỏe mạnh, an yên?
Trong bộ phim truyền hình “Start-up” có một đoạn đối thoại rất hay giữa cậu con trai với người cha, đại ý rằng: bố đừng là niềm tự hào của con, con cũng không cần là niềm tự hào của bố, trở thành niềm tự hào của ai đó rất mệt mỏi, chúng ta hãy cứ là bố con của nhau thôi. Phải chăng chúng ta đã vô tình tạo nên những áp lực bằng ảo tưởng, kỳ vọng mà đánh mất giá trị thực sự của ngày Tết chính là vui vầy, hạnh phúc, cùng nhau đón chào năm mới? Phải chăng chúng ta bị ràng buộc bởi quá nhiều khái niệm, lề thói, lễ nghi mà quên mất niềm vui nguyên bản?