Taste of Love: Cay, nồng, ấm - Tạp chí Đẹp

Người thích nghịch ngợm với các loại gia vị cay không thể nào là người hời hợt, bởi chỉ cần vô tâm hay vô tình, đều có thể khiến mọi nỗ lực chế biến món ăn trở thành… hỏng bét. Những món ăn có vị cay thường nồng và ấm, mà những gì nồng nàn và ấm áp thường khó quên. Người thích ăn cay vì thế thường là người mạnh mẽ và nồng nhiệt vô cùng. Đàn ông hay đàn bà biết sử dụng vị cay trong nấu ăn và trong cuộc sống cũng thường hấp dẫn hơn trong mắt người tình.

gà nấu gừng ấm nóng

CÔNG THỨC
• 360gr ức gà phi lê
• 3-4 cây nấm mỡ nâu
• 5 củ khoai tây baby
• 15gr gừng thái lát
• 1 củ cà rốt lớn
• 600ml nước
• 1 thìa cà phê bột cà ri
• 10gr bơ
• Ngò rí
• Muối

THỰC HIỆN
• Thái gà phi lê thành những miếng vuông nhỏ vừa ăn.
• Thái đôi nấm mỡ, khoai tây baby. Thái cà rốt thành những khối nhỏ cùng kích cỡ.
• Bật bếp. Cho bơ vào nồi cùng với khoai tây, cà rốt, đảo đều đến khi bơ tan chảy. Lần lượt cho gà và nấm vào. Nêm một nhúm muối. Đảo đều đến khi gà chín và hơi cháy xém mặt.
• Cho nước và gừng thái lát vào. Đun sôi, vớt bọt, giảm nhỏ lửa. Tiếp tục đun đến khi khoai tây và cà rốt chín vừa, không quá mềm.
• Thêm bột cà ri và nêm muối cho vừa ăn. Xới ra đĩa, trang trí với ngò rí.
• Dùng nóng kèm với bánh mì thái lát.

Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ bận rộn với công việc, ông ốm nặng và mất năm tôi lên 5, cả tuổi thơ tôi gắn với người bạn lớn là bà nội. Sáng sớm, hai bà cháu cùng đi bộ ra chợ Bến Thành dạo chơi ở các hàng quen. Mấy cô bác chủ hàng ở chợ thấy con bé tôi cười toe toét thường ngoắc tay bảo: “Lại đây cho tui hun miếng coi!” bằng chất giọng miền Nam hào sảng, ấm áp. Sau tiết mục dạo chơi, ăn sáng, bà dẫn tôi sang hàng rau, củ, thịt, cá, mua nguyên liệu về nấu bữa trưa và bữa tối cho cả nhà. Tôi mê mẩn những màu sắc, âm thanh, mùi hương ở ngôi chợ nhiều năm tuổi ấy biết bao!

Trong chiếc làn đi chợ của nội lúc nào cũng có một củ gừng tươi. Trong nhà, nội giống như bác sĩ tại gia, thường tự chữa các chứng bệnh õng ẹo của cô cháu gái bằng gừng. Con nhỏ rên đau bụng, khó tiêu, nội pha một tách trà gừng. Con nhỏ bị cảm gió, nội lấy củ gừng chà xát lên cổ, vai, gáy và lòng bàn chân cho ấm. Hễ đi đâu về bị mắc mưa, nội sẽ nấu một nồi canh gừng. Nồi canh đó có thể được nấu từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, nhưng dĩ nhiên, không thể thiếu mấy lát gừng thái mỏng. Trong nhà có ai lăn ra bệnh không nhấc người dậy nổi, nội ân cần nấu một nồi cháo cá nóng hổi, thơm lừng, không quên rắc lên đó một ít hành lá, tiêu xay và gừng thái sợi.

Có lẽ thời gian ở bên nội, được ảnh hưởng nếp quen từ nội, nên mùi gừng dậy lên trong cánh mũi hay trong ký ức tôi không chỉ đơn giản là một loại nguyên liệu quen thuộc trong chiếc làn đi chợ, mà là một thứ mùi ấm áp của tình thân. Trên kệ bếp trong căn nhà riêng của vợ chồng tôi luôn có một hộp trà gừng. Thi thoảng, lúc nấu canh, tôi cũng thích cho thêm gừng, đặc biệt là những hôm trái gió trở trời, cả người ê ẩm, một chút ấm nóng từ bát canh gừng, về mặt thể chất, sẽ giúp làm giảm tính hàn xâm nhập vào cơ thể, và về mặt tâm trí, sẽ xoa dịu những bất ổn trong lòng.

tôm hùm baby nướng bơ tỏi & xốt tiêu xanh

CÔNG THỨC
• 6 củ tỏi
• 30gr bơ (tan chảy)
• 1 nhúm nhỏ muối hồng
• 1kg tôm hùm baby (3-4 con)
• 5 thìa canh mayonnaise
• 1 cọng cải kale
• 10gr tiêu xanh

THỰC HIỆN
• Băm nhuyễn tỏi. Trộn tỏi băm vào bơ tan chảy.
• Chẻ đôi tôm hùm. Rưới bơ tỏi và rắc muối hồng lên tôm.
• Nướng ở mức 180oC trong 25 phút. Dùng nóng kèm với xốt tiêu xanh.
• Cách làm xốt tiêu xanh: băm nhỏ cải kale và nghiền nhuyễn 5gr tiêu xanh, trộn đều vào mayonnaise và rắc 5gr tiêu xanh còn lại lên mặt xốt.

Trong các loại gia vị làm nên vị cay, không thể không kể đến tiêu. Cả hai vợ chồng tôi đều say đắm trước loại gia vị đặc biệt này. Các món ăn hàng ngày tại nhà chúng tôi hiếm khi nào vắng mặt những hạt tiêu xay. Chúng tôi sưu tầm cả những loại tiêu khác nhau từ những chuyến du lịch, đựng vào mấy lọ thủy tinh đặt trên kệ bếp. Tiêu rừng Tây Bắc, với tên gọi riêng là “mắc khén” mang một cá tính mạnh mẽ, độc lập, không lẫn vào đâu cho được, dùng ướp các món nướng than ngon tuyệt đỉnh. Tiêu Măng Đen mang mùi hương của núi rừng, để dành ngửi những lúc muốn tìm lại sự cân bằng khi đầu óc căng thẳng. Tiêu Phú Quốc nổi tiếng khắp thế giới, khi nấu chín có vị ngọt êm dịu. Tiêu Ả Rập nhiều tầng mùi vị, có hậu vị kéo dài.

Vị cay của tiêu không nổi bật như ớt mà chỉ the nồng, thoang thoảng nhẹ nhàng từ cuống họng xông lên cánh mũi. Thêm một chút tiêu vào món ăn khi vừa nấu xong, trước khi bê ra khỏi gian bếp, ta sẽ nghe một thứ mùi dễ chịu quyện trong làn khói mỏng tang thơm lừng. Cắn nhẹ hạt tiêu xanh tươi non, vị the lan ra, các giác quan như được đánh thức. Phải rồi, mấu chốt nằm ở đây. Có rất nhiều loại tiêu được trồng trên những vùng đất khác nhau, mỗi loại mang một mùi thơm và vị thơm đặc trưng. Mùi thơm thì dễ hiểu rồi. Còn vị thơm? Chính là hương thơm đọng lại trong vòm miệng. Mùi và vị ấy tuy không khiến ai phải nức nở, nhưng lại có khả năng gây quyến luyến một cách lạ kỳ. Nếu thương một người, hãy thêm một chút tiêu vào bữa ăn cùng người ấy!

Nếu thương một người, hãy thêm một chút tiêu vào bữa ăn cùng người ấy!

ớt nhồi bò cay

CÔNG THỨC
• 500gr thịt bò xay
• 4-5 quả ớt chuông baby
• 1,5 thìa canh nước tương
• 6 thìa canh dầu olive
• 1 nắm ớt khô
• 1 lá cải kale

THỰC HIỆN
• Thái nhỏ 3 quả ớt khô. Băm nhỏ cải kale. Thái đôi ớt chuông.
• Trộn bò xay với ớt khô thái nhỏ, 3 thìa canh dầu olive, nước tương. Nhồi thịt bò đã thấm gia vị vào ớt chuông. Thêm cải kale thái nhỏ lên mặt miếng ớt chuông
đã nhồi thịt.
• Xếp ớt chuông lên khay nướng. Rưới lên mặt 3 thìa canh dầu olive. Rải thêm phần ớt khô còn lại.
• Nướng ở 180oC trong 15 phút.
• Dùng khi còn nóng, kèm với salad trộn.

Tôi có cậu em mỗi lần nghĩ tới ớt chỉ thấy… toàn là nước mắt. Cậu không biết ăn cay, lần nào ăn những món có ớt cũng đổ cả nước mắt lẫn mồ hôi. Nếu chủ ý sử dụng ớt khi nấu ăn, cậu chỉ thêm ớt vào những món có mùi tanh để khử bớt mùi khó chịu, hoặc tăng thêm màu sắc xanh, đỏ cho món ăn vui mắt.

Ở xứ nhiệt đới, vị cay được chuộng hơn xứ ôn và hàn đới, bởi ớt còn giúp khử trùng và kéo dài thời gian bảo quản thức ăn trong điều kiện thời tiết oi bức. Vị cay cũng thường được dùng để liên hệ đến những vấn đề trong cuộc sống mà khi đối diện, người ta cảm thấy không dễ dàng gì, và thậm chí chối từ nếm trải. Nếu ví đời người là một bữa ăn, cái ngưỡng cay mà mỗi người thích nghi được sẽ khác nhau. Cay vừa đủ có thể kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn, đưa tâm trạng lên mức sảng khoái tột cùng. Cay xé họng có thể hủy hoại mọi niềm vui thưởng thức những hương vị ngon lành khác. Do đó, ớt, trong bất kỳ hình trạng nào, từ ớt tươi, ớt khô hay ớt bột đều cần người nấu biết cách sử dụng cho hợp lý, như một gia vị thêm thắt cho món ăn thêm thú vị, chứ đừng lỡ tay cho quá liều mà mất ngon. Như tình yêu đôi lúc cần một chút ghen tuông cho tình cảm thêm đậm đà, sâu sắc. Như cuộc sống đôi lúc cần một chút khó khăn để chúng ta biết trân trọng những gì mình đang có hôm nay.

sangria nồng nàn

CÔNG THỨC
• 750ml rượu vang
• 6gr quế
• 3 hoa hồi
• 300gr táo đỏ
• 1 quả chanh vàng
• 150gr táo xanh
• 60gr blueberry
• 60gr phúc bồn tử
• 3 thìa canh đường nâu
• 20ml rượu mạnh
• 1 thìa cà phê bột ớt
• Lá hương thảo

THỰC HIỆN
• Thái hạt lựu táo đỏ, táo xanh. Thái lát chanh vàng.
• Cho rượu vang, các loại quả, quế, hồi, đường nâu, bột ớt, rượu mạnh vào âu hoặc bình lớn. Cất tủ lạnh từ 12-16h và
rót ra ly thưởng thức. Trang trí với lá hương thảo.

Mùa đông, trời se lạnh làm khuấy đảo sự cô đơn thường trực trong mỗi con người, tôi thường thích đem tất cả các gia vị và nguyên liệu mình có trộn hết lên. Trộn lên, và nhâm nhi để nhìn lại một năm sắp qua, với tất cả những cảm xúc được tích trữ, chúng ta trở nên như thế nào? Có giống một bình sangria ngon đến khó cưỡng? Là sự tổng hợp hài hòa của những tầng cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn? Mới đầu, ta sẽ nghe mùi quế và hồi thật sôi nổi, kế đến là vị chua từ hoa quả, chát từ rượu vang, theo sau đó là cay nhẹ của ớt. Cuối cùng là sự ngọt ngào êm ái len trong vị giác.

Kể cũng lạ, quế và hồi tuy không mang vị cay gắt như ớt, cay nhẹ như gừng, hay the the dễ chịu như tiêu, nhưng nếu đem kết hợp với các gia vị trên sẽ trở nên nồng nàn đến day dứt. Dường như một bình sangria, nói khác hơn là tâm hồn tôi, mang hương vị không phải của chính tôi, mà là tôi cộng với người. Và lúc này đây, tôi sẽ bày ra, cùng người thưởng thức.

Bài & ảnh Nhà có hai người Trợ lý sản xuất Nhật Tiệp
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP