Sức sống của nhạc Trịnh là muôn thuở - Tạp chí Đẹp

Vào một buổi sáng mùa Đông ở Hà Nội, chúng tôi có cơ hội trò chuyện cùng anh Tiến Hưng – người phụ trách truyền thông của phòng trà Trịnh Ca.

Gắn bó với nhạc Trịnh từ những ngày ấu thơ, đối với anh, nhạc Trịnh không chỉ là niềm đam mê, mà còn là lẽ sống cuộc đời

Anh bắt đầu nghe nhạc Trịnh từ khi nào?
Tôi nghe nhạc Trịnh từ khi tôi còn bé vì bố mẹ tôi cũng thích nhạc Trịnh. Tuy nhiên, hồi đó không có điều kiện nên rất ít tác phẩm được lưu giữ. Kể từ đó đến nay, tôi vẫn nghe nhạc Trịnh, nhưng vẫn chưa hiểu hết ý tứ trong những ca từ của  ông.

Vậy trong những điều đã hiểu, anh tâm đắc điều gì nhất và anh áp dụng trong cuộc sống như thế nào?
Tùy vào từng khoảnh khắc thì tôi sẽ áp dụng những điều khác nhau. Tuy nhiên, nếu chọn điều tâm đắc nhất thì tôi sẽ chọn triết lý đạo Phật – tính vô thường. Có thể nói đây là đặc trưng của âm nhạc Trịnh Công Sơn và ông đã nhiều lần nhắc đến triết lý này trong các tác phẩm của mình.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với phòng trà Trịnh Ca? Sau thời gian làm việc ở đây, anh thầy phòng trà đã thay đổi như thế nào?
Tôi nghĩ cơ duyên này bắt đầu từ tấm lòng yêu mến nhạc Trịnh, rồi đến yêu mến nhạc sỹ và cộng đồng người nghe nhạc Trịnh.

Tôi đã gắn bó với phòng trà được 6 năm và sau từng ấy thời gian, tôi thấy nơi này thay đổi rất nhiều. Điều dễ thấy nhất là cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn và ngày càng có nhiều người nghe nhạc Trịnh. Về lứa tuổi thì cũng rất đa dạng, từ các bác trung niên, lớn tuổi cho đến các bạn trẻ. Phong cách âm nhạc ưa thích của khách tại phòng trà Trịnh Ca là phong cách mộc mạc thời xưa, vậy nên ca sỹ và ban nhạc không cần biểu diễn quá nhiều.

Trong quá trình hoạt động, phòng trà có gặp khó khăn gì không?
Thật sự thì tôi quên những khó khăn ấy rồi, bởi vì tôi yêu nhạc Trịnh quá. Tôi có câu châm ngôn ưa thích và đây cũng là triết lý trong âm nhạc: “Hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy được tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” Dù có tuyệt vọng thì cũng đừng né tránh, hãy đối mặt và yêu. Một khi bạn đã yêu thì hãy yêu hết mọi thứ, đừng chối bỏ điều gì.

Anh có thể giới thiệu kỹ hơn về các đêm nhạc tại phòng trà Trịnh Ca không?
Tối thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần phòng trà đều tổ chức những đêm nhạc Trịnh. Ca sỹ biểu diễn ở đây chủ yếu là ca sỹ trẻ, tái hiện cách hát thời xưa của cô Khánh Ly, cô Trịnh Vĩnh Trinh… Thế hệ các cô là thế hệ vàng, hát hay và đúng chất nhạc Trịnh nhất; còn các thế hệ sau thì đều cố gắng tái hiện cách hát và cả không gian, thời đại xưa cũ ấy. Và để làm được điều đó thì đòi hỏi cách hát cần sự mộc mạc, giản dị.

Các bài hát được lựa chọn cẩn thận và các ca sỹ đều phải tập duyệt rất kỹ để có một đêm nhạc thật chỉn chu.

Theo quan sát của anh, ngoài phòng trà và quán cà phê thì nhạc Trịnh còn xuất hiện ở đâu nữa?
Đối với tôi, nhạc Trịnh nhẹ nhàng như dòng suối, róc rách len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống. Bởi vì Trịnh Công Sơn viết nhạc từ chính những trải nghiệm cá nhân, từ nhận thức về thân phận con người và từ việc phản đối chiến tranh. Ba mảng chính mà ông viết đều bắt nguồn từ một chữ “yêu.” Và con người thì có bao giờ ngừng yêu thương hay ngừng đau khổ. Ngày từ khi sinh ra con người đã cất tiếng khóc: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” – khóc vì phải mang nặng kiếp người nhiều đau đớn, sầu muộn.

Cảm nhận của anh về những bản nhạc Trịnh được các ca sỹ remix hay rap lại là như thế nào?
Theo quan điểm cá nhân thì tôi không hoàn toàn thích những bản phối mới này, tuy nhiên đây vẫn là điều rất nên làm. Cách đây khoảng 2, 3 năm, tôi tham dự chương trình “Vọng cố đô” ở Huế. Ở đó, các nghệ nhân dân gian hát nhạc dân gian, hát ca Huế nhưng lại cũng hát bài “Ở trọ” của Trịnh Công Sơn. Vẫn là ca từ của ông nhưng được hát theo ca Huế, khiến tôi thật sự xúc động. Hay như Hà Lê, người tái hiện nhạc Trịnh theo phong cách mới và cũng hát rất hay. Tôi chỉ lấy hai ví dụ thôi chứ còn rất nhiều ca sỹ khác phối lại nhạc Trịnh. Một điểm chung giữa họ là dù phối theo cách nào, ca từ của Trịnh Công Sơn vẫn được giữ nguyên, điều này thể hiện sự trân trọng với cố nhạc sỹ.

Theo anh, trong tương lai Nhạc Trịnh có giữ được sức sống mãnh liệt như bây giờ không?
Sức sống của nhạc Trịnh là muôn thuở. Những bạn trẻ của thế hệ 9X đã quan tâm và trân trọng nhạc Trịnh, thì tôi không hề lo rằng âm nhạc của ông sẽ biến mất. Sau này các bạn trẻ lại trao ngọn cờ ấy cho những thế hệ tiếp theo. Tôi nghĩ những giá trị nghệ thuật, văn hóa của nhạc Trịnh nói riêng, nhạc Phạm Duy, Văn Cao… nói chung sẽ trường tồn, bởi thế hệ nào cũng có những người kế thừa và phát huy.

Anh có thể chia sẻ một chút về kế hoạch phát triển phòng trà Trịnh Ca trong thời gian tới không?
Tôi muốn lan tỏa phòng trà bằng nhiều công cụ, gần đây nhất là phát livestream đêm nhạc trên fanpage Trịnh Ca. Nhờ đó số lượng người nghe nhạc đã tăng lên rất nhiều, từ vài chục nghìn đến trăm nghìn người xem, đặc biệt là có cả khách ở châu Âu hay ở Mỹ. Tôi rất vui vì phòng trà Trịnh Ca có thể đem lại niềm vui cho mọi người.

Về việc mở rộng quán thì hiện nay có khoảng 10 địa phương muốn mở phòng trà Trịnh Ca. Mong muốn của tôi là mỗi tỉnh đều có một điểm như vậy để truyền tải âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Thực hiện
Thanh Huyền – Nguyễn Trang – Thùy Linh – Trung Hiếu – Minh Ngọc
Hải Đăng – Thùy Dung – Nhật Linh – Ngân Tuệ

BẢN QUYỀN NỘI DUNG
THUỘC BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM &
TẠP CHÍ ĐẸP