Cô đơn đã trở thành chủ đề quen thuộc của những câu chuyện, dòng tâm sự hay các ấn phẩm văn hoá trên thị trường. Người ta lập các hội nhóm để hưởng thú vui mà khi “ở một mình” mới có, đặt ra những từ ngữ thời thượng nửa Tây nửa ta để ám chỉ những người trong cuộc. Người ta đối xử với nó như là một trào lưu thịnh hành của thời đại. Thậm chí, những người quảng giao nhất cũng tự nhận mình là kẻ cô đơn.
Nghịch lý trên nghe qua có vẻ buồn cười, nhưng nếu xem cô đơn là một cảm xúc của loài người, thì cũng giống như buồn vui đau xót, ai cũng sẽ có lúc mang sắc thái lẻ loi ấy trong mình. Chỉ khác là cách cô đơn kéo tới không giống những cảm xúc kia. Cô đơn không chịu rời đi khi ta ở giữa đám đông nhộn nhạo, và liều thuốc giải cho cô đơn cũng không phải là một mối quan hệ tình cảm bất kỳ.
Nếu có thể dễ dàng phân định buồn đi với sắc thái ảm đạm, vui mang nét tươi sáng, đau nhuốm màu thương tâm, xót gắn với nỗi niềm bất lực, thì lẻ loi trong cô đơn chẳng thể đơn giản định danh như cách đám đông ngoài kia đang gọi là “một mình mãi mãi” được. Như trong tiểu thuyết nổi tiếng “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez, cả một cộng đồng người sống bên nhau qua nhiều thế hệ nhưng lại ôm chung một nỗi cô đơn của số phận. Ở đó, cô đơn không phải là xung quanh không có cá thể nào. Mà nỗi cô đơn đã nằm sâu trong bản thân chính mỗi con người, và họ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận để vòng quay của định mệnh dẫn lối cho mình.
Cô đơn không chịu rời đi khi ta ở giữa đám đông nhộn nhạo, và liều thuốc giải cho cô đơn cũng không phải là một mối quan hệ tình cảm bất kỳ.
Dẫu là thế, nhiều người trong xã hội hiện đại vẫn kiếm tìm các cuộc tình vá víu để mong thoát khỏi được sự cô đơn bủa vây lấy mình. Họ nói về sự cô đơn của bản thân khắp mọi nơi: dù là ngoài đời thực, trên mạng xã hội, hay trong các hội nhóm những người “chung cảnh ngộ”. Chỉ với mong ước giản đơn là sẽ tìm thấy tâm hồn đồng điệu nào đó cũng đang lẻ loi, để rồi cả hai hoà vào làm một. Từ tâm lý đó nên mới nảy sinh những việc lạ lùng như vào Ngày Độc Thân (11 tháng 11 hàng năm), nam thanh nữ tú ở Trung Quốc lại đua nhau đi hẹn hò giấu mặt để mong thoát kiếp “ế ẩm”. Càng ngạc nhiên hơn khi ở thời điểm năm 2011, ngày đó lại được xem là ngày tốt cho hôn nhân và các cặp đôi vội vội vàng vàng cưới ngay kẻo lỡ.
Ngày Độc Thân tưởng chừng như tôn vinh sự tự chủ, độc lập, dành chỗ cho các tâm hồn cô đơn, thì lại được nhìn nhận như một “hồi chuông báo động” cho tình trạng độc thân, khiến ai nấy nháo nhào chạy đi tìm một nửa còn lại. Điều đó khiến chúng ta, dù muốn dù không, cũng bất chợt liên tưởng đến Ngày Nói Dối - ngày chỉ để nhắc nhở mọi người rằng 364 (hay 365) ngày còn lại trong năm phải sống thật chân thành. Nhưng dối trá là xấu, còn sống với tâm hồn cô đơn liệu có đáng trốn tránh như người ta thường nghĩ?