Từ khi nào Quỳnh Anh nghĩ mình nhất định phải trở thành người mẫu?
Năm 18 tuổi, tôi đặc biệt chú ý đến những bức ảnh, video người mẫu sải bước trên sàn diễn lung linh. Tôi tò mò không biết nếu mình đứng dưới ánh đèn sân khấu trông sẽ như thế nào? Nhìn vào thân hình gầy nhẳng của mình, tôi chợt nghĩ mình sẽ trở thành người mẫu, dù trước đó, tôi từng muốn làm cô giáo cơ. Gia đình tôi không có ai làm việc trong giới giải trí để nói cho tôi biết cụ thể làm người mẫu sẽ như thế nào. Vì thế tôi càng tò mò, tự tìm hiểu nhiều hơn và dần dần càng thích nghề này hơn. .
Đến khi nào cô bé tự mày mò tìm hiểu ấy được bước chân lên sàn diễn thực sự?
Vì quá thích nên tôi lên mạng xem những video hướng dẫn đi catwalk, cách tạo dáng trước ống kính và tự tập một mình. Tối nào sau giờ học tôi cũng ngồi lướt điện thoại tìm kiếm những nơi tuyển người mẫu nghiệp dư. Có lần tôi thấy Học viện Thời trang London tìm người mẫu trình diễn đề án tốt nghiệp của sinh viên, trong đầu tôi “ting!” lên một tiếng: “Ôi, cơ hội đây rồi”. Lén bố mẹ đi tuyển, tôi được chọn diễn bốn buổi vào hai ngày cuối tuần. May mắn, tôi còn được trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Lâm Gia Khang và nhận thù lao 6 triệu đồng nữa. Có lẽ khởi đầu quá thuận lợi nên tôi càng thích làm người mẫu hơn.
Hành trình đến với chương trình truyền hình thực tế The Face sau đó diễn ra thế nào?
Khi biết tôi tập tọe đi làm người mẫu, bố mẹ phản ứng rất gay gắt vì muốn tôi tập trung học tập để thi đỗ đại học, sau này làm công việc văn phòng ổn định. Để đi diễn, tôi phải giấu bố mẹ rất nhiều lần. Nhãn hàng nào đặt lịch chụp hình, tôi “mặc cả” nhất định phải vào cuối tuần, ngoài giờ học chính khóa. Tôi thi đỗ khoa Quản trị Nhân sự Đại học Công đoàn để bố mẹ an tâm nhưng càng học tôi càng nản vì thấy không phù hợp. Ngày ngày tôi vẫn xem video trình diễn thời trang và cày đi cày lại các chương trình Vietnam’s Next Top Model, Asia’s Next Top Model…
Cuối năm 2018, khi biết tin The Face sắp sửa vào mùa mới, ngày ngày tôi tự nhủ rằng mình phải tham gia, phải đi thi cho bằng được. Bố mẹ biết dự định đó còn cương quyết bảo: “Nếu đi thi thì tự lo, sau này sướng khổ tự chịu”. Tôi vẫn lén đi tuyển và qua được vòng loại.
Đến lúc biết tin được vào vòng sau mới gian nan vì tôi sẽ phải nghỉ học vào thành phố Hồ Chí Minh sống 3 tháng. Nhiều đêm liền tôi khóc ròng vì áy náy với bố mẹ, lo lắng việc học của mình sẽ bị dở dang, song thích quá mà, sao bỏ cơ hội lớn này được. Thế là tôi sắp xếp hành lý, mang theo gần 10 triệu đồng tiền dành dụm sau nửa năm đi diễn, tự mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn.
Ở nhà chung tôi không được dùng điện thoại, có khi cả tháng chỉ được gọi về cho gia đình một lần. Có lúc bố tôi quá lo lắng còn… đi báo công an: Quỳnh Anh bị bắt cóc. Tôi vừa buồn cười lại vừa thương bố mẹ.
Đánh đổi việc học đại học để tham gia The Face, bạn được gì?
Trước khi đến với The Face, tôi thấy nghề người mẫu có nhiều hào quang: được sải bước trên sàn diễn, mặc những bộ đồ đẹp, có… ảnh đăng Facebook. Nhưng The Face là một cuộc thi khó khăn và khốc liệt. Ngày ngày tập luyện với nhóm và chị Võ Hoàng Yến, lần đầu tôi được học catwalk. Đứng ngoài nhìn vào, mọi người nghĩ người mẫu chỉ cần đi trên một đường thẳng nhưng thực tế việc này rất khó, mỗi ngày tôi luyện đi vài tiếng đồng hồ vẫn không đạt. Biểu cảm gương mặt với mỗi bộ đồ, khung cảnh lại phải khác nhau. May mà tôi thích nghi nhanh và không gặp quá nhiều tai nạn trong quá trình luyện tập. Đối với tôi, The Face là một trường học lớn cho nghề mẫu.
Chương trình truyền hình thực tế có đặc điểm là khán giả rất thích xem drama nên đôi khi các tập phát sóng sẽ bị cắt ghép khiến người xem đánh giá sai về các thí sinh. Cũng có người cho rằng môi trường nhà chung rất phức tạp, phải thảo mai mới sống được nhưng thực chất mọi chuyện nhẹ nhàng hơn vậy. Ở đó tôi vẫn được yêu, ghét, được sống đúng là mình.
Trong thời gian bạn ở nhà chung The Face, bố mẹ có còn ngăn cấm bạn theo nghề?
Ở nhà chung tôi không được dùng điện thoại, có khi cả tháng chỉ được gọi về cho gia đình một lần. Có lúc bố tôi quá lo lắng còn… đi báo công an: Quỳnh Anh bị bắt cóc. Tôi vừa buồn cười lại vừa thương bố mẹ.
Đạt ngôi vị Á quân ở The Face, bố mẹ chấp nhận cho tôi vào thành phố Hồ Chí Minh theo nghề nhưng vẫn kèm theo ràng buộc: phải học một nghề nào đó, có bằng đại học hoặc cao đẳng để phòng thân. Bố mẹ cũng luôn cảnh báo tôi làm nghề này rất phức tạp, dễ bị dụ… cặp đại gia. Tôi luôn cảm thấy có lỗi vì đã không làm bố mẹ vui lòng.
Khi thực sự theo đuổi nghề người mẫu, bạn có thấy môi trường này phức tạp như bố mẹ từng lo lắng?
Không, tôi rất vui vẻ với công việc này. Sau cuộc thi The Face, tôi theo các anh chị trong team Võ Hoàng Yến đi kiếm show, casting. Chị Yến cũng giới thiệu cho chúng tôi nhiều việc làm hay. Tôi hiếm khi cảm nhận thấy sự thị phi, dễ sa ngã như những gì mọi người hay nói về giới giải trí. Nếu có khó khăn thì chỉ là giờ giấc làm việc thất thường, hay phải đi diễn đến đêm khuya và phải ăn uống, tập luyện theo chế độ khắt khe để giữ cân nặng chuẩn, làn da đẹp. Đôi khi tôi cũng thấy ghen tị khi các bạn cùng tuổi có thể đi ăn vặt, uống một ly trà sữa béo ngậy hay không cần dùng kem chống nắng mặc kệ làn da sạm đen.
Tôi không thể chia sẻ được nhiều với gia đình về công việc nên cũng có lúc cảm thấy cô đơn. Cảm giác trống trải kinh khủng thường đến sau mỗi buổi diễn sôi động, tôi trở về nhà chỉ có căn phòng trống không, xóa bỏ lớp make-up và trở thành một cô gái mới ngoài 20 sống ở một thành phố xa lạ.
Động cơ nào khiến bạn tiếp tục tham gia cuộc thi SupermodelMe?
Khác với The Face, SupermodelMe không có vòng nộp hồ sơ, thi loại. Ban tổ chức sẽ chọn những gương mặt tiêu biểu ở các quốc gia rồi gửi thư mời tham dự. Nhận được thư mời là tôi chuẩn bị đi liền. Bố mẹ lại một lần nữa ngăn cản, gọi điện cho tôi rất nhiều để phân tích rằng tình hình dịch bệnh căng thẳng không nên ra nước ngoài. Có lúc tôi phát cáu, gắt lên với bố mẹ: “Nếu cứ ngăn cản thì bố mẹ đừng gọi cho con nữa”. Tính tôi vậy, cứ có cơ hội là nắm lấy liền, không toan tính. Một lần nữa, tôi tự đổi tiền, sắp xếp hành lý và lên đường.
Khi lên đường, bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng mình cần nắm bắt cơ hội hay có mục tiêu nào cao hơn không?
Ban đầu tôi chỉ nghĩ sẽ được ra sàn diễn châu Á, cứ đi đã. Nhưng hy vọng không có giới hạn. Tôi muốn qua tuần một, tuần hai… rồi vào chung kết và trở thành quán quân. Tôi hoàn toàn không phải người có suy nghĩ “đi thi để giao lưu, học hỏi”.
Tôi là người sống tự lập, rất dễ hòa nhập nên không tốn nhiều thời gian để bắt đầu cuộc sống ở nhà chung. Đã có kinh nghiệm ở The Face nên tôi khá bình tĩnh trước các tình huống. Nhờ vốn tiếng Anh và thể lực ổn, tôi thích ứng nhanh và thấy hào hứng với nơi này. Có lúc rơi vào vòng nguy hiểm, tôi chỉ nghĩ phải cố gắng hơn ở lần sau chứ cũng chưa khi nào nản lòng hay mảy may nghĩ mình dừng ở đây là đủ. Lúc đạt giải quán quân, tôi thấy thật đúng khi mình đã ở đây và thể hiện hết sức. Phần thưởng từ cuộc thi là một chiếc ô tô, một suất lên ảnh bìa tạp chí và hợp đồng ba năm với công ty quản lý người mẫu. Ngoài danh hiệu, tôi còn được làm việc với siêu mẫu hàng đầu châu Á Cindy Bishop. Đó là trải nghiệm tuyệt nhất trong cuộc đời một người mẫu trẻ.
Cuộc sống hiện tại của bạn ở Singapore có gì thú vị?
Ở lại Singapore sau cuộc thi không phải dự định ban đầu của tôi. Khi đi, tôi chỉ mang theo 200 đô tiền mặt vì ban tổ chức đã trả hết chi phí đi lại, ăn ở. Tôi còn ngố đến mức không mang theo thẻ visa, không thể rút tiền. Tôi hoảng loạn vì chưa bao giờ… nghèo đến thế.
Vì dịch bệnh, không có chuyến bay về Việt Nam nên tôi bị kẹt lại. Tôi được ở lại trong khu nhà người mẫu nhưng phải trả tiền thuê 1.000 đô mỗi tháng. Phải nợ tiền nhà, kiếm tiền ăn tiêu, tôi đi casting rất nhiều nhưng không nhận được việc. Có ngày casting 10 lượt đều trượt. Vì muốn tự lập, tôi không dám chia sẻ thật với người thân và bạn bè ở Việt Nam, chỉ nói rằng tôi buồn và rất nhớ mọi người.
Có lần, trên đường về, tôi thèm một chiếc bánh mì có giá 2 đô mà không dám mua vì tính ra khoản tiền đó sẽ mua được một mớ rau và vài quả trứng cho bữa tối. Bạn bè rủ đi cà phê, tôi đều từ chối phần vì không có tiền, phần vì quá bận casting.
Dần dần tôi nhận ra mình không biết cách trình diễn phù hợp với nhu cầu của các thương hiệu tại Singapore. Ở đây không ai quan tâm bạn là quán quân, họ cần người phù hợp với sản phẩm, biết biểu cảm đúng tinh thần của thương hiệu. Sau vài chục lần bị từ chối cũng có nhãn hàng gật đầu với tôi. May mắn, show diễn đầu thù lao không tệ, tôi để ra được 400 đô, đủ ăn cả tháng.
Tình hình dịch bệnh ở Singapore căng thẳng nên chính quyền kiểm soát ra vào rất chặt. Tôi không có hộ chiếu định cư nên ban đầu chưa được tiêm vaccine. Nhiều lần phải hủy casting hoặc không dám đi xa bằng phương tiện công cộng vì không có chứng nhận tiêm vaccine. Về sau tôi được tiêm vaccine theo hộ chiếu du lịch nên an tâm hơn.
Rồi tôi cũng nhận được thêm nhiều show diễn, chụp hình. Tháng đầu, chi phí thuê nhà và ăn uống vừa đủ, tôi chỉ để dành được vài trăm đô cho việc đi lại. Giữa trung tâm mua sắm lớn nhất châu Á, tôi chưa bao giờ dám mua dù chỉ một chiếc áo hiệu.
Sau rất nhiều khó khăn, bạn có dự định sẽ gây dựng sự nghiệp lâu dài ở Singapore?
Tôi không có dự định ở Singapore lâu dài vì số lượng người mẫu ở đây nhiều, sự cạnh tranh khốc liệt. Tôi không sợ cạnh tranh nhưng muốn được làm việc nhiều hơn. Tôi cũng xa gia đình cả năm rồi, càng đi lâu càng thấy người thân, bạn bè là chỗ dựa quan trọng nên rất muốn được về nhà.
Tôi đã chia sẻ với công ty quản lý, mong muốn được đứng trên sàn diễn ở các kinh đô thời trang như Paris, London, New York, làm việc với các nhà mốt lớn. Người mẫu châu Á thường bị hạn chế về chiều cao, kỹ năng nên không có nhiều cơ hội nhưng tôi rất muốn thử và khẳng định người mẫu Việt Nam không thua kém người mẫu ở bất cứ nước nào.
Nhìn lại chặng đường, từ buổi diễn đầu tiên tại Học viện Thời trang London đến SupermodelMe, bạn muốn nói điều gì?
Mỗi lần nghĩ lại buổi biểu diễn đầu tiên ấy, tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc. Tôi từng nghĩ rất đơn giản: chỉ cần gầy gầy, cao cao, biết đi thẳng hàng, mặt lạnh lạnh là trở thành người mẫu được. Nhưng thực ra cần rất nhiều kỹ năng từ trình diễn, tạo dáng, chụp hình đến xử lý tình huống trong lúc làm việc, hay cả cách đối mặt với những lần bị từ chối.
Sau tất cả, tôi vẫn chỉ sợ nhất cảm giác cô đơn trong căn phòng trống sau những ánh hào quang.
Bài Nha Trang Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP