“Có thể là do tổ đãi, nhưng tôi nghĩ nó cũng xuất phát từ sự chân thành và hồn nhiên trong sáng của mình khi đến với điện ảnh. Tôi bước vào điện ảnh với một tâm thế không phải trở thành ngôi sao để nổi tiếng, hay để kiếm tiền. Mục đích của tôi lúc ấy là liệu mình làm công việc này có thành công hay không, có mang lại một ý nghĩa nào không? Bởi vì làm phim là một quá trình dài làm mình mất rất nhiều thời gian và công sức, không chỉ của cá nhân mình mà cả tập thể. Vì vậy khi chọn dự án nào, tôi cũng cân nhắc rất lớn đến kịch bản, đạo diễn và ê-kíp sáng tạo. Nếu không có ‘chemistry’ và lòng tin với nhau thì rất khó để đi hết một hành trình như vậy”, Yến nói.
Đó là lý do mà Yến từ chối rất nhiều kịch bản. Số lượng dự án cô từ chối lớn hơn rất nhiều so với dự án cô nhận lời. Và tính ra, sau 30 năm tuổi nghề, cô chỉ làm đúng 8 bộ phim, tính cả “Quán Kỳ Nam”.
Yến nói, trong từ điển của cô chưa bao giờ có từ “vội”, nhất là với cái nghề mà cô đam mê này. Cô cũng chưa bao giờ lo mình hết thời hay bị lãng quên. “Có thể tôi hơi ích kỷ một chút, nhưng tôi làm nghề này trước hết vì bản thân tôi cái đã, chứ không phải mưu cầu danh tiếng hay được mọi người tung hô”.
Với Yến, khi bước vào một bộ phim nào đó, cô gần như sống trong thế giới của nhân vật đó. Vì vậy mà mỗi ngày 15 tiếng đồng hồ trên trường quay rất quý giá. Nó có thể là một thế giới không có thật với cô ngoài đời, nhưng nó lại rất thật trong chính khoảnh khắc mà cô bước vào đó. Và bổn phận của cô là làm cho người bên ngoài tin được thế giới mình tạo ra là có thật.
“Đối với tôi, đó có lẽ là điều hấp dẫn nhất của điện ảnh. Và đó cũng là lý do tôi yêu cái nghề này”.