Sài Gòn vẫn đẹp giữa cơn bạo bệnh - Tạp chí Đẹp

Sài Gòn bị bệnh nhưng ráng không để ai phải đói bụng

  • Những ngày này, người ta kháo nhau Sài Gòn bệnh rồi, và còn là bệnh nặng. Chuỗi hashtag #BestrongSaiGon, #StaystrongSaiGon liên tục được chia sẻ. Từ khắp mọi miền đất nước, những hoạt động được kêu gọi để cùng hướng về Sài Gòn.

Trong sự khắc nghiệt của dịch bệnh; người lao động nghèo, người vô gia cư, người già neo đơn chính là những nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoảng cách xã hội, sự cách biệt giàu nghèo lộ rõ trong mùa dịch. Ai cũng ngại phải ra đường vì không còn an toàn. Ra ngoài là dịch. Nhưng ở nhà là khổ. Nhìn vào những lát cắt đó, thứ duy nhất sáng rõ chính là sự tử tế của Sài Gòn. Và thứ DNA này luôn mãi không thay đổi.

Tủ lạnh Thạch Sanh giữa lòng Sài Gòn

Đúng như trong câu chuyện cổ tích, tủ lạnh Thạch Sanh – một chương trình do Thành Đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên, Thành phố – Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức – luôn vun đầy thực phẩm như rau củ, thịt cá, gia vị và gạo, mắm và dầu ăn, sẵn sàng dành tặng bất kỳ ai đang cần đến. Tủ lạnh Thạch Sanh cũng đang được tổ chức ở 10 cứ điểm rải rác khắp 7 quận (quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận).

Trong giai đoạn Sài Gòn giãn cách, tủ lạnh Thạch Sanh là nơi san sẻ đồ ăn cho tất cả những người gặp khó khăn. Giống như Đen Vâu từng hát, sự tử tế của Sài Gòn nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh, ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào mà sạch banh.

Ngoài thực phẩm tươi sống, những chiếc tủ đựng sữa cùng nhu yếu phẩm cũng xuất hiện ở một số nơi tại Sài Gòn, đặc biệt là ở các điểm nóng cách ly thuộc quận Bình Thạnh và Bình Tân. Chiếc tủ dinh dưỡng là hoạt động trong dự án “Lan tỏa năng lượng yêu thương” nhằm mang đến 240.000 ly sữa dinh dưỡng, tiếp thêm sức mạnh, và quan trọng hơn là thật nhiều tình người ấm áp cho hơn 17.000 hộ dân.

Siêu thị mini 0 Đồng

Và chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên những gian hàng, siêu thị 0 đồng nghĩa tình giúp đỡ người dân, kể cả trước khi dịch bệnh tràn về. Càng khó khăn, người ta càng thấy nhiều bếp nấu từ thiện mọc lên, cho ra những phần cơm đủ chất làm no bụng những người mà Sài Gòn tạm thời không thể chở che.

Mô hình siêu thị mini 0 đồng nằm trong chuỗi hoạt động mùa dịch của PNJ, đã đi vào hoạt động ở các quận như Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, quận 4, quận 8 và thành phố Thủ Đức. Mô hình này hoạt động như các siêu thị truyền thống khác, có đầy đủ các mặt hàng như rau củ quả tươi, trứng, nước tương, dầu ăn, gạo,.. Tuy nhiên tiền bạc vắng bóng ở đây, người tham gia dùng phiếu phát sẵn để đổi lấy thức ăn. Mỗi lá phiếu sẽ tương ứng với phần thực phẩm có giá trị khoảng 200.000 đồng.

Từ ngày 27/6, mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” được đặt tại đường 17, phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức).

Thông tin liên hệ: https://www.facebook.com/pnjcommunication

Người phụ trách: ông Huỳnh Văn Tẩn – 0918 059 671

Mỗi ngày một quả trứng,
mỗi ngày một chút yêu thương

Người dân Sài Gòn đang học cách “sống chung” với dịch bệnh. Nhưng cũng có những người khổ tận cam lai, chịu đựng từng ngày một vì họ không đủ khả năng để “sống chung”.  Đó là những người sống trong vùng bị phong tỏa đột ngột, nhà không có đồ ăn dự trữ, thu nhập bị cắt giảm, gia đình thì ở xa. Trước tình hình đó, team Qủa trứng TP.HCM (một nhánh nhỏ của Qũy Từ thiện Mỗi Ngày Một Qủa Trứng) đã kêu gọi ủng hộ, chuyển tới các khu trọ 160 túi đồ, mỗi túi trị giá 200.000đ gồm 5kg gạo, một chục trứng, 1 hộp cá, 1 hộp mắm ruốc được chuyển tới khu trọ, với sự phối hợp đảm bảo phòng dịch của người dân. Tất thảy người Sài Gòn đều đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tất thảy mọi người đều khó khăn, nhưng thật may vì sẽ không có ai bị bỏ lại. Sài Gòn sẽ cùng nương tựa nhau chiến thắng đại dịch.

Ngoài ra, Qũy Từ thiện Mỗi Ngày Một Quả Trứng còn khởi động 4 chiến dịch trong giai đoạn này, bao gồm “Siêu nhân cần áo choàng bác sĩ bảo hộ”, “2000 giường chống dịch”, “Cùng 500 công nhân vượt qua Covid”, và “Để không ai bị bỏ lại phía sau”. Những giá trị to lớn mà chuỗi hoạt động này mang lại cho cộng đồng đã thu hút nhiều mạnh thường quân, được nhiều người nhiệt tình ủng hộ.

Từ cây ATM gạo đến khoai lang, mì gói, thực phẩm,... "lướt ống"

Được lắp đặt lần đầu tiên ở quận Tân Phú vào thời gian giãn cách xã hội toàn quốc năm 2020, một tuần sau đó, dự án ATM gạo trở thành một làn sóng, lan tỏa khắp các khu vực bị ảnh hưởng do dịch Covid.

Hình ảnh ATM gạo đã thu hút nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ. Có người góp 50kg, có người góp vài tạ, cũng có người góp cả một xe tải gạo. Có người bán tranh mình vẽ để góp hết tiền, mua gạo tiếp tế cho các ATM đặc biệt này. Chỉ riêng ở điểm đầu tiên, đã có tới 30 tấn gạo được phân phát.

Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều mô hình từ thiện liên tục được khởi động. Ngoài siêu thị 0 đồng, ATM gạo, tủ lạnh Thạch Sanh, bếp ăn từ thiện,….người lao động nghèo còn có thể nhận thức ăn từ mô hình “Thực phẩm lướt ống”.

Mô hình này đã đi vào hoạt động tại rải rác các quận ở Sài Gòn. Tại địa điểm mới nhất ở đường Lê Văn Sỹ, Quận Tân Bình, TP.HCM; thực phẩm lướt ống đã phục vụ 300 phần bánh mì vào buổi sáng, 300 và 400 phần cơm vào lần lượt buổi trưa và chiều. Những người lao động nghèo nhờ vậy mà vẫn được ấm bụng trong lúc khó khăn.

Nhìn vào bức tranh Sài Gòn “trọng thương”, thứ đẹp đẽ nhất có lẽ chính là sự cho và nhận ở những mô hình từ thiện kì lạ đó.

Sài Gòn cùng nhau nấu cơm

Đó là thông điệp mà ca sĩ Hà Anh Tuấn muốn lan tỏa khi quyên góp 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho các bếp ăn từ thiện trong khu vực TP.HCM. Nhận thấy Sài Gòn đang “cảm cúm” và người lao động nghèo bắt đầu kiệt sức, Hà Anh Tuấn mong muốn những đóng góp của mình sẽ tiếp thêm sức mạnh. “Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp. Tôi viết lên đây cho bà con nghèo biết để nhận cơm và tiếp tục ủng hộ những nơi đang xung phong thổi bếp. Và để biết, tôi đã được Sài Gòn nuôi dưỡng ra sao!”, Hà Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân như vậy. Trước đó, anh cũng dành tặng 500 triệu đồng ủng hộ quỹ vaccine Covid-19, như một lời tri ân đến các y bác sĩ hết mình chống dịch hơn 1 năm qua.

Ths. Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), người sáng lập dự án Nhà chống lũ và hiện đang quản lý Sống Foundation cũng đang góp gạo cho Sài Gòn “thổi cơm”. Năm ngoái, Jang Kều đã khởi động chương trình “Be Strong Việt Nam”, nhằm quyên góp quỹ để giúp đỡ người khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau 1 tuần tái khởi động, Jang Kều đã gây quỹ được hơn 113 tấn gạo, bánh kẹo, lương thực, thực phẩm tươi,…Tất cả sẽ được trao lại cho người dân Sài Gòn, giúp họ vững vàng hơn trong thời điểm khó khăn.

Ngoài ra, group Sài Gòn Chợ Lạc Xoong đã dựng được 6 địa điểm tập kết hàng hóa ở các quận, giúp đỡ người thiếu lương thực trong giai đoạn giãn cách, hoặc là các bếp ăn từ thiện thiếu nguyên liệu để nấu và phân phát. Đằng sau những kho lương tạm thời này, chính là những người đã cho mượn điểm tập kết hàng hóa, những người chạy đi tìm nguồn hàng, chở nông sản, rửa sạch và đóng gói. Và cả những bạn tình nguyện viên nhiệt tình hỗ trợ, xông pha đi lấy hàng rồi phân phối cho từng địa điểm tập kết.

Hoạt động này đã thu hút sự chú ý của nhiều mạnh thường quân. Có người góp bằng hiện vật như vài chục trứng, vài ký chà bông, mấy chục ký rau, trăm ký gạo. Có người góp bằng tiền, lúc 500k, lúc 10 triệu và mong muốn được giấu tên.

Chính sự đồng tâm hiệp lực đó mà kho lương cứ vơi hết rồi lại đầy. Những người lao động nghèo, người già neo đơn vì thế chẳng bữa nào lo bụng bị đói. Dù dịch bệnh có khó khăn đến đâu, Sài Gòn vẫn cháy rực tinh thần: Không ai bị bỏ lại trong cuộc chiến này.

Ở Sài Gòn lúc này,
chẳng cần bận tâm đến cả giấc ngủ

Đối với nhiều người trong thời điểm này, điều ước trước khi đi ngủ chính là “sáng mai tỉnh dậy không bị giăng dây”. Ở một góc khuất khác, có những con người còn chưa biết ngủ ở đâu khi trời sập tối. Quán trọ Trăng Khuyết ra đời như một cứu cánh cho họ.

Quán trọ này là mái ấm cung cấp chỗ ngủ với đầy đủ thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm tạm thời hay định cư lâu dài. Dù thế nào, miễn là người có hoàn cảnh khó khăn thì quán trọ Trăng Khuyết sẽ sẵn lòng mở cửa.

Địa điểm: 161/1/11, bến Bình Đông, p.14, Q8.

Và đâu đó là những "biệt đội" không tên len lỏi khắp Sài Gòn

Và ở Sài Gòn cũng có mặt những “biệt đội” không tên. Họa hoằn lắm người ta mới biết đến nhóm Arabesque của anh Tấn Lộc – biên đạo múa hàng đầu Việt Nam – đã đều đặn giúp đỡ người lao động nghèo suốt từ đợt dịch Covid hồi năm ngoái. Ở ngoài kia cũng có những cá nhân đơn lẻ, hoặc những “biệt đội” không tên như thế. Họ thầm lặng sưởi ấm Sài Gòn, sát cánh cùng thành phố những ngày nó bị trọng thương. Ở đâu có người thiếu ăn, những phần lương thực và nhu yếu phẩm được tận tay mang đến đó. Ở đâu có người không đủ mặc, áo quần vải vóc dù cũ dù mới đều cho họ một giấc ngủ ngon.

Những việc tốt trên mạng xã hội không phải là tất cả, mà chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn. Bức tranh ấy có người được cả nước tuyên dương, nhưng cũng có những người thầm lặng đến độ không một bài báo nào ghi danh, không một bài post nào ca ngợi, thậm chí ngay cả những người nhận quà cũng chưa hẳn đã biết họ là ai. Nếu có phải mang một cái tên, họ chỉ được gọi chung chung là những người tốt.

Ở đây chính là một lời tri ân dành cho những người tốt đó. Dù cho bạn là ai, xin cảm ơn vì đã cho đi mà không cần nhận lại.

Sài Gòn đang bị “trọng thương”, băng bó bằng sợi dây trắng đỏ, thanh âm đô thị nhường lại cho tiếng còi cứu thương. Tất cả chúng ta đều biết thế, và tất cả chúng ta cũng biết thêm một điều nữa, rằng Sài Gòn sẽ ổn. Bằng tin tưởng. Bằng tử tế. Bằng những nỗ lực mà cả nước hướng về. Xin chúc người “anh cả” mau khỏe, để lại phóng khoáng, sôi nổi “nhiều lời” và nở nụ cười sảng khoái như trước kia.

Bài Hằng Trần Thiết kế Milo Le Ảnh Tổng hợp 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP