Sài Gòn trong mắt ai - Tạp chí Đẹp

Người Sài Gòn chính ra thích ăn tiệm hơn ăn ở nhà. Tiệm quán lúc nào cũng thấy đông, có khi phải xếp hàng chờ đến lượt, nhất là những nơi có tiếng. Câu cửa miệng “ăn quận 5, nằm quận 3, vào ra quận 1” vẫn còn đúng, ít nhất là đến ngày hôm nay.

Tôi vốn không phải là người ưa ăn ngoài quán, rất nhiều năm tôi chỉ ăn cơm nhà mẹ nấu. Nhưng khoảng ba bốn năm trở lại đây, mẹ tôi già yếu không nấu được nữa, tôi đành xuống phố ăn. Sáng tỉnh giấc phải trả lời cho được câu hỏi “Hôm nay ăn gì?”. Cứ thế, tôi biết nhiều tiệm quán mặc dù thực đơn không được phong phú mấy.

Người Sài Gòn chính ra thích ăn tiệm hơn ăn ở nhà. Tiệm quán lúc nào cũng thấy đông, có khi phải xếp hàng chờ đến lượt, nhất là những nơi có tiếng. Câu cửa miệng “ăn quận 5, nằm quận 3, vào ra quận 1” vẫn còn đúng, ít nhất là đến ngày hôm nay.

Nhưng tôi không ăn ở quận 5 mấy vì xa nhà quá. Thời điểm trước Covid, có một quãng thời gian dài tôi ăn ở Jaspas Đồng Khởi cả ba bữa sáng, trưa, chiều như thể đó là bếp nhà mình. Ở đó, sáng tôi thường gọi một ly trái cây xắt trộn với sữa và hạt chia; trưa thì ăn salad; và chiều ăn mì Ý hoặc pizza gì đó. Từ lúc Jaspas đóng cửa, tôi bơ vơ mất ít lâu, lại phải lọ mọ tìm những quán khác để lấp đầy dạ dày mỗi ngày. Khu vực ăn uống của tôi vòng vòng quận 1 cho gần nhà, và chọn những nơi nào hợp khẩu vị mình. Thành thử bài viết này không đại diện cho bất kỳ người Sài Gòn nào ngoài tôi. Đúng ra phải đặt tựa là “Ăn như Quốc Bảo”, nhưng đặt vậy hóa ra bị lầm tưởng là Quốc Bảo chỉ biết có ăn!

Nói về ăn sáng, ngàn vạn lần không thể không nhắc đến nhà hàng Thanh Niên, nơi có thực đơn ăn sáng phong phú nhất và chỗ ngồi thoải mái nhất. Nhà hàng nằm trên đất Nhà văn hóa Thanh Niên, có khoảng sân đầy nắng mà thực khách có thể vừa ăn vừa ngắm cây xanh trên đầu. Thực đơn Thanh Niên có mấy chục món, bạn đến đó hai tuần lễ liền cũng chưa ăn hết món. Tôi thường chọn bún bò Huế (nấu rất ngon, phong vị lai Sài Gòn chứ không còn đúng Huế, nhưng mà ngon), hoặc croque monsieur (bánh sandwich kiểu Pháp), hoặc đơn giản hơn thì bánh mì trứng ốp la – ngay cả món ăn quen thuộc này, ở Thanh Niên vẫn ngon hơn những chỗ khác: bánh mì tuyển chọn, trứng tươi, bơ ăn kèm béo thơm và nhất là đủ no đến trưa. Gọi một phần bánh mì trứng, một tách cà phê sữa pha phin thật đậm, giở tờ báo của hôm nay (báo luôn luôn được thay mới mỗi ngày), là bạn lạc ngay vào không khí một Sài Gòn Chủ nhật cách đây 50 năm, thời mà các văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn hay ra Thanh Thế ngồi ăn sáng đọc truyện chưởng Kim Dung đăng từng kỳ.

Ciao mới mở lại hồi tháng Sáu vừa rồi, cũng là một chỗ ngồi tốt để ăn sáng. Quán được hai mặt tiền đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiệp nên ánh sáng tự nhiên rất tuyệt. Thực đơn Ciao không bì được với Thanh Niên nhưng cũng vào loại “khủng”, mấy chục món. Ở đó, tôi thường gọi “Bữa sáng kiểu Ciao”, tức là món bò né signature của Sài Gòn bao năm nay; trong thành phần có trứng ốp la, thịt bò nướng tái và bánh mì. Cũng lại nên gọi một tách cà phê sữa nóng bạn nhé!


Thời sau dịch Covid, tôi hay ăn sáng ở Brodard. Đây cũng là quán tọa lạc trên hai mặt tiền – đường Đồng Khởi và Nguyễn Thiệp. Brodard có bánh croissant nóng hổi mới ra lò ăn kèm bơ và mứt quả. Tôi lại không uống cà phê sữa ở đây mà hay gọi espresso (các bạn bartender pha món này rất khéo), vừa ăn uống vừa ngó nghiêng qua ô kính nhìn mọi người qua lại. Brodard hơi chật và hơi nhiều ánh sáng quá nên chói mắt. Nếu ghé muộn, có thể bị hết bàn. Tốt hơn cả là đến quán lúc 8 rưỡi sáng, vừa kịp giờ bánh mới ra lò vừa không sợ hết chỗ ngồi. Brodard còn một điểm trừ là không cho khách ly nước lọc. Ăn sáng uống cà phê xong, muốn uống nước lọc bạn phải gọi một chai.

Tuy chuộng đồ ăn Tây, có những khi tôi cũng thèm món Tàu món Việt nên thỉnh thoảng tôi ghé ăn mì khô xá xíu chợ Cũ hoặc phở 31 Hải Triều. Ở phố Hải Triều có đến mấy hàng phở nhưng tôi chỉ ăn ở số 31 vì có món phở bắp bò thơm giòn (chủ quán quê Thanh Hóa), và gọi một ly cà phê đá giá 6 ngàn đồng ở góc đường. Sài Gòn nhiều nơi có bán tỉm sấm (dim sum) nhưng họ phục vụ trễ, phải sau 10 giờ sáng mới mở nên ít khi tôi ăn được. Ăn tỉm sấm thì nên vào khách sạn Legend Lotte đường Tôn Đức Thắng, ngon lắm. Hay bạn muốn ăn món Việt? Nhà hàng Tuấn & Tú trước kia ở Thái Văn Lung, giờ mới dời về Tôn Đức Thắng, cũng gần Lotte, ở đó có những món cầu kỳ như xôi cá rô hay bún cá, bánh cuốn, các thức đều ngon và nóng hổi.

Giờ đến cơm trưa. Có những hôm tự nhiên thèm cơm tấm (lẽ ra đó là món ăn sáng), tôi ghé về hẻm 150 Nguyễn Trãi, có tiệm cơm tấm đầu hẻm ngon miễn bàn. Miếng sườn óng mượt như một tác phẩm điêu khắc, nước mắm làm vừa miệng, cơm rời hạt và mềm. Hẻm 150 là nơi có một phòng khám nha khoa nên tôi hay ăn trưa sau mỗi lần đến nha sĩ, tất nhiên là trừ lúc nhổ răng. Còn để ăn cho no, mời bạn đến Vittorio đường Khánh Hội, họ có thực đơn ăn sáng nhưng mãi tận 11 giờ trưa mới mở. Quán gần nhà tôi, trưa nào không biết ăn gì thì tôi đến đó. Ở đó có món mì Ý nghêu làm rất vừa khẩu vị, mì hải sản ngon ngậy, hoặc nếu chay tịnh hơn thì tôi gọi mì aglio e olio (tức là mì Ý với xốt tỏi và dầu ô liu). Quán cũng có món signature mà tôi thấy ngon nhất trong mọi chỗ, là sinh tố dừa. Cùi dừa được xay chung với sữa đặc, rượu malibu và đá, uống đến đâu mát lịm người tới đó. Những hôm dừa không ngon, người phục vụ nói ngay cho bạn biết để đổi thành sinh tố xoài hay dâu, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn mong có sinh tố dừa nhất.

À ăn trưa? Mời bạn đến Truyền Ký ở hẻm đường Lý Thường Kiệt quận 5 nhé. Hai món mà bạn phải thử ở đó là gà hấp muối và khâu nhục. Quán do chủ người Hẹ mở lâu đời lắm rồi (chắc già nửa thế kỷ), món gà hấp muối có công thức bí truyền sao đó mà tan trong miệng như có phép thần thông. Khâu nhục là thịt quay hấp nước tương kẹp trong những lát khoai môn. Tôi nghe nhạc sĩ Bảo Chấn kể hồi anh còn nhỏ (vậy là xưa lắm rồi) từng được cha dẫn đến Truyền Ký ăn gà hấp muối đó.

Ăn trưa ở khách sạn Palace cũng ngon lắm bạn à. Ở đó có cái lounge trên tầng 2 rất rộng và yên tĩnh. Thực đơn cũng phong phú, đủ để bạn chọn mệt nghỉ. Điểm duy nhất hơi phiền (có thể) là vấn đề giá cả. Đồ ăn ở đó đắt khủng khiếp và bạn không thể ăn liên tục ngày này qua tháng nọ được. Lâu lâu tôi ghé Palace ăn một món ruột: phở đuôi bò thố đá. Tiệm phục vụ món này trong một cái thố đá sôi sùng sục chứa nước dùng, bạn tự bỏ thịt, hành, bánh phở vào. Thố đá giữ nóng lâu nên bạn thưởng thức xong thố phở mà nước vẫn chưa nguội bao nhiêu. Cà phê sữa Palace cũng ngon, tôi đánh giá vào loại nhất hạng, dĩ nhiên là giá cũng không hề rẻ.

Còn chiều, bạn muốn trà chiều ư? Mời bạn vào khách sạn Sheraton, hoặc quay lại Brodard. Brodard được tôi chọn nhiều hơn vì có trà gunpowder, một loại trà xanh mà khi gặp nước nóng chìm xuống thành tầng dày như thuốc súng. Bánh Brodard cũng phong phú, kem ngon (và nhiều). Tôi thường hẹn bạn hoặc các nhà báo phỏng vấn đến Brodard buổi chiều là để thưởng thức trà chiều đó.

Về ăn tối, tôi quen đến nhà hàng Yen, một nhà hàng Nhật có nhiều chi nhánh mà tôi chọn ăn ở Ngô Đức Kế, thuộc khuôn viên khách sạn Grand. Vào đây, thứ mà bạn khỏi lăn tăn suy nghĩ là món cá tuyết nướng kiểu Nhật. Có nhiều cách chế biến cá tuyết, song nướng kiểu truyền thống Nhật này tôi thấy ngon nhất: miếng cá mịn màng tan ngay trong miệng, sung sướng không nói nên lời. Sashimi cũng tươi mới, đầu cá hồi nướng cũng béo thơm. Và trà gạo lứt pha trong ấm tetsubin, món bánh mochi tráng miệng đủ cho bạn một bữa tối đầy đủ, ngon lành.


Vào cuối tuần, tôi hay dẫn con trai đến Con Voi Vàng đường Hai Bà Trưng. Nơi này có cách làm bếp chuẩn phong vị Thái nhất (mà tôi từng biết). Ở đó có gỏi cá trê chiên giòn, có món laab (thịt trộn thính) đậm vị, có xúp tom yum thơm ngậy. Hoặc nếu muốn thay đổi, mời bạn đến Tandoor đường Ngô Đức Kế, nơi phục vụ các món ăn miền Bắc Ấn (tôi nghe người quản lý nói vậy, không chắc lắm), nhưng mà dù Bắc dù Nam thì cà ri vẫn là cà ri và rất ngon, cơm nị ăn kèm nồng nàn mùi nhụy hoa nghệ tây, và trà Ấn thì ngon một vị riêng. Có lần tôi vào Tandoor một mình mà ham gọi nhiều quá, phải gói hộp đem về. Nói chung món Ấn ăn thì ngon mà rất mau no.


Giờ đến bún đậu. Chỉ người Sài Gòn mới ăn bún đậu buổi chiều tối, người Hà Nội ăn trưa thôi. Bún đậu Cô Khàn tôi cho là ngon nhất, trong một con hẻm đường Cống Quỳnh gần trường Sân khấu. Quán bún đậu này còn có thêm món giả cầy ăn với bún, tôi ăn thấy vừa miệng chứ không bị quá mặn như những nơi khác.

Những ngôi nhà kiểu Sài Gòn – Gia Định xưa với lối thiết kế đơn giản, thẳng gọn, có hàng lam gió hay bông gió che mưa nắng trước hiên… đã trở thành hình ảnh thân thương với bao thế hệ người sinh sống ở Sài Gòn. Nét kiến trúc này phản ánh chính xác tính cách và lối sống đặc trưng của con người nơi đây: đơn giản và rộng mở.

Nhà hàng McDonald’s ở vòng xoay Điện Biên Phủ có thiết kế đơn giản, gọn, đường nét thẳng. Đây là một ngôi nhà rất hiện đại, rất… Mỹ. Mỗi lần đi qua đây, tôi đều nghĩ về những ngôi nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Trần Quốc Thảo… của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc trước năm 1975.

Hai kiểu nhà này giống nhau đến ngỡ ngàng: bê tông dầm sàn trở thành điểm nhấn, không mảnh thừa, càng không có những chi tiết rườm rà. Tôi hoàn toàn không nói đó là sự sao chép. Có lẽ chúng bắt đầu từ một cốt nền chung, chia tay hoàn toàn với các kiểu kiến trúc thời thuộc Pháp: gothic, Hy Lạp, cổ điển, tân cổ điển… Đó là những công trình thật sự hiện đại và sinh thái.

Đã bao nhiêu lần tôi đi qua những ngôi nhà đậm nét Sài Gòn – Gia Định thập niên 1960, 1970 như thế. Chúng vẫn là một lối kiến trúc đặc trưng còn tồn tại trên đường phố Sài Gòn ngày nay. Những ngôi nhà một, hai hay ba… tầng, mái bằng, mặt tiền đá rửa hoặc đá mài, ban công rộng, trước nhà là lam đứng, lam ngang, bông gió đúc bê tông.

Dù kiểu dáng ra sao, theo phong cách nào, yêu cầu quan trọng trong thiết kế nhà ở Sài Gòn trước 1975 vẫn là giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn những cơn mưa xối xả của vùng nhiệt đới. Gió vô được mà nắng mưa vào hạn chế là nhờ có hệ thống lam gió (brise soleil). Những thanh lam sổ dọc, chạy ngang mặt tiền, mỏng nhẹ, thanh thoát. Chúng không cản nhiệt như những bức tường dày kiểu Pháp thời kỳ trước đó mà sống chung với nắng gió, như tấm dại tre dựng trước mỗi ngôi nhà của người Việt.

Ban công, hàng hiên của những ngôi nhà phố, nhà hẻm là một dạng hàng ba tạo khoảng đệm nhiệt độ rất phổ biến thời kỳ trước. Ai ở Sài Gòn xưa mà không nhớ cái hàng ba đầy kỷ niệm? Nhất là con nít. Đó là một khoảng không gian – ranh giới cuối cùng giữa trong nhà và ngoài đường, nơi lũ trẻ có thể chơi đùa, tụ họp bạn bè, treo đèn ông sao, đèn cá chép mỗi dịp Trung thu, cũng là nơi đón, tiễn khách của người lớn. Nhà văn Phạm Công Luận, ở bài “Hoa trong tâm tưởng”, đã nhắc về chiếc hàng ba Sài Gòn – Gia Định ấy: “khoảng sân nhỏ trước mặt tiền nhà”, “được bao bọc bởi vách tường xi măng”. Vách tường này thấp thôi, không cao nghễu nghện gây cách biệt như các vách tường hiện nay. Hàng ba rộng mở với thiên nhiên, với nhịp sống bên ngoài. Nhà anh Luận cũng có một hàng ba như vậy để anh ngủ trong những đêm hè tháng Tư thoang thoảng hương nguyệt quế.

Những ngôi nhà đơn giản mà hiện đại, sinh thái ấy đã khiến kiến trúc sư Mel Schenck (Mỹ), tác giả tập “Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam”, phải ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến vào năm 1972. Ông gọi Sài Gòn là một thiên đường kiến trúc hiện đại mà ngay cả Mỹ thời kỳ đó cũng không táo bạo bằng.


Sau đổi mới năm 1986, kinh tế phát triển, dân số đông đúc, nhà cửa, dinh thự, cao ốc… ở Sài Gòn được ồ ạt xây mới. Thập niên 1990 là vô số ngôi nhà thiết kế giả cổ, thể hiện rõ nhất ở hình ảnh con tiện bằng xi măng đúc ở lô gia, ban công, hành lang, lan can ngoài trời. Có cả những ngôi nhà hình dáng củ hành như thánh đường Hồi giáo khiến báo chí sửng sốt. Sau đó là những công trình tân cổ điển ở mức đơn giản nhất: ban công bầu lát gạch men nâu đỏ, lan can inox, cửa kính ra vô tạo vòm cong… Rồi những ngôi nhà kín mít như cái hộp, trổ vài cửa sổ kiểu xứ lạnh. Đó vốn là những lối kiến trúc không được ưa chuộng ở Sài Gòn trước năm 1975, có lẽ vì chúng khác với cách sống của người Sài Gòn: đơn giản. Sự đơn giản thường mang đến bình yên, những ngôi nhà Sài Gòn – Gia Định xưa ít nhiều làm được điều đó. Chúng hiện đại mà sinh thái, mang lại một vẻ đẹp yên bình cho đường phố Sài Gòn, là một trời yêu thương và kỉ niệm với những lớp người ở Sài Gòn.

sự đơn giản thường mang đến bình yên
những ngôi nhà Sài Gòn - Gia Định xưa ít nhiều làm được điều đó.
Previous
Tiếp theo

Trong ký ức của tôi, những ngày tuổi thơ được mẹ dẫn đi chợ là những chuyến phiêu lưu ẩm thực hứng thú nhất. Sau khi theo mẹ cả buổi, thế nào tôi cũng được mẹ dẫn vào sạp bánh kẹo mua cho gói kẹo Bốn Mùa, ra sạp rau má uống ly nước ép mát lạnh, ghé quán hủ tiếu làm một tô thiệt no. Nay tôi lại rảo quanh các chợ, tìm mấy sạp ăn thiệt ngon, tiếp nối chuyến phiêu lưu thuở bé.

Quầy bánh canh cua Châu Lan núp gần cuối chợ. Những con cua được cô Lan trưng trong tủ trông rất ngon mắt, bạn có thể ăn nguyên con hoặc nhờ cô tách sẵn thịt. Ngoài rất nhiều thịt cua, một tô bánh canh còn có chả cá dày và dai, bánh nổi thơm giòn, giò nạc ngọt thịt, một con tôm tươi và chắc đã được lột vỏ, ngoài ra là da heo chiên, cá viên và mực khô đã nấu mềm.


Nước dùng của cô là thứ gây thương nhớ nhất: sền sệt, ngọt từ xương lại đậm đà hương vị. Pha thêm chén mắm mặn rắc ớt xắt để chấm đồ ăn kèm lại càng ngon.

Bên hông chợ Bà Chiểu có gánh bún, miến măng vịt của cô Ái. Cô bán bún ở đây cũng đã hơn 40 năm. Quán có ba chiếc bàn, ngồi được 10 người là hết cỡ nhưng lúc nào cũng tấp nập khách.


Tôi thật ra không thích thịt vịt vì nó dai và có mùi hơi nồng, ấy vậy mà từ ngày ăn quán cô Ái, lâu lâu lại thòm thèm, phải chạy xe tới chợ Bà Chiểu để ăn miến trộn và gỏi vịt cho bớt nhớ nhung. Thịt vịt của quán mềm béo, ngọt và không bị dai, trộn với nước gỏi rất bắt vị. Trên bàn ăn luôn có sẵn chén mắm gừng và ớt băm để thực khách tự pha. Phần gỏi trộn có củ hành tây bào, cà rốt thái sợi, hành tím ngâm chua, bắp cải, rau răm cùng rất nhiều đậu phộng và hành phi. Tất cả trộn lại tạo thành một hương vị hoàn chỉnh: chua, ngọt, béo, bùi. Lần nào đến đây tôi cũng ăn sạch đĩa dù trước giờ không mấy thích ăn rau.


Tôi hay gọi món miến nước ở đây. Miến trụng dai, nước dùng sôi ùng ục bốc khói, ai mà húp liền là phỏng lưỡi như chơi. Anh bạn tôi thì thích miến khô vì nước trộn miến khá đặc sắc. Miến khô được dọn kèm chén súp, lâu lâu húp một ngụm, “khà” một cái thật là đã. Măng khô ăn kèm ngọt và không bị hăng, huyết thì dai, xứng đáng điểm mười.

Đó giờ tôi cứ tưởng chợ này chỉ bán toàn phụ kiện xe máy, đinh sắt chứ làm gì có đồ ăn. Hóa ra tôi lầm. Ở ngay ngã tư Tân Thành – Hà Tôn Quyền có một quán hủ tiếu của mấy “a día” (cô, dì trong tiếng Quảng Đông) người Tiều, hương vị làm người ta lưu luyến.


Mỗi lần đến đây tôi đều gọi một tô thập cẩm đủ món, có hủ tiếu mềm và hai vắt mì trứng ăn cho thật no. Ai ăn yếu thì chỉ cần kêu một vắt thôi là đủ. Đầu tiên, a día bưng ra tô nước lèo bốc khói nghi ngút, tiếp đó là tô hủ tiếu mì khô trộn với nước xốt đặc biệt, óng ánh lớp dầu ứa ra từ những miếng tóp mỡ béo ngậy. Tôi hay nêm thêm giấm để vị chua làm dậy lên mùi thơm của món ăn.


Hoành thánh ở đây đích thực là kiểu “vân thôn” (âm Hán Việt của tên gốc tiếng quảng Đông, có nghĩa là nuốt mây). Lớp vỏ mỏng thấm nước dùng, đưa vào miệng là tan ra làm lộ nhân thịt mềm ngọt bên trong, chấm với xì dầu lại càng ngon miệng. Cá được xắt mỏng, trụng với nước dùng. Gan ở nơi khác mềm bùi còn ở đây lại có độ giòn sật, ăn không thấy ngấy. Trong tô nước lèo còn có thêm thịt heo nạc và một con tôm. Nước dùng có tiêu cay cay, hôm nào trong người mệt mỏi, ăn hết tô hoành thánh là lập tức thấy ấm bụng, khỏe người.

Bên hông chợ Nguyễn Tri Phương là nguyên một con đường bán đồ ăn. Đường ngắn thôi nhưng luôn sực lên mùi thơm mời gọi. Quán này lạ lắm, khách đến ăn mới bắt đầu nướng thịt. Ở đây có 3 loại đồ ăn kèm với bún là nem nướng, thịt nướng và chả giò, tất cả đều do chủ quán tự làm, không dùng hàn the hay bột độn nên cực kỳ chất lượng. Nem nướng mềm, thịt đậm cắt miếng rất vừa ăn, chả giò giòn đẫm thịt, chấm với mắm ngon khó tả.


Điều đặc biệt nhất ở quán là nước mắm và đồ chua. Nước mắm không quá ngọt cũng không quá mặn, chan với bún tạo vị vừa miệng, man mát khoan khoái. Đồ chua có ngó sen ngâm, khác với những quán tôi từng ăn trước đây. Ngó sen giòn, chua thanh, như thể sinh ra để đi với món này. Giá một phần bún đầy đủ là 70 ngàn đồng.

Mỗi lần thèm gỏi cuốn là tôi lại ghé qua đây. Từng miếng thịt đều tăm tắp có tỉ lệ mỡ và nạc lý tưởng 1:3, cuốn kèm nửa con tôm, bún và rau thơm, chấm với một loại mắm nêm mà tôi rất thích. Mắm vừa vặn được nấu cùng thơm (dứa) làm tưng bừng cả vị giác. Ngoài ra ở đây còn có cuốn gỏi tai heo dai giòn sần sật. Cho những người không ăn được mắm nêm, quán phục vụ cả tương, nhưng tôi cho rằng ăn như vậy khó cảm nhận được vị ngon đầy đủ. Chị chủ quán này nói chuyện rất dễ thương, lần nào đến tôi cũng cười không ngớt.

Năm 2019, Daniel Tingcungco chuyển từ Manila (Philippines) đến Sài Gòn đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật cho một công ty quảng cáo. Anh quyết định thực hiện “cú nhảy” này để thử thách bản thân ở một môi trường mới, và cũng để khám phá một nơi mà lúc đó anh còn chưa hiểu rõ. Lần lượt trong năm 2021 và 2022, Daniel cho ra mắt 2 dự án vẽ minh họa “100 views of Saigon” và “100 tasty foods in Saigon”. Những bức tranh mô tả các góc phố, quán ăn, nơi chốn anh yêu ở thành phố này, với gam màu rực rỡ sống động, đã nhận được sự thích thú của đông đảo công chúng. Vào thời điểm xuất hiện, các tác phẩm của Daniel còn mang đến niềm lạc quan và hy vọng trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch.

Daniel đã yêu Sài Gòn từ cái nhìn đầu tiên. Giống như Manila, Sài Gòn mang nét hỗn độn rất đặc trưng của một thành phố đang chuyển mình giữa cũ và mới. Người dân nơi đây cũng rất cởi mở và nồng hậu. 

Khi mới chuyển đến, anh nghĩ rằng vẽ minh họa những góc phố hay quán ăn địa phương là một cách hay để tìm hiểu về Sài Gòn và tiếp cận thành phố này qua những góc nhìn mới; đồng thời qua đó, anh cũng có thể giới thiệu những địa điểm chưa được nhiều người chú ý.

Hai dự án “100 views of Saigon” và “100 tasty foods in Saigon” là phần tiếp nối của loạt tranh “100 views of Manila” mà Daniel từng thực hiện ở quê nhà. Anh được truyền cảm hứng từ tác phẩm “100 views of Edo” của nghệ sĩ tranh phù thế Nhật Bản Hiroshige. 

Trước khi bắt tay vào thực hiện những tác phẩm này, Daniel đã tham khảo 3 cuốn sách: “Sài Gòn – Chợ Lớn: Vanishing Heritage of Hồ Chí Minh City” (Tim Doling), “Southern Vietnamese Modernist Architecture” (Mel Schenck), “Poetic Significance, Sài Gòn Mid-Century Modernist Architecture” (Phạm Phú Vinh). Từ đây, anh bắt đầu khám phá thành phố và bắt gặp nhiều địa điểm mới một cách ngẫu nhiên. Anh thường mất khoảng 2-3 tiếng cho việc vẽ một tác phẩm. Giống như những họa sĩ theo trường phái ấn tượng, anh nắm bắt khung cảnh chung thay vì tập trung vào chi tiết.

Previous
Tiếp theo

Món ăn yêu thích của anh là gì?
Bún thịt nướng. Thịt nóng hổi ăn cùng chả giòn, bún tươi, rau sống và nước mắm chua ngọt là một sự kết hợp hoàn hảo.

Còn đồ uống thì sao?
Nước mía, thứ khiến tôi thấy sảng khoái ngay lập tức.

Nơi yêu thích của anh ở Sài Gòn?

Khu Tân Định – Đa Kao vì tôi có thể tìm thấy nhiều “viên ngọc ẩn” trong các con hẻm nhỏ. Tôi cũng thích đi dạo hoặc ngồi cà phê bên kênh Thị Nghè dọc con đường Hoàng Sa – Trường Sa.

Thứ gì chỉ Sài Gòn mới có?
Văn hóa vỉa hè, đó là điều mà bạn không thấy nhiều ở Manila hay Bangkok. Tôi thấy mọi người thường dành thời gian thưởng thức cà phê hoặc trà, như thể đó không chỉ là thức uống mà còn là một cách sống, một nét văn hóa.

 

Tổ chức chuyên đề Hương Thủy Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP