Quyền lực của những đoá hồng - Tạp chí Đẹp
Vẻ đẹp Hy Lạp thần thoại được NTK Maria Grazia Chiuri tái hiện trong BST Dior Cruise 2022. Ảnh Ria Mort
Vẻ đẹp Hy Lạp thần thoại được NTK Maria Grazia Chiuri tái hiện trong BST Dior Cruise 2022. Ảnh Ria Mort

Bình đẳng giới là câu chuyện nóng hổi ở nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả thời trang. Theo khảo sát năm 2017 của Business of Fashion (BOF), số lượng nhà thiết kế nữ chỉ chiếm khoảng 40,2% trên tổng số các vị trí sáng tạo nòng cốt tại các thương hiệu lớn tham dự tuần lễ thời trang tại Paris, Milan, London và New York. Cũng theo khảo sát này, trong số 50 thương hiệu thời trang xa xỉ lớn, chỉ có 14% được điều hành bởi phụ nữ mà thôi. Điều này khiến ta nhận ra rằng: thời trang vẫn là một ngành công nghiệp được dẫn dắt bởi những người đàn ông; và khi có sự cân nhắc giữa một người đàn ông và một người phụ nữ cho một vị trí mang tính chiến lược, lựa chọn thường sẽ thuộc về phái mạnh.

NTK Virginie Viard - người kế nghiệp Karl Lagerfeld tại Chanel

Để lý giải cho thực tế này, người ta chỉ ra yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sự nghiệp của phái nữ: họ khó có thể gác sang một bên thiên chức làm mẹ và nuôi dạy con cái. Việc trở thành giám đốc sáng tạo hay nhà thiết kế đứng đầu một thương hiệu lớn đồng nghĩa với việc sống trong guồng quay khốc liệt: thời gian làm việc dài hơn, sự cam kết hiện diện 24/7 đối với thương hiệu, thật khó để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và mục tiêu sự nghiệp. Chẳng những vậy, thời điểm thăng tiến lên những vị trí đứng đầu như giám đốc sáng tạo thường rơi vào giai đoạn tề gia lập thất của người phụ nữ: 30-45 tuổi (theo nghiên cứu thị trường năm 2018 của tập đoàn MBS).

“Phụ nữ thường lãnh nhiều trọng trách: là vợ, là mẹ. Tôi có hai đứa con gái để nuôi dạy, một công ty để điều hành, nhiều nhân viên để trả lương và hàng tá các bộ sưu tập mỗi năm cần được hoàn thiện. Thực lòng tôi không nghĩ mình có đủ thời gian để nghĩ đến tất cả mọi thứ.” – nhà thiết kế Vera Wang trải lòng ở tuổi 70.

Có thể thấy, dù muốn dù không, phái nữ vẫn gặp phải những rào cản trên con đường thăng tiến. Rào cản đó không nhất thiết đến từ sự thiên vị giới tính mà nhân loại đã mất hàng thập kỷ để đấu tranh xóa bỏ, nó có thể xuất phát từ chính bổn phận, nghĩa vụ và lựa chọn của họ.

Đi ngược lại với những quan niệm cố hữu, dù chưa chiếm vị thế áp đảo nhưng phái nữ chính là lực lượng sáng tạo nổi bật phá vỡ các quy chuẩn kinh điển, thay đổi cách nhìn nhận về thời trang của thế giới. Từ Coco Chanel với những thiết kế mang tính cách mạng đối với thời trang như áo khoác vải tweed, chiếc váy đen nhỏ, logo hai chữ C lồng vào nhau… cho đến thế hệ kế cận đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy. Có thể kể đến Miuccia Prada, người phụ nữ đã tái định nghĩa ý niệm “cái đẹp trong sự xấu xí” (ugly beautiful) của thời trang suốt từ thập niên 90 thế kỷ trước bằng những thiết kế giày loafer hầm hố, giày mũi vuông, họa tiết in lạ mắt, phom dáng quần áo nữ không theo thông lệ yểu điệu vốn có. Hay là Donatella Versace và cuộc đời biến động xứng đáng được viết sách dựng phim của bà tại gia tộc Versace. Không chỉ là một biểu tượng thời trang, một bà hoàng không ngai của giới LGBT, Donatella còn là niềm hy vọng đích thực mang tính kết nối trong giới thời trang khi mang đủ mọi tầng lớp, độ tuổi xích lại gần nhau hơn. Hoặc như Rei Kawakubo, người sáng lập nên thương hiệu Comme des Garcons với phong cách thời trang xóa nhòa ranh giới giữa tính nam và tính nữ.

NTK Maria Grazia Chiuri - người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí sáng tạo cao nhất của Dior

Cũng không thể không nhắc tới hai “nữ tướng” đương thời của hai nhà mốt di sản quan trọng bậc nhất: Virginie Viard tại Chanel và Maria Grazia Chiuri tại Dior. Virginie là người kế nhiệm cụ ông tóc bạc Karl Lagerfeld tại Chanel từ năm 2019. Ngay sau màn lên ngôi đã được tiên liệu từ trước, Virginie có cuộc tổng tiến công thần tốc “trẻ hóa” Chanel từ các bộ sưu tập, chiến dịch quảng bá cho đến việc lựa chọn những gương mặt đại sứ trẻ tuổi như Margaret Qualley hay Jennie Kim. Nhờ vào sự xông xáo, mẫn cán của Virginie mà hiện nay Chanel đã và đang đem khái niệm “casual luxe” (sự xa xỉ cho tất cả mọi người) căng phủ khắp nơi. Khéo thay, ngự tại Dior – nhà mốt đối trọng của Chanel trong thị trường – cũng lại là một nữ vương khác: Maria Grazia Chiuri. Bà chính là giám đốc sáng tạo nữ đầu tiên của Dior sau 7 thập niên nhà mốt này được chèo lái bởi các đấng mày râu. Ngay vào show diễn mở đầu sự nghiệp của mình tại Dior, Maria đã gửi tới truyền thông và thế giới thông điệp hùng hồn: “We should all be feminists” (Tất cả chúng ta đều nên là những nhà hoạt động nữ quyền) cùng hình tượng người phụ nữ Dior mạnh mẽ nhưng vẫn vô cùng lãng mạn.

Và không thể kể hết những di sản đáng nhớ mà thế giới thời trang vinh hạnh được đón nhận từ những nhà thiết kế nữ: đó là sự bạo liệt ngang tàng của bà hoàng punk Vivienne Westwood, sự mộng mơ thông thái luôn đi cùng niềm tự hào Ăng-lê của Sarah Burton tại Alexander McQueen, sự sang trọng tối giản của người phụ nữ Pháp thời hiện đại khai sinh bởi “nữ thánh” Phoebe Philo tại Céline, hay Jil Sander, Simone Rocha, Victoria Beckham, chị em nhà Mulleavy cùng thương hiệu Rodarte… Giống như những đóa hồng đỏ thắm – cầu toàn, gai góc nhưng đẹp đẽ, đáng để mong chờ, các nhà thiết kế nữ đã và đang lặng thầm điều hướng ngành công nghiệp thời trang, mang lại những thay đổi tích cực và tràn đầy tình yêu bằng quyền lực mềm của mình.

Thực hiện Minh Minh Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP