Poetry in motion - Cuộc hẹn hò của thời trang và văn học - Tạp chí Đẹp

Thời trang trong văn học

Thời trang trong văn học

Virginia Woolf là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng của thế kỷ 20 đã đưa yếu tố thời trang vào quá trình xây dựng tuyến nhân vật. Trong tác phẩm “Mrs. Dalloway” mà bà giới thiệu năm 1925, chiếc đầm màu xanh lá cây của nhân vật Clarissa Dalloway, một người phụ nữ thượng lưu thời hậu chiến, đã trở thành điểm nhận diện cho một nữ quý tộc có nét tính cách nhẹ nhàng, hoạt bát và ứng xử tinh tế.

Virginia Woolf không phải là người duy nhất sử dụng trang phục để xây dựng tính cách nhân vật. Nhà văn người Canada Lucy Maud Montgomery cũng đã gián tiếp mô tả sự thay đổi tư duy của nhân vật nữ chính Valancy Stirling trong tiểu thuyết “The Blue Castle” (1926) thông qua cách lựa chọn trang phục. Valancy khởi đầu là một người phụ nữ nhút nhát thường diện chiếc đầm màu nâu. Khi giải phóng bản thân khỏi những định kiến ràng buộc từ phía gia đình và xã hội, cô diện đầm màu xanh lá cây không tay. Ở hồi kết của quyển tiểu thuyết, tủ đồ của Valancy đã được lấp đầy bởi nhiều bộ trang phục đa sắc màu, giống như cuộc sống mới đầy rực rỡ của cô.

Yếu tố trang phục được các tác giả sử dụng như một công cụ để làm nổi bật cuộc sống và cá tính của nhân vật. Không chỉ có vậy, nó còn cho người đọc hình dung rõ nét về thời đại và bối cảnh của tác phẩm. Trang phục là điểm mấu chốt cho thấy thước đo địa vị của các nhân vật trong xã hội.

Văn học trong thời trang

Văn học trong thời trang

Những năm qua, văn học đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng, truyền cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các thương hiệu thời trang với các tác giả nổi tiếng. Ở lãnh địa thời trang, văn chương được các nhà mốt thể hiện khéo léo theo nhiều cách thức khác nhau.

Trước hết phải kể đến mô-típ chữ viết được in kỹ thuật số hoặc thêu nổi trên trang phục. Tháng 9 vừa qua, NTK gốc Việt Peter Do vừa khiến mạng xã hội bùng nổ khi ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Helmut Lang trên cương vị giám đốc sáng tạo. Hợp tác cùng nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt Ocean Vương, tác giả của cuốn tiểu thuyết gây bão “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, Peter Do đã đưa những dòng chữ đầy cảm xúc lên áo tank-top và áo sơ mi cổ đứng của Helmut Lang. Nếu như dòng chữ tiếng Việt “Con nhớ mẹ nhiều lắm. Con xin lỗi. Con làm mẹ buồn” khơi dậy nỗi nhớ nhung của người con xa xứ thì “When was the last time you were you? When was the last time?” như một câu hỏi xoáy vào tâm can mỗi khán giả, khiến họ buộc phải trở vào trong, suy nghĩ về bản thân mình. Mỗi con chữ của Ocean Vương đều chất chứa những tâm tình giằng xé. Và như thế, thời trang tự tước mình ra khỏi vị trí là tấm áo ngoại thân để bước vào thế giới nội tại.

Sự hiện diện của văn học trên các thiết kế thời trang còn được hình tượng hóa thông qua các mô-típ điêu khắc, hình ảnh trừu tượng hay tranh vẽ. Thông điệp của mỗi tác phẩm văn học được các nhà thiết kế cài cắm khéo léo dưới dạng chi tiết trang trí đẹp mắt.

Đó là cách mà nhà mốt siêu thực Schiaparelli khiến cả thế giới phải hướng mắt về show diễn của họ để chiêm ngưỡng những thiết kế hàng thửa đắt đỏ. BST Haute Couture Xuân Hè 2023 do NTK Daniel Roseberry thực hiện được lấy cảm hứng từ kiệt tác thơ ca nổi tiếng “The Divine Comedy” (1308), bài thơ có 14.233 dòng được chia thành ba tập gồm “Inferno”, “Purgatorio” và “Paradiso” của thi hào lỗi lạc Dante Alighieri. Động vật là một trong các nguồn tham chiếu được vị giám đốc sáng tạo đương nhiệm lấy cảm hứng từ tập thơ “Inferno”. Trong tập thơ đầu tiên nói về hành trình của Dante, ông đã đối mặt với nhiều nỗi kinh hoàng như chạm trán với sư tử, báo và sói. Những loài động vật này được Daniel biến hóa thành các chi tiết độc đáo trên đầm và áo khoác bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công từ xốp, nhựa cây và các chất liệu nhân tạo. Bằng việc sử dụng hình ảnh biểu tượng của các loài động vật trong “Inferno”, NTK Daniel Roseberry tự giải đáp nghi hoặc của mình về giới hạn của sự sáng tạo. Ông đã thoát khỏi lối thiết kế an toàn để khám phá những kỹ thuật mới nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của bản thân và gây ấn tượng mạnh với khán giả.

Vị trí vững chắc của văn chương trong làng mốt còn được khẳng định bởi sự ra đời của thẩm mỹ Academia. Thuật ngữ “Academia” tập hợp các phong cách thời trang lấy cảm hứng từ kiểu ăn mặc của giới trí thức. Trong đó, Dark Academia vừa là phong cách thời trang, vừa là một tiểu văn hóa nổi bật được hình thành từ niềm say mê của giới trí thức Tây Âu đối với văn học cổ, thơ ca và các loại ngôn ngữ như tiếng Latinh, Hy Lạp hoặc tiếng Pháp. Tủ đồ của những tín đồ theo đuổi phong cách này thường chú trọng đến bảng màu tối như đen, nâu sẫm, xanh lá thẫm và đỏ tía. Những món đồ như áo blazer, áo sơ mi Oxford, quần vải tweed, áo khoác dài, áo cardigan, áo ghi-lê dệt kim, giày brogues, loafers, bốt Chelsea đều là các thiết kế không thể thiếu trong phong cách Dark Academia. Cũng mang những đặc điểm tương đồng với Dark Academia, tuy nhiên, phong cách Light Academia khác biệt ở chỗ nó gồm các bản phối màu sáng như be, kem, nâu nhạt, trắng, trắng ngà và xám nhạt. Điều này khiến cho những bộ trang phục Light Academia trẻ trung và ít gò bó hơn so với Dark Academia.

Nhờ văn học, các nhà mốt có thể dễ dàng truyền tải thông điệp của bộ sưu tập đến giới mộ điệu. Ngược lại, nhờ ngôn ngữ thời trang, các nhà văn có thể khái quát bối cảnh, thực trạng xã hội và tính cách của từng nhân vật một cách rõ nét. Mối quan hệ này vẫn vô cùng chặt chẽ xuyên suốt lịch sử phát triển của cả hai loại hình nghệ thuật.

Tín đồ của Bloomsbury Group

Tín đồ của Bloomsbury Group

Sống ở gần căn nhà Monk’s House của nhà văn Virginia Woolf và căn farmhouse Charleston tọa lạc ở miền Đông Sussex (Anh), Kim Jones đã sớm biết đến cuộc sống tự do tự tại của nhóm trí thức quý tộc Bloomsbury Group. Cộng đồng này quy tụ các nhà văn, giới trí thức, triết gia và họa sĩ có tư duy tiến bộ đã góp phần định hình nền nghệ thuật và hệ tư tưởng Anh vào đầu thế kỷ 20. Những người phụ nữ tạo nên cách mạng trong xã hội Anh lúc bấy giờ phải kể đến tiểu thuyết gia Virginia Woolf, họa sĩ Vanessa Bell và nhà văn Vita Sackville-West, cả ba đều hoạt động trong nhóm này. Họ là những hình mẫu phụ nữ đã truyền cho Kim Jones nhiều cảm hứng sáng tạo thời trang. Ông luôn ngưỡng mộ cách họ tận hưởng cuộc sống và nổi loạn dù xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Ông say mê những giá trị nghệ thuật vô giá mà họ để lại cho thế giới.

Từ thời niên thiếu, Kim Jones đã có sở thích sưu tầm tranh vẽ, kỷ vật thời trang và sách cho hai thư viện nhỏ của mình – một đặt tại ngôi nhà ở London, một ở nhà riêng tại Paris. Những vật phẩm này đa phần đều đến từ Bloomsbury Group. Đó là những ấn bản đầu tiên vô cùng quý hiếm của Virginia Woolf, E. M. Forster; kiệt tác hội họa do Vanessa Bell, Roger Fry, Duncan Grant thực hiện; hay đồ nội thất hiếm có được sản xuất bởi Omega Workshops.

Hơn cả một nhà sưu tầm các tác phẩm của Bloomsbury Group, Kim Jones tự mô tả bản thân là “người kết nối”. Ở Dior Men và Fendi, ông đã tạo ra những mối liên kết thú vị giữa con người, giới tính, nghệ thuật và nhất là sự giao thoa của quá khứ và hiện tại. Lấy Bloomsbury Group làm nguồn tham chiếu, nhà thiết kế người Anh đã thêu dệt nên bức tranh thời trang đầy sáng tạo nhằm lưu giữ những giá trị thẩm mỹ cổ điển trên các thiết kế mang hơi thở đương đại.

Dior Men Pre-Fall 2022

Những sáng tạo chuyển thể từ văn học

Những sáng tạo chuyển thể từ văn học

Chuyến đi đầu tiên tới căn farmhouse Charleston vào năm 14 tuổi là khởi nguồn cho niềm say mê của Kim Jones với Bloomsbury Group. Trong đó, tác phẩm “Orlando” (1928) được nhà văn Nigel Nicolson – con trai của Vita Sackville-West – ví như “bức thư tình dài và quyến rũ nhất lịch sử văn học” đã truyền cho nhà thiết kế sinh năm 1973 nhiều cảm hứng sáng tạo nhất.

“Nghe có vẻ vô lý nhưng người ta vẫn hay nói rằng quần áo có nhiều vai trò quan trọng hơn là chỉ giữ ấm cho cơ thể. Quần áo đã thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới và góc nhìn của thế giới về chúng ta”, đây là những gì mà tác giả Virginia Woolf đã viết trong tác phẩm kinh điển “Orlando”. Ở giai đoạn cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, mốc thời gian được chọn làm bối cảnh của bộ tiểu thuyết, quần áo thực chất chỉ đảm nhận hai chức năng là giữ ấm cơ thể và phân tầng địa vị. Thế nhưng khi đó, nhà văn Virginia Woolf đã có thể nêu lên những khía cạnh tiềm năng khác của trang phục, điều mà không phải ai cũng có thể nhận thấy lúc bấy giờ. Mãi đến sau này, thông điệp đó của nữ văn sĩ đã được Kim Jones chứng minh với sự ra đời của BST Fendi Haute Couture Xuân Hè 2021, bộ sưu tập đầu tiên của ông trên cương vị giám đốc nghệ thuật của nhãn hàng thời trang cao cấp Ý.

Không chỉ tư duy tiến bộ về thời trang, điều mà vị giám đốc nghệ thuật quan tâm hơn cả ở cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này chính là mối tình lãng mạn giữa Virginia Woolf và Vita Sackville-West. Tại show diễn, dàn người mẫu sải bước qua những vách ngăn bằng kính hình các chữ F lồng vào nhau, xen kẽ với cây cối và giá sách do cửa hàng chuyên mua bán sách quý Peter Harrington bài trí. Những cuốn sách cổ vô giá trên kệ ghi lại mối tình kéo dài hàng thập kỷ của Virginia Woolf và Vita Sackville-West. Sau khi gặp nhau vào năm 1922, Sackville-West trở thành cảm hứng cho “Orlando”, nơi Virginia thêu dệt hình ảnh người yêu của bà bằng vẻ đẹp nữ tính, quý phái với những bộ đồ lông thú, ren và trang sức ngọc lục bảo. Những chi tiết đó đã được Kim Jones khéo léo đưa vào bộ sưu tập của mình thông qua chiếc áo cổ lọ bằng lông thú nhân tạo, đầm ren và nhiều kiểu trang sức dạng chuỗi dài bắt mắt. Lãng mạn và vượt thời gian là tinh thần mà NTK Kim Jones tìm thấy ở cả văn chương và thời trang cao cấp Ý. Hình ảnh những quyển sách in thủ công, đóng bìa bằng đá cẩm thạch của vợ chồng Virginia – Leonard Woolf do nhà xuất bản Hogarth Press phát hành đã được tái hiện trên những mẫu đầm lụa dệt jacquard và âu phục đính cườm thủ công của ông.

 
 

Ngoài Bloomsbury Group, Kim Jones còn là độc giả trung thành của nhiều tác giả nổi tiếng nước ngoài. Điển hình nhất phải kể đến tiểu thuyết gia và nhà thơ người Mỹ Jack Kerouac. Ông được biết đến là một trong những người tiên phong của Beat Generation, phong trào văn học được khởi xướng bởi nhóm tác giả có sức ảnh hưởng đến nền văn hóa và chính trị của Hoa Kỳ thời hậu chiến.

Trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi của Jack Kerouac, “On the road” để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với Kim Jones đến mức ông đã dành riêng BST Dior Men Pre-Fall 2022 để tôn vinh cuốn tiểu thuyết này. Mặc dù được xuất bản vào năm 1957 nhưng bản thảo đầu tiên của tác phẩm đã được viết trước đó 6 năm, trùng với thời điểm Christian Dior đang thay đổi bối cảnh thời trang Paris theo hướng trẻ trung và thanh lịch hơn. “Đó là sự đồng điệu giữa hai cách thay đổi thế giới của Christian Dior và Jack Kerouac. Tôi muốn kể lại câu chuyện ‘On the Road’ cho thời hiện đại. Thật tuyệt vời nếu tôi làm điều đó thông qua thời trang”, giám đốc nghệ thuật của Dior Men chia sẻ.

Tại buổi giới thiệu bộ sưu tập, sàn diễn được trang trí bằng bản thảo “On the road” trên một cuộn giấy khổng lồ dài hơn 36.5 mét. Ý tưởng này xuất phát từ thói quen khâu vô số tờ giấy lại với nhau trước khi đưa vào máy đánh chữ của Jack Kerouac để mạch sáng tạo không bị gián đoạn.

Ngoài ra, với nỗ lực thu hút giới mộ điệu tìm hiểu nhiều hơn về sách cổ thông qua thời trang, Kim Jones đã tổ chức một buổi triển lãm trước thềm show diễn ra mắt BST Dior Men Pre-Fall 2022 với sự hỗ trợ của chuyên gia văn học Sammy Jay đến từ nhà mua bán sách cổ lớn nhất châu Âu Peter Harrington. Jay và Jones đã làm việc với nhau trong nhiều năm để săn lùng những đầu sách hiếm có cho thư viện cá nhân của vị giám đốc nghệ thuật Dior Men đương nhiệm, trong đó có 100 ấn bản đầu tiên của Jack Kerouac.

Bằng cách kết hợp văn chương và thời trang, NTK Kim Jones muốn hướng giới mộ điệu đến hai mục tiêu: khám phá di sản đầy tự hào của nhà sáng lập Christian Dior dưới góc nhìn hiện đại và truyền đam mê văn học cổ đến các tín đồ thời trang.

Thực hiện Hoàng Bảo Thiết kế Khôi Phạm

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP