Xây dựng loạt bài về những người đứng sau, một trong những “đối tượng” mà chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả là các phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch cabin. Họ thường ngồi trong một “chiếc hộp nhỏ” tách biệt cuối khán phòng hoặc trên tầng xép của phòng hội thảo nên được gọi bằng cái tên như vậy. Do là dịch đồng thời với diễn giả, nghề này rất ít người làm được. Gõ vào Google, ta sẽ thấy có bài viết thậm chí còn gọi dịch cabin là nghề của những quái kiệt. Tạ Quang Đông là một quái kiệt như thế, nhưng anh lại coi công việc của mình cũng như bao nghề khác: “Để làm cho tử tế, nghề nào cũng khó cả”.
Lựa chọn công việc của một người đứng sau các nhân vật quan trọng trong các cuộc hội đàm cấp nhà nước, anh nghĩ thế nào về hành trình mình đã trải qua?
Hai chữ “đứng sau” thể hiện rất sâu cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó khi nhắc tới công việc tôi đang làm. Tôi vẫn cho rằng, công việc của một người phiên dịch sẽ tốt nhất khi sau cuộc dịch, người ta không nói đến vai trò của người phiên dịch nữa. Như vậy là mình mới đạt được mục tiêu: giúp cho hai bên hiểu nhau, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung. Người ta hiểu nhau như thể là họ chuyện trò trực tiếp, không cần qua một chiếc cầu nào, vì nhịp cầu ấy dường như đã tan biến.
Chúng tôi là những chiếc bóng phía sau các nguyên thủ, chính trị gia, các doanh nhân, thậm chí sau những người công nhân, nông dân bình dị. Hình ảnh của chúng tôi càng mờ càng tốt. Dù có thể biết được một số thông tin quan trọng trước, nhưng người phiên dịch giỏi phải biết lùi lại phía sau một tin tức, một khuôn hình. Bên cạnh đó, họ phải tự xóa được nhanh chóng những thông tin mình có để bộ óc đủ chỗ nạp những thông tin mới, tiếp tục công việc của ngày hôm sau, thuộc một phạm trù có khi chẳng liên quan đến nội dung ngày hôm trước.
Người đứng sau thầm lặng thì nhiều lắm. Và mọi người thường cho rằng, phiên dịch, nhất là phiên dịch cho lãnh đạo, thật là quan trọng. Nhưng tôi thì nghĩ công việc của người phiên dịch cũng quan trọng như rất nhiều ngành nghề khác thôi. Chẳng hạn, khi hai nguyên thủ quốc gia gặp nhau, người bắc nhịp cầu ngôn ngữ là các phiên dịch, nhưng người chuẩn bị bữa ăn ngoại giao là những sứ giả ẩm thực, phải ngon miệng, phải tinh tế, phải tuyệt đối an toàn, có dễ dàng gì đâu. Ai làm tốt vai trò của mình đều trở thành cầu nối quan trọng cả.
Anh bắt đầu dịch những cuộc họp quan trọng từ khi nào?
Tôi dịch cho Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng từ năm 2003, khi ông tiếp các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Ford đến Việt Nam. Sau đó tôi dịch cho Bí thư tỉnh ủy Hải Dương – bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và sau này có nhiều lần được dịch cho bà Ngân khi bà làm Chủ tịch Quốc hội.
Những cuộc dịch nào anh đánh giá có ý nghĩa nhất với bản thân?
Đối với tôi, cho dù là dịch ở cuộc gặp giữa các Thủ tướng hay là dịch ở đồng lúa Thái Bình, tất cả đều quan trọng như nhau và tôi luôn tâm niệm phải làm tốt nhất. Đâu phải chỉ dịch cho VIP mới tự hào. Giúp những người nông dân trao đổi với chuyên gia nước ngoài về giống lúa có khả năng xuất khẩu, đem lại ngoại tệ cho Việt Nam, cũng tự hào lắm chứ!
Nghe nói lương phiên dịch cabin rất cao, vì đây là việc không phải ai cũng làm được?
Xung quanh tôi các đồng nghiệp đều đi ô tô xịn cả, chỉ có tôi vẫn cọc cạch chiếc Wave Alpha. Không phải vì nghèo mà vì tôi thấy không cần thiết. Đúng là công việc đem lại thu nhập chính, nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là thấy mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tôi từng có chục năm dịch miễn phí cho Bộ Tài chính, dù đó không phải là nghĩa vụ của tôi.
Vì sao vậy?
10 năm ấy là khoảng thời gian Bộ Tài chính chưa bố trí được thù lao dành cho phiên dịch, khi dịch các sự kiện của Bộ, tôi chỉ nhận công tác phí như một cán bộ bình thường. Sự gắn bó này cũng là một cái duyên. Tôi từng đi dịch về chứng khoán khi còn ít người biết đến thuật ngữ này, nên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quý tôi. Các anh bên ấy rủ tôi chuyển từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang làm chuyên viên ở Vụ Hợp tác Quốc tế. Khi Bộ Tài chính chuẩn bị đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN năm 2010, một sự cố xảy ra – một trong hai phiên dịch mà Bộ thường thuê xin rút vì con ốm. Phiên dịch còn lại kiên quyết không chịu dịch cabin một mình. Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Tài chính tá hỏa, nhờ khắp nơi tìm phiên dịch cabin thay thế. Người dịch cabin vốn đã không nhiều, dịch cabin về tài chính lại càng ít. Tôi được giới thiệu vào vị trí này. Về sau, tôi nghe nói là buổi dịch đầu tiên, chị Vụ trưởng đã đeo tai nghe kiểm tra xem tôi dịch có được không. Họ ngạc nhiên khi thấy tôi dịch tiếng Anh như bình luận bóng đá (cười).
Làm nghề này anh sợ nhất điều gì?
Tôi chỉ sợ lương tâm. Lương tâm mình thật tốt, dịch đúng, dịch đủ, dịch trung thực, thực sự là một nhịp cầu cho hai bên hiểu đúng nhau, thì chả sợ gì. Chỉ sợ không làm được như thế. Cuộc nào xét thấy mình không làm được thì tôi từ chối, dù có mất một món tiền lớn.
Còn tất nhiên là, do nghề này đòi hỏi phản xạ nhanh, nên cũng như cầu thủ bóng đá, không thể cưỡng được tuổi tác. Tạ Quang Đông khi 70 tuổi thì làm sao dịch cabin được như bây giờ.
Với khả năng ngôn ngữ cùng sự hiểu biết của mình, anh hoàn toàn có thể chọn một công việc có vị trí xã hội tốt, và thực sự đã được trao cả cơ hội – làm phóng viên thường trú đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam tại San Francisco, và chức vị – được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng vì sao anh lại chọn làm phiên dịch?
Ngày ấy tôi xin lãnh đạo Đài ở nhà để trau dồi thêm về chuyên môn báo chí (cười). Một phần cũng vì tôi xác định là sẽ làm phiên dịch lâu dài. Dịch cabin đòi hỏi phản xạ nhạy bén, nếu bỏ bẵng mấy năm không làm thì khi trở lại e sẽ không làm được. Là chắt của một ông đồ nho nghèo, con của một thầy giáo nghèo, tôi thấy cái nghèo là thuộc tính gia truyền của dòng họ nên không cần kiếm nhiều tiền, không có tham vọng chức vị. Đến bây giờ tôi vẫn làm việc tại một cơ quan nhà nước – Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, nhưng chỉ là để cống hiến cho xã hội qua con chữ (biên tập tiếng Anh – PV). Phiên dịch là công việc tôi gắn bó song song, chẳng may nó lại khiến nhiều người biết tới tôi hơn các công việc kia mà thôi.
Mỗi người khám phá thế giới theo một cách riêng. Làm phiên dịch, chắc chắn bạn sẽ được khám phá mọi lĩnh vực nếu muốn. Tôi đã dịch cabin đủ các mảng đề tài từ chính trị, tài chính, chứng khoán, dầu khí, hạt nhân đến lịch sử, văn hóa, Hán Nôm… Họ bảo ông Đông giỏi. Thực ra, tôi có cơ hội là trước mỗi sự kiện sắp diễn ra, nếu có điều gì bản thân chưa chắc chắn, tôi được tìm đến các chuyên gia để có thêm câu trả lời. Sau mỗi lần như thế, tôi thấy cuộc sống thêm phong phú.
Công việc nào cũng có bất ngờ và nó là thứ tạo ra sự thú vị cho nghề nghiệp. Với nghề của anh, điều bất ngờ ấy là gì?
Là không có điều bất ngờ nào cả, vì tất cả chúng tôi đều phải tìm hiểu kỹ các vấn đề trước khi cuộc dịch bắt đầu. Nếu là cuộc dịch đối tác song phương chính trị, thì bản thân người dịch phải hiểu các cột mốc và sự kiện trước đó. Điều thú vị chỉ là, chúng tôi không ngừng tìm hiểu thế giới để có thể cập nhật tình hình tốt nhất.
Còn thứ bất ngờ nhất là thứ tôi không thể kể, các bạn cũng không thể viết (cười). Biết đâu đó là những “đắng cay” ngọt ngào mà mình phải nhận vì đó là nghề nghiệp.
Có lĩnh vực nào anh đặc biệt cảm thấy thích hay ngần ngại không? Có khi nào anh gặp phải một từ không dịch được?
Phiên dịch cabin không chỉ cần giỏi ngoại ngữ, sự am hiểu kiến thức đa lĩnh vực rất cần trong nghề này. Tôi đã nghiền từ “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thơ Đường”, “Thần thoại Hy Lạp” đến “Vật lý vui”, “102 câu chuyện về hóa học”,… nhờ vậy mà nhiều lần cứu được cả bạn dịch khi họ không biết từ. Có lần tôi dịch cùng một phiên dịch rất xuất sắc cho hội thảo do Viện Triết học tổ chức. Bạn ấy dịch làu làu, nhưng khi đại biểu Việt Nam nói đến “Tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn”, bạn ấy choáng vì không biết “Lý Thừa Vãn” chuyển sang tiếng Anh là gì. Tôi thì biết, nên đang ngồi nghỉ phải cướp micro cứu bạn.
Một lần khác, dịch cho Diễn đàn Thanh toán Điện tử Việt Nam, người dịch cùng tôi cũng là phiên dịch cabin siêu sao về mảng kinh tế. Khi đến phiên tôi nghỉ, bạn ấy làm tiếp phần đối thoại với Jack Ma. Một doanh nhân Việt Nam đứng lên hỏi về hình ảnh “con cá sấu trên sông Dương Tử”, bạn không biết tên sông Dương Tử tiếng Anh là gì, tôi lại phải nhảy vào.
Vì ham tìm hiểu kiến thức nên tôi mới dịch được Lý Thừa Vãn và Dương Tử sang tiếng Anh, hay có lần vừa dịch “hội chứng Narcissus” vừa giới thiệu thêm về sự tích hoa thủy tiên cho cử tọa hiểu đầy đủ ý tứ ẩn dụ của diễn giả Hoa Kỳ, trong hội thảo về chủ nghĩa Mác ở phương Tây. Mặt khác, nếu thấy mảng đề tài nào có thể mình không làm tốt được, tôi sẽ từ chối ngay. Và không bao giờ tôi dịch cabin một mình (trừ 10 năm dịch miễn phí cho Bộ Tài chính), dù làm thế sẽ được gấp đôi tiền.
Vậy là gần 30 năm dịch kiếm sống, anh chưa dịch sai lần nào?
Nói thế cũng không hẳn. Chưa bao giờ thất bại, và chắc không bao giờ thất bại, không có nghĩa là chưa dịch sai từ nào. Người ta thường nói dịch cabin – hay còn gọi là dịch đuổi vì phải “đuổi theo” diễn giả để phát ra bản dịch cùng lúc với lời diễn giả – khó hơn dịch nối tiếp – diễn giả ngừng lời thì phiên dịch mới nói. Nhưng dịch cabin, nếu không tham nhận dịch một mình, thì luôn có bạn dịch bên cạnh viết vào giấy nhắc cho mình chỗ khó.
Bây giờ có nhiều người biết tiếng Anh, nếu thấy phiên dịch dịch không đúng, có thể họ cũng sẽ nhắc. Trong trường hợp này, phiên dịch dễ xấu hổ, mất bình tĩnh, sợ lần sau mình không được thuê nữa. Còn tôi khi có khách nhắc đúng một chi tiết nào đó, tôi sẽ nhoẻn miệng cười duyên dáng, cảm ơn họ, xác nhận họ chỉnh đúng và bình tĩnh tiếp tục.
Có câu hỏi nào thường diễn ra giữa dân phiên dịch với nhau, và câu trả lời của anh là gì?
“Nếu không nghe được nhân vật nói gì thì nên dịch thế nào?” và câu trả lời là: “Hãy hỏi lại người nói”. Sự thật đó cũng cho thấy anh chưa đủ khả năng dịch cabin nên phải biết từ chối. Trong nghề dịch, ba tiêu chí quan trọng nhất chính là: tín – đạt – nhã, tức “đúng” phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Anh còn nổi tiếng là một người yêu tiếng Việt đến “bảo thủ”, dù là một trong những người thuộc lứa đầu làm công tác phiên dịch sau thời mở cửa ở nước ta. Vì sao vậy?
Có thể nói tôi theo nghề dịch cũng vì một mục đích phụ là để thể hiện tình yêu tiếng Việt. Tôi thực sự thấy tiếng Việt đẹp, đặc biệt ở sắc thái biểu cảm, nó phong phú hơn nhiều thứ tiếng khác. Tôi cho rằng ngôn ngữ phản ánh tư duy của một dân tộc rất sâu sắc.
Cùng trải qua chiến tranh nhưng dấu ấn của người Việt Nam, Trung Quốc hay một số nước phương Đông khác với các nước phương Tây. Chẳng hạn khi nói đến điều này, trong tiếng Việt có từ “căm thù”, tiếng Trung Quốc ngoài chữ “ố” (ghét) còn có chữ “cừu” (thù hận). Nhưng “căm thù”, “ố”, “cừu” hay “ghét” khi dịch ra tiếng Anh đều là “hate”. Tôi tự đặt ra giả thiết, có phải vì thế người phương Tây chóng quên hơn chúng ta không?
Có nhiều người hỏi tôi có thể dạy họ tiếng Việt không, hay có cuốn sách nào để học được tiếng Việt như anh, tôi chỉ trả lời: điều này xuất phát từ tình yêu, từ trái tim. Tôi đọc sách và truyện từ nhỏ, hồi mà người viết sử dụng tiếng Việt một cách trau chuốt, và cứ thế, mọi thứ tự nhiên ngấm vào mình. Kiến thức của tôi về tiếng Việt cũng chỉ là những điều được dạy trong sách giáo khoa thôi chứ chẳng có gì cao siêu cả. Nếu bạn cũng có một tình yêu, tự thân bạn sẽ bỏ công tìm hiểu, chẳng cần điều gì thúc ép hay thần bí.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài Thục Khôi Nhiếp ảnh Lê Lai
Thiết kế Redmaz
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP