Oddly Normal: Bình thường một cách bất thường - Tạp chí Đẹp

Podcast (phát thanh) không phải một hình thức giải trí quá mới. Nó đã xuất hiện từ thập niên 80 của thế kỷ trước dưới định nghĩa “audio blogging” – một cách chia sẻ thông tin, suy nghĩ của blogger dưới định dạng âm thanh. Tuy nhiên, do sự thiếu thốn về công cụ kỹ thuật cũng như các nền tảng mạng xã hội nên podcast đã phải đi một quãng đường dài hơn 2 thập kỷ để thực sự phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Năm 2005, Apple chính thức tạo thêm hạng mục “podcasting” trong thư viện Itunes Music và Steve Jobs đã nói rằng bất cứ ai cũng có thể làm podcast với chiếc laptop cá nhân của mình. Từ năm 2005 cho tới nay, hơn 700.000 kênh podcast đã ra đời cùng hơn 30 triệu tập nội dung trải đều trên các nền tảng mạng xã hội (đa phần không tính phí).

2019 là một thời điểm đáng nhớ khi podcast có cú nhảy vọt ngoạn mục, trở thành một xu hướng truyền đạt thông tin mới phù hợp với lối sinh hoạt của thời đại này: nó giúp người nghe có thể làm nhiều việc khác cùng lúc thay vì chiếm hầu hết sự tập trung của họ như các kênh báo chí, sách truyện, video… Theo nghiên cứu của Podcast Insights vào năm 2019: 49% khán thính giả nghe podcast trong lúc ở nhà, 22% nghe podcast trong lúc đang lái xe, 11% nghe lúc đang làm việc, 8% nghe lúc đang tập thể dục.

Giai đoạn 2020-2021 khi dịch bệnh Covid-19 bao phủ toàn cầu cũng là khoảng thời gian ghi nhận nhiều cột mốc chuyển nhượng trị giá trăm triệu mỹ kim trong thị trường podcast toàn thế giới: Spotify mua lại Anchor – một ứng dụng tiên phong trong việc giúp người dùng thu âm podcast từ điện thoại; Amazon bỏ hơn 300 triệu USD mua lại Wondery – mạng lưới podcast được thành lập từ năm 2016 với sự chống lưng của 20th Century Fox. Kết thúc quý 1 năm 2021, Spotify ghi nhận có 2,6 triệu kênh podcast hoạt động tại 92 thị trường khác nhau cùng 356 triệu lượt tương tác hàng tháng. Trong thời kỳ các nguồn lực đều bị giới hạn tới mức thấp nhất bởi dịch bệnh và lệnh cấm di chuyển, podcast càng được ưu tiên.

Cũng giống như thị trường YouTube, TikTok,… podcast là một mảnh đất màu mỡ để các thương hiệu hay những người làm nội dung thỏa sức sáng tạo và xây dựng lượng khán thính giả trung thành. Tuy nhiên, hướng tiếp cận của podcast có xu hướng chuyên sâu hơn so với những nền tảng còn lại. Thay vì đi vào các nội dung mang tính giải trí với thời lượng rất ngắn, podcast có thời lượng từ 15 phút trở lên với nhiều hình thức đối thoại, độc thoại, tranh luận bàn tròn… Điều này đòi hỏi các khán thính giả có sự định hướng cụ thể trước khi lựa chọn hình thức giải trí có phần cao cấp này.

Dù có thể lạ lùng, bất thường, không dành cho số đông nhưng Oddly Normal là một điểm nhấn nổi bật giữa lúc thị trường đang tràn ngập những nội dung giải trí cực ngắn về âm nhạc, người nổi tiếng, nghề nghiệp, lối sống, tâm lý… Mối quan tâm của Oddly Normal có phần hàn lâm hơn thế: nhân quyền và lý trí (tập “Leviathan và kẻ mọi rợ”), nỗi sợ cái chết (tập “Bảo bối tử thần”), tôn giáo (tập “Dù sao trái đất vẫn quay”), nguồn gốc người Việt (tập “Con Rồng cháu Tiên”), tính biểu tượng (tập “Khi biểu tượng bị tấn công”)… Những người đứng sau kênh podcast này khiến ta liên tưởng đến những chàng hiệp sĩ mộng mơ trong truyện “Doraemon” (đây cũng là chủ đề mà họ nói tới trong một tập podcast về manga): có một chút dè dặt ngượng ngùng, một chút mọt sách cùng rất nhiều lòng dũng cảm và háo hức với những chuyến tìm tòi khám phá.

Oddly Normal ra đời trong hoàn cảnh nào?
Vào tháng 2/2020, nhân dịp về Việt Nam ăn Tết, Vân có cơ hội gặp lại bạn bè từ thời đại học. Ai cũng thăng tiến vù vù trên con đường sự nghiệp, ai cũng có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười trong ngành để đem ra làm quà. Chuyện cứ thế đi từ làm miến đến bán bia, sang cả tập thiền rồi cấu trúc não bộ. Gần 1 giờ sáng, quán đóng cửa, cả hội thì vẫn hào hứng vì lâu lắm mới có dịp “bốc phét có não” như vậy nên Vân được các bạn đề nghị làm cái gì đó để xâu chuỗi tất cả lại.
Do từng sản xuất một podcast ở Nhật, hôm sau Vân rủ Tiến – cũng là một người bạn thăng tiến vù vù – làm một podcast tiếng Việt để mua vui cho bạn bè sau những ngày làm việc vất vả. Hai anh em ngồi sục sạo khắp các thư viện podcast, nâng lên đặt xuống hàng chục cái tên, bỗng dưng thấy một bức ảnh đàn cá, trong đó có một con trông… ngơ ngơ bơi ngược với tất cả các con còn lại. Đó là thời khắc cái tên Oddly Normal ra đời. Chính xác thì ban đầu podcast có tên “Oddly Normal with Quy Tiên” cơ (Quy Tiên là nickname của Tiến – PV). Và cho đến thời điểm hiện tại thì Oddly Normal vẫn kiên định với tinh thần “ngơ ngơ”, mua vui cho khán thính giả là chính.

Khối lượng thông tin trong mỗi tập đều rất lớn, thời lượng các tập cũng tăng dần đều nhưng tại sao các bạn vẫn lựa chọn làm podcast mà không phải hình thức khác để có thể truyền tải được toàn diện hơn?
Làm podcast khá đơn giản, chỉ cần một cái micro và một cái máy tính là đủ. Thính giả thì có thể chỉ tập trung vào nội dung thôi, thay vì phải đánh giá thêm “giao diện” của chủ tọa và khách mời. Hơn nữa, chúng tôi thấy có cái gì đó đặc biệt chân thật, gần gũi ở hình thức này. Có lẽ vì âm thanh là một nền tảng rất nguyên thủy và trực quan. Trong tương lai chúng tôi sẽ làm một tập về âm nhạc để khám phá thêm về khía cạnh này.

Podcast hiện nay có đến 8 định dạng khác nhau, Oddly Normal đang vận dụng định dạng nào?
Oddly Normal sử dụng format chính là đối thoại giữa người dẫn và khách mời. Ý tưởng ban đầu rất đơn giản là ghi lại cuộc trò chuyện giữa những người bạn lâu ngày không gặp rồi chia sẻ cho hội bạn chung còn lại cùng nghe. Gần đây, chúng tôi đang thử nghiệm thêm hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất và cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hình thức mới này sẽ phù hợp với các nội dung kể hơn là bàn luận. Trong tương lai, chúng tôi sẽ sử dụng đan xen cả hai hình thức này tùy theo từng chủ đề.

Khoảnh khắc “Eureka!” khi các bạn tìm thấy ý tưởng cho mỗi tập diễn ra như thế nào?
Kim chỉ nam của Oddly Normal là sự tò mò. Đây có lẽ cũng là điểm chung duy nhất của cả nhóm. Khi một thành viên nổi hứng muốn tìm hiểu sâu một chủ đề nào đó, cả nhóm sẽ xúm lại, trước là mổ xẻ chủ đề, sau là “mổ xẻ” lẫn nhau. Theo kinh nghiệm thực tế, chủ đề nào bắt đầu bằng một cuộc cãi nhau lên bờ xuống ruộng thì chủ đề đó càng có khả năng cao hấp dẫn người nghe.

Với chúng tôi, ý tưởng thường đến rất ngẫu nhiên và tùy hứng. Chúng tôi thường tìm kiếm những điểm bình thường và bất thường ở một chủ đề rồi kết nối chúng thành một câu chuyện. Thường thì mọi người trong team sẽ mong chủ đề đủ khó, đủ thách thức và có thể nghiên cứu được dưới góc nhìn đa ngành.

Một ví dụ tiêu biểu cho việc làm ý tưởng của Oddly Normal là tập “Bảo bối tử thần”. Đây là tập giải thích hai câu hỏi “Vì sao chúng ta sợ chết?” và “Nỗi sợ chết đã mang đến cho nhân loại những công nghệ gì?”. Chủ đề này có thể được phân tích dưới những góc nhìn khác nhau của sinh học, hóa học, tâm lý, văn hóa, lịch sử, triết học, vật lý, khoa học máy tính… Một kiểu chủ đề mà tất cả các thành viên trong team đều có thể tham gia. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện phần 2 của tập này, nội dung không còn xoay quanh các kỹ thuật để chạy trốn cái chết nữa mà là các kỹ thuật để “tận thế”.

Oddly Normal, nếu phải so sánh, có lẽ giống như… gà tần: chuẩn bị thì lâu mà lại khó ăn, không phải ai cũng thích. Tuy nhiên, nếu ăn được thì không chỉ no mà còn tốt cho sức khỏe.

Tập podcast nào đã ngốn của các bạn nhiều thời gian thực hiện nhất?
Tập nào có 3 người trở lên cũng rất mất thời gian để xếp lịch. Như tập “Ba chàng hiệp sĩ mộng mơ”, chúng tôi đã phải hoãn đến 2-3 tháng vì cả nhà văn và họa sĩ khách mời đều quá bận. Gần đây nhất thì có tập “Lỗ giun 4 chiều” – mất gần 6 tháng để hoàn thành. Chúng tôi ở 2 châu lục cách nhau 13 tiếng đồng hồ. Ngoài việc phải đánh vật với hạt ảo và nón ánh sáng, còn phải tìm cách cắt nghĩa cho thính giả dễ hiểu. Ngoài ra, tập podcast này ngốn tới gần 6 tháng mới xong cũng vì nhân vật chính quá bận chơi game và đọc truyện khoa học
viễn tưởng.

Có chủ đề nào gần được lên sóng thì bị gác lại không?
Có một tập, chúng tôi đã chuẩn bị được kha khá nội dung rồi nhưng gần đến lúc thu thì lại thôi. Đó là một chủ đề liên quan đến các cuộc cách mạng nông nghiệp và thói quen ăn uống của loài người. Cũng không phải do chủ đề không hấp dẫn mà do người thực hiện cảm thấy chưa đủ, chưa nhiều thông tin mới, nên chúng tôi gác lại để tìm hiểu tiếp. Nói chung, Oddly Normal không có áp lực phải ra tập mới bằng mọi giá, có những giai đoạn mà 2-3 tháng chúng tôi mới ra một tập. Tinh thần chung là không chạy theo số lượng. Thậm chí thu âm xong, nghe lại mà chưa thấy ổn thì chúng tôi sẽ cất đi làm lại.

Đề cập đến một vấn đề nóng hổi thời điểm này nhé: nếu phải làm một tập podcast về y tế thì các bạn sẽ khai thác theo hướng nào?
Đây là một ma trận với rất nhiều thông tin nhiễu như mọi người đều quan sát được trong đợt dịch này. Các chẩn đoán hay phác đồ điều trị phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố cá nhân, như các cụ nhà ta bảo thì là “do cơ địa”. Kể cả chúng tôi có lựa chọn làm về các chủ đề tưởng chừng vô hại như chế độ ăn thì cũng không bao giờ có kết luận chung hay lời khuyên áp dụng cho tất cả mọi người. Trong nhóm có một bạn học chuyên ngành Y – Sinh, mỗi câu bạn nói ra đúng thực là uốn lưỡi 7 lần.

Nhưng đúng, đây là một chủ đề rất hay mà chúng tôi hay để dành để… cãi nhau. Sau các cuộc cãi nhau đó, nếu thấy “ra ngô ra khoai”, chúng tôi mới làm podcast. Năm ngoái lúc dịch bệnh mới bùng phát, Oddly Normal có làm một tập tên là “Cú nhảy của con Covid-19”. Ngoài ra, vẫn liên quan tới sức khỏe, có các tập như “Make-up, ăn gian, tiến hóa”, “Bảo bối tử thần”, “Công xã lang chạ”. Một vài ý tưởng khác đang bay lòng vòng trong đầu chúng tôi là: ăn gì, ngủ thế nào, mơ thì sao…

5 thành viên, 5 thành phố, 2 châu lục khác nhau, Oddly Normal làm việc nhóm như thế nào?
Chủ yếu là chúng tôi chat với nhau. Khi bàn bạc ý tưởng, thành viên nào tham gia sẽ có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, tới giờ họp là tranh luận. Mỗi người trong team có cuộc sống và công việc riêng, chuyện làm podcast Oddly Normal là một niềm vui thôi thúc chúng tôi bước ra khỏi vùng an toàn của mình để tiếp tục khám phá, nghiên cứu như hồi còn đi học. Về cơ bản, đó là một dạng lợi ích lớn lao, một niềm vui khiến chúng tôi gắn bó với công việc này, nên khi nào còn vui thì còn làm.

Các bạn có biết sức hút của Oddly Normal nằm ở đâu không?
Chúng tôi cũng từng hỏi những người theo dõi rằng điều gì khiến các bạn nghe Oddly Normal. Câu trả lời chung là mọi người chưa thấy kênh tiếng Việt nào có hàm lượng kiến thức sâu và đa dạng như vậy. Nội dung mà các bạn trẻ đang tiếp cận nhiều nhất hàng ngày có lẽ là video trên Facebook, YouTube, TikTok… Chúng giống như fast-food: nhanh, gọn, dễ ăn… Còn Oddly Normal, nếu phải so sánh, có lẽ giống như… gà tần: chuẩn bị thì lâu mà lại khó ăn, không phải ai cũng thích. Tuy nhiên, nếu ăn được thì không chỉ no mà còn (hy vọng là) tốt cho sức khỏe.

Chúng tôi không dám nhận podcast của mình là hay nhất nhưng chắc chắn là podcast dài và nặng nhất trong số hầu hết các podcast tiếng Việt hiện nay. Tập ngắn nhất là 40 phút, tập dài nhất khoảng 2 tiếng rưỡi. Có nhiều thính giả nghe đi nghe lại một tập tới 4-5 lần. Nhiều bạn tâm sự nghe Oddly Normal là phải có giấy bút đi kèm. Tóm lại, chúng tôi nghĩ podcast là một hình thức hết sức mộc mạc, không có nhiều đất để áp dụng những chiến thuật marketing hay truyền thông, do đó chất lượng nội dung và chất riêng của mỗi kênh sẽ là yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân người nghe.

Trong số các thành viên, ai là người hay đưa ra ý kiến phản biện nhất?
Cứng đầu là một đặc điểm chung của những người anh em khác cha khác mẹ trong team Oddly Normal. Khi làm việc nhóm, nguyên tắc “cờ đến tay ai người đó phất” – hiểu nôm na là ngành ai người đó nói nhiều – được tận dụng tối đa. Còn để nói là phản biện được đa ngành nhiều nhất, thì chắc là Vân.

Có chủ đề nào các bạn muốn làm lại không?
Nói thật là chúng tôi khó mà hài lòng với các tập đã lên sóng. Về kỹ thuật thì thu âm online hay bị lỗi tín hiệu, âm thanh phô do thiết bị không xịn hoặc giọng ỉu xìu vì quá mệt. Về nội dung thì vẫn… cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng chúng tôi sẽ làm tiếp chứ không làm lại. Có quá nhiều thứ mới để học và để thử, và học hỏi vốn dĩ là một quá trình không hề ngăn nắp.

Điều gì cả vũ trụ ngăn cản nhưng không làm các bạn chùn bước?
Là trở ngại địa lý. Múi giờ khác nhau ngăn cản chúng tôi cùng tỉnh táo ở một thời điểm. Hoặc tệ hơn, là đang cãi nhau căng thì một người lăn ra ngủ mất, người còn lại thì phải vào phòng họp.

Tập podcast nào các bạn yêu thích nhất?
Trang: “Đi lên Sao Hỏa” vì độ mộng mơ và sự bay bổng của nó.
Tiến: “Lỗ giun 4 chiều” vì nghe chả hiểu gì cả. Những tập còn lại tôi hiểu được hết nên thấy bình thường.
Hải: “Bảo bối tử thần” vì tập này có cả team tham gia.
Quang: Dĩ nhiên là “Nền kinh tế vỉa hè” vì tập này có tôi tham gia.
Vân: Vì tập nào cũng tham gia nên… tôi không thích tập nào cả. Thường thì sau khi ấn nút “publish” là tôi không bao giờ dám nghe lại.

Kênh podcast nào tại Việt Nam mà các bạn hay nghe?
Chúng tôi không rành về các podcast ở Việt Nam cho lắm, vì thú thật là ít khi nghe. Quốc tế thì vô số, chẳng hạn như JRE, The TED Interview, Throughline và Planet Money của NPR, Revisionist History, Into the Impossible, Mindscape, Lexicon Valley…

Yếu tố quyết định việc chọn khách mời của Oddly Normal là gì?
Sự nổi tiếng của khách mời không phải là tiêu chí của Oddly Normal. Khi cái chúng tôi tìm kiếm là góc nhìn mới mẻ, sự sẵn lòng đối thoại với những quan điểm khác biệt cũng như thời gian để xây dựng một nội dung cho tròn trịa, thì sự nổi tiếng có khi còn là trở ngại.

Có bao giờ các bạn nghĩ tới việc làm một podcast với các chủ đề phổ thông như khởi nghiệp, marketing hay nghệ thuật?
Hiện tại thị trường tiếng Việt đã có nhiều podcast nói về các chủ đề này, chúng tôi có làm cũng không tốt bằng họ. Thêm nữa, team chúng tôi đa phần có nền tảng về kinh tế nên cũng không quá hứng thú với mảng này mà thích tìm hiểu các nội dung khoa học cơ bản hơn. Kể chuyện khoa học bằng tiếng Việt, không chỉ podcast mà tất cả các kênh khác như báo chí, YouTube, truyền hình, đều khá hiếm. Dĩ nhiên, có những chủ đề khoa học như AI hay Biotech sẽ liên quan ít nhiều đến kinh doanh, khởi nghiệp, và chúng tôi sẽ khai thác những góc nhìn đó.

Chỉ mong Oddly Normal tiếp tục là cảm hứng cho các thành viên bền bỉ trên chặng đường chống sa sút trí tuệ trong 50 năm tới…

Mọi người phản ứng thế nào khi biết các bạn là Oddly Normal?
Không thế nào cả. Mỗi người có một trải nghiệm riêng với chuyện này nhưng hầu hết chúng tôi không bị ảnh hưởng gì. Bạn bè thân thiết có biết nhưng không có phản ứng nào đặc biệt lắm. Chúng tôi nghĩ đó cũng là một đặc quyền khi làm podcast, mọi người chú ý vào nội dung thôi chứ không chú ý tới khuôn mặt của chúng tôi.

Có tập podcast nào của Oddly Normal vấp phải ý kiến trái chiều của người trong ngành không?
Có một tập duy nhất là “Con Rồng cháu Tiên”. Tuy nhiên những luồng ý kiến mà chúng tôi gặp trong tập này cũng đã tồn tại từ trước và từng được đem ra tranh luận trên nhiều diễn đàn rồi. Khi làm, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần và có sự chống lưng từ các nguồn tham khảo đầy đủ nên đây cũng không phải là vấn đề gì lớn lắm.

Đã bao giờ các bạn tính tới việc nhận tài trợ hay quảng cáo chưa?
Cũng đã từng nghĩ tới nhưng hiện tại có 2 lý do chính khiến Oddly Normal không nhận quảng cáo. Một, thị trường podcast còn khá mới tại Việt Nam nên chưa có khung định mức cho chi phí quảng cáo. Có những bên đã tiếp cận Oddly Normal rồi nhưng chúng tôi từ chối vì không biết nên lấy chi phí ra sao, và có lấy thì cũng không có ý nghĩa tài chính với chúng tôi. Hai, với nội dung như chúng tôi đang làm thì cũng không thấy có bên nào phù hợp để tài trợ cả.

Câu hỏi cuối cùng: chặng đường phía trước, các bạn có mong ước gì không?
Như đã có lần chia sẻ, rằng mặc dù có nhiều “thế lực” như không gian, thời gian, tiền bạc, công việc, sếp…, nói chung là cả vũ trụ đang cản trở chúng tôi làm podcast, nhưng tất cả vẫn đang kiên trì “bò” về phía trước. Chúng tôi không có mơ ước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về số lượng, thời lượng, chỉ mong Oddly Normal tiếp tục là cảm hứng cho các thành viên bền bỉ trên chặng đường chống sa sút trí tuệ trong 50 năm tới, cũng như mang đến niềm vui nhẹ nhàng và kích thích hiền hòa cho các bạn thính giả.

Cảm ơn chia sẻ của các bạn!

Bài Minh Minh Minh họa Uyển quân
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP