NSX Trần Thị Bích Ngọc: Không có giấc mơ nào phân định đàn ông, đàn bà - Tạp chí Đẹp

Nếu bạn nói chuyện với một đạo diễn, họ sẽ cho bạn nghe nhiều thứ hay ho. Còn nếu nói chuyện với một nhà sản xuất phim, mà lại là phụ nữ, bạn sẽ phải tìm cho ra sự hay ho ấy. Với Ngọc, chuyện này càng rõ ràng, cho dù chị có là nhà sản xuất phim hàng đầu Việt Nam đi nữa, cả thương mại lẫn nghệ thuật. Chạy hết dự án này đến dự án khác, chạy qua cả một cuộc hôn nhân mà vẫn không có thời gian dừng lại để nhìn thấy những được – mất, đâu có kịp tô điểm cho mình những thứ hay ho? Hay là làm sản xuất phim nó thế nhỉ?

Chào chị, nghe nói năm nay chị có nhiều dự án lớn lắm, toàn với những cái tên kỳ cựu mà lại… hơi già như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di. Có đạo diễn thế hệ trẻ nào mà chị muốn làm việc cùng không?
Tôi muốn hợp tác với Dương Diệu Linh. Ngoài ra còn vài cái tên khác nữa, họ là những người khiến tôi suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu làm việc với họ.

Giới tính có phải một yếu tố quyết định mong muốn của chị?
Ừ, tôi cũng thích làm việc với nữ hơn đấy!

Kinh nghiệm sau khi làm cùng Nguyễn Phương Anh trong “Người vợ ba” đúng không?
Cũng chẳng biết, có thể vì phụ nữ đẹp và họ lại có sự căng thẳng rất khác đàn ông, sự căng thẳng này làm cho mình thoải mái thay vì gây nên mệt mỏi. Phụ nữ căng thẳng nhưng cũng đáng yêu, và có khi vì họ là phụ nữ nên mình bỏ qua được hết. Họ có cáu kỉnh thì mình cũng dễ thấu hiểu hơn.

Chị làm việc với nhiều đạo diễn nam rồi, ai hợp với chị nhất?
Làm phim cuối cùng cũng là mối quan hệ giữa con người với con người thôi, giống như hôn nhân vậy, có những nguyên tắc, trao đổi, kết hợp không thể tránh được. Tôi vẫn thích những người không nóng tính.

Nhưng những người không nóng tính, đôi khi họ lại tra tấn mình bằng những đòi hỏi!
Đòi hỏi là đương nhiên, người đạo diễn không có đòi hỏi và nhanh nhượng bộ mới là có vấn đề! Nhưng tôi trân trọng hơn cả là những đạo diễn linh hoạt cùng mình giải quyết khó khăn. Đạo diễn có lúc cần phải chiến đấu với nhà sản xuất để có thể ra được phim tốt, nhưng chiến đấu phải có ranh giới để hai bên vẫn có thể làm việc cùng nhau. Để được như thế thì mấu chốt là phải tin nhau. Làm việc với Phan Đăng Di, tôi cảm thấy sướng nhất. Khi tôi nói: “Di ơi, mình chỉ có ngần này thứ thôi” thì Di sẽ dựa trên ngần ấy thứ để làm thay vì hỏi “tại sao chỉ có thế?”. Con người Di là con người của sự chính xác. Nguyễn Phương Anh cũng có tính đó.

Cùng lúc đang gõ cửa các quỹ xin tiền cho hai đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Phương Anh, một đàn ông, một đàn bà, một trẻ trung, một chưa… quá già, chị thấy bên nào dễ tìm tiền hơn? 
Chả bên nào dễ hơn. Tìm tiền là việc không bao giờ dễ. Tìm tiền cho những dự án độc lập lại càng khó. Thời đại digital, cơ hội dành cho tất cả và Việt Nam không còn là ưu ái gì nữa, mình đã sòng phẳng với các nước trong khu vực rồi. Bản thân các quỹ vì đang khó khăn về tài chính nên sự hỗ trợ cũng giảm xuống. Tín hiệu mừng là chúng ta có nhiều dự án tốt hơn, và nền điện ảnh cả khu vực đang cùng nhau đi lên.


Sau khi đã tỏ đường đi lối về các quỹ điện ảnh thì chị cảm thấy việc xin tiền ở quê nhà với thế giới ngoài kia, cái nào dễ hơn?

Lại tiếp tục, hai cái khó như nhau. Thế giới, họ luôn cởi mở hơn và có thái độ trân trọng hơn khi nghe những câu chuyện về Việt Nam, ngay cả khi họ không giúp đỡ được thì ít nhất họ vẫn cho mình sự cổ vũ. Còn ở Việt Nam, mối quan hệ có sẵn rất nhiều, nhưng nhiều khi mình gọi điện cho các nhà đầu tư thì họ nói thẳng luôn là, ôi thôi, em ơi, nghệ thuật nghệ thiếc đừng gọi đến anh! Sự tiếp cận của mình bị dẹp ngay từ vòng ngoài. Hoặc nếu ai ở Việt Nam sẵn lòng cho mình một cơ hội gặp thì mình thường rất run, vì mình biết cái mình đang có chưa chắc là cái người ta cần, cho nên mình luôn có cảm giác đang ở thế dưới. Gặp đối tác nước ngoài, cơ hội họ thích dự án của mình cao hơn, vì thế nói chuyện cũng tự tin hơn.

Chị có nghĩ là đã đến thời điểm chúng ta phải chuyên nghiệp hơn ở dòng phim độc lập không? Khi đến gặp các quỹ đầu tư, nên có cả nhà sản xuất thay vì các đạo diễn phải tự thân vận động? 
Thật ra ngày xưa khi Di đi một mình đến các quỹ xin tiền, họ đã yêu cầu đạo diễn nên có nhà sản xuất đi cùng rồi. Tôi nhớ thời gian đầu của “Cha, con và…”, Paolo (lúc ấy là giám tuyển LHP Venice ở châu Á – PV) đi với Di trong vai trò nhà sản xuất. Tất nhiên, phim độc lập thì đạo diễn đóng vai trò chủ yếu, người ta cần đạo diễn mạnh về nhiều mặt, nhưng bên cạnh đó người ta vẫn cần thấy cả một ê-kíp để nhìn được tính khả thi của dự án. Thế giới vẫn luôn vận hành như thế, mình không có nên đành kiêm nhiệm thôi. Tiền bạc phân minh ngay từ đầu, quyền hạn mỗi bên đến đâu, sở hữu trí tuệ ra sao… những cái đó sau này cực khó giải quyết, nên tôi thấy, càng làm phim độc lập thì vai trò của nhà sản xuất càng quan trọng. Phim vẫn là của đạo diễn thôi, mình phải thích thì mới có thể cùng đạo diễn đẩy nó đi xa được.

Đến được nhiều LHP cũng như các quỹ điện ảnh thế giới, chị nhìn nhận điện ảnh Việt Nam mình đã có một đường đi rõ ràng ở quốc tế chưa? Ngoài những cái tên rất quen như Bùi Thạc Chuyên hay Phan Đăng Di? 
Chưa, tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ, chưa thể tạo được một nhận diện vì không có sự thường xuyên. Và thế nên, chúng ta cứ phải tiếp tục cập nhật để kêu gọi sự chú ý. Nhưng con đường từ lúc được chú ý đến lúc ra được một bộ phim hoàn chỉnh là quá xa.

Đẩy mạnh quốc tế là xu hướng chung, vậy sao số nhà sản xuất dấn thân vào con đường này vẫn còn ít thế?
Để tôi lấy một ví dụ, nhà sản xuất Bảo Nguyễn đi, là một người có lợi thế vì ở Mỹ, anh có quan hệ với quốc tế khá nhiều. Tôi nghĩ vấn đề bạn thắc mắc, trước tiên nó là tuổi tác, nhà sản xuất trẻ quá thì bất lợi, nhưng khi còn trẻ mà không tích lũy được gì thì lại là sự lãng phí. Chúng ta không có nhiều cơ hội đi ra ngoài vì nhiều thứ: ngoại ngữ, chất lượng dự án, kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp, vân vân. Bên cạnh đó là thời gian. Theo đuổi một dự án độc lập cần 4-5 năm liên tục chứ không phải lúc gửi quỹ này lúc gửi quỹ kia. Trong khi đó, ta vẫn phải làm việc kiếm tiền, vẫn phải xây dựng các mối quan hệ để giữ cái dự án độc lập kia sống được. Một nhà sản xuất độc lập thì không có lương, nếu không muốn nói là mình phải tự chi cho các chuyến đi.

Khó khăn là thế, vậy mình chờ đợi gì ở đây?
Phim! Phim được làm trước đã. Nên mới nói mình phải thích con người đạo diễn và cái dự án đó thì mới làm được là vậy. 

Chị chắc phải coi “The dreamers” rồi nhỉ?
Phim mà mỗi năm đạo diễn Trần Anh Hùng vẫn mở cho lớp đạo diễn ở “Gặp gỡ mùa thu” xem đấy!

Trong giấc mơ điện ảnh, nhận diện “những người mơ mộng” ấy hiện vẫn thiên về đàn ông. Chị nghĩ sao? 
Tôi chưa từng nghĩ có một giấc mơ nào lại có sự phân định về đàn ông hay đàn bà.

Với giấc mơ ấy, chẳng phải lối đi dành cho đàn ông vẫn rộng hơn, đẹp hơn và thơm tho hơn sao? Ngành công nghiệp điện ảnh năm nào chả vang lên một tiếng “gào thét” đòi hỏi công bằng từ phụ nữ… 
Tôi nghĩ là không. Tôi không muốn to tát mọi thứ lên. Hãy để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên. Đàn bà làm điện ảnh hay đàn bà làm phi công thì nó đều là sự lựa chọn cá nhân, cá nhân có làm được hay không, đó mới là vấn đề.

Có phải đó là tư duy của nhà sản xuất không?Không, tôi học đạo diễn ra. Tôi là con của bố tôi (nhà quay phim, NSƯT Trần Trung Nhàn – PV) nên vào trường điện ảnh học là việc rất tự nhiên, dù hồi đó tôi cũng đỗ một hai trường khác. Lúc ấy nào đã yêu cái nghề này. Ra trường, nghĩ mình sẽ thành đạo diễn, nhưng đi làm vài phim rồi mới ý thức rõ đạo diễn là cái nghề không dành cho mình. Nếu mình vẫn cứ yêu điện ảnh, vẫn muốn tham gia vào tác phẩm và muốn nhìn cái máy quay vì nó làm mình sung sướng khủng khiếp, thì phải làm sao đây? Tôi đi làm sản xuất vậy.


Là một người phụ nữ, để nuôi nấng giấc mơ này, chị có phải đánh đổi 
gì không?
Tôi nghĩ dùng từ đánh đổi sẽ làm cho sự việc trầm trọng hơn. Bởi vì nếu xác định là đánh đổi thì chưa chắc mình đã dám làm, có thể mình đã chọn cuộc sống dễ dàng hơn. Có tiền bạc và được đi du lịch chẳng hạn, ai chẳng muốn sống như thế, kể cả tôi lúc này. Nhưng tôi đâu bao giờ dừng lại để hỏi liệu mình có đang đánh đổi không.

Chẳng hạn như phải đánh đổi gia đình để trở thành chị của ngày hôm nay, có không?
Nếu mình đã luôn làm công việc này, thì công việc ấy chính là thế giới của mình, nhận diện của mình. Tình yêu hay hôn nhân cũng phải diễn ra trong thế giới ấy, còn nếu chệch ra khỏi thế giới của tôi, thì tôi và nó xem như không hòa hợp được. Cũng có thể, khách quan nhìn vào, người ta sẽ thấy cái gì đó gọi là đánh đổi, nhưng tôi nghĩ mọi thứ đã diễn ra như nó phải thế.

Thật ra người đầu tiên tôi bỏ, lý do là vì anh ta không bao giờ hỏi phim của tôi là gì và công việc tôi đang làm thế nào.

Vậy còn cuộc hôn nhân vừa qua với đạo diễn hình ảnh Nguyễn K’Linh
thì sao?
Cái đấy thì tôi không biết được, vì mình không thể đứng từ góc độ của người ta để nói chính xác lý do. Còn từ phía tôi, có thể nói tôi đã làm công việc này quá lâu rồi, cái guồng cứ theo đà đó chạy, mình của ngày mai phải hơn mình của hôm nay. Chuyện làm phim rất cực, nhiều sự dịch chuyển, vài thứ bất bình thường, mức độ càng tăng khi mình đi sâu với nhiều dự án hơn. Đôi khi tôi cũng cố gắng là người phụ nữ của gia đình đấy, nhưng cái cố gắng của mình thực tế không thể nào bằng cái bình thường của những người phụ nữ khác. Chuyện này ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến gia đình – theo một khái niệm thông thường, nhưng tôi không thể dừng lại để đắn đo chọn lựa được, vì cuộc đời mình nó vốn đã như vậy rồi.

Chồng cũ của chị có bao giờ thấy chị tham vọng quá?
Đó là suy nghĩ của đối phương, tôi không biết được, vì… tôi đã luôn luôn làm phim mà.

Thật là nghịch lý đúng không, khi sự nghiệp của chị ngày càng thăng hoa – nhất là ở cái thế giới điện ảnh mà số lượng đàn ông đông đúc hơn hẳn, vậy mà cuộc sống hôn nhân lại chịu nhiều mất mát?
Khi có dịp, tôi cũng hay nói chuyện với bạn bè quốc tế – những người phụ nữ làm sản xuất – về mấy chuyện gia đình, con cái. Thực ra họ cũng vậy thôi, Tây lẫn ta, hôn nhân tình cảm đều chẳng mấy suôn sẻ. Phần lớn họ sống một mình, hiếm người nào có một gia đình đề huề lắm.

Vậy mà còn không thừa nhận là 
đánh đổi?
Không, nếu đó là sự lựa chọn cố ý thì mới gọi là đánh đổi. Còn tôi, tôi đã sinh ra, lớn lên và sống với môi trường này rồi.

Kỳ lạ là chồng cũ của chị cũng là một người tiếng tăm trong nghề, tôi nghĩ đáng ra hai người phải có sự cộng hưởng chứ? Nhưng khi sự nghiệp của cả hai đang cùng khởi sắc thì đùng một cái, “toang”…
Tôi cũng từng hy vọng như vậy mà. Tôi thậm chí còn từng tin rằng mối quan hệ sẽ đi đến cái gì đó như bạn nói, nhưng nó đã không xảy ra và mình không kiểm soát được.

Nếu nói hôn nhân giống như chuyện chị làm sản xuất cho một bộ phim, thì đây là dự án… thất bại hả?
Thường thì hoạch định cho một bộ phim còn dễ hơn hoạch định cho chuyện tình cảm. Lên kế hoạch cho hai con người thật là khó. Tiền đi ra đi vô, phương án A, phương án B… chạy trong đầu rất nhanh, nhưng trong đời sống hôn nhân, đôi khi mình không ở thế chủ động, và mình hoàn toàn bất lực. 

Chị nói chuyện nghe có vẻ lạnh lùng nhỉ, về một cuộc hôn nhân tan vỡ?
Nó là sự lựa chọn làm cho mình dễ chịu nhất có thể. Lạnh lùng thì tôi không biết, song bình tĩnh chắc chắn phải cần, vì nếu tôi không tự tìm cách bình an nhanh nhất thì sẽ ảnh hưởng đến con mình.

Đỉnh cao của công việc sản xuất phim là gì?
Ối giời, đỉnh cao hả? Theo một kịch bản lý tưởng chưa xảy ra, thì khi làm xong một phim, mọi người cùng nhìn nhau vui vẻ, phim thì hay, bán được tiền, chiếu ở một vài LHP quan trọng, nhiều năm sau bật lên xem vẫn thích. Thấy đơn giản mà không đơn giản. Ở phim “Cha, con và…”, tôi với chồng cũ tưởng chừng không nhìn mặt nhau luôn rồi đó.

Hình ảnh một người phụ nữ có quyền và có tiền thì sao?
Không đâu, cái đỉnh đó gây mệt lắm. Tôi không đặt đỉnh cao cho cá nhân, chỉ đặt mục tiêu cho dự án. Có phim đi thẳng ra rạp, có phim đi tới LHP, mỗi cái có con đường riêng. Tôi đi chợ dự án nhiều, gặp nhiều người hay ho rồi nên tôi không thấy mình giỏi đâu, có khi càng đi càng tự kỷ. Stress phết đấy!

Lần trước tôi gặp đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Điệp có tâm sự rằng hồi làm “Đập cánh giữa không trung”, chị ấy cứ bận tâm đến chuyện đàn ông đàn bà. Điệp nói, nếu chị ấy không luẩn quẩn với vấn đề này thì có thể phim đã khác hơn, nhiều phân đoạn có thể xử lý hay hơn… Ở trong một thế giới đàn ông áp đảo, chắc hẳn phụ nữ nào cũng có lần suy tư như thế, đúng không?

Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện giới tính. Có thể ở vị trí đạo diễn, cái suy nghĩ đó rõ hơn, còn tôi là nhà sản xuất thì khác. Logic của người đạo diễn phải khác góc nhìn của mình chứ! Không biết có phải do tính chất người nữ là bền bỉ dẻo dai, chịu áp lực tốt hay không, hay do công việc này nhàm chán không đủ thú vị cho đàn ông, song tôi biết có nhiều nhà sản xuất là nữ lắm. 

Chị có cảm thấy có lỗi không, khi không giữ cho con mình một người cha, mà bản thân mình lại quá bận?
Tôi càng ngày càng ý thức hơn chuyện mình phải dành thời gian cho con. Ngoài những lúc dịch chuyển, đi quay, đi họp, tôi sẽ dành hết thời gian bên con. Tôi nói chuyện với con như hai người bạn, tạo thói quen đó hằng tối. 

Sờ lương tâm một cái và nói thành thật đi, chị ngồi đây trả lời phỏng vấn khi con chị đang gửi bà ngoại đấy nhé!
(cười) Tôi nghĩ con tôi có đời sống thú vị đấy chứ, nó được dịch chuyển và sự dịch chuyển đó khá quan trọng, dạy cho con tôi khả năng quan sát nhanh hơn bạn bè cùng lứa. Còn chuyện mình có lỗi với con hay không, thì tôi xin phép kể một câu chuyện liên quan đến bố tôi. Bạn biết trong lòng tôi, bố là người mẫu mực thế nào rồi đấy. Bố luôn thương yêu chị em tôi, nhưng có một lần, tự dưng bố nói: “Sau này lớn lên, các con đừng trách móc bố mẹ”. Lúc ấy còn nhỏ, tôi chưa hiểu vì sao bố lại nói như thế. Giờ làm mẹ rồi, tôi mới hiểu, một đứa trẻ luôn có những mong chờ không được thỏa mãn, nó sẽ nhìn bạn bè xung quanh rồi so sánh. Đứa trẻ nào cũng có giai đoạn đó, rồi sẽ qua. 

Có lỗi với con không à? Chắc chắn có, vì sự dịch chuyển của mình. Còn chuyện không giữ cho con người cha, trong trường hợp của tôi, tôi không quyết định được. Đôi khi tôi gửi con đi, tiếng gọi ngoài kia chưa hẳn là cơm áo gạo tiền đâu, vì thực tế, làm phim độc lập thì không có tiền. Chỉ là đời sống của mình nó thế, hai mươi mấy năm nay rồi. Quả thật, có con làm công việc của mình cũng… bớt sướng đi, cứ canh cánh vì phải đem con đi gửi bà ngoại. Giờ cầm tới cái giải nào tôi cũng nhớ đến mẹ là vậy. 

Hơi phũ phàng, sau tất cả những vinh danh, nhưng cuối cùng chị có từng ngậm ngùi, à, tôi bị chồng bỏ?
À, đúng vậy mà! Tôi bị chồng bỏ thật mà. Nhưng cũng chả đánh đổi gì đâu, bạn đừng gài tôi nữa. 

Cám ơn chị vì cuộc trò chuyện! 

 

Bài NGUYỄN KHẮC NGÂN VI
Sản xuất HELLOS.
Nhiếp ảnh BINCIO
Trang điểm và làm tóc THẮNG TRẦN 
Trang phục LATUI ATELIER

 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP